Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024

20/01/2024 13:08 | 3 tháng trước

(LSVN) - Ngày 20/01/2024, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, về phía các cơ quan Trung ương có: Ông Nguyễn Thái Học, Phó Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; ông Lê Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Trung ương Đảng; ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp.

Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có: Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Chủ nhiệm Đoàn Luật sư các tỉnh/thành trong cả nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thông qua Báo cáo Tổng kết công tác tổ chức và hoạt động năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024, Báo cáo Tài chính năm 2023 và dự kiến công tác tài chính năm 2024 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, đây là năm thứ hai của nhiệm kỳ III, năm các Đoàn Luật sư chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ. Liên đoàn Luật sư Việt Nam luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ, Thường trực Liên đoàn và Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm đã được Hội đồng Luật sư toàn quốc phê duyệt, triển khai thực hiện để đạt kết quả cao nhất trong khả năng và điều kiện có thể hiện nay.

Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Hiện nay, tổng số Luật sư thành viên của Liên đoàn là 18.020; các Luật sư hành nghề tại hơn 5.300 tổ chức hành nghề luật sư. So với năm 2022, số lượng Luật sư tăng lên 736 Luật sư (tính đến 31/12/2022, cả nước có 17.284 luật sư). Trong đó, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm số lượng Luật sư lớn nhất cả nước (Hà Nội có 5144 Luật sư; TP. Hồ Chí Minh có 7250 Luật sư) có 03 Đoàn Luật sư có số lượng trên 340 Luật sư trở lên gồm: Đồng Nai (440 Luật sư); TP. Cần Thơ (351 Luật sư), TP. Đà Nẵng (339 Luật sư); 04 Đoàn Luật sư có trên 200 Luật sư gồm: Hải Phòng (254 Luật sư); Bà Rịa – Vũng Tàu (248 Luật sư), Bình Dương (242 Luật sư) và Nghệ An (204 Luật sư); 09 Đoàn Luật sư có số lượng từ 100 đến dưới 200 Luật sư; còn lại 45 Đoàn Luật sư có số lượng dưới 100 Luật sư, trong đó có 19 Đoàn Luật sư có số lượng Luật sư thành viên dưới 50 người.

So với năm 2022, số lượng Đoàn Luật sư có số lượng thành viên dưới 50 thành viên giảm, năm 2022 có 23 Đoàn Luật sư dưới 50 Luật sư. Qua đó cho thấy số lượng Luật sư ở các tỉnh, thành phố trong toàn quốc phát triển nhanh nhưng vẫn không đồng đều; có sự chênh lệch lớn giữa các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa với các thành phố lớn. Từ đó, cần có đề xuất với Nhà nước để có cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển số lượng Luật sư ở các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Trong năm 2023, Liên đoàn đã đóng góp cho 25 văn bản pháp luật và các văn bản khác theo yêu cầu của các cơ quan, gồm: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP; Dự thảo Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh Chi phí tố tụng; Dự thảo Báo cáo Công ước ICCPR - Bộ Tư pháp; Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo Kế hoạch nghiên cứu, rà soát và sơ kết thực tiễn 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Dự thảo Thông tư quy định chi tiết Luật Hòa giải, đối thoại về điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên; Dự thảo Báo cáo tình hình hoạt động của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2022, kế hoạch hoạt động của Hội đồng năm 2023 và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp của Hội đồng triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; Hồ sơ dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam; Dự thảo Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng các Điều 311, 312 và 313 Bộ luật Hình sự; Dự thảo Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật; Dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp, dự kiến chương trình Hội nghị sơ kết 05 thực hiện Quy chế phối hợp; Dự thảo Thể lệ hòa giải viên (lần 3); Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 347, 348, 349 và 350 Bộ luật Hình sự; Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ; Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Dự thảo Luật Thủ đô; Dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng; Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số điều về tội phạm ma túy.

