Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư, các Luật sư Việt Nam

28/12/2022 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập từ tháng 05 năm 2009 trên cơ sở Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc. Trải qua 03 nhiệm kỳ hình thành, xây dựng và phát triển, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò quyết định trong sự thành công của nghề Luật sư tại Việt Nam; tổ chức xã hội nghề nghiệp duy nhất có vai trò đại diện cho toàn thể giới Luật sư Việt Nam, thống nhất trong nhận thức, chỉ đạo và điều hành hoạt động Luật sư Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III nhiệm kỳ 2021-2026.

Điều 64, Luật Luật sư quy định địa vị pháp lý của Liên đoàn Luật sư Việt Nam: “Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư trong phạm vi cả nước, đại diện cho Luật sư, các Đoàn Luật sư, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản”.

Ngày 19/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 856/QĐ - TTg phê duyệt Điều Lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng trong đó có các quy định về tôn chỉ, mục đích, địa vị pháp lý cùng nguyên tắc tổ chức hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

​Lời nói đầu của Điều lệ tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vai trò đại diện hợp pháp duy nhất cho toàn thể giới Luật sư Việt Nam của Liên đoàn Luật sư Việt Nam: “Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư và các Luật sư Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Là tổ chức tự quản của giới Luật sư Việt Nam, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các Luật sư, Đoàn Luật sư, không những là nhiệm vụ của Liên đoàn mà đây là tôn chỉ, mục đích của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Vai trò đại diện của Liên đoàn được thể hiện thông qua chính việc thành lập và tổ chức hoạt động của Liên đoàn.

Từ khi được thành lập, giới Luật sư Việt Nam có tổ chức tự quản, đại diện thống nhất trong toàn quốc, trong tất cả các quan hệ từ đối ngoại, đối nội, ban hành các văn kiện quản lý, điều hành, hướng dẫn chung cho Luật sư toàn quốc như việc ban hành và thống nhất áp dụng Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phẩm chất đạo đức và kỹ năng ứng xử cho giới Luật sư Việt Nam.

Cùng việc đại diện, bảo vệ cho giới Luật sư, nghề Luật sư tại Việt Nam, việc thực hiện chế độ tự quản của tổ chức Luật sư trong phạm vi cả nước là tôn chỉ, mục đích của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Để thực hiện chế độ tự quản Liên đoàn Luật sư Việt Nam đồng thời thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ từ kiện toàn tổ chức; ban hành văn bản nội bộ để quản lý, điều hành; tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, thống nhất áp dụng các văn bản, quy định nội bộ vào đời sống nghề Luật sư; tiến hành kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện sai phạm để uốn nắn thậm chí là kỷ luật, động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt; tiếp tục kiện toàn tổ chức, điều hành và hoàn thiện hệ thống văn bản tổ chức, điều hành. Văn bản quan trọng hàng đầu của giới Luật sư phải kể đến là Điều Lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, Nội quy các Đoàn Luật sư…

Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập và tổ chức hoạt động, thực hiện chế độ tự quản nghề Luật sư trong toàn quốc nhằm xây dựng các giá trị chuẩn mực của Luật sư Việt Nam, phát triển đội ngũ Luật sư có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần bảo vệ công lý, quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhắc đến giá trị chuẩn mực của nghề Luật sư trên thế nói chung cũng như tại Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến mục đích hoạt động nghề Luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Theo đó là yêu cầu, đòi hỏi về tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của nghề Luật sư, về trình độ, kỹ năng chuyên môn; nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội.

Giá trị chuẩn mực của nghề Luật sư được thể hiện thông qua các nguyên tắc cơ bản của nghề Luật sư như tính độc lập, trung thực, khách quan, tôn trọng và bảo vệ tốt nhất quyền lợi ích hợp pháp của khách hàng; tích cực, chủ động thực hiện trợ giúp pháp lý và tham gia các hoạt động xã hội, cống hiến cho đời. Hiện nay Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội đã ghi nhận vai trò của giới Luật sư thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý, đóng góp xây dựng xã hội, hoàn thiện thể chế, đặc biệt đã trực tiếp tham gia góp phần bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông qua hoạt động bào chữa, bảo vệ tại các cơ quan tố tụng, hoạt động Luật sư đã góp phần quan trọng trong công cuộc Cải cách Tư pháp, góp phần dân chủ hóa hoạt động tố tụng.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện chức năng thống nhất đại diện cho giới Luật sư Việt Nam mở rộng quan hệ với các tổ chức Luật sư trên thế giới, tham gia các tổ chức quốc tế có hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác nghề nghiệp giữa đội ngũ Luật sư các nước và góp phần xây dựng, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các dân tộc, các quốc gia trên thế giới theo quy định của pháp luật.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Luật sư không cung cấp dịch vụ pháp lý khi khách hàng không tự nguyện