Hồi ức về miền lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam

16/02/2021 03:40 | 3 năm trước

(LSVN) - Lễ hội chọi trâu ở Việt Nam đã có cách nay hàng nghìn năm, gắn liền với các truyền thuyết dân gian. Theo đó, vào một buổi sáng sớm, người ta thấy ở đầu làng Bạch Lưu Hạ (nay là xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) có hai con trâu trắng chọi nhau không phân thắng bại, sau đó cả hai con đều nhảy xuống sông biến mất. Nơi hai con trâu chọi nhau gọi là Bến Ảnh, còn tên làng là Bạch Ngưu (trâu trắng). Sau vì kiêng húy của thần nên đổi thành Bạch Lưu (hay Bạch Lưu Hạ). Đây được coi là truyền thuyết gắn liền với “quê hương” của lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất ở Việt Nam.

Quang cảnh lễ hội chọi trâu Hải Lựu.

Cội nguồn hội chọi trâu ở Việt Nam

Là một quốc gia có lịch sử phát triển hàng nghìn năm, việc hình thành nên những lễ hội truyền thống đặc sắc lâu đời như Việt Nam là điều tất yếu. Ở đó, có thể xuất hiện nhiều cổ tục gắn liền với yếu tố tín ngưỡng, văn hóa, dân gian…, nhưng tựu chung đều thể hiện rõ đặc tính tâm lý song hành với điều kiện sống của cư dân nông nghiệp. Tuy vậy, ở mỗi vùng, mỗi khu vực khác nhau, tùy theo quan niệm, hoàn cảnh, môi trường sống cụ thể lại có những lễ tiết, hoạt động văn hóa lễ hội đặc trưng riêng. Trong đó, chọi trâu được coi là một trong những lễ hội đã có lịch sử hình thành cách nay hàng nghìn năm và thường thu hút sự quan tâm của hàng vạn người.

Theo ghi chép trong thư tịch cổ và trong sách Địa chí tỉnh Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc), chọi trâu cũng như các cổ tục sát sinh hiến tế, về bản chất là lễ hiến sinh của tục cầu mưa - nghi lễ phổ biến của cư dân vùng lúa nước. Và dựa vào lời kinh trong quẻ Ký Tế xưa nói: “Đông lân sát ngưu, Tây lân thược tế” (nghĩa là bên Đông phải giết bò nước (trâu), bên Tây tế lễ đơn giản), khi đó việc tế lễ trời đất cầu cho mưa thuận gió hòa ở bên Đông phải dùng trâu. Nếu lấy trục không gian là núi Hùng (Phú Thọ) thì khu vực bên Đông thuộc về núi Tam Đảo (trong đó có vùng đất Hải Lựu ngày nay), bên Tây là núi Ba Vì. Còn theo ghi chép trong thư tịch cổ và các bản Ngọc phả từ đời Lê Trung Hưng (mục “Phong tục”, sách Đại Nam nhất thống chí đời Nguyễn) thì chọi trâu đã có ở Hải Lựu từ thế kỷ II trước Công nguyên (TCN - cách nay khoảng 2.200 năm). Cổ tục này gắn với sự kiện nhà Triệu (Triệu Đà) tan rã sau cuộc chiến tranh với nhà Tây Hán, kết thúc kỷ nhà Triệu (năm 111 trước Công nguyên). Khi đó, tướng Lộ Bác Đức đem quân xâm lược nước Nam Việt của Triệu Ai Vương. Thừa tướng Lữ Gia (tức Nguyễn Triệu Lệ, quê gốc Nghệ An, có tài liệu nói là Hà Tây cũ), một tướng tài của triều đình đã rút khỏi thành Phiên Ngung (thuộc Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) về đóng ở núi Long Động - Lập Thạch (Vĩnh Phúc) để chống lại quân của Lộ Bác Đức trong suốt hơn 10 năm (124 -111 TCN). Tại đây, ông đã cùng các thổ hào và cư dân trong vùng đánh cho quân nhà Hán thất điên bát đảo, trong đó lớn nhất là trận đánh trên sông Lô (năm 111 TCN). Ông cũng là người đã được Lạc tướng Hồng Bảo - cháu 4 đời của Hùng Duệ Vương - gả cả hai người con gái làm vợ. Sau khi ông chết, nhân dân ở đây đã thờ ông làm Thành hoàng. Đến đời Lê, vua Lê Thánh Tông phong tặng ông là “Áp quốc bảo thiên chiêu, ứng chí dũng đại vương”.