Ngoài ra, năm 2023, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức 04 cuộc Hội thảo lấy ý kiến đóng góp xây dựng pháp luật gồm: Hội thảo lấy ý kiến đóng góp của Luật sư đối với dự thảo Luật Đất đai (tổ chức tại Hà Nội), 02 cuộc Hội thảo tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, những bất cập, vướng mắc và kiến nghị sửa đổi (tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh); Hội thảo lấy ý kiến đóng góp về Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở (tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh); Hội thảo lấy ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài Thương mại và Luật Đất đai (tại TP. Hồ Chí Minh).

Đồng thời năm 2023, Liên đoàn đã cử đại diện tham gia vào một số Ban Soạn thảo, Tổ công tác, Hội đồng sau: Hội đồng Tư vấn thẩm định đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự; Hội đồng Kiểm tra tập sự trợ giúp pháp lý năm 2023; cử đầu mối trao đổi thông tin với Bộ Tư pháp về thực hiện Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027; tham gia Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); Ban Tổ chức, Tổ Thư ký Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV; Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Pháp lệnh Chi phí tố tụng; Ban Biên tập xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Trọng tài thương mại; Nhóm giúp việc Tổ Công tác về thuế suất OECD…

Theo báo cáo của 62/63 Đoàn Luật sư trong cả nước, năm 2023, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã tham gia vào các lĩnh vực hành nghề như: Tham gia vào 14.811 vụ án hình sự, trong đó có 8155 vụ án hình sự chỉ định và 6296 vụ án hình sự được khách hàng mời; Tham gia vào 11.120 vụ việc dân sự, 3923 vụ việc tư vấn trong lĩnh vực kinh tế kinh doanh thương mại, 523 vụ án hành chính, 32 vụ án lao động; Tham gia tư vấn pháp luật 41.029 vụ việc; Tham gia đại diện ngoài tố tụng 5.966 vụ việc; Tham gia vào các dịch vụ pháp lý khác 23.034 vụ việc; Tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí 11.826 vụ việc.

Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, hoạt động tố tụng năm 2023 của các Luật sư có nhiều khởi sắc, tỷ lệ tham gia của các Luật sư trong các vụ án lớn thời gian vừa qua gần như là 100%.


Luật sư Lưu Văn Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng-Kỷ luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Đóng góp ý kiến vào Báo cáo Tổng kết của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Luật sư Lưu Văn Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng-Kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, về công tác kỷ luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với các Luật sư cần có sự linh động cũng như tạo điều kiện cho những Luật sư bị kỷ luật có điều kiện khắc phục.


Luật sư Huỳnh Phương Nam, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Luật sư Huỳnh Phương Nam, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, về công tác chuyển đổi số cần tạo tài khoản cho từng Luật sư thành viên để chỉ cần quét mã QR là có thể kiểm tra xác thực đối với thông tin Luật sư và việc này để các Luật sư tự làm và tự chịu trách nhiệm trước thông tin đăng tải. Bên cạnh đó, thẻ Luật sư cần thay đổi sang thẻ từ để việc kiểm tra thông tin Luật sư được nhanh chóng thuận tiện và đồng bộ với công tác chuyển đổi số. Ngoài ra, việc số hóa tài liệu hiện nay còn ít và việc sao chụp tài liệu đối với các vụ án còn nhiều bất cập… Do đó, cần số hóa tài liệụ các vụ án để việc tiếp cận của Luật sư tham gia tranh tụng được nhanh chóng thuận tiện.


Luật sư Huỳnh Tho, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng.

Luật sư Huỳnh Tho, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng bày tỏ hy vọng về việc Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề xuất đối với địa phương trong việc tạo điều kiện cho các Đoàn Luật sư đóng góp vào công tác xây dựng pháp luật tại địa phương và có biện pháp hỗ trợ nơi làm việc cho Đoàn Luật sư các tỉnh. Bên cạnh đó, công tác chấm thi tuyển hành nghề luật sư cần tăng cường mời các Luật sư uy tín để chất lượng tuyển chọn Luật sư ngày càng được nâng cao.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp.

