Hành trình của xúc cảm - Thương yêu!

28/06/2024 15:21 | 2 ngày trước

(LSVN) - Đến Đồng Tháp là chuyến về nguồn thứ năm của Chi bộ 9 - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh. Bởi với tất cả những trải nghiệm của chuyến hành trình trong mỗi Luật sư trẻ chúng tôi chắc chắn sẽ có thêm thật nhiều cảm xúc: Có niềm tự hào, và trân trọng những thành quả cách mạng mà các thế hệ cha ông để lại ; có sự thẩm thấu và mến yêu con người, văn hóa, ẩm thực Nam Bộ; có sự thân thương, sẻ chia, gắn bó của tình đồng nghiệp… Mỗi xúc cảm này đều là chất liệu quý đóng góp vào lý tưởng nghề nghiệp, sự thấu hiểu, xúc cảm trong con đường hành nghề của mỗi luật sư chúng tôi. Và, đây cũng là dịp để các Đảng viên trẻ, những người đang là Cảm tình Đảng có dịp được lắng đọng, được làm dày hơn tình yêu và sự trân trọng đối với Đảng, với nguồn cội, với xứ sở quê hương! Vì vậy, tôi gọi đây là hành trình của xúc cảm, thương yêu!                                                                                                            

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Câu hát thân thương về xứ sở sen hồng cứ ngân nga mãi trong lòng chúng tôi trên hành trình theo chân Chi bộ 9 - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh về nguồn tại tỉnh Đồng Tháp lần này.

Điểm đến quan trọng nhất chính là viếng thăm Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Khu di tích tọa lạc tại số 123/1 đường Phạm Hữu Lầu, phường 4, trung tâm TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây là một quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích cấp quốc gia vào năm 1992.

Chuyến về nguồn thứ năm của Chi bộ 9 - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Đoàn chúng tôi viếng thăm Khu di tích vào một buổi sáng đẹp trời trung tuần tháng 6 (15-16/6) giữa bát ngát hương sen và nghi ngút khói hương của lòng tôn kính, tri ân một nhà Nho yêu nước . Cụ Phó bảng là người có nhân cách bình dị, thanh cao; suốt một đời, chỉ đau đáu nỗi lòng lo cho nước cho dân, không màng danh lợi. Nhiều tư liệu quý viết về nhà nho Nguyễn Sinh Sắc đều cho thấy ông là một người có tư tưởng cấp tiến với những câu nói điển hình, thâm thúy như “Học không phải để làm quan, thi đỗ cũng không nên làm quan” (vì thời ấy, theo cụ Phó bảng thì “làm quan là áp bức, cướp bóc của dân”) mà “Học là để hiểu đạo lý làm người”. Ông cũng quan niệm rằng: “Con cái là tương lai của mình. Việc mình làm dở hôm nay hoặc chưa làm được, con cái sẽ tiếp tục nối bước”… Chính tư tưởng và cách dạy con hơn người của cụ Phó bảng đã sớm hun đúc nên tinh thần, lý tưởng sống lớn lao cho người con trai là cậu bé Nguyễn Sinh Cung - mà sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

 Cuộc đời cụ Nguyễn Sinh Sắc đã trải qua đầy những thăng trầm. Đỗ đạt, làm quan nhưng ông lại luôn có tư tưởng bảo vệ chính nghĩa, thương yêu dân nghèo, mạnh tay trừng trị bọn cường hào ác bá... nên chỉ sau một thời gian ngắn,ông bị Triều đình nhà Nguyễn cách chức. Sau khi bị cách chức quan, ông vào miền Nam và sinh sống tại làng Hòa An, tỉnh Đồng Tháp để dạy học cho trẻ em, bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo và sống một cuộc đời thanh bạch cho đến lúc qua đời. Và bởi thế, người dân xứ sen hồng mới tôn quý và lập Khu di tích tưởng niệm cụ Phó bảng.

 

Chuyến về nguồn thứ năm của Chi bộ 9 - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Nằm trong khuôn viên khoảng 3,6ha, lăng mộ có mái cong hình cánh sen cách điệu, xòe rộng như một bàn tay chở che đất và người Hòa An; trên mái che của khu mộ là 9 tượng nổi hình rồng, tượng trưng cho 9 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang ấp ôm, bảo vệ nơi yên nghỉ của người chí sĩ yêu nước. Có hai bức tượng đúc về cụ : một tượng ngồi trong mộ với tư thế đọc sách, một tượng lớn ở sân trước trong tư thế đeo túi vải bước đi - cả hai đều thể hiện vẻ mặt của người trí thức điềm nhiên, không màng danh lợi. 

Trong những tư liệu về cuộc đời Hồ Chủ tịch, có nhắc đến chi tiết : Trước khi lên đường sang các nước để tìm đường đi cho dân tộc, Người đã ghé thăm người cha kính yêu đang làm tri huyện tại Bình Khê, Bình Định : Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã hỏi: “Con đến đây làm gì?’, Người trả lời: “Con đến tìm cha”; nghe xong câu trả lời cụ Phó bảng vừa trìu mến vừa xen lẫn sự trách móc đáp lại: “Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?”. Chỉ một câu nói ngắn gọn nhưng đong đầy những ân tình , trách nhiệm và sự gửi gắm ấy đã thôi thúc sự quyết tâm trong Bác phải làm được một điều gì đó lớn lao cho đất nước, đưa nhân dân thoát khỏi cảnh áp bức, lầm than!

Một điểm nổi bật khác trong Khu di tích là ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phục chế nguyên mẫu từ ngôi nhà sàn của Bác đặt tại thủ đô Hà Nội. Tất cả những hiện vật trưng bày đều được tái dựng chân thực, giúp mỗi người dân khi đến đây đều có thể cảm nhận và hình dung rõ nét về cuộc đời giản dị của Bác Hồ. Đây cũng là cách để những người con miền Nam không có điều kiện ra thăm Thủ đô Hà Nội vẫn cảm thấy như được thăm ngôi nhà sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch .Việc phục dựng căn nhà sàn như là một phần không thể thiếu của Khu di tích , là thông điệp mà người dân xứ sở Sen hồng muốn bằng một cách đặc biệt thực hiện di nguyện của Bác về ước mong được vào Nam, nhưng ước mong ấy mãi mãi chưa một lần được toại nguyện! Người dân Đồng Tháp muốn gửi hương sen thơm đến Bác, đến người cha yêu quý của Bác và mong hai con người làng Sen xứ Nghệ, hãy coi nơi đây là quê hương thứ hai để yên nghỉ trong tình yêu của người dân Nam Bộ.

Rời Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình đi đến những thắng cảnh khác mang nét đặc trưng Nam Bộ, đó là Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Vườn hoa Sa Đéc...Rồi buổi tối ,chúng tôi còn được đón tiếp các anh chị đại diện của Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp ghé thăm. Những đôi tay xiết chặt, những cặp mắt hân hoan đã thắt chặt thêm tình đồng nghiệp. Nghề Luật sư, đi đến đâu cũng có bạn bè, dù thân hay sơ, hễ gặp nhau là trở nên thân thuộc bởi sợi dây vô hình mà rất mãnh liệt từ hai chữ “Đồng nghiệp” thân thương.

Chuyến về nguồn thứ năm của Chi bộ 9 - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Đến Đồng Tháp lần này là chuyến về nguồn thứ năm của Chi bộ 9 - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh. Bởi với tất cả những trải nghiệm của chuyến hành trình trong mỗi Luật sư trẻ chúng tôi chắc chắn sẽ có thêm thật nhiều cảm xúc: Có niềm tự hào, và trân trọng những thành quả cách mạng mà các thế hệ cha ông để lại ; có sự thẩm thấu và mến yêu con người, văn hóa, ẩm thực Nam Bộ; có sự thân thương, sẻ chia, gắn bó của tình đồng nghiệp… Mỗi xúc cảm này đều là chất liệu quý đóng góp vào lý tưởng nghề nghiệp, sự thấu hiểu, xúc cảm trong con đường hành nghề của mỗi Luật sư chúng tôi. Và, đây cũng là dịp để các Đảng viên trẻ, những người đang là Cảm tình Đảng có dịp được lắng đọng, được làm dày hơn tình yêu và sự trân trọng đối với Đảng, với nguồn cội, với xứ sở quê hương! Vì vậy, tôi gọi đây là hành trình của xúc cảm, thương yêu!                                                                                                            

Luật sư NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Hội nghị Đào tạo bản lĩnh nghề nghiệp của Luật sư trong chương trình đào tạo nghề Luật sư tại Học viện Tư pháp