Một số quy định về hậu quả pháp lý của việc rút yêu cầu khởi kiện
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) quy định rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trong quá trình khởi kiện tại Toà án nên đồng thời cũng quy định rõ hậu quả pháp lý của việc rút yêu cầu khởi kiện này. Tuỳ thuộc vào từng thời điểm rút yêu cầu mà hậu pháp lý khác nhau.
Trong giai đoạn sau khi Toà án thụ lý vụ án và trước khi Toà án mở phiên toà sơ thẩm, việc rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn sẽ được Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nếu bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập. Khi Toà án ra quyết đình đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì hậu quả pháp lý đó là nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án và nguyên đơn được nhận lại toàn bộ tiền tạm ứng án phí đã nộp theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 218 BLTTDS 2015(1).
Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện và trong vụ án có bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, nếu bị đơn không rút hoặc rút một phần yêu cầu phản tố; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không rút hoặc rút một phần yêu cầu độc lập thì Toà án ra quyết định đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và trong quyết định đó phải thể hiện rõ việc thay đổi địa vị tố tụng: nguyên đơn trở thành bị đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trở thành nguyên đơn.
Trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện thì Tòa án không ra quyết định đình chỉ riêng mà phải nhận xét trong phần Nhận định của Tòa án trong bản án và quyết định đình chỉ một phần yêu cầu trong phần Quyết định của bản án (2).
Trong giai đoạn Toà án đang xét xử sơ thẩm, mà nguyên đơn rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì Toà án đình chỉ xét xử một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện đã rút theo quy định tại khoản 2 Điều 244 BLTTDS năm 2015(3).
Một số vướng mắc về hậu quả của đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Vướng mắc về quyền khởi kiện lại trong trường hợp rút một phần yêu cầu khởi kiện
Hiện nay pháp luật chỉ quy định nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án đối với trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện mà không có quy định trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu khởi kiện đã rút hay không. Đây là vướng mắc trong thực tiễn dẫn đến việc áp dụng pháp luật và hướng giải quyết của các Toà án khác nhau.
Ví dụ 1: Bà Nguyễn Thị A nộp yêu cầu khởi kiện tại Toà án nhân dân huyện X yêu cầu Toà án giải quyết nội dung sau: Buộc bà Nguyễn Thị B trả số tiền vay còn nợ là 30.000.000 đồng và tiền lãi bà A chưa trả là 7.000.0000 đồng. Trong thời gian Toà án hoà giải thì bà A rút lại phần yêu cầu trả tiền lãi là 7.000.0000 đồng đối với bà B. Trường hợp này, bà A có quyền khởi kiện lại vụ án đối với phần yêu cầu khởi kiện đã rút hay không.
Ví dụ 2: Tại phiên toà sơ thẩm, bà Nguyễn Thị A rút lại phần yêu cầu trả tiền lãi là 7.000.0000 đồng đối với bà B và giữ nguyên phần yêu cầu tiền vốn vay là 30.000.000 dồng. Trường hợp này, bà A có quyền khởi kiện lại vụ án đối với phần yêu cầu khởi kiện đã rút hay không.
Theo giải đáp tại mục 7 phần VI Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 7 tháng 4 năm 2017 của Toà án nhân dân tối cao có nội dung như sau: “… trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và trong quyết định đó phải thể hiện rõ việc thay đổi địa vị tố tụng: bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn. Trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu thì Tòa án không ra quyết định đình chỉ riêng mà phải nhận xét trong phần Nhận định của Tòa án trong bản án và quyết định đình chỉ một phần yêu cầu trong phần Quyết định của bản án.”. Ngoài nội dung giải đáp này thì hiện nay không có quy định hay giải đáp nào khác liên quan đến việc nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn Toà án giải quyết vụ án theo trình tự, thủ tục sơ thẩm. Từ đó, vấn đề nguyên đơn có quyền khởi kiện lại đối với phần yêu cầu đã rút hay không thì thực tiễn còn quan điểm khác nhau.