Thay mặt Bộ Tư pháp, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp bày tỏ sự ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của việc thi hành Luật Luật sư, cũng như những kết quả đạt được của Liên đoàn Luật sư Việt Nam năm 2023 trong các hoạt động như tham gia ý kiến đóng góp về chính sách và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân với các cơ quan chức năng.

Năm 2024 là năm Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nhiều nhiệm vụ quan trọng, do đó Liên đoàn cần ưu tiên tiếp tục phát huy trách nhiệm trong Đại hội nhiệm kỳ của các Đoàn Luật sư thành viên, bảo đảm các Đoàn Luật sư tổ chức đại hội đúng thời gian và quy định. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cần quan tâm hơn nữa việc triển khai công tác giáo dục chính trị tư tưởng và phát triển đảng viên đối với Luật sư tại các Đoàn Luật sư thành viên.

Đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Thái Học, Phó Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, qua Báo cáo Tổng kết của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các ý kiến phát biểu của các Luật sư, ông đánh giá cao những kết quả của Liên đoàn với nhiều bước phát triển hơn và triển khai tốt nhiệm vụ của năm 2023. Trong thời gian tới, Liên đoàn cần phát huy hơn nữa việc hoạt động nghề nghiệp của các Luật sư trong việc góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, bảo vệ công lý - công bằng xã hội. Qua Báo cáo Tổng kết tại Hội nghị năm 2023, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã dành sự quan tâm đến việc sự xây dựng, củng cố tổ chức Liên đoàn. Theo đó, các Đoàn Luật sư thành viên đã có bước chuyển quan trong trong tổ chức và hoạt động nghề nghiệp. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có những hoạt động hợp tác quốc tế rất quan trọng, đóng góp vào các hoạt động đối ngoại của nhà nước khẳng định được vị thế và hình ảnh của giới Luật sư.

Ông Nguyễn Thái Học, Phó Ban Nội chính Trung ương.

Năm 2024, Phó Ban Nội chính Trung ương hy vọng Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ quan tâm, lưu ý hơn nữa đối với công tác chuyên môn. Đồng thời, gìn giữ và phát huy hình ảnh, vị thế của Luật sư đối với xã hội. Đặc biệt, các Luật sư cần quan tâm chú trọng hơn nữa đến nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân cũng như công lý - công bằng xã hội; chú trọng đến người nghèo, người yếu thế trong xã hội vì họ ít có điều kiện tiếp cận với Luật sư…

Hiện nay, Ban Nội chính Trung ương rất quan tâm đến những đơn thư phản ánh của các Luật sư, nhưng đề xuất kiến nghị đó phải đúng và trúng. Trong đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần quán triệt, triển khai các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, tăng cường kỷ luật kỷ cương đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các tổ chức và Luật sư thành viên. Tăng cường công tác xây dựng đảng đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư thành viên.

Theo Báo cáo Tổng kết của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Hội nghị, hiện nay chỉ có 31/63 Đoàn Luật sư thành viên có tổ chức đảng, vì vậy Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam phải quan tâm đến việc này một cách chủ động và quyết liệt; căn cứ các quy định đã được thể chế hóa và Liên đoàn Luật sư Việt Nam phải có ý kiến đối với các địa phương về công tác đảng tại các Đoàn Luật sư thành viên. Đồng thời, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cần xem xét tính khả thi của việc bố trí trụ sở làm việc cho các Đoàn Luật sư tại địa phương.

Tiếp thu các ý kiến, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ Luật sư trong toàn Liên đoàn và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư.

Cùng với ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; triển khai đồng bộ công tác giáo dục chính trị tư tưởng với hoạt động bồi dưỡng Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, triển khai Đề án Phòng chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư; Đề án nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề luật sư và chất lượng đội ngũ Luật sư.

PV

Hội thảo thực tiễn thi hành Luật Luật sư và một số giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung