Làm thế nào để ngăn chặn thói côn đồ trong hành xử văn hóa giao thông và những quan hệ xã hội khác?

14/01/2021 05:00 | 3 năm trước

(LSVN) - Văn hóa ứng xử là hành vi ứng xử, cách ứng xử của con người đạt giá trị chuẩn mực văn hóa chân - thiện - mỹ của một cộng đồng xã hội. Cụ thể, ứng xử là biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người  khi đứng trước bối cảnh nào đó, đương nhiên là sẽ thể hiện rõ nét thông qua thái độ , hành vi, cách nói năng của con người. Văn hóa ứng xử đã được hình thành dựa trên tính cách, lối sống, suy nghĩ của một cá nhân trong thời điểm nhất định. Văn hóa ứng xử có thể thay đổi theo thời gian, môi trường sống và suy nghĩ của từng người. Điều này cũng dẫn đến chuẩn mực về văn hóa ứng xử cũng sẽ thay đổi theo sự thay đổi của thời gian, kinh tế xã hội.

Hình ảnh nam thanh niên hành hung nữ sinh sau khi xảy ra tai nạn giao thông tại Bình Dương.

Văn hóa ứng xử hình thành và tồn tại trong mọi quan hệ xã hội như: Văn hóa ứng xử trong gia đình, văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp, văn hóa ứng xử trong tham gia giao thông,…

Thời gian gần đây, vấn đề văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông trở thành vấn đề nổi cộm và nhận được sự quan tâm. Đặc biệt, sau khi sự việc tài xế xe bán tải hành hung người khác tại khu vực Khuất Duy Tiến làm cho người dân lo ngại về thói côn đồ trong ứng xử văn hóa giao thông và các quan hệ xã hội khác.

"Côn đồ" là gì?

Khái niệm côn đồ được thể hiện rõ nhất trong các quy định về luật hình sự. Côn đồ trong một số trường hợp là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trong một số trường hợp khác lại là tình tiết định khung hình phạt. Tuy nhiên, bản chất của côn đồ được hiểu giống nhau.

“Côn đồ” theo Từ điển Tiếng Việt được hiểu là kẻ chuyên gây sự, hành hung, có những hành động ngang ngược, thô bạo.

Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976, và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995 giải thích “có tính chất côn đồ” là hành động của những tên:

- Coi thường pháp luật;

- Luôn phá rối trật tự trị an;

- Sẵn sàng và thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác;

- Vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự người khác.

Hiện nay, Án lệ số 17/2018/AL có xác định yếu tố được đánh giá là “có tính chất côn đồ” là việc: “chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với nhau mà tội phạm đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân".

Nhìn chung, hành vi “có tính chất côn đồ” có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, về tính chất mức độ nguy hiểm của yếu tố “côn đồ” được xem xét trong các trường hợp xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, đặc biệt là cố ý gây thương tích và giết người.

Theo đó, tính chất “côn đồ” được thể hiện chủ yếu nhất là trong hành vi người thực hiện tội phạm sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực, cố ý dùng các phương tiện, vũ khí sắt, nhọn, nguy hiểm và có tính sát thương cao như mã tấu, dao phay, kiếm, súng,… tác động mạnh như đâm, chém, bắn,… vào các vùng trọng yếu của cơ thể như đầu, ngực, lưng, bụng,…. Nhờ vậy, khả năng gây thương tích cho nạn nhân cao hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với các hành vi thông thường và hậu quả dẫn đến chết người là không thể tránh khỏi. Bằng các phương thức thực hiện tội phạm này, người phạm tội nhanh chóng và dễ dàng đạt được mục đích của mình trong sự ghê rợn của nạn nhân cũng như mọi người xung quanh.

Thứ hai, đối tượng thực hiện hành vi “có tính chất côn đồ” thường là những người coi thường pháp luật, thường xuyên phá rối trật tự trị an. Thực tiễn cho thấy, hầu hết các đối tượng này là những người trình độ thấp, ít học, thất nghiệp, ăn chơi lêu lổng và là thành phần của nhiều tệ nạn xã hội khác. Do đó, những đối tượng này có trình độ và ý thức pháp luật kém, thường có nhân thân xấu, đã có tiền án, tiền sự. Một trong những hành vi phổ biến hiện nay là thích gây sự, hành hung người khác, gây rối trật tự công cộng và nền tảng của “tính chất côn đồ” cũng được hình thành từ những hành vi sai trái nhỏ này.

Thứ ba, nguyên nhân để thực hiện hành vi phạm tội được xác định “có tính chất côn đồ” hay không cũng là yếu tố cần được xem xét. Chỉ cần vì những nguyên nhân nhỏ nhặt, vô cớ hoặc vì những duyên cớ vô lí thì họ đã có thể thực hiện hành vi phạm tội. Những nguyên nhân này rất đơn giản và nhỏ nhặt như việc chỉ cần người khác có biểu hiện thái độ với đối tượng này, mà họ cho là vô lễ hay khinh thường họ thì hành vi hành hung đã có thể xảy ra. Hay những nguyên nhân khách quan vô lí khác như trả thù thay cho đàn anh, đàn em của họ; hay thậm chí là tư tưởng chỉ cần thích là đánh.

