/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Nghiên cứu về phát triển bền vững tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học

Nghiên cứu về phát triển bền vững tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học

01/04/2025 06:57 |3 ngày trước

(LSVN) - Bài viết phân tích khái niệm phát triển bền vững và các hướng nghiên cứu về phát triển bền vững, chứng minh rằng hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này đòi hỏi phải vận dụng kiến thức và phương pháp nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, trong đó bao gồm luật học. Bên cạnh đó, bài viết cũng phân tích các khái niệm tiếp cận đa ngành, liên ngành khoa học, từ đó suy rộng ra các khái niệm tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học. Từ khái niệm tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học và các hướng nghiên cứu về phát triển bền vững, tác giả đánh giá sự cần thiết, vai trò và gợi mở một số cách thức áp dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học trong nghiên cứu về một số nội dung quan trọng của phát triển bền vững.

Khái lược về phát triển bền vững và nghiên cứu về phát triển bền vững

Khái lược về phát triển bền vững

Phát triển bền vững là một khái niệm ngày càng trở nên quan trọng trong thế giới hiện đại. Nhìn từ góc độ mục đích, phát triển bền vững đề cập đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội để đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai(1). Chi tiết hơn, mục tiêu của phát triển bền vững là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với việc giảm bất bình đẳng xã hội và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tránh gây tổn hại không thể phục hồi cho môi trường sống(2).

Nhìn từ góc độ chiến lược, phát triển bền vững là việc bảo đảm sự cân bằng giữa ba yếu tố chính: kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó(3):

Phát triển bền vững về kinh tế hàm ý sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Điều này có nghĩa là cần phải thực hiện các biện pháp nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đầu tư vào công nghệ xanh và năng lượng tái tạo, đồng thời thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, có tính chất bền vững, không gây tổn hại đến môi trường và tiêu tốn tối thiểu tài nguyên. Bằng những cách đó, chúng ta có thể tạo ra sự thịnh vượng mà không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên cũng như không làm suy giảm hay phá hoại môi trường sống. Một số ví dụ phổ biến của phát triển bền vững về kinh tế là các chiến lược về sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm và phát triển hệ thống nông nghiệp hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thực phẩm mà không gây hại đến nguồn tài nguyên đất và nước(4).

Phát triển bền vững về xã hội hàm ý rằng bên cạnh việc thúc đẩy kinh tế, cần chú trọng cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Nói cách khác, phát triển kinh tế cần dựa trên nguyên tắc “bao trùm” (inclusive), để mọi người đều được hưởng lợi từ sự phát triển tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mà không có nhóm hay cá nhân nào bị gạt ra ngoài lề (hay “bị bỏ lại phía sau”). Điều này đòi hỏi phải bảo đảm giáo dục chất lượng cho mọi người dân, cung cấp dịch vụ y tế toàn diện và thúc đẩy bình đẳng giới và công bằng xã hội. Khi xã hội phát triển bền vững, mọi người đều có cơ hội để phát triển và đóng góp cho cộng đồng(5).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bảo vệ môi trường là một phần không thể thiếu của phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi phải giảm thiểu ô nhiễm và phát thải khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên. Bằng cách bảo vệ môi trường, chúng ta có thể bảo đảm rằng hệ sinh thái trên Trái đất có thể tiếp tục hỗ trợ cuộc sống của các thế hệ tương lai(6).

Tóm lại, phát triển bền vững có nội hàm đa diện và mở. Những khía cạnh nêu trên chưa phản ánh hết những chiều cạnh của phát triển bền vững mà có thể còn được mở rộng hơn trong tương lai. Phát triển bền vững hiện là một vấn đề cấp thiết, là một thách thức toàn cầu đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các quốc gia, tổ chức và cá nhân. Chỉ bằng cách cân bằng giữa phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường, chúng ta mới có thể xây dựng một tương lai bền vững cho các thế hệ sau. Trong nỗ lực chung đó, mỗi hành động nhỏ đều có thể góp phần tạo nên sự khác biệt lớn trong việc hướng tới một thế giới bền vững hơn.

Nghiên cứu về phát triển bền vững

Phát triển bền vững được cụ thể hóa qua 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) của Liên hợp quốc(7), bao gồm các lĩnh vực quan trọng như giảm nghèo, giáo dục, y tế, công bằng giới và hành động vì khí hậu... Chính vì vậy, có nhiều hướng nghiên cứu về phát triển bền vững, liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, trong đó bên cạnh những hướng nghiên cứu trực tiếp xoay quanh các lĩnh vực chủ yếu là kinh tế, xã hội và môi trường, còn có những hướng nghiên cứu mở rộng đến những vấn đề khác. Dưới đây là một số hướng nghiên cứu tiêu biểu:

Những hướng nghiên cứu trực tiếp xoay quanh các lĩnh vực chủ yếu là kinh tế, xã hội và môi trường:

Thứ nhất, nghiên cứu về phát triển kinh tế bền vững. Hướng nghiên cứu này hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, trong đó tập trung vào các vấn đề như:

- Mô hình kinh tế xanh: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm phân tích và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế dựa trên năng lượng tái tạo, giảm thiểu khí thải và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên(8).

