Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phùng Chí Kiên (18/5/1901-18/5/2021): Người Cộng sản mẫu mực, nhà chính trị, quân sự song toàn

13/05/2021 02:49 | 3 năm trước

(LSVN) - Phùng Chí Kiên là chiến sĩ Cách mạng tiền bối của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Cộng sản mẫu mực, nhà chính trị, quân sự song toàn. Cuộc đời của Phùng Chí Kiên tuy ngắn ngủi đối với nhân dân, đối với Cách mạng, đối với đất nước nhưng ông là một tấm gương tiêu biểu cho tinh thần Cách mạng tiến công, ý chí kiên cường quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Phùng Chí Kiên (18/5/1901-18/5/2021). 

Phùng Chí Kiên tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, sinh ngày 18/5/1901 trong một gia đình nông dân ở làng Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần (nay xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông sinh ra và lớn lên trên một vùng quê giàu truyền thống Cách mạng, một con người thông minh, ham học hỏi, có chí lớn, giàu lòng yêu nước. Năm 1925, ông ra làm thuê ở ga Yên Lý, Diễn Châu. Tại đây, Nguyễn Vĩ sớm tiếp xúc giao lưu với nhiều luồng tư tưởng tiến bộ. Thời gian này Tổng hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) cử cán bộ về Nghệ Tĩnh hoạt động. Nguyễn Vĩ được giác ngộ, dìu dắt, giúp đỡ kết nạp vào Hội.

Nơi Phùng Chí Kiên sinh ra và lớn lên. 

Tháng 10/1926, Nguyễn Vĩ được tổ chức đưa sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị đầu tiên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Nguyễn Vĩ đổi tên là Phùng Chí Kiên. Sau khóa học Phùng Chí Kiên được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi vào học Trường Quân sự Hoàng Phố. Trong quá trình hoạt động Cách mạng ông có nhiều tên như: Mạnh Văn Liễu, Nguyễn Hào, Như Bách, hoặc (Kan). 

Ngày 12/12/1927 Phùng Chí Kiên tham gia khởi nghĩa của công, nông Quảng Châu, thành lập Công xã Quảng Châu, do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Công xã Quảng Châu bị đàn áp ông cùng các lực lượng rút về chiến khu thành lập Khu Xô viết Lục phòng, với cương vị cán bộ chỉ huy của Hồng quân công nông Trung Quốc. Phùng Chí Kiên nổi tiếng một người chỉ huy tài giỏi. Tháng 12/1929 Phùng Chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, tham gia Hồng quân, thời gian sau được tín nhiệm, bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng. 

Tháng 12/1930 Đảng Cộng sản Đông Dương gọi ông về Hồng Kông. Tại đây được gặp lại Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được truyền đạt nhiều chủ trương, đường lối mới của Đảng sau Hội nghị hợp nhất. Những ngày ở Hồng Kông ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 01/1931 Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi Phùng Chí Kiên sang Liên Xô học Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Năm 1934 sau khi tốt nghiệp ông về Ma Cao, Trung Quốc tham gia Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng.

Ngày 23/3/1935 Đại hội Đại biểu lần thứ I của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc). Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định vào Ban Thường vụ của Đảng. Đại hội đã thông qua Nghị quyết chính trị và nhiều Nghị quyết quan trọng khác như: công nhân vận động, nông dân vận động, thanh niên vận động, phụ nữ vận động… Đặc biệt Đại hội đề ra Nghị quyết về Chương trình hành động của Đảng, thông qua Điều lệ mới của Đảng và Điều lệ của các tổ chức đoàn thể. Đại hội Đảng lần thứ nhất có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo bước ngoặt, đánh dấu sự khôi phục về tổ chức, các cơ quan lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở được lập lại, đưa phong trào Cách mạng nước ta sang một giai đoạn mới. 

Giữa năm 1937 Phùng Chí Kiên được cử về Sài Gòn cùng Hà Huy Tập trực tiếp phụ trách phong trào Cách mạng trong nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản (7/1935) và Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng (26/7/1936). Ông đã đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp tích cực, góp phần sự hình thành hơn 600 Ủy ban hành động ở Nam Kỳ, trong phong trào đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Do yêu cầu của Cách mạng cuối năm 1937 Phùng Chí Kiên quay lại Hồng Kông, Trung Quốc lãnh đạo Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng, thay cho Lê Hồng Phong về nước hoạt động. Với cương vị công tác của mình Phùng Chí kiên thường xuyên liên lạc với trong nước, với Đảng Cộng sản Xiêm, Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối tháng 10/1938 Phùng Chí Kiên bị bắt. Sau khi được trả tự do, bị trục xuất khỏi Hồng Kông cuối năm 1939 Phùng Chí Kiên về Côn Minh, Trung Quốc sẵn sàng cho những công việc mới của Đảng, của Cách mạng trong hoàn cảnh mới.

Đầu năm 1940 Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh, Trung Quốc. Thời gian này Phùng Chí Kiên được làm việc gần Bác. Nhiều lần ông được đưa Bác đi khảo sát tình hình, thăm cơ sở Cách mạng dọc tuyến đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu. 

Tháng 6/1940 Pháp đầu hàng Đức, Nhật nhảy vào Đông Dương. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xem đây là thời cơ từng mong đợi cho việc trở về nước của mình. Người cùng Ban Chỉ huy ở ngoài nước lựa chọn địa điểm trở về Tổ quốc.

Ngày 28/1/1941 Phùng Chí Kiên theo Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về hang Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. Về đây Phùng Chí Kiên hoạt động bên cạnh Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, bảo vệ khu căn cứ và biên soạn nhiều tài liệu quan trọng. 

Khu lưu niệm Phùng Chí Kiên ở làng Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần ( nay xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu.

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5/1941) Phùng Chí Kiên được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được phân công phụ trách công tác quân sự của Đảng, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai và Đội Cứu quốc quân.

Tháng 9/1940 Khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra gây tiếng vang lớn trong cả nước,  bọn thực dân Pháp hoảng sợ, tìm cách đối phó. Cuối tháng 6/1941 quân địch mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ Cách mạng của ta, nhằm bắt các vị lãnh đạo của Đảng, tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang Cách mạng mới hình thành. Phùng Chí Kiên chỉ huy đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chiến đấu dũng cảm, phá những trận càn lớn của quân Pháp.

Gần một tháng càn quét quân địch không bắt được người nào cán bộ Trung ương, không tiêu diệt được Cứu quốc quân, chúng ra sức tàn sát, khủng bố nhân dân. Trong tình hình đó Cứu quốc quân mưu trí, dũng cảm đánh trả quyết liệt bảo vệ căn cứ, bảo vệ nhân dân. Nhưng do không tương quan lực lượng và trang bị vũ khí, giữa ta với quân địch, nên tình hình ngày càng khó khăn. Trung tâm của đội Cứu quốc quân liên tục bị tấn công. Để bảo toàn lực lượng Ban chỉ huy quyết định rút đại bộ phận lên Cao Bằng và vùng biên giới Việt – Trung, chỉ để 1 tiểu đội ở lại bám cơ sở. Ngày 08/8/1941 tiểu đội thứ nhất rút an toàn. 

Ngày 10/8 tiểu đội thứ 2 do Phùng Chí Kiên chỉ huy bắt đầu rút. Ngày 21/8 tiểu đội đến làng Khau Pàn, xã Bằng Đức, châu Ngân Sơn thì lọt vào ổ phục kích của địch. Cuộc chiến không cân sức giữa ta và địch nhiều người trong tiểu đội hy sinh. Mặc dù bị thương nặng nhưng Phùng Chí Kiên vẫn giữ chắc khẩu súng bắn chặn quân địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn đến viên đạn cuối cùng Phùng Chí Kiên anh dũng hy sinh.

Phùng Chí Kiên ra đi để lại nỗi đau thương vô hạn đối với đồng chí, đồng đội và đồng bào ta. Đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại những giây phút vô cùng cảm động khi Bác nhận được tin đau đớn Phùng chí Kiên mất: “Nghe tin Bác đứng lặng một lúc nước mắt ứa ra…”.  

Ngày 23/9/1947 Hội đồng Chính phủ và Bộ Quốc phòng truy phong hàm cấp tướng cho Phùng Chí Kiên. Phùng Chí Kiên là người chỉ huy Quân đội và vị tướng đầu tiên của Quân đội ta. 

Tháng 11/2003 Đảng, Chính phủ ra Quyết định công nhận Phùng Chí Kiên nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (khóa 1) cán bộ lãnh đạo Quân đội cấp tướng liệt sĩ, anh dũng hy sinh trong chiến đấu. Mộ ông được nhân dân đưa về nghĩa trang liệt sĩ Châu Ngân.  

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phùng Chí Kiên là dịp mỗi chúng ta ôn lại cuộc đời một con người vì nước quên thân, vì Nhân dân phục vụ, tôn vinh công lao to lớn của ông đối với Cách mạng Việt Nam. Qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Mọi người chúng ta noi theo tấm gương cao cả, trong sáng của Phùng Chí Kiên ra sức phấn đấu xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh. Chung tay góp sức phòng chống dịch Covid-19 thành công không để lây lan ra cộng đồng. 

HẢI HƯNG

Những hạn chế trong giải quyết vụ án hành chính

Từ khoá : lsvn.vn LSVN