Hoàn thiện quy định sửa bản án sơ thẩm của Hội đồng xét xử phúc thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo

25/09/2023 22:41 | 7 tháng trước

(LSVN) - Hiện nay, quy định về quyền sửa bản án sơ thẩm của Tòa án cấp phúc thẩm ngày càng hoàn thiện đáp ứng yêu cầu xử lý tội phạm. Tuy nhiên, những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 về quyền sửa bản án sơ thẩm của Tòa án cấp phúc thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo vẫn còn những điểm chưa rõ ràng, không phù hợp. Bài viết sau đây phân tích và đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo.

Ảnh minh họa.

Khoản 2 Điều 357 BLTTHS năm 2015 quy định các trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo gồm: Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp; tăng mức bồi thường thiệt hại; chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn; không cho bị cáo hưởng án treo. 

Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung các trường hợp sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo gồm: Áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp; chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn; không cho bị cáo hưởng án treo. Việc bổ sung các trường hợp nói trên là cần thiết, tạo cơ sở pháp lí cho Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 357 BLTTHS năm 2015, khi sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo, Toà án cấp phúc thẩm không được vượt quá yêu cầu của kháng cáo, kháng nghị. Kháng cáo, kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt thì Toà án cấp phúc thẩm chỉ được tăng trong khung hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng, không được áp dụng điều, khoản BLHS về tội nặng hơn đối với bị cáo. 

Trường hợp này, nếu thấy cần áp dụng khoản nặng hơn hoặc tội nặng hơn đối với bị cáo thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại (điểm đ khoản 2 Điều 358 BLTTHS năm 2015); nếu thấy cần khởi tố, điều tra tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm thì hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại (điểm a khoản 1 Điều 358 BLTTHS năm 2015). 

Kháng cáo hoặc kháng nghị yêu cầu áp dụng khung hình phạt hoặc tội danh khác nặng hơn nhưng vẫn thuộc thẩm quyền của Toà án đã xét xử sơ thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm mới được sửa án sơ thẩm theo khung hình phạt hoặc tội danh khác nặng hơn đó. 

Trường hợp khung hình phạt hoặc tội danh khác nặng hơn đó vượt quá thẩm quyền của Toà án đã xét xử sơ thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở Toà án cấp sơ thẩm có thẩm quyền (điểm đ khoản 2 Điều 358 BLTTHS năm 2015) [1]. 

Tuy nhiên, Điều 357 BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, đồng thời tại khoản 2 Điều này, lại quy định Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền:

“a) Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp; 

b) Tăng mức bồi thường thiệt hại; 

c) Chuyển sang hình phạt khác quan thuộc loại nặng hơn; 

d) Không cho bị cáo hưởng án treo”. 

Do đó, có quan điểm cho rằng để có căn cứ sửa bản án sơ thẩm theo hướng nêu trên thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền áp dụng thêm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nếu có căn cứ. Để Toà án các cấp thống nhất thực hiện, cần thiết bổ sung vào điều khoản này hoặc có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của Hội đồng xét xử phúc thẩm.

Kiến nghị

Để thống nhất thực hiện, đề nghị bổ sung thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm trong việc áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự vào điểm a khoản 2 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: “Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tình tiết tăng nặng, về tội nặng hơn;…”.

Tài liệu tham khảo

[1] Quyền sửa bản án sơ thẩm của tòa án cấp phúc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam, Mai Thanh Hiếu, Tạp chí Luật học số 5/2019.

 

NGUYỄN PHI HÙNG

Tòa án Quân sự Quân khu 4