- Mô hình kinh tế tuần hoàn: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm phân tích và xây dựng các chiến lược tái sử dụng, tái chế tài nguyên, giảm rác thải và tối ưu hóa chuỗi cung ứng sản xuất(9).

- Chuyển đổi năng lượng: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm tìm hiểu về các phương pháp thúc đẩy sự chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện(10).

Thứ hai, nghiên cứu về phát triển xã hội bền vững. Hướng nghiên cứu này hiện cũng đang được triển khai rộng rãi, trong đó tập trung vào các vấn đề như(11):

- Xóa đói giảm nghèo: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm tìm ra các biện pháp và xây dựng các chính sách hỗ trợ giảm thiểu đói nghèo bền vững, bảo đảm công bằng trong phân phối tài nguyên và thu nhập để không một cá nhân hay nhóm nào bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển. Việc này cũng bao gồm những nghiên cứu về xây dựng và hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội.

- Bình đẳng và công bằng về giới: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu về các chính sách và biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực lao động, giáo dục và chăm sóc y tế.

- Phát triển cộng đồng bền vững: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm tìm ra các sáng kiến và mô hình phát triển ở cấp địa phương, ví dụ như xây dựng các cộng đồng tự quản, với mức độ tham gia cao của các thành viên trong cộng đồng.

Thứ ba, nghiên cứu về bảo vệ môi trường. Hướng nghiên cứu này hiện đang đi sâu vào các vấn đề như(12):

- Quản lý tài nguyên thiên nhiên: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu về các phương pháp khai thác tài nguyên bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái, quản lý rừng và đất đai, phục hồi đất, bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn nước.

- Đối phó, thích ứng với biến đổi khí hậu: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các hệ sinh thái và cộng đồng, từ đó phát triển các chính sách, công nghệ để giảm thiểu khí thải nhà kính và phát triển các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Nông nghiệp bền vững: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm tìm hiểu về các phương pháp canh tác bền vững để bảo vệ đất đai, nước và đa dạng sinh học, ví dụ như nông nghiệp hữu cơ hoặc nông nghiệp không hóa chất.

- Quản lý chất thải: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm tìm ra các công nghệ và mô hình tái chế, tái sử dụng chất thải, quản lý chất thải rắn và nước thải, đặc biệt là ở các đô thị.

Bên cạnh đó, còn có những hướng nghiên cứu mở rộng đến những vấn đề khác có liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm:

Một là, phát triển đô thị bền vững: Đây là hướng nghiên cứu mới nổi lên trong khoảng vài thập kỷ gần đây, tuy nhiên ngày càng thu hút sự chú ý của các học giả. Hướng nghiên cứu này hiện đang tập trung vào một số vấn đề như(13):

- Quy hoạch đô thị xanh: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm xây dựng và phát triển các thành phố với hạ tầng bền vững, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon, đồng thời tăng cường các không gian xanh.

- Giao thông bền vững: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm tìm hiểu về các mô hình giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng điện và các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm không khí.

- Kiến trúc xanh: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm thiết kế các tòa nhà với hiệu suất tái sử dụng năng lượng cao, sử dụng các vật liệu tái chế hoặc thân thiện với môi trường.

- Đô thị thông minh: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm xây dựng các đô thị áp dụng những công nghệ hiện đại tiên tiến nhất giúp kết nối và tạo nên một hệ thống hữu cơ tổng thể để nâng cao chất lượng cuộc sống, phục vụ chính quyền và cải thiện cuộc sống cho người dân. Đô thị thông minh còn được hiểu là thành phố sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ IOT (Internet of Things) để thu thập dữ liệu, sau đó dùng dữ liệu này để quản lý tài sản và tài nguyên một cách hiệu quả, qua đó giúp giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường và thúc đẩy công bằng xã hội.

Hai là, quản trị nhà nước bền vững: Đây cũng là hướng nghiên cứu mới nổi lên trong khoảng vài thập kỷ gần đây, trong đó tập trung vào việc xem xét mối quan hệ giữa chính sách công và sự phát triển bền vững trên mọi phương diện. Hướng nghiên cứu này hiện đang tập trung vào một số vấn đề cụ thể như:

- Chính sách môi trường và khí hậu: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu về các khung chính sách và quy định quốc tế, quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

- Quản trị bền vững trong doanh nghiệp: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm tìm hiểu về cách thức các doanh nghiệp có thể tích hợp những chiến lược bền vững vào hoạt động kinh doanh, từ chuỗi cung ứng đến sản xuất và tiêu thụ.