Điều muốn nói là, để động viên tinh thần binh sĩ và dân chúng mỗi khi thắng trận, Thừa tướng Lữ Gia đã cho mổ trâu để ăn mừng chiến thắng. Ông đặt ra trò đấu trâu để mua vui cho quân sĩ và dân chúng, từ đó hình thành lễ hội đấu ngưu (chọi trâu). Người ta cũng truyền rằng, quân sĩ khi được ăn thịt trâu chọi sẽ tráng kiệt hơn người thường, chính vì thế mà quân dân Hải Lựu luôn trụ vững trước quân xâm lược.

Hội chọi trâu Đồ Sơn là “bản sao” (?)

Lâu nay chúng ta vẫn biết đến với hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) với tư cách là một trong những lễ hội tiêu biểu, đã hình thành từ thế kỷ XVIII và được tổ chức vào tháng 8 âm lịch hàng năm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi hoạt động kinh tế - xã hội phát triển thì hội chọi trâu Đồ Sơn càng được quan tâm, đầu tư, để rồi bên cạnh ý nghĩa văn hóa truyền thống nó còn trở thành một trong những điểm nhấn thu hút phát triển du lịch của cả vùng. Tuy vậy, theo những người cao tuổi ở Hải Lựu thì lịch sử chọi trâu ở Việt Nam đã được hình thành cách nay hàng nghìn năm và khởi nguồn là từ Bạch Lưu Hạ. Nhiều người dân Hải Lựu còn lý giải, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không những chỉ là bắt nguồn từ Hải Lựu mà nó còn có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Sở dĩ như vậy là bởi, quan niệm tâm linh cổ xưa ở Hải Lựu vốn quy định rất khắt khe về lễ hội này từ cả nghìn năm trước. Theo đó, việc tậu trâu được giao cho các giáp, mỗi giáp lại căn cứ theo tuổi của các trai đinh mà phân công cắt cử đóng góp, chăm bẵm, do vậy mà các gia đình ở Hải Lựu xưa, cho dù nghèo đến đâu cũng phải tham gia tậu và nuôi trâu - khi được lượt. Trường hợp trai đinh nào không thể đảm nhận được thì phải chịu hạ thấp tuổi thực của mình và chuyển phần nuôi trâu chọi cho người khác. Ở vùng quê miền núi nghèo khó như Hải Lựu khi ấy, thì việc người không đủ điều kiện để tham gia nuôi trâu chọi cũng không ít, nhưng lệ làng vẫn phải theo nên đã có nhiều trai đinh bị hạ tuổi. Trong đó có một chàng “bạch đinh” (ý nói người con trai quá nghèo) rơi vào hoàn cảnh này. Không cam chịu mãi cảnh nghèo hèn ở chốn đình chung, chàng trai đó đã bỏ xứ đến nơi khác làm ăn sinh sống. Sau quãng đời bôn ba, anh này trở nên khá giả, nhưng nỗi lòng vẫn đau đáu hướng về quê hương cùng những ký ức lễ hội truyền thống ở quê nhà vốn đã ăn sâu nơi tiềm thức từ thời niên thiếu, nên anh đã tìm cách tổ chức lại hội chọi trâu ngay trên quê hương thứ hai của mình là xứ Đông (Hải Phòng ngày nay). Cùng với thời gian, hoạt động này ngày càng phát triển và trở thành một lễ hội văn hóa đặc trưng ở Đồ Sơn (?).

