Cơ chế hỗ trợ của Tòa án đối với Trọng tài thương mại trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thu thập chứng cứ và triệu tập người làm chứng: Bất cập và hướng hoàn thiện

30/06/2024 22:25 | 2 ngày trước

(LSVN) - Trong những năm trở lại đây, khi nền kinh tế đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng thì phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài đang dần trở thành xu hướng tại Việt Nam. Bên cạnh những ưu điểm mà tố tụng trọng tài mang lại như thủ tục nhanh, gọn, bảo mật và phán quyết mang tính chung thẩm, thì tố tụng trọng tài vẫn có những hạn chế nhất định do thẩm quyền của Hội đồng trọng tài là do các bên trao cho nên sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định. Khi đó cơ chế hỗ trợ của Tòa án đối đối Trọng tài là biện pháp quan trọng giúp cho các hoạt động giải quyết vụ việc của Hội đồng trọng tài được đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục mà không bị gây cản trở. Bài viết phân tích về cơ chế hỗ trợ của Tòa án đối với trọng tài thương mại trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thu thập chứng cứ và triệu tập người làm chứng và những hạn chế, bất cập hiện nay nhằm đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế này trong pháp luật về trọng tài thương mại Việt Nam.

Ảnh minh hoạ.

1. Đặt vấn đề

Theo quy định pháp luật Việt Nam, các tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc một bên có hoạt động thương mại có thể được giải quyết bởi Toà án hoặc Trọng tài thương mại (nếu các bên có thoả thuận trọng tài).[1] Nếu như Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận (tức thẩm quyền có được do các bên tranh chấp trao cho) và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại[2] thì Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp[3] (tức mang quyền lực Nhà nước); thẩm quyền và trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Như vậy, Tòa án và Trọng tài thương mại là hai phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập và xét về mặt lý thuyết thì thẩm quyền, vị thế của hai cơ quan tài phán này là có sự khác nhau. Tòa án với tính chất là cơ quan tài phán mang quyền lực Nhà nước nên có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết và kịp thời để ngăn chặn các hành vi gây cản trở cho quá trình giải quyết vụ án từ các bên tranh chấp và kể cả đối với bên thứ ba.

Chẳng hạn như trong trường hợp có bên thứ ba đang quản lý tài sản, lưu giữ chứng cứ cố tình muốn tẩu tán tài sản, hủy hoại chứng cứ thì Tòa án có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) để ngăn chặn kịp thời hoặc có thể ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ chứng cứ phải cung cấp chứng cứ đó cho Toà án hoặc Tòa án có quyền triệu tập người làm chứng đến tham gia phiên toà. Trong khi đó, Trọng tài thương mại lại không có hoặc bị giới hạn đáng kể các thẩm quyền này, đặc biệt là liên quan đến các bên thứ ba, làm cho quá trình giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài sẽ gặp phải trở ngại, khó khăn trong một số tình huống nhất định.

Do đó, để đảm bảo cho hoạt động tố tụng trọng tài được thực thi theo đúng luật định mà không gặp phải sự cản trở từ các bên hoặc bên thứ ba thì trong một số hoạt động tố tụng trọng tài như áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thu thập chứng cứ và triệu tập người làm chứng, cần thiết phải có cơ chế hỗ trợ từ cơ quan tài phán mang quyền lực nhà nước đó là Toà án.

2. Cơ chế hỗ trợ của Tòa án đối với Trọng tài thương mại trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thu thập chứng cứ và triệu tập người làm chứng

Trước tiên, cần phải thừa nhận rằng hai phương thức giải quyết tranh chấp thương mại là Trọng tài và Toà án dù độc lập nhưng lại tương hỗ với nhau ở nhiều khía cạnh. Bởi vì, Trọng tài với nhiều ưu điểm riêng của mình như đã nói trên đã trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên có thoả thuận lựa chọn nên có thể hỗ trợ cho Tòa án trong việc giảm tải đi các khó khăn khi khối lượng công việc (vụ án) ngày càng tăng mà nếu không có Trọng tài thì Tòa án đã phải một mình gánh vác do các bên tranh chấp không còn sự lựa chọn nào khác. Việc tồn tại một phương thức giải quyết tranh chấp như trọng tài không chỉ dừng lại ở vai trò là một cơ quan tài phán mà còn là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp của hệ thống tư pháp, góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng khả năng thu hút đầu thương mại và đầu tư quốc tế tại Việt Nam[4]. Hay nói cách khác, hệ thống tài phán thương mại đóng vai trò là một trong những yếu tố quan trọng của thị trường và mức độ hiệu quả của nó là biểu hiện của mức độ hấp dẫn thị trường[5].

Do vậy, việc Tòa án bằng quyền lực nhà nước của mình thực hiện các hoạt động tố tụng hỗ trợ cho Trọng tài thương mại trong quá trình giải quyết tranh thương mại là điều cần thiết trong quá trình thúc đẩy chất lượng của hoạt động giải quyết tranh chấp. Để có cơ sở cho việc hỗ trợ cho trọng tài thì cần phải có các quy phạm là cơ sở pháp lý để Toà án có cơ chế hỗ trợ cho Trọng tài thương mại trong các hoạt động tố tụng nhất định mà Trọng tài bị hạn chế về mặt thẩm quyền hoặc không thể tự mình thực hiện được. Theo đó, Điều 414 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã có quy định về những việc dân sự liên quan đến trọng tài thương mại Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Khi đó, Trọng tài với tư cách là đương sự trong vụ việc dân sự sẽ yêu cầu/ đề nghị Tòa án hỗ trợ mình trong các công việc/hoạt động tố tụng mà bản thân Trọng tài thương mại hoặc Hội đồng trọng tài không thể tự mình thực hiện được như: (i) áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ BPKCTT, (ii) triệu tập người làm chứng và (iii) thu thập chứng cứ, (iv) chỉ định Trọng tài viên, (v) Xem xét, huỷ phán quyết Trọng tài.