Có quan điểm cho rằng đối với trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện thì nguyên đơn có quyền yêu cầu khởi kiện lại đối với phần yêu cầu đã rút. Bởi vì trong trường hợp này suy cho cùng là phần yêu cầu đã rút chưa được Toà án giải quyết xong mà chỉ dừng lại ở việc Toà àn đình chỉ giải quyết. Cho nên Toà án vẫn có quyền áp dụng pháp luật tương tự quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015 đề quyết định cho nguyên đơn quyền yêu cầu khởi kiện lại đối với phần yêu cầu đã rút nhằm đảm bảo triệt để quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Tuy nhiên, cũng có quan điểm chưa đồng tình mà cho rằng một khi vụ án đã được Toà án giải quyết xong thì phần yêu cầu đương sự đã rút cũng không được khởi kiện lại nhằm mục đích hạn chế việc khởi kiện nhiều lần. Quan điểm tác giả cho rằng cần cho phép nguyên đơn được quyền khởi kiện lại đối với phần yêu cầu khởi kiện đã rút. Bởi vì thực tế cho thấy việc rút phần yêu cầu khởi kiện có thể do nhiều lý do: Do nguyên đơn thấy rút một phần yêu cầu khởi kiện nhưng quyền lợi vẫn đảm bảo; do nguyên đơn chưa đủ chứng cứ cần thiết để Toà án xem xét chấp nhận…Tuy nhiên, để có căn cứ pháp lý giải quyết trong trường hợp này thì pháp luật cần có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể và rõ ràng hơn.
Vướng mắc về quyền khởi kiện lại trong trường hợp bị đơn thực hiện xong nghĩa vụ với nguyên đơn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS năm 2015, trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án. Trong các trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện có trường hợp bị đơn đã thực hiện xong nghĩa vụ đối với bị đơn khi Toà án đang giải quyết vụ án. Như vậy, trường hợp này khi ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong phần hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án, Toà án có phải ghi nội dung cho nguyên đơn được quyền khởi kiện lại vụ án không.
Ví dụ: Bà Nguyễn Thị A khởi kiện yêu cầu bà Huỳnh Thị C trả số tiền còn nợ là 50.000.000 đồng. Trong quá trình Toà án hoà giải, bà C trả xong nợ cho bà A nên bà A nộp yêu cầu rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Vậy Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong phần hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án có bắt buộc ghi nội dung cho nguyên đơn được quyền khởi kiện lại vụ án không. Vấn đề này hiện nay vẫn có quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng theo Mẫu số 45-DS (ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) và tại mục giải thích như sau: Tùy vào từng trường hợp đình chỉ vụ án cụ thể mà ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 218 của BLTTDS, (kể cả về tiền tạm ứng án phí). Từ hướng dẫn này, Thẩm phán căn cứ vào khoản 1 Điều 218 của BLTTDS bắt buộc phải ghi vào phần hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là nguyên đơn được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án. Còn nếu sau đó, nguyên đơn có khởi kiện lại vụ án thì Tòa án xem xét giải quyết theo thủ tục chung là thông báo trả lại yêu cầu khởi kiện (nếu chưa thụ lý vụ án) hoặc đình chỉ giải quyết vụ án (nếu đã thụ lý vụ án) do nguyên đơn không có quyền khởi kiện hoặc đưa vụ án ra xét xử và xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đồng thời buộc nguyên đơn chịu toàn bộ án phí, chi phí tố tụng khác (nếu có) theo quy định của pháp luật (4).