- Vai trò của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu về sự hợp tác giữa các tổ chức quốc tế, chính phủ và xã hội trong việc triển khai và giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Ba là, khoa học - công nghệ và phát triển bền vững: Đây cũng là hướng nghiên cứu mới nổi lên trong khoảng vài thập kỷ gần đây, trong đó tập trung vào việc đánh giá vai trò của khoa học - công nghệ với việc thúc đẩy sự phát triển bền vững, đặc biệt là trên phương diện kinh tế và môi trường. Hướng nghiên cứu này hiện đang tập trung vào một số vấn đề cụ thể như:

- Công nghệ môi trường: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm tìm ra các công nghệ mới để bảo vệ môi trường, như công nghệ xử lý nước thải, năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, gió, thủy triều, thủy điện..) và giảm khí thải nhà kính. Cũng theo hướng này, còn có những nghiên cứu về cải thiện hiệu suất và khả năng lưu trữ năng lượng, phát triển lưới điện thông minh và hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả; phát triển vật liệu mới thân thiện với môi trường; phát triển công nghệ sạch trong sản xuất và tiêu dùng…

- Ứng dụng AI và dữ liệu lớn: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm khai thác tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn trong việc giám sát, dự đoán và phát triển các giải pháp bền vững, đặc biệt trong quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bốn là, giáo dục, truyền thông và phát triển bền vững: Đây cũng là hướng nghiên cứu mới nổi lên trong khoảng vài thập kỷ gần đây, trong đó tập trung vào việc đánh giá vai trò của giáo dục và truyền thông với việc nâng cao nhận thức của các chủ thể trong xã hội về sự phát triển bền vững, đặc biệt là trên phương diện môi trường. Hướng nghiên cứu này hiện đang tập trung vào một số vấn đề cụ thể như:

- Giáo dục vì phát triển bền vững: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu về các chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bền vững cho học sinh, sinh viên và cộng đồng, thúc đẩy lối sống thân thiện với môi trường.

- Truyền thông và phát triển bền vững: Thể hiện qua các công trình nghiên cứu nhằm khảo sát vai trò của truyền thông trong việc thay đổi nhận thức và hành vi của xã hội đối với các vấn đề của phát triển bền vững.

Trên đây là những hướng nghiên cứu trọng yếu đang được giới học giả trên thế giới và ở Việt Nam triển khai. Các hướng nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức chung mà nhân loại đang phải đối mặt, cũng như giúp định hình sự phát triển bền vững trên mọi cấp độ. Ngoài ra, sắp tới chắc chắn sẽ còn những hướng nghiên cứu tiềm năng khác mà có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững của các cộng đồng, quốc gia, dân tộc và nhân loại.

Tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học và ý nghĩa của nó trong nghiên cứu về phát triển bền vững

Khái lược về tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học

Tiếp cận (hay nghiên cứu) đa ngành (multidisciplinary approach): có thể hiểu là việc sử dụng các kiến thức, phương pháp và quan điểm từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau để giải quyết một vấn đề hoặc để nghiên cứu một sự vật, hiện tượng nào đó, thay vì chỉ giới hạn trong phạm vi một ngành khoa học nhất định(14). Thông qua việc khai thác và vận dụng các lý thuyết, dữ liệu và phương pháp nghiên cứu từ các ngành khoa học khác nhau, tiếp cận đa ngành giúp tạo ra một cái nhìn toàn diện, hệ thống và chi tiết hơn về vấn đề. Chính vì vậy, tiếp cận đa ngành thường được giới nghiên cứu sử dụng để giải quyết các vấn đề phức tạp, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, hay phát triển bền vững - là những vấn đề mà có sự giao thoa giữa khoa học môi trường, kinh tế, xã hội học, chính trị học, luật học... Dù vậy, tiếp cận đa ngành đòi hỏi phải có sự tổ chức và hợp tác tốt từ các nhà nghiên cứu thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau, để bảo đảm rằng họ có thể chia sẻ thông tin, cách tiếp cận, phương pháp và kết quả nghiên cứu, từ đó giúp đưa ra các giải pháp có tính chất tổng hợp và toàn diện về vấn đề.

Tiếp cận (hay nghiên cứu) liên ngành (interdisciplinary approach) cũng là việc sử dụng kiến thức, phương pháp và quan điểm của nhiều ngành khoa học khác nhau để tạo ra những hiểu biết mới hoặc giải quyết các vấn đề mà một ngành khoa học riêng lẻ không thể giải quyết một cách triệt để và thuyết phục(15). Tiếp cận liên ngành cũng được sử dụng để giải quyết các vấn đề phức tạp, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, y tế công cộng, quản lý tài nguyên hay phát triển bền vững - mà đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều ngành khác nhau như khoa học tự nhiên, xã hội học, kinh tế, luật và chính sách công.

