/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Quyền lực của Tổng thống Mỹ trong lĩnh vực tư pháp

Quyền lực của Tổng thống Mỹ trong lĩnh vực tư pháp

16/10/2024 06:25 |

(LSVN) - Vừa là nguyên thủ quốc gia liên bang, vừa lãnh đạo và nắm giữ trọn vẹn quyền hành pháp, Tổng thống Mỹ có thực quyền rất lớn. Quyền lực đó toàn diện và sâu rộng, nên dù không thuộc các ngành lập pháp, tư pháp, kinh tế, ngoại giao, an ninh… Tổng thống Mỹ cũng vẫn có vai trò, thẩm quyền quan trọng trong những lĩnh vực này. Bài viết nghiên cứu, phân tích, chứng minh và đánh giá về vấn đề quyền lực trong lĩnh vực tư pháp của Tổng thống Mỹ.

Trong lĩnh vực tư pháp của liên bang Mỹ, Tổng thống Mỹ được ghi nhận, trang bị và sử dụng nhiều loại hình quyền tư pháp, tiêu biểu là các quyền sau:

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

1. Tuyển lựa, đề cử và bổ nhiệm Thẩm phán liên bang

Hiến pháp và pháp luật Mỹ quy định Tổng thống có thể lựa chọn, đề cử và bổ nhiệm tất cả Thẩm phán liên bang, với sự phê chuẩn của Thượng viện. Quyền lực này ít nhiều làm giảm tính độc lập của hệ thống tòa án và tạo cho Tổng thống sự ủng hộ nhất định từ phía ngành tư pháp. Hỗ trợ đắc lực cho quy trình tuyển lựa Thẩm phán của Tổng thống là rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân: đội ngũ cố vấn, ban lãnh đạo đảng cầm quyền, Bộ Tư pháp, Hiệp hội Luật sư Mỹ (ABA), các lãnh đạo đảng cấp bang và địa phương, các nhóm áp lực...

Những người đứng đầu Bộ Tư pháp (bộ trưởng và thứ trưởng) có nhiệm vụ tìm kiếm các ứng viên phù hợp với những tiêu chuẩn chung do Tổng thống đặt ra để bổ nhiệm vào cương vị Thẩm phán liên bang. Khi đã tìm được người, chuyên viên Bộ Tư pháp sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng từng ứng viên một. Họ có thể đề nghị Cục Điều tra liên bang (FBI) tiến hành một cuộc điều tra về đặc điểm, tính cách và xuất thân của ứng viên. Họ thường đọc các bản sao của mọi bài báo hoặc bài phát biểu mà ứng viên đã viết, hoặc đánh giá về các ý kiến được nêu ra của một Thẩm phán đương nhiệm. Họ cũng có thể kiểm tra với lãnh đạo đảng phái chính trị ở địa phương để xác định rằng ứng viên là một người trung thành với đảng và có xu hướng ủng hộ chính sách công chủ yếu của Tổng thống... Trong trường hợp bổ nhiệm các Thẩm phán tòa sơ thẩm (tòa thành phố, hạt, quận), khi tên của những ứng viên thường được nghị sĩ cùng bang đưa lên, chức năng của Bộ Tư pháp thường chỉ là thẩm tra lại chứ không phải là người đề xướng. Bất kể ai đưa danh sách đó ra, việc chính của Bộ Tư pháp chỉ là đánh giá ứng viên về mặt tư cách cá nhân, trình độ chuyên môn, phẩm chất và năng lực chính trị. Trong khi thực thi vai trò này, Bộ Tư pháp có thể làm việc chặt chẽ cùng với các cố vấn Tổng thống, nhân viên Nhà Trắng, thượng nghị sĩ tham gia đề cử và lãnh đạo đảng muốn tham gia góp ý cho việc lựa chọn ứng viên.

Trong bảy thập kỷ qua, Ủy ban Tư pháp thuộc Hiệp hội Luật sư Mỹ đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc đánh giá năng lực chuyên môn của các ứng viên tương lai cho chức vụ Thẩm phán liên bang. Ủy ban này - với 15 thành viên đại diện cho tất cả các thành phố, hạt, quận - đánh giá ứng viên dựa trên 3 tiêu chuẩn: khí chất/tính khí của một Thẩm phán, năng lực chuyên môn và tính liêm chính. Ứng viên được Ủy ban phê chuẩn sẽ được xếp loại là “đủ điều kiện” hoặc “rất có khả năng”, còn người không được chấp nhận sẽ bị phê là “không đủ điều kiện”.

Các nhóm áp lực tại Mỹ thường vận động để ủng hộ hoặc chống lại việc đề cử Thẩm phán. Những nhà lãnh đạo của các nhóm này đều không ngần ngại thúc giục Tổng thống rút lại việc đề cử một ứng viên mà những giá trị về mặt chính trị và xã hội của người ấy khác với họ, hoặc vận động Thượng viện ủng hộ ứng viên mà họ ưa thích. Các nhóm áp lực thường vận động hành lang để ủng hộ hoặc chống lại những ứng viên vào chức Thẩm phán tại mọi cấp tòa án của liên bang.

Các lãnh đạo đảng phái cấp bang và địa phương hầu như không có ảnh hưởng đáng kể trong việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao - quy trình mà trong đó Tổng thống có quyền chi phối. Vai trò của họ trong lựa chọn Thẩm phán tòa phúc thẩm (tòa khu vực) cũng hết sức khiêm tốn. Tuy nhiên, trong việc lựa chọn các chánh án tòa sơ thẩm, ảnh hưởng của họ lại rất lớn - đặc biệt khi việc bổ nhiệm được tiến hành tại các bang mà thượng nghị sĩ đại diện bang không thuộc cùng một đảng phái với Tổng thống. Gặp trường hợp như vậy, Tổng thống thường có xu hướng tham khảo ý kiến các lãnh đạo đảng mình tại bang đó, chứ không tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ bang.

Sau khi tuyển chọn và cân nhắc kỹ lưỡng, Tổng thống ra quyết định đề cử Thẩm phán liên bang. Văn bản đề cử cùng hồ sơ ứng viên được gửi tới Ủy ban Tư pháp của Thượng viện. Ủy ban phải xem xét vị trí đề cử và đưa ra khuyến nghị cuối cùng trước toàn thể Thượng viện. Như vậy, vai trò của Ủy ban này là thẩm tra các ứng viên được đề cử vào chức vụ Thẩm phán, chứ không phải là nêu tên của những ứng viên tiềm năng. Ủy ban tổ chức các buổi điều trần về tất cả những vị trí đề cử, trong đó việc nghe các nhân chứng trình bày và thảo luận đều được tiến hành công khai. Các buổi điều trần về việc bổ nhiệm Thẩm phán tòa sơ thẩm thường chỉ mang tính hình thức, bởi vì với mọi ý định và mục đích, quy trình tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ đã quyết định liệu ứng viên có được Thượng viện chấp nhận hay không. Nhưng đối với việc đề cử Thẩm phán tòa phúc thẩm và Thẩm phán Tòa án Tối cao, việc điều trần của Ủy ban thực sự là một quy trình nghiêm túc.

Chặng cuối trong tiến trình bổ nhiệm Thẩm phán liên bang là việc cần được đa số phiếu phê chuẩn của Thượng viện và Tổng thống sẽ ký quyết định bổ nhiệm chính thức. Có hai quan điểm phổ biến về vai trò của Thượng viện trong vấn đề/ lĩnh vực này. Các Tổng thống và một số học giả kiên trì quan điểm cho rằng Thượng viện nên lặng lẽ tán thành những sự lựa chọn của Tổng thống trừ khi có các lý do mạnh mẽ khiến đa số nhất trí phản đối quyết định đó. Còn những học giả khác và đa số thượng nghị sĩ lại cho rằng Thượng viện có quyền và nghĩa vụ phải đưa ra quyết định của riêng mình liên quan tới những người được bổ nhiệm. Trên thực tế, vai trò của Thượng viện trong quy trình chấp thuận việc bổ nhiệm Thẩm phán liên bang là rất khác nhau - tùy thuộc vào việc Thẩm phán đang được xem xét bổ nhiệm vào cấp tòa án liên bang nào.

Đối với các Thẩm phán tòa sơ thẩm, tiêu chuẩn về việc tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ đóng vai trò quyết định. Điều đó có nghĩa là, nếu ứng viên mà Tổng thống nêu ra được thượng nghị sĩ cùng đảng phái với Tổng thống đến từ bang mà ứng viên sẽ được bổ nhiệm làm Thẩm phán chấp thuận, thì Thượng viện thường đồng tình với việc bổ nhiệm ứng viên ấy. Đối với việc bổ nhiệm Thẩm phán tòa phúc thẩm, quy trình tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ không được áp dụng, bởi vì vị trí cần bổ nhiệm thường liên quan tới nhiều hơn một bang. Nhưng các thượng nghị sĩ đến từ mỗi bang trong khu vực cần đề cử Thẩm phán thường đưa ra tên của những ứng viên có khả năng cho Tổng thống. Tồn tại một quy tắc bất thành văn là mỗi bang trong khu vực có thể có ít nhất 01 Thẩm phán trong tòa phúc thẩm của khu vực. Nếu quy tắc này được tuân thủ và ứng viên của Tổng thống có đầy đủ phẩm chất cùng năng lực, Thượng viện nói chung thường nhất trí với những đề cử của Tổng thống.