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng mặc dù tại khoản 1 Điều 218 của BLTTDS 2015 có quy định về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án là nếu nguyên đơn rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 thì nguyên đơn có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng đây là quy định pháp luật chung. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cần linh hoạt vận dụng quy định của pháp luật vào từng trường hợp cụ thể trong thực tiễn. Cụ thể là khi nguyên đơn gửi cho Tòa án yêu cầu yêu cầu rút lại yêu cầu khởi kiện, nếu trong yêu cầu họ không nêu rõ lý do rút lại yêu cầu khởi kiện thì thẩm phán cần tiến hành lấy lời khai làm rõ việc họ rút yêu cầu khởi kiện có tự nguyện không và làm rõ lý do rút lại yêu cầu khởi kiện. Nếu họ trình bày hoặc cung cấp cho tòa án chứng cứ thể hiện rõ nguyên đơn rút lại yêu cầu khởi kiện là do bị đơn đã thực hiện xong nghĩa vụ đối với nguyên đơn thì trong trường hợp này, Thẩm phán khi ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án không phải ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án là nguyên đơn được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án (5). Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai này. Bởi vì việc không ghi hậu quả pháp lý như trên là phù hợp với bản chất của vụ án và tránh được sự phản ứng của phía bị đơn khi họ cho rằng họ đã thực hiện xong nghĩa vụ với nguyên đơn, tại sao tòa án vẫn cho nguyên đơn quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án. Điều này cũng thể hiện sự vận dụng linh hoạt quy định của pháp luật vào trong thực tiễn của Thẩm phán.
Vướng mắc về xử lý việc rút một phần yêu cầu khởi kiện trong trường hợp hoà giải thành
Trong giai đoạn Toà án giải quyết vụ án dân sự theo trình tự, thủ tục sơ thẩm thì pháp luật chỉ quy định trường hợp tại phiên toà sơ thẩm mà nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện nếu việc rút yêu cầu là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận(6). BLTTDS cũng quy định trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án(7). Cho nên thực tiễn đã phát sinh vướng mắc là trong quá trình hoà giải tại Toà án, nguyên đơn rút lại một phần yêu cầu khởi kiện, phần yêu cầu khởi kiện còn lại thì bị đơn chấp nhận toàn bộ và nguyên đơn, bị đơn thống nhất các vấn đề còn lại trong vụ án. Theo quy định của pháp luật, trường hợp này Toà án lập biên bản hoà giải thành(8). Hết thời gian 07 ngày kể từ ngày Toà án lập biên bản hoà giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận đó thì Toà án phải ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự(9). Như vậy, đối với phần yêu cầu khởi kiện mà nguyên đơn đã rút thì Toà án giải quyết như thế nào. Đây là vướng mắc trong thực tiễn hiện nay và có các quan điểm sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, đối với phần yêu cầu đương sự đã rút thì Toà án ra quyết đình đỉnh chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện đã rút, đồng thời ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự. Quan điểm khác thì cho rằng Tòa án ra Quyết định công nhận thuận sự thỏa thuận của các đương sự. Trong quyết định này, ghi nhận nội dung phần yêu cầu đương sự đã rút(10). Quan điểm này tương đối phổ biến tại các Toà án hiện nay. Quan điểm tác giả cho rằng, các quan điểm trên có tính hợp lý tương đối nhưng đối chiếu quy định pháp luật hiện hành thì lại không đúng quy định. Bởi vì, theo quy định tại khoản 3 Điều 203 BLTTDS 2015 thì trong giai đoạn giải quyết vụ án theo trình tự, thủ tục sơ thẩm thì Thẩm phán chỉ được ra một trong các quyết định sau đây: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đưa vụ án ra xét xử. Mặc khác, tại Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Toà án nhân dân tối cao có hướng dẫn:“... Trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu thì Tòa án không ra quyết định đình chỉ riêng mà phải nhận xét trong phần Nhận định của Tòa án trong bản án và quyết định đình chỉ một phần yêu cầu trong phần Quyết định của bản án”. Như vậy, có thể thấy pháp luật hiện nay không có quy định việc Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu khởi kiện đã rút, cũng như không có quy định đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện trong Quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự.
Vướng mắc trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập
Theo quy định của BLTTDS năm 2015, trường hợp bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn hoặc trường hợp bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn(11).