Không biết thực hư của câu chuyện này ra sao, nhưng đến nay những người già ở Hải Lựu vẫn tin vào điều đó. Họ còn cho biết, cùng với Đồ Sơn, một số địa phương khác trên cả nước cũng có lễ hội chọi trâu như Hàm Yên (Tuyên Quang), Nghệ An, Thanh Hóa,… nhưng không ở đâu có lịch sử lâu đời và mang ý nghĩa đặc sắc như ở Hải Lựu.

Miền quê Hải Lựu với lễ hội chọi trâu xưa

Vùng đất Hải Lựu ngày nay vốn gồm đất của hai làng là Bạch Lưu Hạ (tên nôm là Kẻ Nội) và Hải Lựu (Kẻ Kảy), được chắn bởi dãy núi Thét, một nhánh ngang của dãy núi Sáng (thuộc sơn hệ Tam Đảo) và dòng sông Lô - ranh giới tự nhiên với huyện Phù Ninh (Phú Thọ). Qua công tác nghiên cứu khảo cổ học, người ta đã phát hiện ra những dấu tích, di chỉ để khẳng định người Việt cổ đã cư trú ở đây cách nay khoảng 3.000 đến 3.500 năm. Cũng tại đây, từ thế kỷ XVII, dân làng đã dựng ngôi đình Bác Cổ (đình Trên) thờ Thành hoàng làng là Thừa tướng Lữ Gia. Đình Bác Cổ từng được Viện Viễn Đông Bác Cổ đưa vào danh mục bảo vệ. Cách đình Trên khoảng 500m, dân làng còn dựng thêm một ngôi đình khác, gọi là đình Kiêng. Hàng năm, khi làng tổ chức lễ hội chọi trâu, người ta làm lễ rước bài vị thần từ đình Trên về đình Kiêng, tổ chức tế thần, sau đó khai hội chọi trâu tại bãi đất trống trước sân đình Kiêng. Trong những năm chiến tranh, đình Trên và đình Kiêng đã bị thực dân Pháp phá hủy, nhưng những dấu tích của nó thì đến nay vẫn còn.

Về lễ hội chọi trâu ở Bạch Lưu Hạ, trước đây được tiến hành đan xen nhau và trải dài từ tháng 8 âm lịch năm trước đến giữa tháng Giêng năm sau. Số trâu được chọn gồm 16 con, chia thành hai đợt: đợt 1 gồm 10 con tổ chức vào ngày 28 tháng Chạp năm trước, đợt 2 gồm 6 con tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng năm sau. Địa điểm diễn ra lễ hội chọi trâu là bãi đất ruộng bằng phẳng, rộng khoảng 6-7 sào Bắc bộ, trước đình Kiêng. Chuẩn bị đến ngày hội, lệ làng quy định mỗi nhân đinh phải đóng 10 cọc gỗ hoặc tre (cọc thạc) dài khoảng 4m, đường kính 4-5cm. Những chiếc cọc này được chôn và liên kết với nhau thành hàng rào của giáp đấu. Năm 1943-1944, tường rào chắn được xây bằng gạch, vữa vôi cát, mật mía và giấy bản. Phần lễ và hội chọi trâu trước tiên là lễ “trình trâu”. Người nuôi trâu phải sắm sửa lễ vật để cùng “bốn ban các cụ” (đại diện phụ lão của 4 giáp đưa lễ vật và trâu ra đình Trên để làm lễ trình đức thánh. Từ đây trâu được gọi là “ông cầu”, nghĩa là cầu trận, cầu an, cầu mưa hay còn gọi là “trâu cà thờ”.

Làng Bạch Lựu Hạ xưa chia làm 4 giáp (Đông, Tây, Nam, Bắc), việc tổ chức nuôi trâu được giao cho các giáp. Mỗi giáp căn cứ vào ngày giờ sinh của các nhân đinh mà phân bổ nuôi trâu theo thứ tự (ai sinh trước nuôi trước). Trường hợp đặc biệt, như gia đình quá khó khăn thì được phép tạm hoãn nhưng phải hạ tuổi (coi là ít tuổi hơn người nuôi trâu thay mình). Do mỗi giáp có số nhân đinh không giống nhau nên số lượng trâu chọi và tuổi nhân đinh nuôi trâu ở mỗi nơi cũng khác nhau. Thời gian nuôi trâu chọi được bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, tháng 9 sẽ tiến hành trình trâu.