Như vậy, xét về mặt hình thức, tiếp cận liên ngành dường như tương tự như tiếp cận đa ngành. Tuy nhiên, giữa hai cách tiếp cận này vẫn có sự khác biệt. Đầu tiên là về mức độ tích hợp, kết hợp. Khác với tiếp cận đa ngành, tiếp cận liên ngành không chỉ áp dụng kiến thức từ các lĩnh vực khác nhau mà còn kết hợp, tích hợp những kiến thức đó để tạo ra một quan điểm mới hoặc giải pháp sáng tạo. Thứ hai là về mức độ hợp tác và sáng tạo: tiếp cận liên ngành đòi hỏi mức độ hợp tác cao hơn, sâu hơn giữa các nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực khác nhau mà trong đó họ không chỉ chia sẻ kết quả mà còn thực sự làm việc cùng nhau, vượt qua giới hạn của từng ngành để tìm ra những cách tiếp cận mới(16). So sánh một cách cụ thể hơn, nếu như trong tiếp cận đa ngành, các chuyên gia của các ngành làm việc song song, ít có sự tích hợp hoặc kết nối sâu về mặt phương pháp và kiến thức, thì ngược lại, trong nghiên cứu liên ngành, kiến thức và phương pháp của các ngành được tích hợp, tạo ra những hiểu biết hoặc cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề.

Mặc dù có sự khác nhau nhất định, song tiếp cận đa ngành, liên ngành ngày càng trở nên quan trọng trong việc giải quyết những thách thức mới nảy sinh ở cấp độ quốc gia và toàn cầu, vì tính phức tạp và đa chiều của chúng.

Tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học về nguyên lý cũng giống như tiếp cận đa ngành, liên ngành khoa học được nêu ở trên, nhưng chỉ giới hạn trong các ngành luật (như luật hiến pháp, luật hành chính, luật kinh tế, luật dân sự, luật hình sự…). Trong thực tế, tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học thường được dùng để giải quyết một vấn đề pháp lý phức tạp mà nếu chỉ vận dụng những lý thuyết, kiến thức và phương pháp của riêng một ngành luật nào đó thì không đủ để đưa ra những luận điểm và giải pháp thuyết phục. Ví dụ, những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển (gồm phát triển bền vững), quyền con người… thường đồng thời được nghiên cứu bởi nhiều ngành luật và đòi hỏi cách tiếp cận liên ngành luật để có thể đề ra các chính sách và văn bản pháp luật phù hợp.

Tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học(multidisciplinary/ interdisciplinary legal studies) không phủ nhận mà chỉ bổ sung cho cách tiếp cận đa ngành, liên ngành khoa học mà trong đó luật học là một bên tham gia. Trong thực tế, các vấn đề như biến đổi khí hậu, y tế công cộng, quản lý tài nguyên hay phát triển bền vững vừa được tiếp cận đa ngành, liên ngành khoa học, vừa được tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học, mà trong đó từ phương diện pháp luật, cái thứ hai bổ sung góc nhìn toàn diện, sâu sắc hơn từ phương diện luật học cho cái thứ nhất. Ví dụ: Khi nghiên cứu về quyền con người, các nhà nghiên cứu có thể sử dụng cách tiếp cận của xã hội học, tâm lý học và luật học để hiểu rõ hơn về tính đa diện của quyền con người và những cách thức bảo vệ, bảo đảm hiệu quả quyền con người (tiếp cận đa ngành/liên ngành khoa học xã hội). Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng có thể sử dụng những lý thuyết và phương pháp đặc trưng của các ngành luật hiến pháp, hành chính, hình sự, dân sự… để hiểu rõ hơn vai trò của pháp luật, cũng như những cách thức mà luật pháp có thể ghi nhận và bảo vệ các quyền con người (tiếp cận đa ngành/liên ngành luật học). Hai hướng tiếp cận đó rõ ràng bổ sung, hỗ trợ cho nhau.

Ý nghĩa của tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học với việc nghiên cứu về phát triển bền vững

Như đã đề cập ở trên, hiện đã có nhiều hướng nghiên cứu về phát triển bền vững và trong tương lai có thể còn có thêm những hướng nghiên cứu mới, về những khía cạnh mới của vấn đề phức tạp và rộng lớn đó.

Tính chất rộng lớn, phức tạp của phát triển bền vững biến nó trở thành một trong những ví dụ điển hình của việc áp dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu, bao gồm cả tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học và các ngành khoa học xã hội khác, và tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học.

Ví dụ, liên quan đến tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học và các ngành khoa học xã hội khác, khi nghiên cứu về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, các nhà khoa học thường tích hợp kiến thức từ luật học, kinh tế học, chính trị học, xã hội học, tâm lý học và khoa học môi trường để phát triển các mô hình mới, không chỉ giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mà còn cân bằng với sự phát triển kinh tế và các vấn đề chính trị, xã hội của quốc gia. Bên cạnh đó, các nhà luật học cũng tích hợp kiến thức từ các ngành luật như luật hiến pháp, luật hành chính, luật dân sự, luật hình sự, luật đất đai, luật môi trường… để đề xuất những giải pháp toàn diện trong chính sách, pháp luật nhằm phù hợp với bối cảnh thực tế của mỗi cộng đồng.

Tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học và các ngành khoa học xã hội: Thực tế cho thấy, tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học và các ngành khoa học xã hội khác trong nghiên cứu về phát triển bền vững thường thể hiện dưới các dạng thức như:

(i) Luật và Kinh tế học (Law and Economics): Việc kết hợp luật và kinh tế học giúp nghiên cứu cách thức các quy định pháp luật và các công vụ, đòn bẩy về kinh tế có ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững.

(ii) Luật và Xã hội học (Law and Sociology): Việc kết hợp giữa luật học và xã hội học giúp tìm hiểu về sự tác động qua lại giữa hệ thống pháp luật và các vấn đề xã hội nảy sinh trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, như bảo vệ môi trường, xoá bỏ bất bình đẳng giới, thúc đẩy sự công bằng xã hội...

(iii) Luật và Tâm lý học (Law and Psychology): Việc kết hợp giữa luật và tâm lý học giúp đi sâu khảo sát các vấn đề như nhận thức, hành vi và quyết định của con người trong bối cảnh xây dựng và thực thi pháp luật về phát triển bền vững, chẳng hạn như sự công bằng trong chính sách xã hội, hay các chế tài với những hành vi phá hoại môi trường.

(iv) Luật và Chính trị học (Law and Political Science): Việc kết hợp giữa luật và chính trị học giúp nghiên cứu sự tác động của pháp luật và hệ thống chính trị đến việc cam kết và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cũng như cách thức mà các chính sách, quyết định chính trị ảnh hưởng đến việc xây dựng và thực thi pháp luật về phát triển bền vững.

Thông qua việc áp dụng kiến thức của luật học với các ngành khoa học khác như kinh tế, xã hội học, môi trường học, khoa học chính trị…, các nhà làm luật có thể xây dựng một khung pháp lý toàn diện để hỗ trợ sự phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo đảm công bằng xã hội. Ví dụ, khi xây dựng luật về quản lý tài nguyên thiên nhiên, luật học có thể sử dụng dữ liệu và kiến thức từ khoa học môi trường để hiểu về sự khan hiếm tài nguyên hoặc ảnh hưởng của ô nhiễm với môi trường tự nhiên. Điều này giúp xác định các giới hạn hợp lý trong việc khai thác tài nguyên hoặc các yêu cầu pháp lý trong việc bảo vệ môi trường. Một ví dụ khác đó là, khi nghiên cứu về các quy định giảm phát thải khí nhà kính, các nhà lập pháp có thể sử dụng lý thuyết kinh tế để đánh giá chi phí và lợi ích của các biện pháp giảm thiểu, từ đó có thể phát triển các cơ chế như thuế carbon hoặc giao dịch hạn ngạch khí thải (cap-and-trade). Hoặc, khi nghiên cứu về tác động của phát triển bền vững đối với các cộng đồng dân cư, đặc biệt là các nhóm yếu thế, các nhà luật học có thể dựa vào các nghiên cứu xã hội học để hiểu rõ về sự bất bình đẳng, di cư do biến đổi khí hậu, hay các vấn đề công bằng xã hội, từ đó đề ra những chính sách pháp luật về bảo trợ xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp một cách phù hợp.

Tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học: Thực tế cho thấy tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học trong nghiên cứu về phát triển bền vững thường thể hiện dưới dạng mở rộng hơn so với tiếp cận liên ngành luât học và các khoa học xã hội khác. Tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học đồng thời liên kết hầu như tất các ngành luật (luật hiến pháp, luật hành chính, luật dân sự, luật hình sự và luật kinh tế, luật quốc tế..), tuy mức độ tham gia của mỗi ngành luật ít nhiều khác nhau. Điều đó là bởi để hiểu một cách toàn diện và sâu sắc các vấn đề pháp lý về phát triển bền vững, nhất thiết phải xem xét từ nhiều ngành luật. Đối với hầu hết các vấn đề của phát triển bền vững, chỉ khi kết hợp các kiến thức và phương pháp từ nhiều ngành luật, các nhà luật học mới có thể đưa ra các chính sách và quy phạm pháp luật phù hợp nhất với bối cảnh thực tế. Không chỉ vậy, thông qua tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học, các nhà luật học có thể phát triển các khung lý thuyết hoặc ở mức độ hạn chế hơn, đó là tạo ra các khái niệm, mô hình pháp lý mới để phản ánh các thay đổi trong xã hội và hệ thống pháp luật mà có liên quan đến phát triển bền vững.

