Khánh Hòa: Tỉ lệ giải quyết án hành chính giảm, còn nhiều khó khăn trong tố tụng

18/07/2022 08:12 | 1 năm trước

(LSVN) - So với cùng kỳ năm trước, số vụ án hành chính cấp Tòa án hai cấp tỉnh Khánh Hòa thụ lý tăng 8 vụ, nhưng tỷ lệ giải quyết vụ án giảm 10.01 % (toàn tỉnh giải quyết 19/88 vụ án hành chính, đạt 21,%).

Đây là số liệu về giải quyết án hành chính theo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của TAND tỉnh Khánh Hòa phục vụ tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa VII sẽ được tổ chức vào ngày 19/7/2022. 

Trong đó, TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết 19/82 vụ, đạt 23,17% (so với cùng kỳ năm trước số án phải giải quyết giảm 3 vụ tỷ lệ giải quyết vụ án giảm 6,53%; Các Tòa án cấp huyện giải quyết 0/6 vụ, so với cùng kỳ năm trước số vụ án phải giải quyết tăng 4 vụ). Số vụ án hành chính còn lại các Tòa án đang giải quyết là 69 vụ. Đối với việc ban hành quyết định thi hành án hành chính: Từ ngày 01/12/2021 đến ngày 31/5/2022, tổng số đơn yêu cầu thi hành bản án hành chính TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 7 đơn yêu cầu thi hành bản án hành chính (tồn 1 đơn, tiếp nhận mới 6 đơn Tòa án đã ban hành 5 quyết định buộc thi hành án hành chính, 1 trường hợp rút đơn yêu cầu).    

Ngày 06/7/2022, Ban Pháp chế đã thẩm tra báo cáo của TAND tỉnh Khánh Hòa. Kết quả thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy thấy tỷ lệ giải quyết một số loại án đạt thấp, như án hành chính chỉ đạt 21,5%. Việc giải quyết vụ án hành chính còn khó khăn, vì đối tượng bị khởi kiện thường không tham gia tố tụng nhưng chậm ủy quyền hoặc người bị kiện, chậm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án theo thời hạn quy định, dẫn đến một số vụ án sơ thẩm bị hủy sửa. Đây cũng là những khó khăn, hạn chế tồn tại nhiều năm cho đến nay chưa được khắc phục.

Tòa án hai cấp tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa khắc phục được tình trạng án để quá hạn luật định, toàn tỉnh có 15 vụ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán, trong đó cấp tỉnh là 2 vụ, cấp huyện là 13 vụ. Số vụ án dân sự quá hạn luật định 6 tháng đầu năm ở Tòa án hai cấp vẫn còn nhiều (160 vụ).

Đối với phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2022, Ban pháp chế đề nghị Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính, tập trung phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế đã được phân tích cụ thể trong các mặt công tác, trong đó có hạn chế đã kéo dài nhiều năm đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các cấp phối hợp chặt chẽ, kịp thời đầy đủ với TAND hai cấp trong việc cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án hành chính.

Tại khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện”.

Ngày 31/8/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Văn bản số 18/UBTVQH14-TP hướng dẫn thực hiện Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, trong đó có nội dung: Kể từ ngày 01/7/2016 là ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, thì việc cử người đại diện trong tố tụng hành chính trước Tòa án nhân dân phải theo đúng quy định tại Điều 60 của Luật này.

Như vậy, Chủ tịch UBND phải thực hiện đúng Luật Tố tụng hành chính, chỉ được ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND tham gia tố tụng. Việc Chủ tịch UBND, UBND các cấp không ủy quyền hoặc người đại diện của người bị kiện không tham gia các phiên đối thoại, các phiên tòa là vi phạm Điều 55, 57 và khoản 3 Điều 93 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, ảnh hưởng lớn đến việc tranh tụng khi xét xử, một nguyên tắc đã được Hiến pháp và luật định. 

ĐẠI HƯNG

Cửa hàng tiện lợi bán cho khách phạm vi dưới 500m: Hạn chế quyền tự do lựa chọn sản phẩm, quyền tự do kinh doanh

Từ khoá : lsvn.vn LSVN khánh hoà