Ở khía cạnh khác, Trọng tài thương mại là một cơ quan tài phán độc lập, do đó đòi hỏi trong việc giải quyết tranh chấp phải đảm bảo tính độc lập, công bằng, khách quan nên cần phải đảm bảo rằng cơ chế hỗ trợ của Tòa án không được coi là sự can thiệp vào quá trình tố tụng của Trọng tài. Vì thế mọi sự hỗ trợ của Tòa án đối với Trọng tài phải tuân theo thủ tục của pháp luật về trọng tài thương mại Việt Nam[6]. Về bản chất, phải hiểu rằng, các yêu cầu/đề nghị của Trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài gửi đến Tòa án cần được thừa nhận là thẩm quyền thực thi theo pháp luật về Trọng tài thương mại của cơ quan tài phán (Trọng tài) chứ không phải là thẩm quyền đương nhiên, có thể can thiệp bất cứ lúc nào của Tòa án. Trọng tài, trong trường hợp này chỉ là thông qua cơ chế hỗ trợ từ cơ quan tố tụng mang quyền lực nhà nước là Tòa án để yêu cầu bên thứ ba phải tuân thủ, không gây cản trở cho quá trình giải quyết tranh chấp thương mại của Hội đồng trọng tài. Sau khi kết thúc và có kết quả từ quá trình hỗ trợ tố tụng của Toà án thì Hội đồng trọng tài sẽ phải tự mình độc lập nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, đưa ra các phán quyết của mình dựa trên cơ sở quy định pháp luật chứ không hề chịu bất kỳ sự tác động nào từ Toà án trong trường hợp này.

2.1. Tòa án hỗ trợ trọng tài trong việc thu thập chứng cứ

Tương tự các hoạt động tố tụng dân sự tại Toà án, trong tiến trình giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại, các hoạt động giao nộp, thu thập, đánh giá chứng cứ là hoạt động rất quan trọng và dường như không thể thiếu. Các bên có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Hội đồng trọng tài để chứng minh các sự việc có liên quan đến nội dung tranh chấp[7]. Đồng thời, Phán quyết trọng tài của Hội đồng trọng tài đối với việc giải quyết tranh chấp thương mại phải dựa trên kết quả của hoạt động đánh giá chứng cứ khách quan, toàn diện đối với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc tranh chấp. Do đó, theo quy định tại khoản 1, điểm d khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 68 của Luật Trọng tài thương mại 2010 thì một trong những căn cứ để huỷ Phán quyết trọng tài đó là chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài làm căn cứ để ra Phán quyết trọng tài là giả mạo. Toà án xem xét huỷ Phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên và bên yêu cầu huỷ Phán quyết trọng tài trong trường hợp này có nghĩa vụ chứng minh Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết dựa trên chứng cứ giả mạo mà các bên đã cung cấp.

Thế nhưng, do bản chất của Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận, lựa chọn nên trên thực tế ngoài việc các bên tự giao nộp chứng cứ thì hoạt động thập chứng cứ của Hội đồng trọng tài đối với bên thứ ba sẽ bị giới hạn rất đáng kể mà gần như chỉ có thể tiến hành các hoạt động như: (i) yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp; (ii) trưng cầu giám định, định giá tài sản; (iii) tham vấn ý kiến chuyên gia.[8] Do đó, trong trường hợp Hội đồng trọng tài, một hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể gửi văn bản đề nghị Toà án có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến vụ tranh chấp[9].

Như vậy, Tòa án chỉ hỗ trợ Trọng tài trong việc thu thập chứng cứ khi đáp ứng điều kiện: Hội đồng trọng tài, một hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được. Vậy, hiểu như thế nào về việc đã áp dụng các biện pháp cần thiết. Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại thì: “đã áp dụng các biện pháp cần thiết” được hiểu là đã sử dụng mọi cách thức và khả năng cho phép để yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ cung cấp cho mình chứng cứ mà vẫn không được cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp.

Để đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ thì hồ sơ phải bao gồm: gửi Văn bản đề nghị nêu rõ nội dung vụ việc đang giải quyết tại Trọng tài, chứng cứ cần thu thập, lý do không thu thập được, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ chứng cứ cần thu thập đó đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền[10], kèm theo đó là thỏa thuận trọng tài, đơn khởi kiện, tài liệu khác có liên quan và tài liệu, chứng cứ chứng minh việc đã tiến hành thu thập chứng cứ nhưng vẫn không thể tự mình thu thập được. Bên yêu cầu thu thập chứng cứ phải nộp lệ phí thu thập chứng cứ và chi phí thu thập chứng cứ theo quy định. Trường hợp Hội đồng trọng tài yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ thì lệ phí thu thập chứng cứ và chi phí thu thập chứng cứ do bên yêu cầu thu thập chứng cứ nộp thông qua Hội đồng trọng tài.

