6 nhiệm vụ trọng tâm cần lưu ý về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

12/09/2024 14:04 | 5 ngày trước

(LSVN) - Thực hiện Phiên họp thứ 37, sáng 12/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Chính phủ cần tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Theo đó, phát biểu kết luận nội dung Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tuy nhiên, đây là một luật chuyên ngành với nhiều nội dung chuyên môn sâu nên để đảm bảo chất lượng dự án luật, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực pháp luật về một số định hướng mới trong xây dựng pháp luật.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Chính phủ cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp hóa chất đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế, ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng.

Trong đó, ưu tiên phát triển các loại hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông lâm, thủy sản. Nghiên cứu để thể chế hóa Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước và Kết luận số 81 về việc chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Thứ hai, thực hiện nghiêm quy định 178 để kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, tách bạch giữa các vấn đề, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị có liên quan.

Ba là, rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh để đáp ứng yêu mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật, đảm bảo không chồng chéo với các luật khác, không tạo ra khoảng trống pháp lý trong hoạt động hóa chất. Tiếp tục rà soát để đảm bảo phù hợp, tương thích với các điều ước quốc tế và các công ước về hóa chất. Bổ sung đầy đủ các hồ sơ, tài liệu theo ý kiến của cơ quan thẩm tra và rà soát các khái niệm từ ngữ chuyên môn để giải thích đầy đủ, đảm bảo rõ nghĩa, dễ hiểu và tránh trùng lắp và không được đưa khái niệm không cần thiết.

Bốn là, về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện để cụ thể hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, có chính sách đầu tư thích đáng, có trọng tâm, trọng điểm để phát triển công nghiệp tốt nhất, làm rõ chính sách nào nhà nước ưu đãi, chính sách nào nhà nước đầu tư, các chính sách cần thiết thực, cụ thể hóa đầy đủ vào các điều khoản trong dự thảo luật để đảm bảo tính khả thi, tránh chung chung, khó triển khai trong thực tiễn.

Năm là, rà soát, làm rõ, tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung các ý kiến của các cơ quan thẩm tra về Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất; trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất, ưu đãi đầu tư với các lĩnh vực công nghiệp hóa chất; rà soát và quản lý hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hóa chất; tăng chế tài xử lý các vi phạm trong quản lý hóa chất.

Sáu là, rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của dự án Luật hóa chất (sửa đổi) với các luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cụ thể hóa tối đa trong luật những nội dung đã được kiểm nghiệm, áp dụng ổn định trong thực tiễn; rà soát quy định về áp dụng luật, điều khoản thi hành đảm bảo khả thi, không xảy ra vướng mắc khi áp dụng, chỉ đưa vào luật nội dung cần thiết, tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính thống nhất khi áp dụng luật và không đi vào vấn đề chi tiết các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ, ngành đã quy định và kết luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật; làm rõ các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị; tiếp thu đầy đủ các giải trình, các ý kiến tham gia đóng góp. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu Tổng thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp các ý kiến tham gia trong Phiên họp và thông báo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện.

MINH HIỀN (t/h)