Bẫy loại trừ trách nhiệm bảo hiểm - Rủi ro luôn rình rập doanh nghiệp

17/09/2024 09:52 | 2 ngày trước

(LSVN) - Thiệt hại tài sản do bão Yagi ước tính khoảng 40.000 tỉ đồng, nhưng doanh nghiệp người dân chỉ nhận được khoảng 7.000 tỉ đồng bảo hiểm chi trả. Con số này có thể còn tăng, nhưng điều đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp có thể vướng phải các điều khoản loại trừ trách nhiệm trong hợp đồng bảo hiểm. Đây là rủi ro tiềm ẩn khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ không được bồi thường đầy đủ khi thảm họa thiên nhiên xảy ra.

Ảnh minh họa.

Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều doanh nghiệp, khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ và tài sản bị tàn phá. Với mức thiệt hại ước tính khoảng 40.000 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp đang mong đợi khoản bồi thường từ bảo hiểm. Tuy nhiên, với ước tính bảo hiểm chi trả chỉ khoảng 7.000 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc được bồi thường đầy đủ. Lý do chính là họ đã vô tình bị ràng buộc bởi những điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng mà họ không chú ý đến khi ký kết.

Điều khoản loại trừ trách nhiệm – “Cạm bẫy” tiềm ẩn cho doanh nghiệp

Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là những quy định trong hợp đồng bảo hiểm cho phép công ty bảo hiểm từ chối chi trả trong những trường hợp nhất định. Đây là một trong những yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp cần phải hết sức cẩn thận khi ký kết hợp đồng. Các điều khoản này có thể bao gồm việc loại trừ các sự kiện thiên tai như bão, lũ lụt hoặc các sự cố liên quan đến vi phạm pháp luật của bên mua bảo hiểm.

Ví dụ, trong vụ kiện giữa Công ty Silala và Tổng Công ty bảo hiểm PVI (TP.HCM, xét xử năm 2012), PVI từ chối chi trả bồi thường thiệt hại khi lò nướng của Silala bị nổ. PVI viện dẫn điều khoản loại trừ rằng lò bị xuống cấp dần theo thời gian và không nằm trong phạm vi bảo hiểm. Tuy nhiên, Tòa án TP. HCM đã phán quyết rằng sự cố này không thuộc điều khoản loại trừ và buộc PVI phải bồi thường.

Những rủi ro thường gặp từ điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

Thiên tai, bao gồm bão và lũ lụt, thường là những rủi ro có thể bị loại trừ khỏi hợp đồng bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm thường lập luận rằng thiệt hại do thiên tai gây ra là quá lớn và khó dự đoán, vì vậy họ không thể gánh vác toàn bộ trách nhiệm tài chính. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp ngỡ ngàng khi đối mặt với từ chối bồi thường sau khi thiệt hại đã xảy ra.

Ngoài ra, các điều khoản loại trừ còn có thể áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ quy trình bảo hiểm. Ví dụ, nếu doanh nghiệp không thông báo kịp thời về sự kiện bảo hiểm hoặc không có biện pháp bảo vệ tài sản sau sự cố, công ty bảo hiểm có thể từ chối bồi thường dựa trên điều khoản này.

Một ví dụ khác là vụ kiện giữa anh D. và Công ty bảo hiểm M (Quảng Bình, năm 2019). Tàu cá của anh D. bị chìm nhưng Công ty M từ chối bồi thường với lý do tàu hoạt động ngoài phạm vi bảo hiểm và sự cố không thuộc rủi ro được bảo hiểm.

Giải pháp cho doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp đã ký hợp đồng và gặp sự kiện bảo hiểm như bão, cần thực hiện ngay một số biện pháp sau:

Xem xét lại hợp đồng bảo hiểm và tìm hiểu rõ điều khoản loại trừ: Khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra, doanh nghiệp cần nhanh chóng kiểm tra lại hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là các điều khoản loại trừ liên quan đến thiên tai. Nếu có bất kỳ điểm nào không rõ ràng, cần tham khảo ý kiến từ luật sư hoặc chuyên gia bảo hiểm để hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Cung cấp đầy đủ thông tin và tuân thủ quy trình bồi thường: Doanh nghiệp cần đảm bảo thông báo sự kiện bảo hiểm cho công ty bảo hiểm ngay sau khi sự cố xảy ra và cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ liên quan. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh bị từ chối bồi thường do vi phạm quy trình thông báo.

Thương lượng với công ty bảo hiểm: Trong trường hợp doanh nghiệp đối mặt với từ chối bồi thường dựa trên điều khoản loại trừ, cần thương lượng với công ty bảo hiểm để đạt được thỏa thuận tốt nhất. Nếu có bằng chứng chứng minh sự kiện bảo hiểm không thuộc điều khoản loại trừ hoặc doanh nghiệp đã thực hiện đúng quy trình, việc thương lượng sẽ giúp đạt được kết quả tích cực hơn.

Tham vấn ý kiến Luật sư và khởi kiện nếu cần thiết: Nếu công ty bảo hiểm vẫn từ chối bồi thường mà doanh nghiệp cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm, cần tham vấn ý kiến luật sư và có thể khởi kiện ra tòa án, nhưng nếu có thể thì tốt nhất nên kiện ra trọng tài thương mại. Vụ kiện giữa Công ty T và Cty BH (TP.HCM, năm 2017) là một ví dụ khi Công ty T khởi kiện B1 sau khi lô xoài của họ bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển nhưng bị từ chối bồi thường. Tòa án đã buộc B1 phải cung cấp dữ liệu và chịu trách nhiệm bồi thường khi sự cố rõ ràng không thuộc điều khoản loại trừ.

Thiệt hại do bão số 3 gây ra là một lời cảnh báo cho các doanh nghiệp về những rủi ro tiềm ẩn trong hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo quyền lợi bằng cách hiểu rõ hợp đồng, thương lượng hợp lý và tuân thủ chặt chẽ quy trình bảo hiểm để tránh gặp khó khăn khi sự cố xảy ra.

Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ

Chủ tịch TAT LAW FIRM

Không thu viện phí của nạn nhân vùng thiên tai khoản không được BHYT thanh toán