Hải Phòng: Vụ chiếm đoạt gần 09 tỉ đóng họ, Toà 'giải thích' gây tranh cãi…?

24/09/2023 22:57 | 7 tháng trước

(LSVN) - Luật sư Bùi Xuân Lai cho rằng, trong vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tiền vay,tiền đóng họ của 97 người, Toà sơ thẩm “giải thích” bà Nguyệt không biết Tuy (chồng) lừa đảo, chiếm đoạt tiền, nên không xem xét xử lý hình sự là chưa “độc lập” trong việc đánh giá đúng hành vi, bản chất, chứng cứ… dẫn đến có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Vì sao  các nạn nhân kháng cáo…?  

Ngày 19/9/2023 vừa qua, TAND cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án Lương Ngọc Tuy lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng ra xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, phiên toà đã bị hoãn với lý do nhiều bị hại vắng mặt. 

Theo Bản ản số 77/2023/HS-ST ngày 16/05/2023, TAND TP. Hải phòng đã tuyên phạt Lương Ngọc Tuy 20 năm tù về tội "Lừa đảo", 19 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", tổng cộng hình phạt là 30 năm tù giam. Bản án sơ thẩm thể hiện Lương Ngọc Tuy là chủ quản lý họ từ năm 1996, do để thất thoát tiền lên đã vay nợ của nhiều người để duy trì đường dây họ (hụi). Đến năm 2016 số tiền Tuy vay nợ đã lên đến hơn 10 tỉ đồng và không có khả năng thanh toán nợ nên Tuy đã tiếp tục vay mượn và trả lãi suất theo thỏa thuận. Để tạo niềm tin cho mọi người, Tuy nói là tổ chức dây họ, để thu tiền góp họ của nhiều người nhưng thực tế không tổ chức hoạt động chơi họ (hụi). Lương Ngọc Tuy chỉ thực hiện việc ghi chép để theo dõi đôn đốc thu tiền đóng góp họ và thanh toán trả tiền cho người chơi họ khi đến kỳ bốc họ. Đến ngày 02/8/2019, Tuy bỏ trốn khỏi địa phương để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Một trong những chứng cứ thể hiện bà Nguyệt thu tiền họ nhiều lần từ tháng 7/2018 đến 30/6/2019.

Về vai trò của Phạm Thị Nguyệt (Sinh năm 1974, vợ của Lương Ngọc Tuy) trong việc thu tiền của một số người góp lãi họ, đóng họ, ký giấy vay tiền cùng Tuy… các bị hại (98 người, một người đã mất còn 97 người – PV) đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự của Nguyệt. Tuy nhiên, Toà cấp sơ thẩm giải thích: “Tại kết luận điều tra và cáo trạng của VKSND TP. Hải phòng đều khẳng định chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự của Phạm Thị Nguyệt".

Không đồng tình với một số nội dung của bản án sơ thẩm và cách “giải thích” không xử lý trách nhiệm hình sự đối với Phạm Thị Nguyệt tại Bản án sơ thẩm số: 77/2023/HS-ST, các bị hại đã đồng loạt kháng cáo. 

Luật sư Bùi Xuân Lai cho rằng toà sơ thẩm “giải thích” bà Nguyệt không biết Tuy (chồng) lừa đảo, chiếm đoạt tiền, nên không xem xét xử lý hình sự là chưa “độc lập” trong việc đánh giá đúng hành vi, bản chất, chứng cứ… dẫn đến có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

 “Giải thích” gây tranh cãi và dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Trao đổi với phóng viên về “giải thích” của Toà cấp sơ thẩm trong việc không xử lý trách nhiệm hình sự đối với Phạm Thị Nguyệt, Luật sư Bùi Xuân Lai, nguyên Thẩm phán TAND tỉnh Nam Định, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, Toà cấp sơ thẩm chỉ viện dẫn kết luận của Cơ quan CSĐT và cáo trạng của VKS  để “lý giải” không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với Phạm Thị Nguyệt là chưa thể hiện đúng vai trò quyền hạn và trách nhiệm của người “cầm cân nảy mực” quy định tại Điều 45 và tính độc lập theo Điều 23 của BLTTHS 2015. Bởi lẽ Tòa án là cơ quan duy nhất được Nhà nước giao thực hiện chức năng xét xử. Thẩm phán, Hội thẩm, xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan Nhà nước khác không được can thiệp vào việc xét xử và hoạt động xét xử của Tòa án không lệ thuộc vào ý kiến của Cơ quan CSĐT và VKS.

Một giấy vay tiền có chữ ký của cả hai vợ chồng Tuy – Nguyệt.

Các chứng cứ tài liệu có trong vụ án đã thể hiện bà Phạm Thị Nguyệt (vợ Lương Ngọc Tuy) có 62 lần ký giấy nhận tiền góp họ của các bị hại trong khoảng thời gian từ tháng 07 năm 2018 đến tháng 6 năm 2019. Trong giấy vay số tiền 01 tỉ đồng của bà Nguyễn Kim Chi, giấy vay 200 triệu của Bình – Hùng đều có chữ ký của  hai vợ chồng Tuy – Nguyệt. Ngoài ra, Nguyệt còn ký giấy bảo lãnh để Tuy vay 200 triệu đồng của bà Đàm Thị Chiên… Đáng chú ý ngày cuối cùng Nguyệt thu tiền họ của mọi người là ngày 30/6/2019 trước khi Tuy bỏ trốn (ngày 02/8/2019) chỉ cách nhau khoảng 01 tháng. Điều này thể hiện rất rõ Nguyệt có hành vi thu tiền họ (hụi) nhiều lần, trong thời gian dài, có ký kết vay tiền và có chủ đích, do đó Toà sơ thẩm “giải thích” bà Nguyệt không biết Tuy (chồng) lừa đảo, lạm dụng chiếm đoạt tiền, nên không xem xét xử lý bà Nguyệt là chưa “độc lập” trong việc đánh giá đúng hành vi, bản chất, chứng cứ. Để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, Toà phúc thẩm cần đánh giá toàn diện, trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ vai trò của bà Nguyệt theo điểm c, khoản 1, Điều 280, BLTTHS. 

TẢ THANH THIÊN

Thẩm phán 'nại' đủ lý do cản trở đương sự nộp đơn kháng cáo