Người được lượt nuôi trâu phải chịu toàn bộ tiền mua trâu và có thể thuê người khác chăm sóc, nhưng phải tuân thủ quy định: tuy không kể tuổi và nguồn gốc, song trâu chọi phải là trâu cà, lông đen tuyền, không trắng lưỡi, sừng hướng tiền, mắt nhô nom tựa ốc loa, móng khép, chân to, đuôi dài chấm kheo. Sau khi đã trình, trâu phải “nuôi hãm” trong chuồng, dùng dây thừng bện bằng tre cật vòng qua hai sừng, chạc sẹo cũng được go chặt vào văng chuồng để mõm trâu hếch lên cho tiện bón thức ăn. Chuồng trâu phải được quét dọn sạch sẽ, mỗi ngày 2 lần cho trâu ra sông tắm rửa.

Trước khi đưa đến bãi chọi, trâu được đánh vòng bằng thừng tre ở mũi để thay sẹo, có khi phải dùng vải bịt mắt để trâu không nhìn thấy nhau. Người làm nhiệm vụ dắt trâu mặc lễ phục gồm áo dài, thắt lưng đai mũi cạnh, cầm theo ngoặc dài bằng tre ngoắc vào vòng ở mũi trâu để điều khiển trâu. Sau khi nghe loa tuyên bố “Đông - Tây - Nam - Bắc, ai có trâu vào chọi” thì trống, kèn, cồng, chiêng, thanh la, tù và nổi lên rộn rã và lần lượt từng cặp ngưu lao vào thi đấu. Cuối hội, dù là trâu thắng hay thua cũng đều đem mổ thịt và được phân chia theo quy định cho dân làng. Hội chọi trâu ở Hải Lựu xưa tuy không treo giải, nhưng luôn thu hút sự quan tâm của người dân trong vùng. Những gia đình được nuôi trâu dẫu khó nhọc là vậy, thậm chí thịt trâu mổ ra phân phối hết cho làng, nhưng luôn coi đó là một vinh dự lớn. Đặc biệt, mỗi dịp như vậy, cho dù là khách đến từ thập phương đều được đón tiếp ăn ở miễn phí ở nhà quen trong suốt những ngày diễn ra lễ hội.

Nhiều chuyên gia cho rằng, lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu tuy không có tính tiếp biến phổ quát, nhưng lại nổi tiếng do sự độc đáo, nguyên gốc và tối cổ. Thậm chí, người già ở đây còn kể, vào quãng 1934-1935, viên quan chánh sứ người Pháp khi ấy (người dân quen gọi là “Chánh sứ thọt”) còn cùng tùy tùng đến Hải Lựu xem, chụp ảnh chọi trâu và sau đó cho đầu tư xây khán đài để đón quan khách đến thưởng thức. Lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu được duy trì tổ chức bài bản, hoành tráng cho đến năm 1947 do chiến tranh ác liệt và vì nhiều nguyên nhân khác nên diễn ra, phải đến năm 2002 mới được khôi phục trở lại.

Chọi trâu ở Hải Lựu ngày nay

Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, từ mùa xuân năm 2001 Hải Lựu đã tiến hành các hoạt động chuẩn bị để khôi phục lại lễ hội truyền thống của quê hương. Và dù đã gặp không ít khó khăn, nhưng lễ hội chọi trâu năm 2002 vẫn được tái hiện trên cơ sở những tính cách đặc thù. Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay, lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu được duy trì tổ chức cố định hàng năm vào ngày 16 và 17 tháng Giêng âm lịch với quy mô ngày một lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong vùng. Đồng thời, để phù hợp với nhu cầu của cư dân trong vùng, địa điểm chọi trâu được chuyển từ khu vực đình Kiêng về gò Mả Đàm và trong năm 2006 được đầu tư xây dựng sân thi đấu, khán đài bằng vật liệu kiên cố. Đến nay, tuy đình Trên, đình Kiêng đều đã bị chiến tranh tàn phá, nhưng tại các lễ hội chọi trâu Hải Lựu, người ta vẫn cơ bản khôi phục và tiến hành đầy đủ các thủ tục, lễ nghi giống như khi xưa.

