Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung tiêu chuẩn Luật sư có 'bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp'

16/06/2024 16:57 | 1 tuần trước

(LSVN) - Bổ sung tiêu chuẩn của Luật sư có “bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp” và giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chuẩn Luật sư để đảm bảo áp dụng thống nhất khi xem xét cấp, thu hồi, gia hạn chứng chỉ hành nghề luật sư.

 

Ảnh minh họa.

Ngày 05/6/2024, Bộ Tư pháp đã có Tờ trình số 44/TTr- BTP gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng Luật Luật sư thay thế Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012 của Quốc hội).

Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua, nhiều Nghị quyết, văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành, xác định rõ chủ trương, định hướng cũng như giải pháp, quy định về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó có xây dựng, hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề Luật sư, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn Luật sư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư; tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời, tăng cường kỷ luật,kỷ cương trong hoạt động hành nghề Luật sư.

Đồng thời, Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành trước khi có Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật, luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Luật sư như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính... được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nên một số quy định của Luật Luật sư không còn tương thích, phù hợp với những quy định của pháp luật có liên quan như thủ tục đăng ký, tham gia bào chữa của Luật sư.

Theo Bộ Tư pháp, chất lượng Luật sư chưa đồng đều, chưa tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và tạo lập được niềm tin với người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Phẩm chất đạo đức, ý thức tuân thủ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của một số ít Luật sư tồn tại hạn chế. Còn tình trạng một số Luật sư có hành vi tiêu cực trong hành nghề, lợi dụng việc hành nghề Luật sư để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Có nơi, có thời điểm còn có hiện tượng Luật sư tư vấn cho người dân thực hiện khiếu nại, khiếu kiện, trái pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Nhận thức về tư tưởng, chính trị của một bộ phận Luật sư chưa được bảo đảm, trong quá trình hành nghề chú trọng nhiều đến việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng mà chưa quan tâm đến bảo vệ công lý,công bằng, bảo vệ pháp chế XHCN. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số Luật sư chưa cao, một số Luật sư vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Trong 10 năm qua, đã có 463 Luật sư bị xử lý kỷ luật với nhiều hình thức, trong đó có tới 441 Luật sư bị xóa tên khỏi danh sách Luật sư).

Do Luật sư là một nghề đặc thù, có chức năng bảo vệ công lý, công bằng xã hội nên hoạt động Luật sư có tác động đến đời sống chính trị, xã hội, đồng thời, hoạt động của Luật sư phụ thuộc vào nhu cầu của xã hội. Điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta đang phát triển, thu nhập của người dân chưa đồng đều, chưa hình thành thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý, do đó, ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển đội ngũ Luật sư và hoạt động nghề của Luật sư.

Bộ Tư pháp cho rằng, việc ban hành Luật Luật sư (thay thế) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư, bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động Luật sư. Đồng thời, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi kỹ năng hành nghề, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển tổ chức và hoạt động của Luật sư phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thông lệ quốc tế.

Thực tiễn triển khai thực hiện Luật Luật sư đã bộc lộ một số quy định của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư còn chưa phù hợp với thực tiễn, đặc thù của nghề Luật sư; thiếu một số khái niệm dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất. Chẳng hạn, quy định Luật sư phải có phẩm chất đạo đức tốt, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật tại Điều 10 chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu khác nhau hoặc gây khó khăn trong quá trình xem xét tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề Luật sư theo quy định của Luật Luật sư.

Tiêu chuẩn Luật sư

Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề Luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề Luật sư,có sức khoẻ bảo đảm hành nghề Luật sư thì có thể trở thành Luật sư. (Điều 10) 

Luật Luật sư không quy định cụ thể về tiêu chuẩn về “Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt”. Tiêu chuẩn này mới được được hướng dẫn tại Điều 2a, Nghị định số 137/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư).

Góp ý hồ sơ xây dựng Luật Luật sư thay thế, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và một số Đoàn Luật sư đã có ý kiến việc bổ sung tiêu chuẩn về tư tưởng là trừu tượng; thực chất tiêu chuẩn này đã được cụ thể hóa tại điều 10 Luật Luật sư hiện hành: Trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt; Bổ sung tiêu chuẩn "bản lĩnh nghề nghiệp Luật sư" cũng là trừu tượng Bản lĩnh nghề nghiệp thể hiện trong quá trình hoạt động nghề Luật sư. Chưa hành nghề làm sao đánh giá được bản lĩnh nghề nghiệp? Luật sư không có bản lĩnh nghề nghiệp khi hành nghề thôi sẽ không thành công, không được tín nhiệm và sẽ bị đào thải. Chỉ thị và nghị quyết của Đảng chủ trương xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng chứ không phải bản lĩnh nghề nghiệp…

Theo Bộ Tư pháp, trước những yêu cầu về nâng cao tiêu chuẩn chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ của Luật sư xuất phát từ thực trạng tổ chức và hoạt động của Luật sư và kết quả tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Kết luận số 69-KL/TW, để đảm bảo áp dụng thống nhất khi xem xét cấp, thu hồi, gia hạn chứng chỉ hành nghề Luật sư, đề cương Luật Luật sư thay thế kế thừa Điều 10, Luật Luật sư quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”, "có phẩm chất đạo đức tốt” và điều kiện trở thành Luật sư. Đồng thời, bổ sung tiêu chuẩn của Luật sư có “bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp” và giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chuẩn Luật sư (bổ sung quy định trong Luật về việc giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chuẩn Luật sư hoặc luật hóa một số quy định về tiêu chuẩn Luật sư tại Nghị định số 137/2018/NĐ-CP của Chính phủ).

Theo đó, quy định về thu hồi, đình chỉ hiệu lực Chứng chỉ hành nghề Luật sư tại Đề cương Luật Luật sư thay thế có bổ sung căn cứ thu hồi hoặc đình chỉ hiệu lực của Chứng chỉ trong một số trường hợp Luật sư bị khởi tố, trong quá trình bị điều tra. Theo Bộ Tư pháp, đây là trường hợp thu hồi Chứng chỉ hành nghề do vi phạm về tiêu chuẩn đạo đức của Luật sư, không phải trường hợp do phạm tội và có bản án có hiệu lực.

Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung dự án Luật Luật sư (thay thế) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2025; Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2025; trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025). Thời gian Luật có hiệu lực dự kiến từ ngày 01/3/2026.

Xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đã chỉ đạo “Hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề Luật sư, bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với Luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề Luật sư. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế”.

Người không đủ tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; người không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức tốt theo quy định tại Điều 10 của Luật Luật sư:

1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không đủ tiêu chuẩn tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức tốt theo quy định tại Điều 10 của Luật Luật sư:

a) Đã bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức mà quyết định kỷ luật chưa chấm dứt hiệu lực hoặc bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực; đã bị xử lý hành chính về một trong các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác, quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ nhưng chưa hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý hành chính;

b) Đã bị xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự hoặc có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về một trong các hành vi liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia; ứng xử, phát ngôn làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề Luật sư hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tham gia, lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người để gây rối trật tự công cộng, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy định tại điểm b, d, e, g, i hoặc k khoản 1 Điều 9 của Luật Luật sư; vi phạm pháp luật khác do cố ý đã bị xử lý kỷ luật từ hai lần trở lên.

(Trích Điều 2a Nghị định số 137/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư).

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ

Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Đề xuất không bổ sung quy định việc cấp, đổi Chứng chỉ hành nghề Luật sư khi hết thời hạn 05 hoặc 10 năm