Thời gian gần đây, tiền điện tử đã trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trong lĩnh vực tài chính. Sự phát triển nhanh chóng của tiền điện tử đã thúc đẩy nhiều quốc gia trên thế giới nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý để quản lý và phát triển lĩnh vực này[1]. Tại Việt Nam, mặc dù tiền điện tử đang nhận được sự quan tâm lớn, nhưng vẫn chưa có khung pháp lý đầy đủ để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản số[2].

Ảnh minh họa.
1. Tình hình quản lý tiền điện tử trên thế giới và tại Việt Nam:
1.1. Kinh nghiệm quốc tế
Trên thế giới, có thể chia chính sách quản lý tiền điện tử của các quốc gia thành 03 nhóm chính:
Nhóm hợp pháp hóa và quản lý chặt chẽ: Các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Singapore đã có những bước tiến đáng kể trong việc thiết lập khung pháp lý để kiểm soát hoạt động liên quan đến tiền điện tử. Mỹ áp dụng quy định giám sát chặt chẽ đối với sàn giao dịch, yêu cầu tuân thủ luật chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT). Nhật Bản công nhận tiền điện tử là tài sản pháp lý và yêu cầu các sàn giao dịch phải đăng ký với cơ quan quản lý tài chính. Singapore với chính sách cởi mở đã đưa ra luật Thanh toán (Payment Services Act), cung cấp khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử.
Nhóm cấm hoàn toàn hoặc hạn chế nghiêm ngặt: Một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để kiểm soát tiền điện tử. Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đối với hoạt động khai thác và giao dịch tiền điện tử trong nước, đồng thời thúc đẩy việc phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).
Nhóm chưa có khung pháp lý rõ ràng: Một số quốc gia, bao gồm Việt Nam, vẫn chưa có khung pháp lý chính thức để điều chỉnh tiền điện tử. Việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng dẫn đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và làm chậm quá trình đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.
1.2. Thực trạng quản lý tiền điện tử tại Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam chưa có một khung pháp lý đầy đủ để điều chỉnh tiền điện tử và các hoạt động liên quan. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tiền điện tử không được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp, và mọi hành vi phát hành, cung ứng hoặc sử dụng tiền điện tử làm phương tiện thanh toán đều bị cấm. Tuy nhiên, trong thực tế, thị trường tiền điện tử tại Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ với số lượng nhà đầu tư cá nhân ngày càng gia tăng, bất chấp những rủi ro về pháp lý và bảo vệ quyền lợi.
So với các quốc gia khác, chính sách quản lý tiền điện tử của Việt Nam vẫn còn khá thận trọng. Trong khi các nước như Mỹ, Nhật Bản, Singapore đã xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng nhằm quản lý, giám sát và tận dụng tiềm năng của tiền điện tử, Việt Nam vẫn chưa có các quy định cụ thể về giao dịch, đầu tư, thuế hay quản lý sàn giao dịch tiền điện tử. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều sàn giao dịch quốc tế hoạt động tại Việt Nam mà không chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý, tạo ra nguy cơ về gian lận, lừa đảo và rửa tiền.
Tại Việt Nam, tiền điện tử chưa được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có các quy định cấm phát hành, cung ứng và sử dụng tiền điện tử trong thanh toán. Tuy nhiên, thị trường tiền điện tử vẫn phát triển mạnh mẽ với số lượng nhà đầu tư ngày càng gia tăng, đặt ra yêu cầu cấp thiết về một khung pháp lý rõ ràng.
2. Định hướng chính sách quản lý tiền điện tử tại Việt Nam
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tài sản kỹ thuật số, tài sản ảo,... Thực tế ở các nước chưa công nhận và cấm tài sản ảo như Trung Quốc và Morocco dù cấm nhưng số lượng người dùng tiền kỹ thuật số vẫn còn nhiều; điều này đã cho thấy rằng việc cấm tiền điện tử là không hoàn toàn khả thi, trong khi đó nếu không giám sát chặt chẽ tài sản tiền điện tử thì có thể dẫn đến nhiều rủi ro. Vì vậy việc xây dựng một khung pháp lý phù hợp để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo nói chung và tiền điện tử nói riêng là rất cần thiết ở Việt Nam. Sau đây là một số giải pháp cho Nhà nước để hoàn thiện pháp luật về tiền điện tử:
Thứ nhất, Nhà nước có thể sử dụng Bộ luật Dân sự (BLDS) để đưa ra định nghĩa, điều chỉnh những vấn đề liên quan đến tài sản ảo. Tài sản ảo có thể được coi là một loại tài sản đặc biệt “phi truyền thống”. Có rất nhiều loại tài sản ảo nhưng học tập kinh nghiệm của các nước công nhận, Nhà nước ta chỉ nên tập trung vào tài sản tiền điện tử. Lí do là vì các loại tài sản ảo khác như hàng hóa ảo trong game trực tuyến,... có mức sử dụng rất ít, không ảnh hưởng đến kinh tế xã hội nhiều và không có các rủi ro đáng kể. Ngoài ra Nhà nước cũng nên phân loại các loại tài sản ảo như các quy định của Mỹ và Nhật Bản nhằm mục đích có những chính sách phù hợp, cũng như để khai thác được công dụng khác nhau của các loại tài sản ảo.
