/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Hoàn thiện quy định về bản án, quyết định được thi hành ngay và giải thích, sửa chữa, kiến nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án

Hoàn thiện quy định về bản án, quyết định được thi hành ngay và giải thích, sửa chữa, kiến nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án

18/10/2024 06:26 |

(LSVN) - Về nguyên tắc, tất cả các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án đều phải được thi hành đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân nên trong một số trường hợp, bản án, quyết định của Tòa án sẽ được thi hành ngay mặc dù vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị hay việc cho phép các chủ thể liên quan có quyền yêu cầu Tòa án phải giải thích, sửa chữa hoặc kiến nghị đối với bản án, quyết định để có bảo đảm thi hành một cách chính xác.

Bài viết phân tích một số hạn chế, bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về các vấn đề này và đưa ra kiến nghị khắc phục.

1. Về bản án, quyết định của Tòa án được thi hành ngay

Điều 363 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định: “Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo không có tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Hình phạt cảnh cáo được thi hành ngay tại phiên tòa”. Trong quy định này có hai vấn đề như sau:

Thứ nhất, “được thi hành ngay”: Ngoại trừ hình phạt cảnh cáo được quy định rõ “thi hành ngay tại phiên tòa” thì các bản án, quyết định còn lại chỉ được quy định “thi hành ngay”. Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự, bản án, quyết định được thi hành ngay theo Điều 363 BLTTHS thuộc trường hợp được thi hành, còn về thủ tục thi hành thì vẫn áp dụng theo thủ tục quy định chung như các bản án, quyết định khác. Trong khi đó, thời hạn giao, gửi bản án, quyết định của Tòa án vẫn thực hiện như các trường hợp thông thường. Do đó, việc thi hành những bản án, quyết định này không bảo đảm tính “ngay” và không đạt được mục đích của quy định này. Do đó, cần phải sớm ban hành một trình tự riêng, những quy định đặc biệt để thi hành các bản án, quyết định này. Cụ thể, phải quy định thời hạn gửi bản án, quyết định của Tòa án cho các chủ thể chỉ còn 02 ngày, thay vì 10 ngày như hiện nay. Cơ quan thi hành án, các chủ thể liên quan cũng phải ngay lập tức trong thời hạn 24 giờ phải bắt đầu thực hiện ngay thủ tục thi hành án, và thủ tục này phải thi hành xong trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ hai, quy định tại Điều 363 BLTTHS nêu rõ “…thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay”. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn các cách hiểu khác nhau về việc thi hành một phần hay toàn bộ bản án, quyết định. Bởi lẽ, bản án, quyết định của Tòa án là giải quyết toàn bộ vấn đề của một vụ án, bao gồm tội danh, hình phạt, vấn đề dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp. Quy định như BLTTHS hiện nay chưa thật sự rõ ràng trong việc thi hành ngay toàn bộ hay chỉ những nội dung nào mới thi hành ngay. Có người cho rằng, BLTTHS quy định “thì bản án, quyết định được thi hành ngay” nên cứ bản án, quyết định có tuyên bị cáo không phạm tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án, quyết định đó được thi hành toàn bộ. Có người lại cho rằng BLTTHS đã liệt kê các nội dung được thi hành ngay, ngoài những nội dung đó thì các nội dung còn lại của bản án sẽ không được thi hành ngay. Tác giả cho rằng, hiểu theo cách thứ hai mới chính xác. Mặc dù tên và nội dung Điều 363 là “bản án, quyết định của Tòa án được thi hành ngay” nhưng quy định này đã liệt kê các trường hợp cụ thể để được thi hành ngay. Quy định này nằm trong BLTTHS và được cụ thể bởi Luật Thi hành án hình sự nên có thể hiểu việc thi hành ngay này chỉ liên quan đến vấn đề hình sự (mà cụ thể là các vấn đề đã được liệt kê). Còn các nội dung khác của bản án như vật chứng, dân sự… thuộc phạm vi của Luật Thi hành án dân sự. Do đó, nếu hiểu bản án tuyên bị cáo không phạm tội, miễn trách nhiệm hình sự… mà phải thi hành ngay cả xử lý vật chứng, vấn đề dân sự… thì sẽ mâu thuẫn với Luật Thi hành án dân sự. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể về nội dung này.

2. Về giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án

Nhằm bảo đảm thi hành bản án, quyết định một cách chính xác nhất, BLTTHS cho phép Cơ quan thi hành án hình sự, Cơ quan thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát, người bị kết án, bị hại, đương sự có liên quan được quyền yêu cầu Tòa án giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ ràng trong bản án, quyết định. Khi có yêu cầu, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa phải có trách nhiệm giải thích, sửa chữa, nếu không thể thực hiện được thì Chánh án Tòa án phải thực hiện việc này. Quy định việc này là rất hợp lý, tuy nhiên có một vài vấn đề như sau:

Thứ nhất, phạm vi giải thích, sửa chữa: Theo đó, Tòa án phải giải thích, sửa chữa “những điểm chưa rõ ràng”. Theo từ điển tiếng việt, giải thích là việc phân tích, diễn giải một vấn đề đưa ra sao cho dễ hiểu, dễ tiếp thu còn sữa chữa là khắc phục những lỗi, những sai sót. Vì vậy, với “những điểm chưa rõ ràng” thì chỉ có thể giải thích mà không thể sửa chữa vì đây không phải là sai sót. Chính vì vậy, Điều 365 BLTTHS cần bổ sung như sau “… giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ ràng, những sai sót…”.

Thứ hai, về thời hạn Tòa án phải giải thích, sửa chữa: Điều 365 BLTTHS hiện còn bỏ ngỏ quy định này. Vì chưa có quy định ràng buộc về thời hạn, nên trên thực tế có trường hợp cố tình kéo dài, “ngâm” văn bản yêu cầu với nhiều lý do khác nhau. Việc giải thích, sửa chữa bản án, quyết định do chính mình ban hành sẽ là không quá khó, do đó, cần bổ sung vào khoản 2 Điều 365 quy định sau: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, trường hợp phức tạp không quá 30 ngày, Tòa án phải ban hành và gửi văn bản giải thích, sửa chữa cho chủ thể đã yêu cầu, Cơ quan thi hành án và Viện kiểm sát có thẩm quyền”.

3. Về giải quyết kiến nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án

Trong quá trình tiếp nhận bản án, quyết định, tổ chức thi hành án, Cơ quan thi hành án hình sự, Cơ quan thi hành án dân sự có quyền kiến nghị về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Tôi cho rằng nên bỏ quy định này bởi lẽ: Việc xem xét nội dung của bản án, quyết định có hợp pháp hay không không phải chức năng, nhiệm vụ của các Cơ quan thi hành án. Trong các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án, không có quy định nào cho phép các cơ quan này có thẩm quyền liên quan đến việc xem xét bản án, quyết định của Tòa án. Trong khi đó, bản án, quyết định của Tòa án đã có nhiều cơ chế giám sát thông qua Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên, Tòa án cấp trên. Những chủ thể này có đầy đủ quyền hạn, chức năng trong việc xem xét, đánh giá bản án, quyết định; có quyền kiến nghị, kháng nghị, đề nghị… đối với bản án, quyết định này. Chưa hết, những người tham gia tố tụng, những người chịu tác động, ảnh hưởng của bản án, quyết định như bị cáo, bị hại, đương sự… cũng có quyền kháng cáo, đề nghị giám đốc thẩm. Do đó, việc trao quyền cho Cơ quan thi hành án được kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án là không cần thiết, không đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao của các cơ quan này.

VĂN LINH
Tòa án Quân sự khu vực Hải quân

Các tin khác