Trình tự, thủ tục thu thập, bảo quản, chuyển giao chứng cứ của Tòa án thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 46 Luật Trọng tài thương mại và Bộ Luật Tố tụng dân sự. Theo đó, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, đơn yêu cầu thu thập chứng cứ thì Chánh án Toà án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết và trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công Thẩm phán phải có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp chứng cứ cho Toà án. Thời gian để thực hiện trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ là 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Toà án. Sau khi đã nhận được chứng cứ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc Toà án phải thông báo cho Hội đồng trọng tài và bên yêu cầu được biết để giao nhận chứng cứ. Trường hợp quá hạn mà không thu thập được chứng cứ thì Toà án cũng sẽ thông báo và có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2.2. Tòa án hỗ trợ Trọng tài trong việc triệu tập người làm chứng

Tương tự như các hoạt động tố tụng hình sự, tố tụng dân sự tại Toà án, lời khai của Người làm chứng luôn được xác định là một nguồn chứng cứ quan trọng, rất có ý nghĩa đối việc giải quyết các vụ án nói dung và giải quyết tranh chấp thương mại tại Trọng tài nói riêng. Vì vậy, khi một hoặc các bên có yêu cầu và xét thấy cần thiết thì Hội đồng trọng tài có quyền “yêu cầu” người làm chứng có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp[11]. Tuy nhiên, với tính chất của một cơ quan tài phán tư, không mang quyền lực Nhà nước như Toà án đã làm cho khả năng có mặt của người làm chứng tại phiên họp theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài là tương đối thấp. Điều này phần nào được phản ánh qua việc Hội đồng trọng tài chỉ có thể “yêu cầu” người làm chứng có mặt, trong khi chỉ có Toà án mới có quyền “triệu tập” người làm chứng đến tham gia phiên toà.

Trên thực tế, tình huống này không nằm ngoài sự đoán định của các nhà lập pháp vì khoản 2 Điều 47 của Luật Trọng tài thương mại 2010 đã có sẵn quy phạm dự phòng cho tính huống người làm chứng không tuân thủ yêu cầu của Hội đồng trọng tài đó là: “Trường hợp người làm chứng đã được Hội đồng trọng tài triệu tập hợp lệ mà không đến phiên họp nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp, thì Hội đồng trọng tài gửi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng đến phiên họp của Hội đồng trọng tài.” Theo đó, các điều kiện để Tòa án hỗ trợ Hội đồng trọng tài trong việc ra quyết định triệu tập người làm chứng đó là có căn cứ chứng minh: (i) Người làm chứng phải được Hội đồng trọng tài triệu tập hợp lệ; (ii) Người làm chứng không đến phiên họp nhưng không có lý do chính đáng; và (iii) sự vắng mặt của người làm chứng gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài[12].

Thủ tục để đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng bao gồm: gửi Văn bản đề nghị nêu rõ nội dung vụ việc đang được giải quyết tại Trọng tài; họ, tên, địa chỉ của người làm chứng; lý do cần triệu tập người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng cần phải có mặt đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền, kèm theo đó là thỏa thuận trọng tài, đơn khởi kiện, tài liệu khác có liên quan và tài liệu, chứng cứ chứng minh việc triệu tập hợp lệ mà người làm chứng không đến phiên họp nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp. Đồng thời phải nộp lệ phí triệu tập người làm chứng và chi phí cho người làm chứng theo quy định; lệ phí triệu tập người làm chứng và chi phí cho người làm chứng do bên yêu cầu triệu tập người làm chứng nộp thông qua Hội đồng trọng tài.

Trình tự, thủ tục ra quyết định, triệu tập, thông báo kết quả triệu tập người làm chứng thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Trọng tài thương mại 2010 và quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị triệu tập người làm chứng thì Chánh án Toà án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết và trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công Thẩm phán phải ra quyết định triệu tập người làm chứng. Khi đó, người làm chứng có nghĩa vụ nghiêm chỉnh thi hành quyết định của Toà án.

2.3. Sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động trọng tài trong áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trước tiên, cần phải thừa nhận là tính chất của các tranh chấp thương mại thường phức tạp, có giá trị tranh chấp lớn nên khó tránh khỏi việc nảy sinh các hành vi tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ; huỷ hoại chứng cứ nhằm cố ý thay đổi bản chất, sự thật khách quan của vụ việc tranh chấp; thực hiện các hành vi gây bất lợi cho quá trình giải quyết tranh chấp. Do đó, cần phải có các biện pháp pháp lý để xử lý các tình huống cấp bách nêu trên để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp; mà nếu không xử lý kịp thời thì chứng cứ có thể bị huỷ hoại làm cho sự thật khách quan của vụ việc tranh chấp bị sai lệch hoặc tài sản để thi hành nghĩa vụ bị tẩu tán làm ảnh hưởng đến khả năng thi hành Phán quyết trọng tài.

Trường hợp này việc áp dụng BPKCTT được xem là một giải pháp hữu hiệu giúp Hội đồng trọng tài nhanh chóng bảo vệ chứng cứ, bảo vệ tài sản đang tranh chấp, giúp cho quá trình tố tụng trọng tài được thực hiện khách quan, công bằng theo luật định; không bị ảnh hưởng, cản trở bởi các bên và đảm bảo cho khả năng thi hành Phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, vì bản chất thẩm quyền trọng tài là do các bên trao cho nên việc áp dụng BPKCTT của Hội đồng trọng tài chỉ đối với các bên tranh chấp[13], còn đối với bên thứ ba thì lại bị hạn chế và khi đó cần phải có sự hỗ trợ từ Toà án trong việc áp dụng BPKCTT.

Theo đó, “Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Việc yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không bị coi là sự bác bỏ thỏa thuận trọng tài hoặc khước từ quyền giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài.”[14] Do đó, để tránh sự xung đột về thẩm quyền khi cả Toà án và Trọng tài thương mại đề có thể xem xét, áp dụng BPKCTT khi vụ việc tranh chấp đang giải quyết tại Trọng tài thương mại, khoản 3 Điều 49 và khoản 5 Điều 53 của Luật Trọng tài thương mại 2010 đã đưa ra những quy phạm giải quyết cho vấn đề này như sau:

Nếu một trong các bên đã yêu cầu Toà án áp dụng một hoặc một số BPKCTT thuộc thẩm quyền áp dụng của Hội đồng trọng tài (tại khoản 2 Điều 49 của Luật này) mà sau đó lại có đơn yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng BPKCTT thì Hội đồng trọng tài sẽ phải từ chối. Ngược lại, nếu một trong các bên đã yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc một số BPKCTT mà lại đơn yêu cầu Toà án áp dụng BPKCTT thuộc thẩm quyền áp dụng của Hội đồng trọng tài thì Toà án phải từ chối và trả lại đơn. Đồng thời để xử lý trường hợp sau khi Toà án đã ra quyết định áp dụng BPKCTT mới phát hiện được vụ tranh chấp đó các bên đã có yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì Tòa án căn cứ vào quy định tương ứng để ra quyết định hủy bỏ BPKCTT do mình ban hành, đồng thời, trả lại đơn yêu cầu và các tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu cho các bên.

Như vậy, trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại tại Trọng tài thương mại thì các bên có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc một số BPKCTT thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, đồng thời có thể yêu cầu Toà án áp dụng BPKCTT không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, nhất là các BPKCTT đối với bên thứ ba.

Về thời điểm có quyền yêu cầu, theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì một hoặc các bên tranh chấp có quyền làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số BPKCTT ngay sau khi nộp đơn khởi kiện tại Trọng tài (khi thời điểm tố tụng trọng tài đã bắt đầu) mà không phân biệt Hội đồng trọng tài đã được thành lập hay chưa, Hội đồng trọng tài đã giải quyết tranh chấp hay chưa. Bên yêu cầu phải nộp lệ phí yêu cầu và thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định.

Trình tự, thủ tục áp dụng BPKCTT của Tòa án trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại các Điều 48, 49, 52, 53 Luật Trọng tài thương mại 2010 và quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT thì Chánh án Toà án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết và trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công Thẩm phán phải ra quyết định áp dụng BPKCTT (ngay sau khi thực hiện biện pháp bảo đảm) hoặc không áp dụng BPKCTT (có thông báo bằng văn bản và phải nêu rõ lý do). Đối với trình tự, thủ tục thay đổi, bổ sung, huỷ bỏ BPKCTT được thực hiện tương tự như khi áp dụng BPKCTT.

3. Những vấn đề còn bất cập và kiến nghị hoàn thiện đối với cơ chế hỗ trợ của Tòa án đối với Trọng tài thương mại trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thu thập chứng cứ và triệu tập người làm chứng

Trước tiên, để có thể chỉ ra những bất cập đang tồn tại trong chủ đề mà bài viết nghiên cứu, chúng ta cần phải phân định một cách rõ ràng về hai khía cạnh rất khác biệt đó là: (i) “bất cập về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài” hoàn toàn khác biệt với (ii) “bất cập về cơ chế hỗ trợ của Tòa án đối với trọng tài” trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thu thập chứng cứ và triệu tập người làm chứng.

Để làm rõ chúng ta có thể lấy BPKCTT làm phân tích điển hình để thấy rằng, Tòa án đã hỗ trợ cho Trọng tài bằng cách cho phép các bên trong tranh chấp tuy lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại nhưng vẫn được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các BPKCTT để bảo vệ quyền và lợi chính đáng của mình. Bởi lẽ, Hội đồng trọng tài dù vẫn có quyền áp dụng BPKCTT khi các bên có yêu cầu nhưng 06 BPKCTT mà Hội đồng trọng tài được phép áp dụng còn rất hạn chế và không có hiệu lực đối với bên thứ ba; trong khi ở chiều ngược lại về phía Tòa án với quyền lực nhà nước của mình được áp dụng các BPKCTT có hiệu lực đối với cả bên thứ ba, cụ thể như: Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ và cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ…[15] Đây chính là sự khác biệt tất yếu về mặt ngoại diên biểu hiện từ nội hàm công - tư của hai phương thức giải quyết tranh chấp Tòa án và Trọng tài thương mại, chứ không phải là một bất cập trong cơ chế hỗ trợ của Tòa án đối với Trọng tài như quan điểm của một số học giả đã nêu[16]. Vì rằng, nếu có chăng thì đây chỉ là bất cập trong các quy phạm thẩm quyền của Hội đồng trọng tài trong việc áp dụng các BPKCTT, tức một khía cạnh khác không thuộc phạm vi của cơ chế hỗ trợ Tòa án đối với Trọng tài. Mặt khác, nếu Hội đồng trọng tài cũng có quyền áp dụng tất cả BPKCTT tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 mà Toà án có quyền áp dụng thì ngay tức khắc cơ chế hỗ trợ của Tòa án đối với Trọng tài trong vấn đề áp dụng BPKCTT không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài như hiện nay sẽ bị triệt tiêu, không cần thiết phải tồn tại.

Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ trình bày những vấn đề trọng tâm bất cập về cơ chế hỗ trợ của Tòa án đối với Trọng tài thương mại trong việc áp dụng BPKCTT, thu thập chứng cứ và triệu tập người làm chứng như sau:

3.1. Đối với việc Toà án hỗ trợ Hội đồng trọng tài thu thập chứng cứ khi các bên đang lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại

- Thứ nhất, đối với thẩm quyền của Thẩm phán được phân công xem xét, giải quyết.

Khi nghiên cứu các quy định tại khoản 6 Điều 46 của Luật Trọng tài thương mại 2010, tác giả rất ngạc nhiên khi quy phạm này mang tính mệnh lệnh một chiều và rất dễ dẫn đến sự tuỳ tiện, sự lạm dụng cơ chế hỗ trợ của Toà án đối với Hội đồng trọng tài, gây ra những ảnh hưởng đến bên thứ ba đang lưu giữ, quản lý tài liệu không liên quan đến vụ việc đang tranh chấp tại Trọng tài. Đó là: “Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp chứng cứ cho Toà án…”. Đồng thời,  theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án hỗ trợ Trọng tài trong việc thu thập chứng cứ khi Hội đồng trọng tài, một hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được, tức đã sử dụng mọi cách thức và khả năng cho phép để yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ cung cấp cho mình chứng cứ mà vẫn không được cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp.

Trong khi đó, lại không có bất kỳ một quy định nào cho phép Thẩm phán được phân công có thể xét tính đúng đắn và hợp lý của nội dung Đơn đề nghị hỗ trợ thu thập chứng cứ từ phía Hội đồng trọng tài mà bắt buộc Thẩm phán phải ra văn bản yêu cầu cung cấp chứng cứ. Điều này dẫn đến việc Hội đồng trọng tài có thể yêu cầu Tòa án thu thập bất kỳ tài liệu nào được Hội đồng trọng tài cho là nguồn của chứng cứ và tự xác định bất cứ chủ thể nào mà Hội đồng trọng tài xác định là đang quản lý, lưu giữ chứng cứ đó. Chính sự thiếu sót mảnh ghép quy phạm này đã làm cho các quy phạm trên bị rời rạc.

Để minh chứng, tác giả xin lấy một tình huống giả định như sau: A là khách hàng mua căn hộ của Chủ đầu tư X nhưng dự án nhà ở thương mại này trước đây X nhận chuyển nhượng lại từ Chủ đầu tư khác là Y. Trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại, không hiểu vì lý do nào đó mà A và X cùng thống nhất muốn yêu cầu Hội đồng trọng tài thu thập Bản thảo vẽ dự án ban đầu từ Z (vốn không còn và không có giá trị) – một công ty thiết kế bản vẽ. A, X và Hội đồng trọng tài được cho là đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết nhưng không tự mình thu thập được chứng cứ nên có văn bản đề nghị Toà án hỗ trợ thu thập chứng cứ đối với Y và Z. Trong tình huống này, Thẩm phán được phân công giải quyết không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc ra văn bản yêu cầu Z cung cấp Bản thảo vẽ dự án này cho Toà án, dù cho Thẩm phán có đủ căn cứ cho rằng việc thu thập Bản thảo và yêu cầu Z là không hợp lý hoặc Z cũng không còn quản lý, lưu giữ bản thảo này.

Trường hợp này, tác giả kiến nghị cần phải bổ sung thêm quy phạm tại khoản 6 Điều 46 của Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau: Khi có căn cứ cho thấy chứng cứ được đề nghị thu thập hoặc chủ thể được yêu cầu cung cấp không phù hợp, không có tính liên quan đến vụ việc đang tranh chấp tại Trọng tài thương mại thì Thẩm phán được phân công có văn bản từ chối thu thập chứng cứ và nêu rõ lý do gửi Hội đồng trọng tài, bên có yêu cầu.

- Thứ hai, đối với trình tự giao nhận, bảo quản chứng cứ mà cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp cho Tòa án.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì trình tự, thủ tục thu thập, bảo quản, chuyển giao chứng cứ của Tòa án thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 46 Luật Trọng tài thương mại và quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trong khi theo các khoản 1, 3 Điều 107 của Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thì tài liệu, chứng cứ được giao nộp tại tòa án sẽ do Tòa án chịu trách nhiệm bảo quản việc bảo quản. “Trường hợp cần giao tài liệu, chứng cứ cho người thứ ba bảo quản thì Thẩm phán ra quyết định và lập biên bản giao cho người đó bảo quản. Người nhận bảo quản phải ký tên vào biên bản, được hưởng thù lao và phải chịu trách nhiệm về việc bảo quản tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật.” Điều này dẫn đến hàng loạt các vấn đề bất cập phát sinh từ quy định “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, Tòa án phải thông báo cho Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu biết để tiến hành việc giao nhận chứng cứ” tại khoản 6 Điều 46 của Luật Trọng tài thương mại 2010, đó là:

(i) Quy trình giao nhận chứng cứ được giao nộp cho Toà án vô hình trung lại trở thành khâu trung gian, kéo dài thời gian không cần thiết và khó đảm bảo sự an toàn, toàn vẹn của chứng cứ nếu chuyển giao cho bên yêu cầu là đương sự trong vụ tranh chấp mà không phải là Hội đồng trọng tài.