Tương tự như tiếp cận đa ngành và liên ngành khoa học nói chung, tiếp cận đa ngành luật học (multidisciplinary legal studies) là việc áp dụng kiến thức từ các ngành luật khác nhau để phân tích hoặc làm rõ các khía cạnh pháp lý của một vấn đề hay sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, việc áp dụng kiến thức của các ngành luật thường được thực hiện một cách độc lập, không nhất thiết tích hợp kiến thức từ các ngành luật khác, mà chỉ sử dụng chúng để bổ trợ cho nghiên cứu ngành luật chính yếu. Ví dụ: Khi nghiên cứu về quyền con người, nhà nghiên cứu có thể sử dụng các kiến thức của luật tư (luật dân sự, luật kinh doanh) để hiểu rõ hơn về tác động của luật pháp lên các quyền con người. Tuy nhiên, trọng tâm của nghiên cứu quyền con người là các chuyên ngành luật công (luật hiến pháp, luật hành chính, luật hình sự…), các kiến thức từ luật tư có thể không cần tích hợp mà chỉ cần sử dụng như những công cụ bổ sung. Tuy nhiên, đối với cách tiếp cận liên ngành trong luật học, nhà nghiên cứu không chỉ áp dụng các kiến thức và phương pháp từ các ngành luật công, mà còn tích hợp với các kiến thức và phương pháp từ các ngành luật tư để tạo ra những cách nhìn và giải pháp mới cho việc bảo đảm các quyền con người.

Tóm lại, áp dụng cách tiếp cận đa ngành và liên ngành luật học vào nghiên cứu về phát triển bền vững có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó cho phép các nhà nghiên cứu và nhà lập pháp nhìn nhận và giải quyết các vấn đề pháp lý phức tạp liên quan đến môi trường, kinh tế và xã hội một cách toàn diện hơn. Dưới đây là những ý nghĩa cụ thể của việc áp dụng hai cách tiếp cận này trong bối cảnh nghiên cứu phát triển bền vững:

Cách tiếp cận đa ngành luật học giúp tập hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực pháp luật để giải quyết những vấn đề phức tạp của phát triển bền vững. Phát triển bền vững liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như luật môi trường, luật kinh tế, luật lao động, luật quốc tế, và luật hiến pháp, luật hành chính, luật nhân quyền... Cách tiếp cận đa ngành giúp các nhà nghiên cứu áp dụng các kiến thức từ những lĩnh vực pháp luật này để phân tích và đề xuất các quy định pháp luật liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tiếp cận đa ngành luật học còn giúp tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề từ nhiều góc độ. Ví dụ, một nghiên cứu pháp luật về giảm thiểu khí thải nhà kính có thể sử dụng những kiến thức từ luật môi trường để đánh giá mức độ ô nhiễm, kết hợp với luật kinh tế để phân tích chi phí-lợi ích của các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.

Cách tiếp cận liên ngành luật học cũng giúp tích hợp kiến thức luật học để phát triển khung pháp lý toàn diện về phát triển bền vững. Tuy nhiên, khác với cách tiếp cận đa ngành, nghiên cứu liên ngành luật học không chỉ sử dụng kiến thức từ nhiều lĩnh vực pháp luật mà còn tích hợp chúng để tạo ra các giải pháp và khung pháp lý mới. Ví dụ, trong nghiên cứu liên ngành luật học về phát triển bền vững, có thể kết hợp kiến thức của luật môi trường, luật kinh tế, luật hành chính, luật hình sự… để tạo ra các khung khổ pháp lý có khả năng cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo đảm sự phát triển hài hòa, ổn định của các mối quan hệ xã hội. Tiếp cận liên ngành luật học cũng giúp giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình phát triển một cách hiệu quả hơn. Như đã đề cập, phát triển bền vững là một lĩnh vực có tính chất đa chiều, liên quan đến các yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường. Thông qua việc sử dụng cách tiếp cận liên ngành luật học, các nhà nghiên cứu có thể phát triển các chế định và quy phạm pháp luật mang tính hệ thống, không chỉ giải quyết các vấn đề phát triển trong ngắn hạn mà còn bảo đảm lợi ích lâu dài cho môi trường và xã hội. Ví dụ, trong lĩnh vực bảo vệ rừng, việc kết hợp các kiến thức từ luật hành chính và luật đất đai, luật môi trường giúp tạo ra khung pháp lý toàn diện hơn để bảo vệ đa dạng sinh học, trong khi kết hợp với các nguyên tắc của luật kinh tế sẽ giúp phát triển chính sách pháp luật linh hoạt và khả thi nhằm bảo đảm nguồn lực tài chính bền vững cho bảo vệ môi trường, chẳng hạn chế định thuế hay việc thanh toán dịch vụ môi trường.

