Hội thảo Việt - Pháp: Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR)

09/11/2023 15:59 | 6 tháng trước

(LSVN) - Ngày 08/11, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Pháp đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Các phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế - quan điểm và thực tiễn so sánh giữa Việt Nam và Pháp”.

Tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo có Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Mai Lương Khôi.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, trên thế giới, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải, trọng tài thương mại được sử dụng phổ biến nhất là tại các nước có nền kinh tế phát triển với nhiều ưu điểm vượt trội như tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo bí mật riêng tư, giữ quan hệ đối tác sau khi giải quyết tranh chấp... Hòa giải và trọng tài ngày càng được các bên tranh chấp, đặc biệt là các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn.

 

Ông Olivier Brochet, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chủ trì Hội thảo.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, nhiều văn bản luật đã có quy định về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Chứng khoán, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại được ban hành góp phần hoàn thiện khung pháp luật về giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Bên cạnh đó, các văn bản này đã được triển khai và đạt được kết quả bước đầu, số lượng tổ chức và số vụ việc đang dần có xu hướng gia tăng; phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại được người dân và cộng đồng doanh nghiệp biết, quan tâm và đón nhận ngày càng nhiều. Điều này góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.

 

Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, nhiều tham luận có lượng thông tin cao, cập nhật nhiều phương thức mới thay thế phương thức giải quyết tranh chấp qua Toà án đã được các nhà khoa học, Luật sư, nhà quản lý cả hai phía Việt Nam và Pháp chia sẻ.

Đặc biệt, sau nhiều năm, Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp đã cử một phái đoàn đông đảo đến Việt Nam dự hội thảo bao gồm lãnh đạo các Vụ thuộc Bộ Tư pháp, Trường đại học Pantheon Assas Paris 2, Hội đồng các Đoàn Luật sư quốc gia, Hội đồng Công chứng tối cao, Hội đồng Thừa phát lại và đấu giá viên quốc gia, Quỹ Luật lục địa Pháp và Bộ phận pháp lý, quản trị Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về pháp luật và thực tiễn hòa giải thương mại tại Việt Nam và của Pháp; kinh nghiệm của Pháp về xử lý tài sản trong bối cảnh thu hồi nợ hòa giải và tư pháp.

 

Phái đoàn công tác của Bộ tư pháp Cộng hoà Pháp.

Hội thảo là một trong những hoạt động của Bộ Tư pháp hai nước trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (1973-2023) và 30 năm thiết lập quan hệ hợp tác lĩnh vực tư pháp (1993-2023).

Tham dự và phát biểu ý kiến thảo luận có khoảng 20 Luật sư đến từ Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thuộc Ban Quan hệ quốc tế, Ban Truyền Thông - Văn thể và các tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm hoà giải thương mại, cơ sở đào tạo luật.

 

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. 

Sau trọn một ngày làm việc, Hội thảo Việt - Pháp về các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế đã thành công tốt đẹp, tiếp tục củng cố cho cơ sở hợp tác lĩnh vực tư pháp giữa hai nhà nước trong thời gian tới.

Luật sư NGUYỄN PHÚ THẮNG

Ban quan hệ quốc tế, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân vẫn phải tuân thủ quy tắc và đạo đức hành nghề

           

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN