Thực trạng pháp luật hiện nay về tội 'Thao túng thị trường chứng khoán'

28/06/2024 00:28 | 3 ngày trước

(LSVN) - Thị trường chứng khoán ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế bởi đây là kênh hữu hiệu để huy động vốn đầu tư cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đây cũng là kênh đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Lợi dụng điều này, đã có không ít trường hợp các công ty phát hành chứng khoán bằng thủ đoạn gian dối đã tạo ra hiện tượng cung cầu giả trên thị trường để trục lợi trái pháp luật. Theo quy định pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm, hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Ảnh minh họa.

Pháp luật về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" có thể hiểu là tập hợp có hệ thống các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành và thừa nhận để xác định rõ những hành vi bị coi là phạm tội "Thao túng thị trường chứng khoán", đồng thời quy định hình phạt có thể áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân thương mại đã thực hiện tội phạm này. Tội "Thao túng thị trường chứng khoán" là hành vi của người vi phạm quy định về quản lý thị trường chứng khoán nhằm mục đích thu lợi bất chính. Căn cứ quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), những hành vi cụ thể vi phạm về tội này gồm: 

Thứ nhất, sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng tới nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

Thứ hai, thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

Thứ ba, liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

Thứ tư, giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán sâu ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá    Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

Thứ năm, sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Việc xác định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán có mục đích ngăn chặn những hành vi vi phạm, khôi phục lại các quan hệ trong lĩnh vực chứng khoán do hành vi vi phạm gây ra, đồng thời đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán. Do đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định thao túng là hành vi bị cấm.

Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, bất cứ cá nhân, tổ chức nào có hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đồi, bổ sung năm 2017 cụ thể như sau: Một là, “người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; b) Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; c) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; d) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán; đ) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; e) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.” Tiếp theo nếu người nào đó “phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên; c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên; d) Tái phạm nguy hiểm”. 

Bên cạnh đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 211 thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 211, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, tổ chức vi phạm được quy định tại khoản 2 Điều 133 Luật chứng khoán năm 2019: “Chủ thể xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, thực hiện các trách nhiệm dân sự khác theo thỏa thuận, theo quy định của Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Như vậy, bồi thường thiệt hại là một trong những quy định quan trọng của pháp luật chứng khoán nhằm góp phần bảo vệ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, điều này cho phép các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi thao túng thị trường chứng khoán có quyền đòi yêu cầu bồi thường thiệt hại nhằm bù đắp những tồn thất mà họ phải gánh chịu trong quá trình tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán. Về nguyên tắc, việc bồi thường thiệt hại do hành vi thao túng thị trường chứng khoán phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần theo quy định của pháp luật dân sự về bồi thường ngoài hợp đồng. Đối với trường hợp có nhiều cá nhân, tổ chức tham gia vào hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà gây ra thiệt hại cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thì những cá nhân, tổ chức đó phải liên đới bồi thường cho nhà đầu tư bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng cá nhân, tổ chức cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của họ, nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau. 

Hiện nay các quy định của pháp luật hiện hành về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" đã được kế thừa, phát triển và hoàn thiện qua từng thời kỳ; thể hiện nhất quán và thống nhất trong những văn bản pháp lý có giá trị cao, được xây dựng khá đầy đủ và điều chỉnh hầu hết những vấn đề cơ bản về thao túng thị trường chứng khoán như: mức hình phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, dấu hiệu định tội, các tình tiết định khung,…

Sự hoàn thiện pháp luật về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" được thể hiện trên tất cả các phương diện hình thức, phạm vi, mức độ quy định cũng như nội dung của các vấn đề.

Nếu như Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định tội "Thao túng thị trường chứng khoán" tại Điều 181c* (Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 gọi là tội thao túng giá chứng khoán) gồm 03 khoản trong đó khoản 1 gồm 2 điểm tức là có 02 hành vi thao túng giá, khoản 2 gồm 4 điểm và quy định người phạm tội chỉ là cá nhân thì hiện tại tội "Thao túng thị trường chứng khoán" được quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 với 04 khoản trong đó, bổ sung thêm chủ thể phạm tội có thể là pháp nhân thương mại, bổ sung thêm 04 hành vi thao túng trường chứng khoán tại khoản 1 so với Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009),… Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với quy định về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" đã mở rộng và cụ thể hóa hơn rất nhiều so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Có thể thông qua phần phân tích mà tác giả đã liệt kê để có thể thấy rõ hơn về sự thay đổi của pháp luật về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" giữa Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Bộ luật Hình sự năm 2015:

Điều 181c* Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định chủ thể là người (tức là cá nhân) thực hiện hiện hành vi thao túng giá chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng và gồm 02 hành vi là thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo và giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán với hình phạt là bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức hình phạt tăng nặng gồm 04 trường hợp: Có tổ chức; Thu lợi bất chính lớn; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; Tái phạm nguy hiểm và hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Hình phạt bổ sung gồm có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định chủ thể là người thực hiện hành vi thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng gồm 06 hành vi là Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán; Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán với hình phạt từ năm trăm triệu đồng đến hai tỉ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức hình phạt tăng nặng gồm 04 trường hợp: Có tổ chức; Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm với hình phạt là bị phạt tiền từ 02 tỉ đồng đến 04 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Hình phạt bổ sung người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 250 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về chủ thể phạm tội là pháp nhân thương mại và hình phạt cụ thể.