Từ quy định này, thực tiễn đặt ra vấn đề cần giải quyết đó là khi ban hành quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì hậu quả của việc đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn sẽ được giải quyết như thế nào và dựa vào quy định nào của pháp luật. Vì đây là vướng mắc nên thực tiễn có nhiều cách hiểu và cách làm khác nhau. Có Toà án coi quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn như quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nên hậu quả của việc đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được thực hiện theo quy định tại Điều 218 BLTTDS năm 2015. Cũng có Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nhưng không giải quyết hậu quả của việc đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn như quy định tại Điều 218 BLTTDS năm 2015. Các vấn đề như quyền khởi kiện lại vụ án, tiền tạm ứng án phí … sẽ được giải quyết khi Toà án giải quyết vụ án. Mỗi cách hiểu và cách làm trên có tính hợp lý nhưng chung quy lại là không dựa vào căn cứ nào của quy định pháp luật hiện hành. Từ đó tạo ra sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Vướng mắc trường hợp nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện khi vụ án đang bị tạm đình chỉ giải quyết vụ án
Tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi có căn cứ thuộc một trong các trường quy định tại khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên thực tiễn có trường hợp Tòa án trong thời gian Tòa án đang tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 214 BLTTDS năm 2015 nhưng nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn không có yêu cầu phản tố hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập thì Tòa án có được ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án không. Vấn đề này còn có quan điểm khác nhau.
Ví dụ: Tòa án nhân dân huyện Z đang tạm đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông X và bị đơn là bà Y. Lý do tạm đình chỉ vụ án là chờ ý kiến trả lời bằng văn bản của UBND huyện Z về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông X. Trong thời gian Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì ông X và bà Y đã tự thỏa thuận được việc giải quyết vụ án. Ông X nộp yêu cầu cho Tòa án xin rút lại yêu cầu khởi kiện. Bà Y không có yêu cầu phản tố. Vậy Tòa án nhân dân huyện Z giải quyết như thế nào.
Liên quan đến tình huống nêu trên thực tiễn có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng vụ án đang tạm đình chỉ nên về nguyên tắc Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án không được quyền tiến hành bất kỳ hoạt động tố tụng nào. Thẩm phán muốn ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì Thẩm phán phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án trước. Do đó, Thẩm phán ra Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án với lý do: ý kiến trả lời của UBND huyện Z đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông X là không cần thiết nữa. Sau đó thì Thẩm phán ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS. Còn quan điểm thứ hai cho rằng Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2017 ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án mà không cần phải ra Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án trước. Tác giải đồng tình với quan điểm này vì các lý do sau:
Thứ nhất, Tòa án gửi văn bản hỏi ý kiến của UBND huyện Z về việc việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông X là hoạt động tố tụng thu thập chứng cứ nhằm làm căn cứ để Tòa án xem xét giải quyết vụ án một cách khách quan, công bằng đúng quy định pháp luật. Cho nên nếu các đương sự đã tự thỏa thuận giải quyết được vụ án thì việc phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án là không còn cần thiết nữa. Mặc khác 216 BLTTDS năm 2015 quy định Tòa án ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án khi lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án không còn. Ở đây UBND huyện Z chưa có văn bản trả lời ý kiến cho Tòa án nên lý do tạm đình chỉ vẫn còn. Việc nguyên đơn rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện không phải là lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án không còn. Cho nên Thẩm phán ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án trong trường hợp này là không đúng quy định.
Thứ hai, theo Công văn số: 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ thì tại mục 6 phần II có hỏi và giải đáp như sau:
“6.Vụ án dân sự đang tạm đình chỉ, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập rút yêu cầu, Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án để đình chỉ đối với yêu cầu đã rút hay chờ đến khi lý do tạm đình chỉ vụ án không còn, mới giải quyết trong cùng vụ án và ghi rõ trong phần nhận định của bản án về việc rút yêu cầu đó?
Điều 216 BLTTDS 2015 quy định:“Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 214 của Bộ luật này không còn thì Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự và gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự hết hiệu lực kể từ ngày ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án kể từ khi ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự”.
Theo quy định nêu trên thì việc rút yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập sẽ được Tòa án xem xét giải quyết khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án vì lý do tạm đình chỉ vụ án không còn. Việc xem xét giải quyết rút yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải được ghi rõ trong bản án, quyết định giải quyết vụ án.”