(ii) Tòa án với vai trò là bên hỗ trợ Hội đồng trọng tài và bên yêu cầu trong việc thu thập chứng cứ khi tất cả đang trong tiến trình giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại nhưng thực chất ra là Toà án đang giải quyết việc dân sự phát sinh từ hoạt động của Trọng tài thương mại Việt Nam theo khoản 5 Điều 414 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Vậy thì, trong trường hợp này này hoạt động giao nhận chứng cứ cho Hội đồng trọng tài, bên có yêu cầu được gọi là gì? Tòa án sẽ bàn giao bản gốc hay bản sao chứng cứ? Trách nhiệm bảo quản chứng cứ sau đó thuộc về ai? Nếu Hội đồng trọng tài hoặc bên yêu cầu được xem là bên thứ ba được Toà án giao bảo quản chứng cứ thì có được hưởng thù lao bảo quản chứng cứ trong trường hợp này hay không?

Bởi vì trong cùng một quy phạm chứa đựng cả quyền và nghĩa vụ như khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì nếu Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu được xác định có trách nhiệm bảo quản chứng cứ thì cũng sẽ đương nhiên được hưởng quyền là được nhận thù lao bảo quản chứng cứ đó. Do đó, trường hợp này nếu bảo rằng Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu không có trách nhiệm bảo quản chứng cứ nhận từ Toà án là không đúng nhưng ngược lại nếu bảo rằng Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu được nhận thù lao bảo quản chứng cứ này thì lại càng không hợp lý.

(iii) Việc sử dụng, đánh giá chứng cứ là do Hội đồng trọng tài thực hiện không phải là Tòa án bởi lẽ Tòa án chỉ đứng ở vai trò hỗ trợ cho Hội đồng trọng tài, các bên tranh chấp tại Trọng tài trong việc thu thập chứng cứ thông qua giải quyết một việc dân sự đặc thù. Do đó, cần thiết phải trả lời cho câu hỏi là sau khi đã sử dụng xong chứng cứ nhận từ Toà án thì Hội đồng trọng tài, bên có yêu cầu có trách nhiệm giao trả lại chứng cứ đó cho Toà án hay không? Trách nhiệm bảo quản chứng cứ từ thời điểm giao nhận xong chứng cứ trở về sau thuộc về ai? được lưu giữ và bảo quản ở cơ quan nào?

Trường hợp này, tác giả kiến nghị điều chỉnh các quy phạm liên quan đến việc giao nộp và bảo quản chứng cứ theo hướng: Thẩm phán được phân công xem xét, giải quyết việc dân sự này sẽ có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ cho Hội đồng trọng tài, kể cả trong trường hợp bên yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ là các bên tranh chấp. Trọng tài có trách nhiệm lưu giữ và bảo quản chứng cứ theo quy định pháp luật kể từ thời điểm nhận được chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp.

3.2. Đối với việc Toà án hỗ trợ Hội đồng trọng tài triệu tập người làm chứng khi các bên đang lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại

Phải thừa nhận rằng, trên thực việc triệu tập một người làm chứng đến tham gia phiên họp và ràng buộc trách nhiệm trong lời khai của họ khi quá trình giải quyết tranh chấp đang diễn ra ở một cơ quan tài phán tư là điều trăn trở với những nội hàm tư duy lập pháp đối lập và đầy tranh luận. Rõ ràng là theo quy định tại Điều 229 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì “Người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc xét xử thì có thể bị dẫn giải đến phiên tòa theo quyết định của Hội đồng xét xử, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên” nhưng đó là giải quyết vụ án dân sự tại Toà án, cơ quan tài phán mang quyền lực Nhà nước. Vậy thì liệu rằng, điều này có thể xảy ra tại phiên họp giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài hay không? Câu trả lời là “khó”, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn.

Đối với thủ tục tố tụng trọng tài, Hội đồng trọng tài không thể kiểm soát được tính chân thật trong lời khai của người làm chứng nhưng khác với Tòa án, Trọng tài lại không có quyền lực của nhà nước nên không thể yêu cầu một người làm chứng chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai của mình tại phiên họp giải quyết tranh chấp. Vì vậy khi người làm chứng không cung cấp chứng cứ hoặc cung cấp chứng cứ sai sự thật hoặc có người có hành vi lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc mua chuộc người làm chứng thực hiện những hành vi trên thì Trọng tài cũng không đủ thẩm quyền để buộc những người đó chấm dứt hành vi của mình được. Trong trường hợp này, liệu rằng Trọng tài có được quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ mình hay không và thủ tục yêu cầu sẽ như thế nào?

Trong khi quy phạm tại khoản 3 Điều 47 của Luật Trọng tài thương mại 2010 chỉ đề cập việc Thẩm phán ra quyết định triệu tập người làm chứng và người làm chứng có nghĩa vụ nghiêm chỉnh thi hành quyết định của Tòa án mà không chứa đựng chế tài nào đối với người làm chứng. Đồng thời, Tòa án cũng chỉ có nghĩa vụ ra quyết định triệu tập người làm chứng và thông báo kết quả triệu tập cho Trọng tài mà không cần phải đảm bảo người làm chứng phải có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp tại Trọng tài. Người làm chứng tuy có nghĩa vụ phải chấp hành theo quyết định triệu tập của Tòa án nhưng nếu không thực hiện theo nghĩa vụ đó thì cũng không có một chế tài nào để ràng buộc trách nhiệm có mặt và trách nhiệm với lời khai của Người làm chứng.

