Trừ điểm giấy phép lái xe sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông

30/06/2024 22:39 | 2 ngày trước

(LSVN) - Theo Điều 58 Luật Trật tự An toàn giao thông, điểm của giấy phép lái xe (GPLX) được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Đặc biệt, dữ liệu về điểm trừ GPLX của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm biết.

Ảnh minh hoạ. 

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự An toàn giao thông (ATGT) đường bộ với 09 Chương, 89 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Một trong những quy định hoàn toàn mới của Luật Trật tự ATGT đường bộ đó là các điều khoản về điểm trừ GPLX.

Theo Điều 58 của Luật này, điểm của GPLX được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Đặc biệt, dữ liệu về điểm trừ GPLX của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm biết.

GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. GPLX mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng. Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì người đó không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép đã bị trừ hết điểm. 

Sau ít nhất 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự ATGT theo quy định tại khoản 7 Điều 61 của Luật này. Việc kiểm tra kiến thức do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức, người có GPLX có kết quả đạt yêu cầu thì mới được phục hồi đủ 12 điểm.

Theo quan điểm của Luật sư, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, đây là quy định mới, không phải là chế tài mà là một biện pháp quản lý để tính yếu tố “tái phạm” trong vi phạm hành chính về giao thông. Đồng thời, đảm bảo công bằng hơn giữa những người ít vi phạm và những người thường xuyên vi phạm trong thời gian ngắn. Với những người liên tục vi phạm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị trừ điểm trên giấy phép lái xe, khi bị trừ hết 12 điểm thì đồng nghĩa với việc sẽ không được lái xe trong một thời gian nhất định cho đến khi thực hiện các thủ tục để phục hồi lại điểm số này theo quy định của pháp luật.

Việc trừ điểm giấy phép lái xe là hợp lý và có tính khả thi bởi hiện nay Việt Nam đã hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan chức năng và đang thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quản lý xã hội, trong đó có quản lý lĩnh vực hành chính về giao thông được bộ, về cấp giấy phép lái xe. Bởi vậy đây là cơ sở về hạ tầng, là điều kiện để đảm bảo quy định này có thể thực hiện trên thực tế, đảm bảo tính khả thi trong quá trình áp dụng.

Tuy nhiên, khi quy định này được đưa vào áp dụng thì đòi hỏi phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp, hoàn thiện hệ thống dữ liệu trong lĩnh vực quản lý hành chính về giao thông được bộ, về giấy phép lái xe, liên thông cơ sở dữ liệu để đảm bảo thuận tiện trong việc tra cứu, tính điểm, trừ điểm và công khai các thủ tục hành chính.

Ngoài ra, duy định này có tính răn đe mạnh mẽ đối với những người có ý thức chấp hành luật lệ giao thông kém, thường xuyên vi phạm giao thông, từ đó góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đồng thời sẽ đảm bảo công bằng trong việc xử lý vi phạm giao thông, sẽ không có chuyện đánh đồng giữa những người vi phạm lần đầu, ít vi phạm và những người thường xuyên vi phạm.

"Việc tổ chức thực hiện quy định này cũng cần phải có sự chuẩn bị, có quán triệt, thống nhất áp lực và áp lực một cách nghiêm minh, công bằng, đúng pháp luật để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi", Luật sư Cường nhận định.

Ý NHƯ

Sự tham gia của truyền thông trong thủ tục tố tụng: Kinh nghiệm một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam

Từ khoá : lsvn.vn LSVN