Để áp dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học trong phát triển bền vững, cần phân tích những vấn đề của phát triển bền vững từ góc độ của từng ngành luật khác nhau, qua đó xác định cách thức mà mỗi ngành luật có thể đóng góp bổ sung kiến thức cho công trình nghiên cứu chung. Tiếp theo đó, cần sử dụng các lý thuyết, phương pháp và dữ liệu của các ngành luật để hiểu sâu hơn về bối cảnh pháp lý của vấn đề. Thực tế cho thấy, trong nghiên cứu về phát triển bền vững, các ngành luật kinh tế, luật môi trường hay luật nhân quyền có thể cung cấp những khía cạnh bổ sung quan trọng cho những nghiên cứu mà luật hành chính hay luật hình sự là cách tiếp cận chủ yếu. Sau khi thu thập dữ liệu và phân tích từ các ngành luật khác nhau, những thông tin này có thể được dùng để xây dựng hoặc điều chỉnh các quy định pháp luật về phát triển bền vững sao cho phù hợp hơn với thực tiễn, thể hiện tính chất toàn diện và cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội. Ví dụ, khi nghiên cứu xây dựng chính sách pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo, các nhà nghiên cứu có thể kết hợp lý thuyết của luật kinh tế và luật môi trường để đề xuất các chính sách thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch, cũng như các chính sách ưu đãi về thuế hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Hoặc có thể kết hợp kiến thức của luật nhân quyền với kiến thức về luật bảo trợ xã hội để xây dựng các chính sách bảo trợ xã hội phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và hỗ trợ tốt nhất cho các nhóm yếu thế trong xã hội.

Kết luận

Phát triển bền vững được thể hiện qua những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) do Liên hợp quốc khởi xướng, gắn với các vấn đề như biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế xã hội công bằng. Tất cả những vấn đề này đều liên quan đến luật pháp. Vì vậy, cách tiếp cận đa ngành, liên ngành trong luật học và khoa học nói chung, tiếp cận đa ngành, liên ngành trong luật học nói riêng cho phép tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào hệ thống pháp luật một cách toàn diện, hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc áp dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học về phát triển bền vững giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu pháp luật và xây dựng các chính sách pháp luật toàn diện, cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo đảm công bằng xã hội. Những phương pháp này không chỉ giúp giải quyết các vấn đề phức tạp trong thực tiễn mà còn giúp xây dựng một hệ thống pháp luật toàn diện, linh hoạt và thích ứng với những thay đổi toàn cầu. Không chỉ vậy, tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học trong phát triền bền vững còn giúp tăng cường sự phối hợp giữa nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân. Nói cách khác, trong các chiến lược phát triển bền vững, tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học có thể đóng vai trò cầu nối giữa khu vực công và tư. Sử dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học giúp xác định trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên quan trong việc bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng.

(1) Xem United Nations, The Sustainable Development Agenda, https://www.un.org/sustainabledevelopment/development- agenda-retired/#:~:text=%E2%97%8F,future%20for%20people%20and%20planet. Cũng xem Mensah, J., & Ricart Casadevall, S. (2019). Sustainable development: Meaning, history, principles, pillars, and implications for human action: Literature review. Cogent Social Sciences, 5(1). https://doi.org/10.1080/23311886.2019.1653531

(2) Xem thêm Sachs JD, Kroll C, Lafortune G, Fuller G, Woelm F. References. In: Sustainable Development Report 2022. Cambridge University Press; 2022:77-82.

(3) Xem ECOSOC, Promoting Sustainable Development, https://ecosoc.un.org/en/what-we-do/promoting-sustainable- development

(4) Xem United Nations, Promote inclusive and sustainable economic growth, employment and decent work for all, https://www. un.org/sustainabledevelopment/economic-growth/. Xem thêm Helsinki Business College, Economic Sustainable Development, https://keke.bc.fi/Kestava-kehitys/english/economic-sustainable-development/

(5) Xem United Nations, Social Sustainability, https://unglobalcompact.org/what-is-gc/our-work/social. Xem thêm Helsinki Business College, Social Sustainable Development,https://keke.bc.fi/Kestava-kehitys/english/social-sustainable-development/

(6) Xem United Nations, Environment for Sustainable Development Programme, https://uncrd.un.org/content/environment. thêm Helsinki Business College, Environmental Sustainability, https://keke.bc.fi/Kestava-kehitys/english/environmental- sustainability/

(7) United Nations, THE 17 GOALS, https://sdgs.un.org/goals

(8) United Nations, Green Economy, https://www.unep.org/regions/asia-and-pacific/regional-initiatives/supporting-resource- efficiency/green-economy

(9) United Nations, Circular Economy, https://www.un.org/sites/un2.un.org/files/circular_economy_14_march.pdf.

(10) United Nations, GOAL 7: Affordable and clean energy, https://www.unep.org/topics/sustainable-development-goals/why-do- sustainable-development-goals-matter/goal-7-affordable

(11) Xem Barron,Patrick John; Cord,Louise J.; Cuesta Leiva,Jose Antonio; Espinoza,Sabina Anne; Larson,Gregory Michael; Woolcock,Michael. Social Sustainability and the Development Process : What Is It, Why Does It Matter, and How Can It Be Enhanced. Policy Research working paper ; No. WPS 10487 Washington, D.C. : World Bank Group. http://documents.worldbank. org/curated/en/099741206152335619/IDU07170b25f089b00406f0b6a40c67d0a1670b5

(12) Xem UNEP 2013. Embedding the Environment in Sustainable Development Goals. UNEP Post-2015 Discussion Paper1. United Nations Environment Programme (UNEP), Nairobi, at http://www.unep.org/pdf/embedding-environments-in-SDGs-v2.pdf

(13) Xem OECD (2007) Competitive Cities: A New Entre- preneurial Paradigm in Spatial Development,. OECD Publishing, Paris. OECD (2012). Cũng xem OECD (2015) Governing the City, OECD Publishing,Paris.