Xét về mặt lý luận thì quy định trên lại không sai vì việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động[17]. Do đó, việc đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng là một việc dân sự, ở đó Trọng tài với vai trò là một đương sự, Tòa án đóng vai trò là cơ quan giải quyết việc dân sự nên sẽ kết thúc khi có quyết định giải quyết việc dân sự. Vậy nên, khi Tòa án ra quyết định triệu tập người làm chứng thì Tòa án đã hoàn thành công việc của mình, trách nhiệm của người làm chứng là phải thực hiện theo quyết định của Tòa án và cũng không có một quy định cụ thể nào cho phép Tòa án dùng quyền lực nhà nước của mình để dẫn giải người làm chứng đến cho lời khai tại một cơ quan tài phán tư là Trọng tài.

Việc thiếu vắng đi các quy định mang tính ràng buộc về sự có mặt và nghĩa vụ cung cấp thông tin của người làm chứng làm cho các Phán quyết của Trọng tài có thể thiếu đi tính đúng đắn, công bằng và đồng thời gây ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết tranh chấp hệ thống cơ quan tài phán quốc gia. Do đó, việc thiết lập một cơ chế ràng buộc người làm chứng không chỉ bảo đảm cho việc giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài được khách quan và công bằng mà còn nâng cao vị thế hệ thống cơ quan tài phán quốc gia, góp phần đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định và an toàn.

Cuối cùng, cũng cần xem xét thêm rằng, pháp luật quy định rất nhiều về mặt thủ tục yêu cầu triệu tập Người làm chứng nhưng các thủ tục đó lại không được đảm bảo trong việc áp dụng bởi vì Thẩm phán được phân công phụ trách không có quyền xem xét tính hợp lệ của Đơn yêu cầu triệu tập người làm chứng từ Hội đồng trọng tài; khi mà pháp luật hiện nay đang quy định Thẩm phán được phân công phải ra Quyết định triệu tập người làm chứng trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công.

Trường hợp này, tác giả kiến nghị: (i) Bổ sung thêm quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau: Khi có căn cứ cho thấy đơn đề nghị triệu tập người làm chứng không phù hợp, người làm chứng không có tính liên quan đến vụ việc đang tranh chấp tại Trọng tài thương mại hoặc không thể triệu tập được thì Thẩm phán được phân công ra văn bản từ chối triệu tập người làm chứng và nêu rõ lý do gửi Hội đồng trọng tài; (ii) Bổ sung mới khoản 4 tại Điều 47 của Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau: Khi cung cấp lời khai cho Hồi đồng trọng tài, người làm chứng chịu trách nhiệm trước pháp luật với lời khai của mình.

Trường hợp người làm chứng không có mặt tại phiên họp của Hội đồng trọng tài theo quyết định của Toà án mà cũng không có văn bản trình bày lời khai cho Hội đồng trọng tài thì Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp dẫn giải đến phiên họp của Hội đồng trọng tài hoặc Toà án tiến hành lấy lời khai người làm chứng theo yêu đề nghị của Hội đồng trọng tài.

3.3. Đối với việc Toà án hỗ trợ Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi các bên đang lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại

Đối với việc áp dụng BPKCTT, Tòa án đã hỗ trợ Trọng tài bằng cách cho phép một trong các bên tranh chấp có quyền làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi nộp đơn khởi kiện tại Trọng tài (khi thời điểm tố tụng trọng tài đã bắt đầu) mà không phân biệt Hội đồng trọng tài đã được thành lập hay chưa, Hội đồng trọng tài đã giải quyết tranh chấp hay chưa[18]. Việc hỗ trợ này của Tòa án rất có ý nghĩa đối với hoạt động tố tụng trọng tài, giúp lấp đầy khiếm khuyết trong thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, làm cho các bên tranh chấp yên tâm khi lựa chọn Trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp thương mại, bởi quyền lợi hợp pháp các bên trong trường hợp này vẫn được đảm bảo bởi Toà án dù vụ án không được giải quyết tại Tòa án. Tuy vậy, trong cơ chế Toà án hỗ trợ Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi các bên đang lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại cũng còn một số bất cập cần phải hoàn thiện như sau:

- Thứ nhất, đối với thời hạn Tòa án xem xét, áp dụng BPKCTT.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 53 của Luật Trọng tài thương mại 2010 thì thời hạn để Chánh án Toà án có thẩm quyền phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT và thời để Thẩm phán quyết định áp dụng hoặc không áp dụng BPKCTT là 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công. Tổng thời gian 06 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu để Toà án ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng BPKCTT là quá dài, đánh mất đi ý nghĩa, tính hiệu quả của BPKCTT đối với hoạt động tố tụng dân sự nói chung và tố tụng trọng tài nói riêng. Bởi lẽ, bối cảnh đặt ra là tính cấp bách trong bảo vệ chứng cứ, đảm bảo tài sản thi hành án nên các bên tranh chấp đang cần nhanh chóng áp dụng BPKCTT đối với bên thứ ba nên mới phải yêu cầu Toà án. Tuy nhiên, thời gian xem xét, áp dụng BPKCTT lại quá dài trong khi hiện nay việc thực hiện một giao dịch thanh toán liên ngân hàng hoặc đơn giản chỉ là huỷ hoại một chứng cứ điện tử trong quản lý vận chuyển trong một tranh chấp hợp đồng Logistics cũng trở nên quá đơn giản và nhanh chóng. Mặt khác, đối với các tranh chấp liên quan đến hàng hoá dễ hư hỏng (trái cây, hoa tươi,…) đang quản lý tại kho bãi của bên thứ ba thì việc cần cho bán nhanh chóng để hạn chế thiệt hại là điều cần thiết nhưng liệu rằng những trái mít, trái xoài, những đoá hoa hồng này có chịu đựng được đến vài ngày hay không?