Thứ hai, ngoài BLDS thì Nhà nước cũng cần đưa ra những quy định cụ thể về tiền ảo trong quy định pháp luật về tín dụng - ngân hàng. Giống như các quốc gia khác, Nhà nước ta trong hiện tại và tương lai chưa công nhận tiền ảo, tiền điện tử là một loại tiền tệ. Nhưng pháp luật tín dụng - ngân hàng có thể coi tiền ảo, tiền điện tử là một phương thức thanh toán thay thế trong một số trường hợp cụ thể, chẳng hạn như Nhật Bản quy định các loại tài sản mã hóa loại I có thể được thực hiện chức năng thanh toán hay Nga cho phép các giao dịch tiền điện tử nhưng cấm chúng làm phương tiện thanh toán và dịch vụ.
Thứ ba, Nhà nước ta cũng phải đưa ra những quy định để phòng chống rủi ro trong giao dịch tiền điện tử. Các quy định về giao dịch tiền ảo, tiền điện tử phải tuân thủ quy định về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của FATF. Qua việc tìm hiểu việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản ở các quốc gia trên thế giới, ta có thể thấy rằng các nước đều đưa ra rất nhiều chính sách liên quan đến vấn đề này, vậy nên Nhà nước cũng phải đặc biệt lưu ý. Trước hết, Nhà nước ta phải đưa ra những chính sách về phạt hành chính, chịu trách nhiệm hình sự. Luật Phòng chống rửa tiền phải có những quy định chặt chẽ về các biện pháp ngăn chặn, xử lý với những cá nhân, tổ chức có hành vi rửa tiền. Bộ luật Hình sự quy định những hình phạt cho các tội phạm liên quan đến tiền ảo như rửa tiền, tài trợ khủng bố,... Ngoài ra, cũng có những biện pháp xử lý với những hành vi giao dịch tiền ảo, tiền điện tử trái với quy định (Canada, Nhật). Ngân hàng nhà nước phải giám sát chặt chẽ các giao dịch liên quan đến tiền điện tử.
Thứ tư, Nhà nước cần đưa ra quy định về thuế. Nhà nước cần đánh thuế đối với các giao dịch tài sản ảo, tiền ảo. Cụ thể, thu nhập có được từ các hoạt động liên quan đến tài sản ảo phải chịu thuế TNDN hoặc thuế TNCN tùy thuộc vào việc người nộp thuế là công ty hay cá nhân như ở Nhật. Ngoài ra, việc xử lý thuế cũng cần được thường xuyên hướng dẫn thông qua ban hành các văn bản dưới luật như thông tư, nghị định. Nhà nước ta cũng cần đánh thuế cụ thể cho tiền ảo riêng, tài sản ảo riêng như ở Mỹ.
Thứ năm, Nhà nước cần đưa ra quy định về bảo vệ người tiêu dùng. Học tập kinh nghiệm ở Nhật Bản, ta có thể thiết lập hệ thống bảo mật thông tin hay quản lý riêng tiền hoặc tiền ảo của khách hàng với tiền của doanh nghiệp; hay như ở Canada, các doanh nghiệp cần công khai, minh bạch, trung thực trong các thông tin cung cấp cho khách hàng, các nhà cung cấp cũng phải áp dụng quy trình Nhận biết khách hàng (KYC) cho mục đích chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Việc có quy định cụ thể để bảo vệ người tiêu dùng sẽ giúp giải quyết hạn chế “chảy máu chất xám” khi nhiều doanh nghiệp có xu hướng đầu tư tài sản ảo ở nước ngoài vì Việt Nam chưa có quy định. Việc quy định bảo vệ người tiêu dùng trong pháp luật điều chỉnh tài sản ảo tại Việt Nam sẽ khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp tham gia giao dịch tài sản ảo trong nước nhằm thúc đẩy nền kinh tế của đất nước.
Thứ sáu, quy định về điều kiện đăng ký hoạt động liên quan đến tài sản ảo cần phải được đưa ra đối với các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu. Các tổ chức hay cá nhân thực hiện các dịch vụ liên quan đến tài sản ảo phải đáp ứng các điều kiện do pháp luật đưa ra mới được cấp phép hoạt động; nếu không tuân thủ các quy định về điều kiện cấp phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Học tập các quy định của Canada đã chỉ ra rất rõ các điều kiện cấp phép hoạt động, cụ thể các công ty phải đăng ký kinh doanh và đủ điều kiện mới đc phép phát hành đồng tiền riêng hay lập sàn giao dịch, hơn nữa cần phải trải qua giai đoạn thử nghiệm và sau khi cơ quan chức năng đánh giá, xem xét là đạt yêu cầu mới có thể đi vào hoạt động thực tế, các ICO chưa đăng ký phải được coi là bất hợp pháp và những người vi phạm phải chịu phạt hành chính hoặc phạt hình sự.