Đối với việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao, cả Tổng thống lẫn Thượng viện đều coi trọng hơn nhiều so với việc bổ nhiệm Thẩm phán các tòa cấp dưới. Mọi Tổng thống đều cố gắng mở rộng vai trò và ảnh hưởng chính trị của mình thông qua việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao vì hai nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, Tòa án Tối cao là thiết chế tư pháp cao nhất, độc lập với ngành hành pháp và lập pháp, có vị thế đặc biệt trong nền chính trị liên bang, được chính quyền và nhân dân xem trọng. Nhưng số thành viên trong Tòa án Tối cao lại luôn ít ỏi (trước năm 1869 chỉ có 7 Thẩm phán, từ năm 1869 đến nay có 9 Thẩm phán). Các Tổng thống thường nắm lấy cơ hội hiếm hoi của mình trong việc bổ nhiệm này (theo thống kê, trung bình cứ gần 2 năm mới có một ghế trống tại Tòa án Tối cao, mà các Tổng thống thì cầm quyền không lâu: một nhiệm kỳ là 4 năm hoặc hai nhiệm kỳ là 8 năm) để củng cố và tăng cường vị thế, đưa ra tuyên bố chính trị hoặc nêu lên tinh thần chung cho chính quyền của mình. Ví dụ, trong giai đoạn nước Mỹ tập trung vào việc tham gia Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Tổng thống đảng Dân chủ F. D. Roosevelt đã bổ nhiệm đảng viên Cộng hòa Harlan Fiske Stone làm Chánh án Tòa án Tối cao như một biểu hiện nổi bật của sự đoàn kết trong nước. Việc Tổng thống L. B. Johnson bổ nhiệm người Mỹ da đen đầu tiên - Thurgood Marshall - vào Tòa án Tối cao năm 1967 là thông điệp mạnh mẽ chống phân biệt chủng tộc. Năm 1969, Tổng thống Nixon bổ nhiệm Warren Burger - một người cứng rắn và bảo thủ - để hoàn tất cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử của ông về việc khôi phục “luật pháp và trật tự”. Còn Tổng thống Reagan năm 1981 hy vọng rũ bỏ hình ảnh của mình như một người không đồng cảm với phong trào đòi quyền của phụ nữ bằng việc trở thành vị Tổng thống đầu tiên bổ nhiệm một phụ nữ vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao - bà Sandra Day O’Connor...

Thứ hai, theo truyền thống, cá nhân các thượng nghị sĩ và lãnh đạo đảng phái địa phương có nhiều ảnh hưởng - thường là chi phối - việc bổ nhiệm Thẩm phán tòa cấp thấp hơn. Chẳng hạn, thông lệ “sự tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ” là một phần quan trọng của quy trình bổ nhiệm Thẩm phán tòa sơ thẩm. Theo đó, các thượng nghị sĩ cùng thuộc một đảng với Tổng thống, nếu đến từ bang của ứng viên, sẽ được Ủy ban Tư pháp của Thượng viện hỏi ý kiến về ứng viên ấy. Bằng việc trình bày quan điểm của mình về một ứng viên cụ thể, các thượng nghị sĩ này trên thực tế ở vào vị trí có thể phủ quyết việc đề cử. Quy trình tham khảo ý kiến thượng nghị sĩ không được áp dụng cho việc bổ nhiệm Thẩm phán tại tòa phúc thẩm, mặc dù thông thường các Tổng thống sẽ chiều theo ý kiến của thượng nghị sĩ đảng mình đến từ những bang có tòa phúc thẩm.

