Cụ Võ Trọng Ân: Một chiến sĩ Cộng sản kiên trung

09/08/2021 03:52 | 2 năm trước

(LSVN) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, hiếu học ở mảnh đất của phong trào Văn Thân, Cần Vương chống Pháp, cụ Võ Trọng Ân trở thành một chiến sĩ Cộng sản tiền bối trung kiên để lại tấm gương sáng cho mọi thể hệ mai sau.

Cụ Võ Trọng Ân, một chiến sĩ Cộng sản tiền bối trung kiên.

Cụ Võ Trọng Ân sinh ra ở xóm Hồ, làng Phù Xá, tổng Phù Long, nay là xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thủy tổ là cụ Võ Trọng Kỳ (gốc họ Vũ) ở Hải Dương. Năm 1924, cụ Võ Trọng Ân được chú ruột là ông Võ Trọng Đài đưa đi xuất dương sang Thái Lan. Đây là nơi cụ Đặng Thúc Hứa thành lập để huấn luyện thanh niên yêu nước trong phong trào xuất dương của cụ Phan Bội Châu. Sang Thái Lan, cụ Võ Trọng Ân được giao nhiệm vụ làm giao liên vận động thanh niên yêu nước trong nước xuất dương sang Thái Lan học tập. Cụ cùng với hai anh em trong họ là Võ Trọng Tấn và Võ Trọng Cánh nhiều lần dẫn thanh niên yêu nước Việt Nam sang Trại Cày huấn luyện. Con đường từ Trại Cày (Thái Lan) về Nghệ Tĩnh vô cùng gian nan, hiểm trở, mỗi lần đi hàng tháng trời.

Ba năm làm giao liên, nhiều thanh niên được cụ vận động, giúp đỡ đưa sang Trại Cày huấn luyện trở thành đảng viên, người Cộng sản tiêu biểu. Không ít người trở thành nhà Cách mạng lớn như: Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Đặng Quỳnh Anh, Tướng Lê Thiết Hùng.

 Cụ được Đảng, nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Năm 1927, cụ bị mật thám Thái Lan báo chính quyền bắt, trục xuất về nước, giam ở nhà lao Vinh. Đến năm 1928, kẻ thù không đủ chứng cứ khép tội nên phải thả cụ ra. Ra tù, cụ tham gia Tân Việt Cách mạng (tiền thân của Đông Dương Cộng sản liên đoàn). Khi 3 tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn, hợp thành Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ Võ Trọng Ân trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo quần chúng Hưng Nguyên làm nên Phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931).

Cuối năm 1930, cụ bị địch bắt đưa vào giam tại nhà lao Vinh lần thứ 2. Vào tù, chúng dùng mọi cực hình tra tấn để tìm các cơ sở Cách mạng của ta, nhưng cụ kiên quyết không khai, một lòng trung thành với Đảng, bảo vệ các tổ chức Đảng dù có phải hy sinh. Sau 4 năm giam cầm, dùng đủ hình thức tra tấn giã man, kẻ thù không lấy được thông tin gì nên thả cụ ra.

Năm 1937, Chi bộ Đảng Phù Xá được khôi phục, cụ Võ Trọng Ân cùng đồng chí Chu Huy Mân đứng ra lãnh đạo phong trào Cách mạng ở huyện Hưng Nguyên. Tháng 9/1940, cụ được Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An giao nhiệm vụ tổ chức Hội nghị học tập Nghị quyết VII Quốc tế Cộng sản. Cuối năm 1940, cụ bị giặc Pháp bắt lần thứ 3. Giặc Pháp cho cụ người Cộng sản vô cùng nguy hiểm, kết án tù chung thân khổ sai, đày đi biệt xứ ở nhà ngục Kon Tum.

Vào ngục Kon Tum, cụ hoạt động Chi bộ với các đồng chí Tố Hữu, Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân. Cụ cùng với các đồng chí trong Chi bộ xây dựng cơ sở Cách mạng trong nhà tù, lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, lợi dụng tình hình chính trị rối ren, các đảng viên đồng loạt đấu tranh, cụ được thả ra.  

Về nhà, cụ vô cùng đau xót khi vợ và con gái Võ Thị Xuyến bị chết đói, con trai Võ Trọng Cần ốm đau, bệnh tật. Nén đau thương, cụ với các đồng chí ở địa phương tổ chức quần chúng đứng lên giành chính quyền. Sau khi giành được chính quyền, cụ được Đảng phân công làm Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên. Năm 1947, khi huyện miền núi Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, có tình hình bất ổn về an ninh, cụ được điều ra làm Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân. Năm 1955, cụ được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An, năm 1956 được bầu vào Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

Cả cuộc đời cụ hy sinh vì đất nước, vì Nhân dân, một chiến sĩ Cộng sản trung kiên, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý cho cụ như: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu 65 tuổi Đảng, Huy hiệu vì sự đoàn kết dân tộc, Huy hiệu vì sự nghiệp Kiểm tra của Đảng, Kỷ niệm chương những chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày.

Cụ Võ Trọng Ân để lại một tấm gương sáng, cho các thế hệ mai sau noi theo. Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám năm nay, cụ Võ Trọng Ân đã ra đi với các bậc tiền bối. Nhưng người dân Nghệ An không bao giờ quyên một chiến sĩ Cộng sản thương dân, vì dân mà chiến đấu, vì dân mà hy sinh, không danh lợi gì cho riêng mình.

   HẢI HƯNG

Một số vấn đề về tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự

Từ khoá : lsvn.vn LSVN chiến sĩ