Nếu trước đây, số trâu tham gia tranh tài là 16 con, dần dần được nâng lên 24 và năm 2019 đã là có 32 trâu để chia thành 16 cặp. Việc nuôi trâu chọi ngày nay cũng được giao cho các thôn dân cư và đại diện các tổ chức, đoàn thể ở địa phương. Mặt khác, để khuyến khích các chủ trâu cũng như nhằm tạo thêm sự hấp dẫn cho lễ hội, lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu ngày nay được quy định khá chi tiết, trâu thắng cuộc được nhận thưởng lên đến cả chục triệu đồng và chủ trâu có quyền xẻ thịt bán. Để chuẩn bị cho lễ hội, từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch, các nhóm hộ gia đình sau khi gắp phiếu, bắt đầu đi các nơi tậu và vỗ béo trâu. Đến tháng 11-12 âm lịch, tổ trọng tài đi kiểm tra trâu lần cuối. Ngày 15 tháng Giêng, sau khi làm lễ trình trâu, chủ trâu đưa trâu về nhà, mở tiệc chúc tụng vui vẻ, đồng thời chuẩn bị tắm rửa cho trâu để hôm sau thi đấu. Tiêu chuẩn trâu chọi được quy định là trâu cà, có vòng ngực trên 2.0m, ngoại hình đẹp, cân đối, lông màu đen, da trê. Kể từ khi đã có trong danh sách chọi, trâu không được đi làm, không được phối giống và đặc biệt không để cho trâu đánh nhau. Điều thú vị là, để các “ông cầu” không bỡ ngỡ với không khí lễ hội, cũng như tránh trường hợp trâu “ngứa sừng” trước lễ hội, người ta phải tìm cách để các “ông cầu” không được gần nhau. Thậm chí, có gia đình còn tổ chức huấn luyện, đánh chiêng trống, dắt trâu qua chợ để trâu làm quen với cảnh đông đúc ồn ào. Những người có kinh nghiệm còn tiết lộ, cùng với các tiêu chuẩn chung, muốn thắng cuộc họ phải chọn trâu có khoáy nghịch, 4 chân chắc đều, không chọn trâu có sừng ống nứa và đặc biệt phải tránh trâu đã bị “cứu”, đồng thời phải huấn luyện để trâu hiểu ý chủ với những miếng đánh hóc hiểm như “hổ lao”, “cáng hầu”, “móc mắt”…

Đến nay, các phần lễ và hội được tổ chức khá bài bản, được người dân trong vùng quan tâm hưởng ứng. Không vậy mà, Hải Lựu tuy chỉ vỏn vẹn hơn nghìn ha đất tự nhiên cùng với trên 7 nghìn nhân khẩu, nhưng mỗi khi lễ hội diễn ra luôn có hàng vạn lượt du khách đến xem.

Núi Thét kiêu hùng vẫn sừng sững đổ bóng xuống dòng sông Lô huyền thoại. Rồi đây, trong vòng quay của nền kinh tế thị trường có thể sẽ làm đổi thay nhiều điều ở miền sơn cước này, nhưng những giá trị lâu đời, trong đó có lễ hội chọi trâu Hải Lựu hẳn sẽ còn mãi với thời gian. Bởi đó không chỉ là những hoạt động văn hóa thông thường, mà còn gắn liền với các truyền thuyết, tín ngưỡng - một phần quan trọng tạo lập nên truyền thống văn vật đã trải dài qua hàng ngàn năm lịch sử ở miền quê bán sơn địa này.

Thạc sĩ, Luật sư LIÊU CHÍ TRUNG 

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam

Có nên 'xóa sổ' lễ hội chọi trâu?