Sự ưu tiên bổ nhiệm vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao thường được dành cho những ứng viên cùng đảng với Tổng thống vì cho đến nay, có tổng cộng chưa tới 13% số ứng viên được bổ nhiệm là người của đảng đối lập. Sự ưu tiên này cũng dành cho những ứng viên cùng quan điểm, tầm nhìn chính trị hoặc cùng gia đình, họ hàng với Tổng thống (ví dụ, Tổng thống Kennedy từng gây nên nhiều dư luận tiêu cực khi năm 1961 bổ nhiệm chính em trai mình - Robert F. Kennedy vào chức vụ Chánh án Tòa án Tối cao). Ngoài ra, quan niệm, tính cách, chủ trương... của từng vị Tổng thống khác nhau cũng ảnh hưởng cách biệt đến nhân thân của những Thẩm phán được bổ nhiệm. Thượng viện cũng can thiệp sâu và cản trở đáng kể tiến trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao, nhất là khi đảng của Tổng thống chiếm thiểu số trong Thượng viện. Tính đến nay, Thượng viện đã bác bỏ hoặc không xem xét (trì hoãn vô thời hạn) khoảng 20% tổng số lần đề cử ứng viên Thẩm phán Tòa án Tối cao của Tổng thống.

2. Chỉ đạo hoạt động tố tụng liên bang

Bằng sự lãnh đạo, chi phối Bộ Tư pháp - mà đứng đầu là Bộ trưởng Tư pháp, cũng chính là Tổng chưởng lý/Tổng công tố - Tổng thống có thể tác động sâu rộng vào quy trình tố tụng thông qua các nhiệm vụ cơ bản của Bộ này (khởi tố, điều tra, truy tố những vi phạm luật liên bang). Với nhiều vụ việc lớn, phức tạp hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh nước Mỹ, Tổng thống còn thường là người trực tiếp chỉ đạo điều tra. Ngoài ra, Tổng thống cũng tác động, chỉ đạo, thậm chí thao túng người đại diện Chính phủ tại Tòa án Tối cao (Chính phủ Mỹ - đứng đầu là Tổng thống - luôn có một người đại diện tại Tòa án Tối cao, người này được coi như cố vấn pháp lý đặc biệt của Tòa, được đại diện và quyết định cho Chính phủ trong những vụ việc mà Chính phủ là một bên; có vai trò rất quan trọng và được ví như “Thẩm phán thứ 10” tại Tòa).

3. Chỉ đạo hoạt động thi hành án liên bang

Những bản án, quyết định của hệ thống tòa án chỉ thực sự có hiệu lực và giá trị khi chúng được thi hành đúng và đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời. Do vậy, ngành tư pháp mất dần tính độc lập vì phải phụ thuộc vào ngành hành pháp bởi hành pháp là chủ thể duy nhất cung cấp phương tiện và lực lượng cần thiết để cưỡng chế thi hành án. Là người lãnh đạo cao nhất của hoạt động thi hành án liên bang, Tổng thống có thể can dự, thao túng và ấn định mức/cấp độ thi hành án đối với những vụ việc tư pháp cụ thể. Trong không ít trường hợp, Tổng thống còn thẳng thừng khước từ cho thi hành án. Chẳng hạn, vụ án đất đai mà Tổng thống Jackson từ chối thi hành quyết định của Chánh án Tòa án Tối cao liên bang John Marshall buộc bang George phải trả lại những phần đất mà họ đã chiếm đoạt của người da đỏ vào khoảng thời gian từ năm 1827 đến 1830. Jackson đã phản ứng gay gắt với quyết định của Tòa án Marshall (Tòa cho rằng một bang không có quyền ban hành các đạo luật để kiểm soát người da đỏ trong lãnh địa của họ), ông tuyên bố: “John Marshall đã ban hành quyết định thì hãy để ông ta thực thi nó”. Với trường hợp này, Tòa án Tối cao liên bang đã không thể bắt buộc Tổng thống thi hành và như vậy, không thể bảo đảm trả lại đất cho người da đỏ.

4. Ân xá cho tội nhân

Tổng thống được quyền ân xá cho bất kỳ ai đã bị kết tội vi phạm luật pháp liên bang - trừ trường hợp còn nghi vấn hoặc phạm tội phản bội Tổ quốc. Sự ân xá có thể là hoàn toàn (tha bổng) hoặc một phần (giảm hình phạt) và có điều kiện. Quyền lực này rất có ý nghĩa khi Tổng thống hủy bỏ án tử hình, ân xá cho tù chính trị hoặc giảm hình phạt đối với những tội nhân đặc biệt. Các Tổng thống thường sử dụng nhiều quyền ân xá vào khoảng thời gian cuối nhiệm kỳ của mình.