3. Tính khả thi của việc hợp thức hóa tiền điện tử tại Việt Nam
Hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển là xu thế tất yếu của kinh tế thế giới. Là một trong những mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, việc hợp pháp hóa tiền điện tử nhằm tạo hành lang thông thoáng cho các giao dịch thương mại có các thỏa thuận liên quan đến tiền điện tử. Bất kể một nguồn lực phát triển kinh tế nào cũng không nên bị bỏ qua và xuất phát từ một trong những vai trò của tiền điện tử, đó là thu hút nhà đầu tư. Việc thiết lập nên các quy chế pháp lý rõ ràng điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tiền điện tử sẽ khuyến khích các nhà đầu tư có nhu cầu tham gia vào thị trường tiền điện tử. Để từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Mặt khác, bất kể nhà đầu tư nào khi tham gia vào một môi trường pháp lý kinh doanh nào đó, trong bối cảnh là môi trường kinh doanh sử dụng tiền điện tử thì tính an toàn về mặt lý sẽ được bảo vệ như thế nào. Để đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi này của nhà đầu tư thì các quy định pháp luật điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến tiền điện tử cần phải được đặt ra, mà trong đó có các quy định bảo vệ nhà đầu tư như bảo vệ họ khỏi các hành vi lừa đảo và gian lận.
Thêm vào đó, khi các quy định điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến tiền điện tử được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật, có giá trị bắt buộc thi hành thì tính công khai, minh bạch sẽ được tăng lên một cách tối đa. Những rủi ro liên quan đến các giao thương có sử dụng tiền điện tử được các nhà lập quy lường trước được giúp nhà đầu tư giảm thiểu được rủi ro trong hoạt động kinh doanh, thương mại của chính mình.
Dưới góc độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính thì một trong những nội dung quan trọng của hoạt động này, đó chính là đối phó với các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế và tài trợ khủng bố. Việc hợp thức hóa tiền điện tử không chỉ hạn chế tối đa việc lợi dụng tiền điện tử - một phương tiện thanh toán chưa được ghi nhận để thực hiện hành vi phạm tội mà còn tận dụng cả những ưu thế của nó để ngăn chặn và ứng phó cả với những hành vi phạm tội “truyền thống” trong lĩnh vực tài chính.
Cuối cùng, kinh tế tuần hoàn – một xu thế kinh tế đang chịu sự tác động, thúc đẩy mạnh mẽ của chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ blockchain là một đòi hỏi phát sinh. Do đó, việc hợp thức hóa tiền điện tử sẽ là hoạt động gián tiếp tạo điều kiện cho việc tận dụng lợi thế, tiềm năng của blockchain vào công tác quản lý tài chính và tiền đề cho việc mở rộng sang cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Tóm lại, việc hợp thức hóa tiền điện tử là điều cần thiết để đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi khách quan của đời sống xã hội. Một lộ trình hợp thức hóa tiền điện tử cần phải được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để từng bước hoàn thiện, đưa vào thực tiễn đời sống pháp luật.
4. Kết luận
Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu và ban hành khung pháp lý phù hợp để quản lý tiền điện tử, nhằm đảm bảo tính minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển nền kinh tế số. Việc hợp thức hóa tiền điện tử cần được thực hiện có lộ trình, kết hợp với các biện pháp giám sát tài chính và an ninh mạng nhằm giảm thiểu rủi ro và tạo điều kiện phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo
1. Financial Action Task Force (FATF), "Guidance for a Risk-Based Approach to Virtual Assets and Virtual Asset Service Providers," 2021, https://www.fatf-gafi.org/en/publications/Fatfrecommendations/Guidance-rba-virtual-assets-2021.html
2. U.S. Securities and Exchange Commission (SEC), " SEC Nearly Doubles Size of Enforcement’s Crypto Assets and Cyber Unit " 2022, https://www.sec.gov/newsroom/press-releases/2022-78
3. Financial Services Agency of Japan, "Regulatory Framework for Cryptocurrency Transactions," 2021, https://www.fsa.go.jp/inter/etc/20220914-2/02.pdf
4. Monetary Authority of Singapore, "Payment Services Act," 2020, https://www.mas.gov.sg/regulation/payments#:~:text=The%20Payment%20Services%20Act%202019,amended%20on%204%20April%202024..
[1] Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, “Hoàn thiện khung pháp lý để tiền điện tử, tài sản số sớm có giá trị pháp lý tại Việt Nam”, https://lsvn.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-de-tien-dien-tu-tai-san-so-som-co-gia-tri-phap-ly-tai-viet-nam-a154695.html
[2] Báo điện tử Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, “Cần khung pháp lý về tiền kỹ thuật số”, https://plo.vn/can-khung-phap-ly-ve-tien-ky-thuat-so-post836147.html