(14) Xem thêm Open University, Multidisciplinary study: the value and benefits, https://www.open.edu/openlearn/education- development/multidisciplinary-study-the-value-and-benefits/content-section-2

(15) Xem thêm NSF, Learn About Interdisciplinary Research, https://new.nsf.gov/funding/learn/research-types/learn- about-interdisciplinary-research#:~:text=Facilitating%20Interdisciplinary%20Research%20%3A-,Interdisciplinary%20 research%3A,by%20teams%20or%20by%20individuals.

(16) Xem thêm, THE, Interdisciplinary vs multidisciplinary and convergence research, https://www.timeshighereducation.com/ campus/interdisciplinary-vs-multidisciplinary-and-convergence-research

Tài liệu tham khảo:

1. Barron,Patrick John; Cord,Louise J.; Cuesta Leiva,Jose Antonio; Espinoza,Sabina Anne; Larson,Gregory Michael; Woolcock,Michael. Social Sustainability and the Development Process : What Is It, Why Does It Matter, and How Can It Be Enhanced. Policy Research working paper ; No. WPS 10487 Washington, D.C. : World BankGroup. http:// documents.worldbank.org/curated/en/099741206152335619/IDU07170b25f089b00406f0b6a40c67d0a1670b5

2. ECOSOC, Promoting Sustainable Development, https://ecosoc.un.org/en/what-we-do/promoting-sustainable- development

3. Helsinki Business College, Economic Sustainable Development, https://keke.bc.fi/Kestava-kehitys/english/ economic-sustainable-development/

4. Helsinki Business College, Environmental Sustainability, https://keke.bc.fi/Kestava-kehitys/english/environmental- sustainability/

5. Helsinki Business College, Social Sustainable Development,https://keke.bc.fi/Kestava-kehitys/english/social- sustainable-development/

6. Mensah, J., & Ricart Casadevall, S. (2019). Sustainable development: Meaning, history, principles, pillars, and implications for human action: Literature review. Cogent Social Sciences, 5(1). https://doi.org/10.1080/23311 886.2019.1653531

7. NSF, Learn About Interdisciplinary Research, https://new.nsf.gov/funding/learn/research-types/learn-about- interdisciplinary-research#:~:text=Facilitating%20Interdisciplinary%20Research%20%3A-,Interdisciplinary%20 research%3A,by%20teams%20or%20by%20individuals.

8. OECD (2007) Competitive Cities: A New Entre- preneurial Paradigm in Spatial Development. OECD Publishing, Paris. OECD (2012).

9. OECD (2015) Governing the City, OECD Publishing,

10. Open University, Multidisciplinary study: the value and benefits, https://www.open.edu/openlearn/education- development/multidisciplinary-study-the-value-and-benefits/content-section-2

11. Paris.

12. Sachs JD, Kroll C, Lafortune G, Fuller G, Woelm F. References, in: Sustainable Development Report 2022. Cambridge University Press; 2022:77-82.

13. THE, Interdisciplinary vs multidisciplinary and convergence research, https://www.timeshighereducation.com/ campus/interdisciplinary-vs-multidisciplinary-and-convergence-research.

14. UNEP 2013. Embedding the Environment in Sustainable Development Goals. UNEP Post-2015 Discussion Paper1. United Nations Environment Programme (UNEP), Nairobi, at http://www.unep.org/pdf/embedding-environments- in-SDGs-v2.pdf

15. United Nations, Circular Economy, https://www.un.org/sites/un2.un.org/files/circular_economy_14_march.pdf

16. United Nations, Environment for Sustainable Development Programme, https://uncrd.un.org/content/ environment .

17. United Nations, GOAL 7: Affordable and clean energy, https://www.unep.org/topics/sustainable-development- goals/why-do-sustainable-development-goals-matter/goal-7-affordable

18. United Nations, Green Economy, https://www.unep.org/regions/asia-and-pacific/regional-initiatives/supporting- resource-efficiency/green-economy

19. United Nations, Promote inclusive and sustainable economic growth, employment and decent work for all, https://www.un.org/sustainabledevelopment/economic-growth/.

20. United Nations, Social Sustainability, https://unglobalcompact.org/what-is-gc/our-work/social.

21. United Nations, THE 17 GOALS, https://sdgs.un.org/goals

22. United Nations, The Sustainable Development Agenda, https://www.un.org/sustainabledevelopment/ development-agenda-retired/#:~:text=%E2%97%8F,future%20for%20people%20and%20planet.

GS.TS VŨ CÔNG GIAO
Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Các tin khác