Do được toàn quyền ân xá, các Tổng thống được tự ý sử dụng nên không tránh khỏi sự lạm dụng và tạo nên những sự chỉ trích, phản đối từ công luận. Điển hình là trong và sau cuộc Nội chiến (1861-1865), các Tổng thống Lincoln năm 1863 và A. Johnson năm 1868 đã tuyên bố cho ân xá binh lính (ly khai) miền Nam, trong khi phần đông dư luận miền Bắc mong muốn điều ngược lại. Tổng thống (1921-1923) Warren G. Harding năm 1921 ân xá cho V. Eugene Debs - một thành viên đảng Dân chủ và thành viên sáng lập Liên hiệp Đường sắt Mỹ -  về tội "Gián điệp", bị tòa kết án 10 năm tù. Tổng thống Nixon năm 1971 ân xá cho Jimmy Hoffa - một cựu chủ tịch công đoàn - chỉ với điều kiện Hoffa không tiếp tục hoạt động công đoàn. Tổng thống Ford năm 1974 ân xá cho cựu Tổng thống Nixon về những lỗi lầm của ông này trong vụ Watergate trước khi tòa án ra quyết định; hành động của Tổng thống Ford dù có hiệu lực nhưng đã gây ra sự ngạc nhiên, dị nghị và tranh cãi sôi nổi khắp nước Mỹ. Tổng thống Carter ngay ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống vào năm 1977 đã tuyên bố ân xá cho hơn 10.000 người trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Các Tổng thống Reagan và G. Bush (Bush cha) năm 1989 ân xá cho những chủ doanh nghiệp đã đóng góp bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của Nixon năm 1972. Tổng thống Clinton ký tới 140 lệnh ân xá trong chỉ vài ngày cuối cùng còn tại chức. Tổng thống G. W. Bush (Bush con) giảm án cho một nhân viên văn phòng bị truy tố vì che giấu sự dính líu của Chính phủ vào vụ Valerie Plame Wilson…

5. Ban lệnh truy nã, bắt giữ hoặc tiêu diệt tội phạm đặc biệt nguy hiểm

Tổng thống được quyền phát lệnh truy nã, bắt giữ hoặc tiêu diệt trên phạm vi liên bang và quốc tế đối với những tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho nước Mỹ và thế giới. Điển hình là các vụ Tổng thống G. Bush (Bush cha) phái quân đội đến Panama cuối năm 1989 để bắt Tổng thống Manuel Antonio Noriega của nước này đem về Mỹ xét xử vì tội buôn bán ma túy. Ngày 01/5/2011, Tổng thống Obama chỉ đạo và theo dõi sát cuộc đột kích thành công của Biệt đội Team 6 vào nơi trú ngụ ở Pakistan của thủ lĩnh Phong trào khủng bố quốc tế Al Qaeda là Osama Bin Laden, giết được tên trùm khét tiếng này. Và ngày 27/10/2019, Tổng thống Trump lãnh đạo cuộc bao vây, tấn công của Lực lượng Đặc nhiệm số 1 thuộc Delta Force vào nơi ẩn náu tại Syria của thủ lĩnh Tổ chức khủng bố quốc tế Nhà nước Hồi giáo (IS) là Abu Bakr al-Baghdadi, khiến tên này cùng gia đình phải nổ bom tự sát…

Tài liệu tham khảo

1.  Vũ Đăng Hinh (chủ biên), Hệ thống chính trị Mỹ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001.

2.  Gary C. Jacobson & Samuel Kernell, Lôgích chính trị Mỹ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.

3.  Nguyễn Anh Hùng, Thẩm quyền, hoạt động của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ và khuyến nghị cho Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 20, Hà Nội, tháng 10/2021.

4.  Louis Fisher, Supreme Court expansion of presidential power: unconstitutional leanings, Nxb. University Press of Kanssas, 2017.

5.  Paul M. Collins & Matthew Eshbaugh-Soha, The President and the Supreme Court, Nxb. Cambridge University Press, 2020.

6.  David M. Driesen, The Specter of Dictatorship: Judicial Enabling of Presidential Power, Nxb. Stanford University Press, 2021.

7.  Barry J. McMillion, Supreme Court Appointment Process: President’s Selection of a Nominee, Congressio- nal Research Service, 08/3/2022, https://sgp.fas.org/crs/misc/R44235.pdf

8.  Meryl Loonin, Clash of Powers: The President Versus Congress, Nxb ReferencePoint Press, 2023.

9.   Grant Tudor & Justin Florence, The presidential pardon power, explained, Protect Democracy, 18/03/2024, https://protectdemocracy.org/work/the-presidential-pardon-power-explained/

TS NGUYỄN ANH HÙNG
Viện Nghiên cứu Châu Mỹ

Các tin khác