Đại học Mở Hà Nội: Chắp cánh ước mơ cho sinh viên ngành Luật

14/12/2021 08:57 | 2 năm trước

(LSVN) - Cùng với định hướng cải cách tư pháp của Nhà nước và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cơ hội nghề nghiệp của các sinh viên ngành Luật ngày càng mở rộng với rất nhiều sự lựa chọn công việc sau khi ra trường. Tuy nhiên, để có thể có được công việc tốt sau khi tốt nghiệp ngành Luật, người học cần trải qua những ngày tháng học tập, thực hành, thực tập nghiêm túc, và quan trọng hơn, việc lựa chọn được một môi trường học tập có chất lượng, uy tín được xem là yếu tố tiên quyết. Đại học Mở Hà Nội là một địa chỉ đáng quan tâm.

Giảng viên và sinh viên ngành Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội đi thực tế tại Tòa án. 

Trường đại học sẽ trang bị cho bạn những kiến thức cơ bản và toàn diện về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; giúp học viên nắm vững kiến thức lý luận và định hướng chuyên sâu kiến thức thực tiễn về pháp luật; tăng cường ý thức pháp luật, kĩ năng nghiên cứu và vận dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn đời sống.

Theo PGS. TS Trần Hữu Tráng, Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội, trong những năm gần đây, chương trình đào tạo các ngành Luật, Luật Kinh tế, Luật Quốc tế tại trường đại học này đã có những đổi mới cơ bản. Trong quá trình học tập, sinh viên thường xuyên được đi thực tập tại các cơ sở hành nghề Luật, như Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành án, công ty luật, trung tâm tư vấn pháp luật, phòng công chứng, bộ phận pháp chế của các doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các cấp… nhằm giúp sinh viên tăng cường hiểu biết các công việc thực tiễn cũng như tăng cường các kỹ năng hành nghề, bảo đảm cho sinh viên khi ra trường có thể tìm được ngay những công việc phù hợp.

PGS. TS Trần Hữu Tráng gợi ý một số vị trí việc làm sau cho sinh viên khi tốt nghiệp Khoa Luật của Trường Đại học Mở Hà Nội:

- Tự thành lập các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý hoặc sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực của nền kinh tế;

- Làm việc cho các văn phòng, công ty luật hoặc hành nghề Luật sư độc lập, tư vấn pháp lý hoặc thực hiện các dịch vụ pháp lý khác;

- Làm Luật sư nội bộ, nhân viên pháp chế trong các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước;

- Làm việc trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý và đào tạo luật, đặc biệt trong lĩnh vực chuyên ngành luật kinh tế;

- Làm việc trong hệ thống cơ quan các cấp thuộc ngành Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Thi hành án dân sự và Tổ chức trọng tài với vai trò là Thư ký tòa án, Thẩm tra viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Trọng tài viên…;

- Làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước các cấp về Xây dựng pháp luật, Thi hành pháp luật, Quản lý nhà nước.

Cùng với chương trình đào tạo đại học các hệ chính quy, vừa làm vừa học, từ xa, năm 2021, Trường Đại học Mở Hà Nội tuyển sinh 7 ngành trình độ thạc sĩ trong đó có ngành Luật Kinh tế với 200 chỉ tiêu.

“Đối với đào tạo thạc sĩ, cùng với các ngành Công nghệ Thông tin, Công nghệ sinh học thì Luật Kinh tế là ngành học nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, Trường Đại học Mở Hà Nội đã điều chỉnh phương án tuyển sinh sang hình thức xét tuyển.

Thí sinh có nhu cầu học tập có thể đăng ký trực tuyến tại địa chỉ https://tuyensinh.hou.edu.vn/xettuyenthacsi để được Nhà trường tư vấn và hỗ trợ”, Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Mở Hà Nội chia sẻ.

PV

Từ khoá : LSVN lsvn.vn sinh viên