Ảnh minh họa.
Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" như sau:
Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật 1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với người đang thi hành công vụ; d) Phạm tội 02 lần trở lên; đ) Đối với 02 người trở lên; e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn; h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát; b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam; c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được hiểu là hành vi của một người, hoặc một nhóm người không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, dịch chuyển thân thể của người khác trái với quy định của pháp luật về căn cứ thẩm quyền và trình tự thủ tục. Trên thực tế, hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật diễn ra rất đa dạng, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cũng khác nhau, thường tập trung vào hai dạng hành vi:
(i) Hành vi thứ nhất, người không có thẩm quyền mà bắt, giữ hoặc giam người (trừ trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc bắt người đang có lệnh truy nã);
(ii) Hành vi thứ hai, người tuy có thẩm quyền nhưng lại bắt, giữ hoặc giam người không có căn cứ hoặc không đúng tình tự thủ tục theo quy định của pháp luật.
Nghiên cứu tội "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" và qua thực tiễn xét xử loại tội này, tác giả nhận thấy có một số vướng mắc như sau:
Thứ nhất, về mặt khách quan của tội phạm, điều luật quy định ba hành vi phạm tội: hành vi bắt người trái pháp luật, hành vi giữ người trái pháp luật và hành vi giam người trái pháp luật. Các hành vi này đều là hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể của người khác nhưng khác nhau ở hình thức thể hiện cụ thể. Hiện nay, thực tiễn còn tồn tại tranh luận về việc định tội danh đối với trường hợp một người hay nhiều người thực hiện một, hai hoặc cả ba hành vi phạm tội.
Ví dụ: A, B có hành vi bắt, trói để giữ C trong thời gian 30 phút. Việc định tội của A và B còn có nhiều quan điểm. Quan điểm thứ nhất, A và B phạm tội bắt giữ người trái pháp luật, bởi vì cả hai hành vi bắt người và hành vi giữ người có liên quan chặt chẽ với nhau, hành vi này là tiền đề cho hành vi kia vì vậy, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, chỉ xử lý đối với A và B về tội bắt giữ người trái pháp luật, và không tổng hợp hình phạt khi xét xử. Quan điểm thứ hai, A và B phạm tội bắt người trái pháp luật và tội giữ người trái pháp luật bởi vì A và B đã thực hiện hai hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật", đây là tội ghép, do vậy cần xử lý A và B hai tội danh nêu trên.
Trường hợp này mặc dù trên thực tế còn có nhiều quan điểm khác nhau khi giải quyết, nhưng theo chúng tôi, trường hợp nếu người phạm tội chỉ có hành vi bắt người trái pháp luật mà không có hành vi giữ hoặc giam người trái pháp luật thì chỉ định tội là bắt người trái pháp luật. Nếu người phạm tội chỉ có hành vi giữ người trái pháp luật mà không có hành vi bắt hoặc giam người trái pháp luật thì chỉ định tội là giữ người trái pháp luật. Nếu người phạm tội chỉ có hành vi giam người trái pháp luật mà không có hành vi bắt hoặc giữ người trái pháp luật thì định tội là giam người trái pháp luật. Nếu người phạm tội vừa có hành vi bắt, vừa có hành vi giữ người trái pháp luật mà không có hành vi giam người trái pháp luật thì định tội bắt giữ người trái pháp luật. Nếu người phạm tội vừa có hành vi bắt, vừa có hành vi giam người trái pháp luật mà không có hành vi giữ người trái pháp luật thì định tội bắt giam người trái pháp luật. Nếu người phạm tội có cả ba hành vi bắt, giữ và giam người trái pháp luật thì định tội bắt giữ và giam người trái pháp luật (không có dấu phẩy và liên từ hoặc). Bởi vì, nếu mỗi hành vi phạm tội được áp dụng một lần, thì sẽ gây bất lợi cho các bị cáo khi phải áp dụng hai, ba lần khi có hai, ba hành vi phạm tội trong cùng một điều luật. Tuy nhiên, nếu so sánh một người thực hiện một hành vi so với một người thực hiện hai hay cả ba hành vi phạm tội thì rõ ràng trường hợp sau nguy hiểm hơn nhưng cũng chỉ áp dụng một lần là chưa bảo đảm nguyên tắc công bằng trong luật hình sự. Do vậy, khi quyết định hình phạt, cần chú ý vấn đề lượng hình và cá thể hoá trách nhiệm hình sự của người phạm tội để bảo đảm nguyên tắc công bằng trong luật hình sự.
Thứ hai, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể một người (hay nhiều người) có hành vi bắt, giữ hay giam người trái pháp luật trong thời gian bao lâu mới bị coi là phạm tội hay mới bị coi là trái pháp luật và xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân, từ đó dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau trong giải quyết vụ án.
Ví dụ: D, E có hành vi bắt, giữ F trái pháp luật trong thời gian 10 phút nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì trường hợp này hành vi của D và E có cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật? Vấn đề này hiện vẫn tồn tại hai quan điểm, theo tác giả cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, tránh dẫn đến việc nhận thức và áp dụng không thống nhất trong một số vụ án cụ thể. Theo đó, để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, duy trì trật tự xã hội, pháp luật nên quy định chỉ cần người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là đã cấu thành tội này chứ không cần quy định phải thời gian bao lâu.
Thứ ba, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tuy nhiên không có hướng dẫn thế nào là tính “trái pháp luật”. Do đó, trên thực tế hành vi này thường bị nhầm lẫn với các hành vi vi phạm thông thường và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhất là những hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Theo tác giả, tính “trái pháp luật” trong hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là hành vi vi phạm các quy định về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt, giữ hoặc giam người được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chỉ cần chủ thể có một trong các hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự về tội này.
Từ những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn xét xử và quy định của pháp luật hình sự về tội phạm này, tác giả đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 theo hướng bổ sung việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là không đúng với các quy định về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Đồng thời bổ sung quy định “không kể thời gian bao lâu” để bảo đảm bảo vệ quyền tự do thân thể của công dân cũng như tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Như vậy, khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 cần sửa đổi như sau: “1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người khác không đúng các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, không phân biệt thời gian bao lâu nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 đến 03 năm”.
Tóm lại, quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền tự do, dân chủ rất quan trọng của công dân được bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật. Xâm phạm đến quyền này chính là xâm phạm đến quyền con người. Do đó, nếu người nào thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm minh theo đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để có cơ sở pháp lý đầy đủ và vững chắc, thì việc tiếp tục hoàn thiện Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 và kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành về tội này là cần thiết để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.
HỒ QUÂN
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4
Thu thuế thu nhập cá nhân kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử: Bất cập và giải pháp