Do đó, để phù hợp với tính chất của tranh chấp thương mại, tác giả kiến nghị nên điều chỉnh giảm thời hạn Toà án xem xét, áp dụng BPKCTT tại khoản 2 Điều 53 của Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:

Trong 24 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu, Chánh án Toà án có thẩm quyền phải phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết và trong thời hạn 48 giờ kể từ khi được phân công, Thẩm phán phải ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

- Thứ hai, về việc thực hiện biện pháp bảo đảm trong trường hợp các bên tranh chấp tại Trọng tài yêu cầu Toà án áp dụng BPKCTT.

Khoản 2 Điều 53 của Luật Trọng tài thương mại 2010 chỉ dừng lại ở quy định “Thẩm phán phải ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi người yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm” mà lại không có quy định nào thêm đối với vấn đề này. Đồng thời, khoản 3 Điều 12 của Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng chỉ ghi nhận là cùng với nộp tài liệu, chứng cứ thì bên yêu cầu nộp lệ phí yêu cầu và thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định.

Trong khi đó, nếu căn cứ áp dụng theo pháp luật trọng tài thương mại thì khoản 4 Điều 12 của Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và khoản 3 Điều 50 của Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đồng thời được quy định chi tiết hơn tại Điều 136 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và các Điều 13, 14 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Điều này sẽ ít nhiều gây ra sự lúng túng, khó khăn cho Toà án khi áp dụng pháp luật trong trường hợp này, do đó, tác giả cho rằng Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cần thiết phải có những quy định chi tiết cho vấn đề này để áp dụng thống nhất.

4. Kết luận

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Luật Trọng tài thương mại 2010 đã thiết lập một cơ chế hỗ trợ của Tòa án đối với Trọng tài thương mại trong việc áp dụng BPKCTT, thu thập chứng cứ và triệu tập người làm chứng để đảm bảo cho hoạt động tố tụng trọng tài trở nên thuận lợi và không gặp phải những trở ngại làm ảnh hưởng đến Phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, còn đó những tồn đọng mang tính hạn chế và bất cập làm giảm đi tính hiệu quả của cơ chế hỗ trợ của Toà án đối với Trọng tài thương mại trong những trường hợp đã nêu trên và chưa thể đoán định. Kết quả nghiên cứu của bài viết đã đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả của cơ chế hỗ trợ này để định hướng một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án ngày càng được hoàn thiện, đảm bảo về hoạt động tố tụng và phát huy các ưu điểm vốn có để trở thành cơ quan tài phán tư tin cậy, được lựa chọn bởi các bên tranh chấp và giảm tải phần nào áp lực giải quyết tranh chấp cho Toà án.

= = =

[1] Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Điều 2, Điều 5 của Luật Trọng tài thương mại 2010.

[2] Khoản 1 Điều 3 của Luật Trọng tài thương mại 2010.

[3] Điều 102 Hiến pháp 2013;

[4] Vũ Tiến Lộc, Tòa án hỗ trợ và thúc đẩy trọng tài thương mại để nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư phục vụ hội nhập kinh tế, https://www.viac.vn/tin-tuc-su-kien/toa-an-ho-tro-va-thuc-day-trong-tai-thuong-mai-de-nang-cao-hieu-qua-giai-quyet-tranh-chap-thuong-mai-va-dau-tu-phuc-vu-hoi-nhap-kinh-te-n1526.html, (ngày truy cập: 16/6/2024)

[5] Đào Trí Úc, sđd 1, trang 272;

[6] Xem Điều 415 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015;

[7] Khoản 1 Điều 46 Luật Trọng tài thương mại 2010.

[8] Khoản 2, 3, 4 Điều 46 của Luật Trọng tài thương mại 2010.

[9] Xem khoản 5 Điều 46 Luật Trọng tài thương mại 2010.

[10] Xem khoản 5 Điều 46 Luật Trọng tài thương mại 2010.

[11] Khoản 1 Điều 47 của Luật Trọng tài thương mại 2010.

[12] Khoản 3 Điều 11 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[13] Khoản 1 Điều 49 của Luật Trọng tài thương mại 2010.

[14] Khoản 1 Điều 48 Luật Trọng tài thương mại 2010;

[15] Khoản 10, 13 Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[16] Đoàn Trung Kiên – Nguyễn Thị Vân Anh (2020), Giải pháp hoàn thiện pháp luật về Trọng tài thương mại ở Việt Nam, Tạp chí Nghề Luật, số tháng 06/2020, tr.10; Bạch Thị Lệ Thoa (2009), Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài và cơ chế hỗ trợ của Tòa án, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số tháng 14(151), tháng 07/2009.

[17] Xem Điều 361 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.

[18] Xem Điều 53 Luật Trọng tài thương mại 2010 và Điều 12 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP

QUÁCH MINH TRÍ

MAI PHƯỚC BẢO

Công ty Luật TNHH Passio Lawyers

Sự tham gia của truyền thông trong thủ tục tố tụng: Kinh nghiệm một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam

Từ khoá : lsvn.vn LSVN