Như vậy, khi vụ án đang tạm đình chỉ giải quyết mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút lại toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án sẽ xem xét giải quyết khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án vì lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án không còn là đúng. Vì trong tình huống này vẫn còn yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tòa án vẫn phải tiếp tục giải quyết vụ án mặc dù người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập của họ. Còn trong tình huống nêu trên thì khi nguyên đơn đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn không có yêu cầu phản tố thì vụ án không còn yêu cầu nào của đương sự để Tòa án phải xem xét giải quyết. Vì vậy, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án mà không phải ra trước quyết định tiếp tục giải quyết vụ án là hợp lý nhất.
3. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về hậu quả của đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn
Hoàn thiện quy định pháp luật về quyền khởi kiện lại trong trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện
Từ vướng mắc, bất cập đã trình bày, tác giả kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật như sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015 như sau:
“Điều 218. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu thuộc trường hợp nguyên đơn tự nguyện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện do bị đơn đã thực hiện xong nghĩa vụ đối với nguyên đơn; việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217, khoản 2 Điều 218 của Bộ luật này, nguyên đơn tự nguyện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 218 của Bộ luật này, nguyên đơn tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 244 BLTTDS 2015 như sau:
“Điều 244. Xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu
2. Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút. Đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án khác đối với phần yêu cầu đã rút”
Hoàn thiện pháp luật về trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện và vụ án thuộc trường hợp Toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự
Đối với trường hợp nguyên đơn tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện, đồng thời các đương sự đã thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án thì khi ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự, tác giả đề xuất Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng: cho phép Toà án ghi nội dung đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện đã rút vào trong quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện đã rút thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS như tác giả đã đề xuất, kiến nghị tại phần 2.2.4.1 của Luận văn này. Cụ thể như sau:
Hoàn thiện quy định pháp luật về trường hợp nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện khi vụ án đang bị tạm đình chỉ giải quyết vụ án
Đối với trường hợp vụ án tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 214 BLTTDS 2015 nhưng người rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập thì tác giả đề xuất Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng: cho phép Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS như tác giả đã đề xuất, kiến nghị ở trên.
Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện và trong vụ án đó có bị đơn yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 218 BLTTDS. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện đã rút thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS như tác giả đã đề xuất, kiến nghị ở trên.
1. Tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015 quy định như sau: “1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”
Tại khoản 1 Điều 218 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau: “3. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ”.
2. Mục 7 phần IV Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Toà án nhân dân tối cao về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ.
3. Tại khoản 2 Điều 244 BLTTDS 2015 quy định như sau: “2. Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút”.
4. Dương Tấn Thanh (2023). Nguyên đơn rút đơn khởi kiện và vướng mắc về cách ghi hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án, Tạp chí Luật sư Việt Nam điện tử, https://lsvn.vn/nguyen-don-rut-don-khoi-kien-va-vuong-mac-ve-cach-ghi-hau-qua-phap-ly-cua-viec-dinh-chi-giai-quyet-vu-an.html
5. Dương Tấn Thanh (2023). Nguyên đơn rút đơn khởi kiện và vướng mắc về cách ghi hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án, Tạp chí Luật sư Việt Nam điện tử, https://lsvn.vn/nguyen-don-rut-don-khoi-kien-va-vuong-mac-ve-cach-ghi-hau-qua-phap-ly-cua-viec-dinh-chi-giai-quyet-vu-an.html
6. Khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự
7. Khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự
8. Khoản 5 Điều 211 Bộ luật Tố tụng dân sự
9. Khoản 1 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự
10. Nguyễn Thanh Hà (2023). Giải quyết như thế nào khi đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, sau đó thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, Trang thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hương Yên, http://vienkiemsathungyen.gov.vn/giai-quyet-vu-an-nhu-the-nao-khi-duong-su-rut-mot-phan-yeu-cau-khoi-kien-yeu-cau-phan-to-hoac-yeu-cau-doc-lap-sau-do-thoa-thuan-duoc-voi-nhau-ve-viec-giai-quyet-toan-bo-vu-an-c210608.html
11. Các điểm b, c khoản 2 Điều 217 BLTTDS 2015
DƯƠNG TẤN THANH
Phó Chánh án TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh