Đề xuất không bổ sung quy định việc cấp, đổi Chứng chỉ hành nghề Luật sư khi hết thời hạn 05 hoặc 10 năm

03/06/2024 11:12 | 3 tuần trước

(LSVN) - Hướng đến mục tiêu hoàn thiện thể chế, pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư ở Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật liên quan đến Luật sư và hành nghề Luật sư; kế thừa và phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phù hợp; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định để phù hợp với thực tiễn hoạt động Luật sư và hành nghề Luật sư nhằm phát triển nghề Luật sư chất lượng và bền vững với đội ngũ Luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức tốt, bản lĩnh vững vàng; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hành nghề, đồng thời nâng cao trách nhiệm của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Luật sư nhằm thực hiện kế hoạch chuẩn bị cho việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Luật sư thay thế Luật Luật sư năm 2006.

Ảnh minh họa.

Dưới đây là một số ý kiến đóng góp đối với Dự kiến Đề cương chi tiết Luật Luật sư (thay thế). 

Quy định về xử lý kỷ luật đối với Luật sư

Điều 90 Luật Luật sư (thay thế) kế thừa Điều 85 Luật Luật sư hiện hành, quy định về trường hợp Luật sư bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Luật sư của Đoàn Luật sư thì Đoàn Luật sư phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp. Để phù hợp với tinh thần công khai, minh bạch trong công tác xây dựng hệ thống pháp luật. Đề xuất bổ sung thêm quy định phải đăng tải thông tin về xử lý kỷ luật trên website của Đoàn Luật sư.

Quy định về người được miễn, giảm đào tạo nghề Luật sư

Điều 16 Luật Luật sư (thay thế), đề xuất áp dụng Phương án 1 quy định về đối tượng miễn, giảm tập sự hành nghề luật sư. Nghề Luật sư là một nghề có tính đặc thù cao, một số đối tượng mặc dù đã công tác trong lĩnh vực pháp lý nhưng trên thực tế, Luật sư trong quá trình hành nghề phải có kỹ năng hành nghề, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, kỹ năng xử lý công việc cụng như góc nhìn pháp lý cũng hoàn toàn khác biệt...

Do đó, để bảm bảo chất lượng nghề nghiệp cũng như giữ vững được giá trị nghề Luật sư, đề xuất bổ sung 04 đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Luật sư hiện hành không được áp dụng hình thức miễn, giảm mà phải qua lớp đào tạo nghề Luật sư gồm:

- Điều tra viên sơ cấp;

- Thẩm tra viên chính ngành Tòa án;

- Kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát;

- Chuyên viên chính, nghiên cứu chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

Về quy định quyền và nghĩa vụ của Luật sư

Điều 21 Luật Luật sư (thay thế) bổ sung một số trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư. Về bản chất, nghề Luật sư là một nghề hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm cá nhân Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư. Việc phát triển nghề Luật sư và xây dựng đội ngũ Luật sư cũng không thể thiếu đi vai trò của tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư để phát triển đúng hướng.

Do đó, đề xuất bổ sung một số nội về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư như:

- Trách nhiệm về thiết lập chế độ tự quản, tự chịu trách nhiệm cao nhất trong hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý

- Trách nhiệm tự nâng cao năng lực nghề nghiệp, trình độ chuyên môn trong quá trình hoạt động nghề Luật sư

- Trách nhiệm trong việc cơ cấu tổ chức khoa học bộ máy nhân sự phải đạt yêu cầu về sự chuyên nghiệp và chuyên môn hóa khả năng quản lý đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp….

- Trách nhiệm trong việc gìn giữ, cống hiến và phát triển xây dựng nghề Luật sư đúng hướng, đáp ứng được yêu cầu xã hội và khả năng hội nhập quốc tế.

Quy định về hoạt động tham gia tố tụng của Luật sư

Điều 24 Luật Luật sư (thay thế) đề xuất sửa đổi quy định này để phù hợp, tương thích với pháp luật về tố tụng hiện hành. Qua đối chiếu với Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật tố tụng hành chính 2015 và Điều 27 Luật Luật sư số 03/VBHN-VPQH, các quy định về Hoạt động tham gia tố tụng của Luật sư chưa có nội dung mâu thuẫn, xung đột lẫn nhau.

Cụ thể, Điều 27 Luật Luật số hiện hành quy định khi tham gia tố tụng, Luật sư xuất trình Thẻ Luật sư và giấy yêu cầu Luật sư của khách hàng. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi Luật sư xuất trình giấy tờ theo quy định, cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng của Luật sư. Theo quy định về thủ tục đăng ký bào chữa được quy định tại khoản 4 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, luật chỉ quy định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đầy đủ giấy tờ mà Luật sư phải cung cấp theo quy định, thì cơ quan tiến hành tố tụng kiểm tra giấy tờ và không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa thì thực hiện vào sổ đăng ký bào chữa và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ý bào chữa vào hồ sơ vụ án. Đối với trong Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định khi Luật sư xuất trình giấy tờ và tham gia tố tụng theo quy định của Luật Luật sư.

Như vậy, nhận thấy đối với quy định về trình tự, thủ tục tham gia tố tụng, quy định của pháp luật về tố tụng đã được xây dựng hoàn thiện và được cụ thể hóa, do đó Luật Luật sư (thay thế) chỉ nên quy định chung.

Quy định về hoạt động tư vấn pháp luật của Luật sư

Để quy định được về hoạt động tư vấn pháp luật của Luật sư được sát với thực tế, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định này như sau: Tư vấn pháp luật là việc Luật sư đưa ra ý kiến pháp lý; phân tích và giải thích hồ sơ vụ việc, vụ án của khách hàng trên cơ sở quy định của pháp luật; giải đáp thắc mắc và yêu cầu khách hàng; hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng soạn thảo hồ sơ, tài liệu, soạn thảo thư tư vấn pháp lý liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của khách hàng.

Lưu ý, Điều 2 Luật Luật sư (thay thế) quy định về Giải thích từ ngữ có đề xuất làm rõ khái niệm về Tư vấn pháp luật. Do đó, nếu Điều 2 đã quy định thì không cần quy định lại tại Điều 25 Luật Luật sư (thay thế).

Quy định về thành lập, giải thể Đoàn Luật sư

Điều 61 Luật Luật sư (thay thế) đề xuất bổ sung quy định về Điều kiện thành lập; các trường hợp giải thể Đoàn Luật sư. Theo đó, 03 trường hợp giải thể Đoàn Luật sư được hướng dẫn chi tiết tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 gồm:

- Không còn đủ ba Luật sư thành viên của Đoàn Luật sư;

- Không tổ chức lại Đại hội theo quy định tại Khoản 5 Điều 21 về Phê chuẩn kết quả Đại hội Luật sư;

- Hoạt động của Đoàn Luật sư vi phạm nghiêm trọng pháp luật, Điều lệ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nhận thấy quy định về trường hợp giải thể Đoàn Luật sư đã được cụ thể hóa theo quy định nêu trên, do đó đề xuất Điều 61 Luật Luật sư (thay thế) kế thừa quy định này.

Đồng thời, đề xuất xây dựng điều kiện thành lập Đoàn Luật sư phải căn cứ theo Điều lệ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam về việc tuân thủ trình tự, thủ tục thành lập theo quy định, số lượng thành viên tối thiểu…

Quy định về cấp lại, cấp đổi Chứng chỉ hành nghề luật sư tại Điều 19 (Đề cương Luật thay thế)

Đối với các trường hợp Luật sư có hành vi vi phạm hoặc không đủ các điều kiện theo quy định, đã có cơ chế, quy định, quy trình cụ thể về việc khiếu nại, tố cáo và xử lý. Do đó, đề xuất không bổ sung “quy định việc cấp, đổi Chứng chỉ hành nghề luật sư khi hết thời hạn 05 hoặc 10 năm để sàng lọc đội ngũ Luật sư khi trong thời gian hành nghề có những hành vi vi phạm hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của Luật, thủ tục bảo đảm nhanh, gọn”.

Quy định về giải thích từ ngữ tại Điều 2 Luật Luật sư (thay thế)

Đề xuất kế thừa quy định về “Trợ giúp pháp lý” tại Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 theo hướng “Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật”.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU

Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Hậu và Cộng sự

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Một số ý kiến góp ý đối với Đề cương chi tiết Luật Luật sư mới thay thế Luật Luật sư năm 2006

Từ khoá : lsvn.vn LSVN