Độc đáo chợ Hàng: Phiên chợ quê ngày Tất niên giữa lòng thành phố

03/02/2019 07:03 | 5 năm trước

LSVNO - Sáng nay (ngày 03/02/2019, tức 29 tháng Chạp), tôi có mặt ở phiên họp chợ Hàng cuối cùng của năm 2018, tận mắt chứng kiến cảnh nhộn nhịp của một phiên chợ quê nằm giữa lòng thành phố hiện...

LSVNO - Sáng nay (ngày 03/02/2019, tức 29 tháng Chạp), tôi có mặt ở phiên họp chợ Hàng cuối cùng của năm 2018, tận mắt chứng kiến cảnh nhộn nhịp của một phiên chợ quê nằm giữa lòng thành phố hiện đại. Dù đã đi rất nhiều phiên chợ quê, ở những nơi khác nhau, nhưng tôi cảm nhận được chợ Hàng lại mạng bản sắc riêng, đặc biệt vào những ngày cận kề Tết Kỷ Hợi 2019.

Nằm giữa một đô thị rộng lớn, sầm uất của thành phố công nghiệp hiện đại, với nhịp sống tất bật của Hải Phòng, chợ Hàng được biết đến là một chợ phiên còn mang đậm chất đồng quê thôn dã, đặc trưng của vùng nông thôn Bắc bộ. Theo người dân địa phương, chợ Hàng là một chợ phiên họp tại một làng cổ xưa, từ thời Tiền Lê có tên là Dư Hàng.

Nói đến chợ Hàng, người dân bản địa hình dung ngay ra được đó là phiên chợ quê (thuộc phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng), được bày bán tất cả các mặt hàng ngày nay, hàng tuần, chợ chỉ họp một phiên vào sáng chủ nhật. Đây là chợ phiên truyền thống duy nhất còn lại của Hải Phòng. Phiên chợ Hàng như một nét nhạc đồng quê giữa bản nhạc xô bồ của phố thị.

Các quầy bán hàng trong chợ Hàng.

Không chỉ được người địa phương yêu mến, mỗi khi cần những vật thiết yếu cho sinh hoạt thì ai lấy cũng đều nghĩ đến chợ Hàng.

Từ thời Pháp thuộc, chợ Hàng được họp vào các ngày 5, 10, 15 âm lịch hàng tháng, ngày nay, chợ Hàng chỉ được họp vào sáng chủ nhật hàng tuần. Chợ còn hấp dẫn khách du lịch mỗi khi đến với Hải Phòng bởi các mặt hàng được bày bán mang đậm chất thôn quê. Còn người bán hàng đến từ các tỉnh khác nhau như: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên… thường phải chở hàng đến chợ.

Trước hết, bởi nơi đây là cả một thế giới đồng quê thôn dã giữa lòng một thành phố công nghiệp hiện đại với nhịp sống tất bật. Những người sống ở thành phố, chẳng phải đi đâu xa, cứ đến chợ Hàng là có thể mua được đàn gà con, cây rau giống, rổ rá đan bằng tre, chiếc kiềng sắt ba chân,…

Những thứ gần gũi với nông dân như giống cải, bầu, bí, đay…, có loại đã được gieo thành cây, bó lại bằng rơm hoặc để nguyên từng bồng nhỏ xinh; tiếp đến là những đàn lợn con, chú cún, chú mèo đang đến tầm thay lông, đàn gà, đàn ngan vừa đến kỳ bỏ mẹ; có cả những đọn mạ, gánh đất mầu đến cá trắm, chép, ba ba, lươn con… Nhưng hấp dẫn khách thập phương nhiều nhất vẫn là nguồn giống cây cảnh, đơn giản như hoa pháo, thiên lý, loa kèn... cho đến những giò phong lan, gà chọi, chim yểng, bon-sai, non bộ…, dường như thứ nào cũng có.

Mấy năm gần đây, chợ Hàng còn có thêm sức hút khi trở thành nơi mua bán đồ cũ. Đủ các loại, từ đồ điện tử như điện thoại, nồi cơm điện, loa đài, quạt điện,… đến máy khoan, tuốc-nơ-vít, các loại ốc, điều khiển ti vi, bấm móng tay, yên xe đạp, ống nước cũ, vỏ chai rượu ngoại,…

Nhiều người hồ hởi khi tìm được đồ vật có thể thay thế đồ hỏng của gia đình, với giá cực kỳ rẻ, trong khi hầu như chẳng thể tìm được ở nơi nào bán những thứ tương tự. Ở đây cũng hình thành một nghề độc đáo: nghề mua bán đồ cũ. Không giới hạn chủng loại, đồ gì cũng được, miễn là cũ.