Bên cạnh đó, những chế định liên quan đến tội "Thao túng thị trường chứng khoán" vẫn tồn tại khó khăn trong việc xác định hành vi thao túng. Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn chưa đưa ra định nghĩa đầy đủ về hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Điều này dẫn đến việc khó khăn trong việc xác định ranh giới giữa các hành vi đầu tư thông thường và hành vi thao túng; Thiếu các quy định cụ thể về việc xác định giá trị thực của chứng khoán, dẫn đến khó khăn trong việc chứng minh hành vi thao túng gây ảnh hưởng đến giá chứng khoán.

Đồng thời chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Mức phạt tiền quy định cho hành vi thao túng thị trường chứng khoán còn thấp so với lợi nhuận thu được từ hành vi này, chưa đủ sức răn đe; Các biện pháp xử phạt hành chính khác như đình chỉ hoạt động, tước quyền huy động vốn trên thị trường chứng khoán chưa được áp dụng hiệu quả. Đồng thời, hình phạt tù chỉ được áp dụng đối với những hành vi thao túng gây hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên quy định về “hậu quả nghiêm trọng” chưa được cụ thể hóa. 

Và thiếu các quy định về bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư bị thiệt hại do hành vi thao túng thị trường chứng khoán chưa được bảo vệ đầy đủ quyền lợi của mình. Việc bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư còn gặp nhiều khó khăn do thiếu các quy định cụ thể và vướng mắc trong thủ tục tố tụng.

Giải pháp hoàn thiện pháp luật về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" 

Thứ nhất, bổ sung quy định về thuật ngữ tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “thu lợi bất chính”, “gây thiệt hại cho nhà đầu tư”

Bộ luật Hình sự năm 2015 và khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP giải thích “thao túng thị trường chứng khoán” là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 tuy nhiên như vậy chỉ mới liệt kê những hành vi bị cấm, cách giải thích như vậy chưa mang tính khái quát cao. Hiện nay chưa có văn bản nào quy định về định nghĩa  “thu lợi bất chính”, “gây thiệt hại cho nhà đầu tư” trong lĩnh vực hình sự. Điều này dẫn đến tình trạng tuỳ biến, suy diễn quy định bởi lẽ tuỳ thuộc vào cá thể, hoàn cảnh hay mức độ nắm bắt vấn đề pháp lý mà cách hiểu và áp dụng có thể không thống nhất.

Thứ hai, bổ sung quy định pháp luật xác định khoản thiệt hại cho nhà đầu tư, khoản thu nhập bất chính.

Chưa có quy định pháp lý và văn bản hướng dẫn nào làm cơ sở hoặc tham chiếu cho việc tính toán khoản thiệt hại cho nhà đầu tư trong xác định dấu hiệu hình sự, hành chính của hành vi vi phạm, gây khó cho cơ quan chức năng khi xử lý, thực hiện giám định tư pháp các vụ việc về thao túng, nội gián hay các hành vi vi phạm khác. Đây là khe hở cho các đối tượng cố tình lách luật để nhằm thu lợi bất chính. Đồng thời cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác định giá trị khoản thu nhập bất chính, hoặc chứng minh thiệt hại của nhà đầu tư để có cơ sở xử lý hình sự hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Thứ ba, cần có văn bản hướng dẫn về trong trường hợp không xác định được bị hại nhưng có xác định được số tiền thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì vẫn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử bình thường. Bởi lẽ, dấu hiệu gây thiệt hại cho nhà đầu tư là dấu hiệu phố biến để xem xét TNHS của tôi danh này, dấu hiệu còn lại là “thu lợi bất chính” để chứng minh là rất khó, trong khi dấu hiệu “gây thiệt hại cho nhà đầu tự" thì không xác định được bị hại.

Thứ tư, cần tăng nặng mức hình phạt hình sự và xử phạt hành chính.

Đẩy mạnh việc rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán để có chế tài mạnh mẽ, có tác dụng răn đe, bảo đảm minh bạch và lành mạnh của thị trường chứng khoán. Trong đó, hoàn thiện chế tài xử phạt cần được triển khai theo cả 02 hướng là tăng mức phạt tiền và gia tăng các hình thức xử phạt bổ sung mang tính răn đe, khắc phục tình trạng đối tượng chấp nhận nộp phạt rồi lại tiếp tục vi phạm. Mức phạt tù có thể tăng lên từ 15 – 20 năm để đủ sức xử lý và đấu tranh phòng ngừa tội phạm này một cách hiệu quả.

Pháp luật Việt Nam về thao túng thị trường chứng khoán trải qua thực tiễn áp dụng phần nào định hình cách thức triển khai nhưng đồng thời cũng bộc lộ không ít yếu điểm, nhiều quy định chưa rõ ràng khi xác định về khoản thu lợi bất chính và thiệt hại gây ra cho nhà đầu tư khiến cho việc xử lý của cơ quan điều tra gặp khó khăn và các nhà đầu tư có khả năng không được bồi thường thiệt hại.

Theo xu thế phát triển chung cùng nội lực mạnh mẽ, Việt Nam không nên chỉ dừng lại định vị mình bằng định chế sơ khai mà cần thiết nhìn nhận, tiến hành các đánh giá thực trạng, xem xét, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm thế giới để có giải pháp riêng phù hợp với nội tại tình hình quốc gia.

(1) Đặng Thế Hùng (2022), Về hành vi thao túng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Kiểm sát, số 15/2022, Tr. 53. 

(2) Ths. Lê Quang Kiệm – Ths. Lê Quang Chính, Hành vi phạm tội “Thao túng thị trường chứng khoán” tại Việt Nam, Tạp chí Thanh tra, Số 05-2023, Tr. 43. 

NGUYỄN THỊ LỆ SƯƠNG

Cử nhân ngành Luật học tại Đại học Luật Huế

Học thuyết về khẳng định, cam đoan và cách áp dụng vào pháp luật hợp đồng tại Việt Nam