Hơn 320 người chết, mất tích do ảnh hưởng bão số 3 và mưa lũ

11/09/2024 22:41 | 6 ngày trước

(LSVN) - Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, các địa phương đã thống kê thiệt hại tính đến 22 giờ ngày 11/9/2024 có 326 người chết, mất tích (181 người chết, 145 người mất tích); tăng 02 người so với cập nhật thống kê lúc 18 giờ ngày 11/9 (tỉnh Quảng Ninh cập nhật thêm 02 người chết do bão).

Ảnh minh họa.

Cụ thể: Lào Cai: 183 người (72 người chết, 111 người mất tích), gồm: Bảo Yên 113, Sa Pa 09, Bát Xát 18, Si Ma Cai 07, Bắc Hà 34, Văn Bàn 02.

Cao Bằng: 52 người (34 người chết, 18 người mất tích). Yên Bái: 44 người (40 người chết, 04 người mất tích), gồm: thành phố Yên Bái 21, Lục Yên: 14, Văn Yên 06, Văn Chấn 01, Trấn Yên 02.  Quảng Ninh: 15 người chết. Hải Phòng: 02 người chết do bão. Hải Dương: 01 người chết do bão. Hà Nội: 01 người chết do bão. Hòa Bình: 05 người chết do sạt lở đất. Lạng Sơn: 03 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất. Bắc Giang: 02 người chết do lũ cuốn. Tuyên Quang: 03 người do lũ (02 người chết, 01 người mất tích). Hà Giang: 02 người (01 người chết; 01 người mất tích). Lai Châu: 01 người chết do sạt lở đất. Vĩnh phúc: 02 người (01 chết, 01 người mất tích do lật thuyền). Phú Thọ: 10 người (08 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 01 người mất tích do lũ; 01 người chết do sạt lở đất).

Bản tin cập nhật lúc 21 giờ, ngày 11/9 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong 12 giờ tới: Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức báo động 2; tại Phú Thọ sẽ xuống dưới mức báo động 1. Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 3. Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên trên mức báo động 3. Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3. Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 3. Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức báo động 3. Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức báo động 3. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 2 và dưới báo động 3.

Trong 12- 24 giờ tiếp theo: Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức báo động 1; tại Phú Thọ tiếp tục xuống dưới mức báo động 1.

Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 2. Lũ trên sông Cầu sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 3. Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3. Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 3. Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức báo động 3. Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức báo động 3. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 2.

Cảnh báo, trong 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng- Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo kịp thời với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là trên hết, trước hết.

Trực tiếp Thủ tướng và Thủ tướng phân công các Phó Thủ tướng, một số Bộ trưởng xuống các địa phương trực tiếp chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về xây dựng pháp luật ngày 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, chia buồn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới gia đình, cơ quan, đơn vị và địa phương có thiệt hại, mất mát về người, tài sản do bão số 3 gây ra.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quan điểm “Đảng chỉ đạo, Nhà nước quản lý, người dân làm chủ,” thực hiện mọi biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, nhất là mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão.

Cùng với đó triển khai cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở; tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.

Trên địa bàn các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa, hoàn lưu bão vẫn gây mưa to, đến rất to, lũ các sông lên cao trên báo động 2-báo động 3; đặc biệt một số địa phương nước đã tràn đê, có nơi đã vỡ đê.

Để bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân, công tác di dời người dân đang được chính quyền các địa phương triển khai quyết liệt. Người dân đều đồng thuận, phối hợp và hỗ trợ lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ.

Tại các địa điểm sơ tán đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện sinh hoạt cũng như thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân.

Các ngành, địa phương đã huy động nhân lực, vật tư sẵn sàng xử lý mọi tình huống theo các phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê toàn tuyến và các phương án phát sinh do mực nước trên hệ thống các sông tiếp tục lên.

Còn tại Hà Nội, trong ngày 11/9, toàn thành phố có 126 trường tạm dừng học tập trực tiếp do ảnh hưởng của mưa lớn. Căn cứ tình hình thực tế, nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường chủ động triển khai hình thức dạy học ứng phó nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh.

Trừ các trường mầm non bị ngập nặng không thể đón học sinh, nhiều trường khác vẫn tổ chức đón trẻ nếu bố mẹ phải đi làm, gia đình không có người chăm sóc con. Nhiều trường phổ thông thông báo chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến.

HOÀNG QUÝ (t/h)

Người dân vùng bão lũ tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết chế biến thực phẩm