Mới đây, trả lời báo chí, ông Phạm Tiến Du - Chủ tịch UBND quận Lê Chân cho biết: “quận Lê Chân là một đô thị cổ kính, cái nôi nuôi dưỡng những vẻ đẹp văn hóa truyền thống ở Hải Phòng. Bên cạnh chợ Hàng - phiên chợ quê vốn dĩ đã nổi tiếng, Lê Chân còn sở hữu nhiều di tích rất có giá trị như: đình Hàng Kênh - nơi thờ Đức vương Ngô Quyền, đền Nghè - thờ Nữ tướng Lê Chân… Riêng, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để bảo tồn và phát huy được những nét đẹp, giá trị văn hóa độc đáo của chợ Hàng, Quận ủy - UBND quận đã có ý tưởng phát triển, nâng tầm chợ Hàng. Theo đó, quận đã giao cho các phòng chuyên môn nghiên cứu, tham mưu cho quận sớm xây dựng đề án quy hoạch tổng thể kiến trúc, cảnh quan và hoạt động của chợ với mục tiêu “phát triển nâng tầm chợ Hàng, liên kết các điểm tham quan và xây dựng tua du lịch mang tính chuyên nghiệp trên địa bàn quận”.

Nếu được triển khai, phần kiến trúc, không gian trong chợ Hàng sẽ là nơi trưng bày, biểu diễn nghệ thuật hát, múa các làn điệu dân gian; tổ chức các hội thi (hoa lan, cây cảnh, chim cảnh, vật nuôi…) và là nơi để người dân, du khách đến thưởng thức ẩm thực đồng quê.

Phần không gian mở xung quanh chợ sẽ tổ chức sắp xếp thành các khu vực, gian hàng đảm bảo hoạt động buôn bán được ổn định, đáp ứng nhu cầu của các tiểu thương nhưng phải phù hợp phiên chợ quê. Bên cạnh đó, công tác giữ gìn an ninh trật tự, phân luồng giao thông sẽ được nghiên cứu cho phù hợp, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho người dân và du khách đến tham quan, mua sắm tại chợ Hàng”.

Dòng người hối hả đi mua sắm khiến đường dẫn vào chợ Hàng chật cứng.

Nghé thăm một cửa hàng bán hoa khá lớn ở chợ, bà chủ bán hoa lan tay vừa chăm chút mấy chậu hoa lan, vừa cười nói với tôi: “Nhà chị bán hoa lan cũng gần chục năm nay, những ngày gần Tết thì hoa bán chạy hơn, nhưng không vì thế mà chị tăng giá, mỗi chậu hoa nhà chị chỉ giao động từ 200 – 250 nghìn đồng, cũng là ngày cuối cùng của năm rồi chị đang cố gắng bán cho hết để còn đi sắm đồ, Tết đến nơi rồi còn gì”.

Tiếp tục dạo bước quanh chợ, tôi tạt vào thăm anh Hoàng (quê Tiên Lãng) đang bán thuốc lào thương hiệu Thuốc lào Tiên Lãng, anh Hoàng chia sẻ: Phiên chợ nào anh cũng ra đây, bán thuốc lào ở chợ Hàng chạy hơn chợ ở quê em ạ. Mỗi phiên, anh bán được 3 - 4 cân thuốc lào quê. Giá thuốc của anh từ 50 – 150 nghìn/mg, mọi người hút thuốc của anh ngon nên thường quay lại mua vì thế mà anh cũng bán được và mình càng ngày có uy tín em ạ,...

Chợ vừa là nơi buôn bán của các tiểu thương chuyên nghiệp, vừa là nơi những người chơi vật nuôi hoặc nông dân mang chim, cá cảnh và sản vật của mình đến bán hoặc trao đổi. Đơn giản thế thôi nhưng đậm chất quê và đầy khác biệt, tất cả làm nên một phiên chợ “có một không hai” của Hải Phòng, đủ làm ấn tượng mọi du khách khi đến và níu chân người dân địa phương vào mỗi lần chợ họp,…

Dù trải qua hàng trăm năm với nhiều biến cố lịch sử nhưng chợ Hàng vẫn giữ cho mình những hoạt động, hình ảnh của một chợ phiên cổ hiếm hoi, mang dáng dấp một chợ quê trong lòng thành phố hiện đại.

Với người dân Hải Phòng hay bất kỳ ai khi biết đến chợ Hàng thì giá trị độc đáo, có thể nói là điểm nhấn của chợ chính là giá trị văn hóa, chứ không phải là giá trị về kiến trúc hay thời gian.

Một số hình ảnh ở phiên chợ Hàng cuối cùng năm 2018.

Các cửa hàng bán hoa tấp nập người mua.

Anh Hoàng bán thuốc lào thương hiệu Thuốc lào Tiên Lãng ngon khiến nhiều người mê, say.

Thú cưng cũng rất dễ dàng tìm thấy bày bán ở chợ Hàng.

 Trong chợ, các quầy bán quần áo hầy hết hạ giá trong ngày cuối cùng này.

 Xung quanh hai bên đường có rất nhiều của hàng bán cá cảnh phục vụ mọi người. 

Đoàn Vĩnh