Ngoài ra, một số yếu tố khách quan khác cũng thể hiện được “tính chất côn đồ”. Sự chuẩn bị, trang bị vũ khí, phương tiện thực hiện tội phạm như mã tấu, dao phay, kiếm,… thể hiện ý chí mong muốn tước đoạt sức khỏe, tính mạng của người khác một cách hung hãn, côn đồ. Động cơ và mục đích thực hiện tội phạm cũng rất vô lí, như là chỉ để dọa nạt, uy hiếp người khác, bắt người khác phải khuất phục mình…; hay nguy hiểm hơn là muốn tước đoạt tính mạng người khác. Hơn nữa, tương quan lực lượng trong những vụ án này thường rất chênh lệch, chủ yếu là đánh hội đồng 3 – 4 người cùng đánh 1 người. Ngoài ra, thời gian, địa điểm, không gian tội phạm được thực hiện cũng thể hiện yếu tố côn đồ trong vụ án hình sự.

Nếu ngắn gọn, súc tích mà nói thì “côn đồ” sẽ thể hiện về một chủ thể là con người cụ thể, còn hành vi có tính chất côn đồ thể hiện ở những hành vi cụ thể của một người khi bắt gặp các tình huống phải ứng xử trong cuộc sống, trong mỗi quan hệ.

Trong tham gia giao thông, có rất nhiều cá nhân khi ở trong các tình huống cụ thể sẽ có những cách ứng xử, hành xử khác nhau. Trong đó, có rất nhiều người ứng xử bằng thói côn đồ, và thói côn đồ này gây ra hậu quả là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Thói côn đồ thường được thể hiện rõ nét khi có các va chạm, tranh chấp xảy ra khi tham gia giao thông. Điều dễ nhận biết được đó khi là có những va chạm nhỏ nhưng một trong các bên hoặc cả 2 bên xảy ra cãi vã, to tiếng, đánh nhau và gây thương tích, hoặc những câu nói văng tục khi tham gia giao thông…

Đối với bất kỳ quan hệ xã hội khác cũng vậy, văn hóa ứng xử cần phải phù hợp và tuân thủ các quy định của pháp luật. Vấn đề thói côn đồ trong các vấn đề này rất đa dạng, tùy những quan hệ xã hội khác nhau thì thói côn đồ cũng được thể hiện bằng những hành vi khác nhau (có tính chất đặc trưng cụ thể).

Hình thức xử phạt đối với những người tham gia giao thông thực hiện hành vi côn đồ

Xử phạt vi phạm hành chính

Trước tiên, đối với những hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ thì hiện nay sẽ đối chiếu với quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP để tiến hành áp dụng mức xử phạt. Ngoài ra, việc có những hành vi có tính chất côn đồ khi xảy ra tranh chấp có thể bị xử phạt về hành vi như gây rối trật tự công cộng.

Trách nhiệm hình sự

Hành vi có tính chất côn đồ của những cá nhân khi tham gia và ứng xử trong giao thông có thể sẽ phải chịu TNHS nếu hậu quả của hành vi đó thuộc trường hợp mà Luật hình sự điều chỉnh, hành vi có tính chất gây nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ như xung đột dẫn đến đánh nhau và gây thương tích thì có thể phải chịu TNHS về tội Cố ý gây thương tích…

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa.

Một số giải pháp

- Tuân thủ pháp luật: Việc tuân thủ pháp luật sẽ rèn luyện bản thân mỗi người có ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Hạn chế phát sinh những hành vi trái quy định của luật;

- Quản trị tốt cảm xúc cá nhân: Cảm xúc cá nhân trong một số trường hợp gặp phải yếu tố kích thích sẽ bộc lộ ra bên ngoài chủ yếu là bằng hành động. Vì vậy, việc quản trị tốt cảm xúc cá nhân sẽ tìm được phương án và cách thức xử lý xung đột một cách hiệu quả, hợp lý, tuân thủ pháp luật;

- Xác định và thể hiện cái tôi một cách phù hợp và đúng thời điểm;

- Rèn luyện các kỹ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng bảo vệ bản thân, kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ,…

Thói côn đồ trong văn hóa ứng xử tham gia giao thông là điều có thể thay đổi được nếu như mỗi một cá nhân đều có ý thức chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông. Cụ thể, khi tham gia giao thông tự giác dừng xe khi đèn đỏ, tuân thủ các quy định về tốc độ, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy, có giấy phép lái xe và các giấy tờ theo quy định. Không sử dụng bia, rượu khi điều khiển xe cơ giới và xe gắn máy. Khi tham gia giao thông xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông cần có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, chấp hành mọi quy định xử phạt khi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông. Nhân dân tự giác chấp hành các quy định bảo vệ hành lang an toàn giao thông, bảo vệ cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn cư trú.

Để văn hóa giao thông ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người khi tham gia giao thông, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân, đến tận các tổ dân phố, thôn xóm, bản làng. Các trường học có kế hoạch triển khai công tác giảng dạy Luật An toàn giao thông trong trường học. Nghiêm cấm học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường học, vận động phụ huynh mua mũ bảo hiểm đúng chất lượng cho con em mình. Huy động tối đa các lực lượng thanh tra giao thông từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, xóm, bản tuần tra kiểm soát thường xuyên trên các tuyến đường tỉnh lộ, liên thôn, liên xóm. Điều này không chỉ thay đổi văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông của chính mình, mọi người xung quanh mà còn chính là đặt nền móng cơ bản nhất, tốt nhất để giới trẻ, trẻ con hình thành được văn hóa ứng xử giao thông phù hợp từ khi còn nhỏ.

Đối với bất kỳ quan hệ xã hội khác cũng vậy, văn hóa ứng xử cần phải phù hợp và tuân thủ các quy định của pháp luật. Vấn đề thói côn đồ trong các vấn đề này rất đa dạng, tùy những quan hệ xã hội khác nhau thì thói côn đồ cũng được thể hiện bằng những hành vi khác nhau (có tính chất đặc trưng cụ thể).

Luật sư HOÀNG TÙNG

Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa


Tài sản của tội phạm tham nhũng đi đâu?