Toàn cảnh Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Luật sư Masanori Sukahara, Chuyên gia Dự án JICA; Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Chủ nhiệm Đoàn Luật sư các tỉnh/thành trong cả nước.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, thực hiện kế hoạch hợp tác và hỗ trợ của JICA với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” do JICA tài trợ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thực tiễn thi hành Luật Luật sư và một số giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung” để tổng hợp ý kiến đóng góp của các Đoàn Luật sư và Hội đồng Luật sư toàn quốc đối với việc sửa đổi Luật Luật sư xuất phát từ thực tiễn hành nghề của Luật sư.
Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Theo đó, Luật Luật sư 2006 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2007 và được sửa đổi, bổ sung năm 2012 đã tạo hàng lang pháp lý cho việc xây dựng phát triển đội ngũ Luật sư và hành nghề luật sư.
Sau hơn 15 năm thực hiện Luật Luật sư, với những kết quả đạt được trong xây dựng phát triển nghề luật sư và đội ngũ Luật sư thì những bất cập tồn tại cũng xuất hiện, đặt ra yêu cầu cần phải nhận diện đầy đủ để tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư và thể chế Luật sư để mở rộng cho sự phát triển của nghề luật sư trong giai đoạn phát triển mới của đất nước…
Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Theo Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, việc sửa đổi Luật Luật sư hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đội ngũ Luật sư Việt Nam; các Luật sư đã dành nhiều thời gian đóng góp, xây dựng một cách tâm huyết.
Theo định hướng sửa đổi là bám sát nhu cầu thực tiễn của đời sống; thực tiễn dịch vụ pháp lý, dịch vụ tố tụng hiện nay làm phát sinh các vấn đề mới và cần phải sửa đổi. Các vấn đề sửa đổi cần phải có những luận chứng khoa học để đánh giá chính xác, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có cái nhìn chính xác và phù hợp với việc sửa đổi. Đồng thời, cũng nghiên cứu các ý kiến đóng góp của Luật sư trong thực tiễn hành nghề hiện nay đối với những nội dung sửa đổi.
Luật sư Hoài nhấn mạnh, chủ trương của Đảng và Nhà nước đang từng bước nêu cao vai trò của Luật sư trong đời sống xã hội, do đó, việc xác định chủ thể tư pháp, chức danh tư pháp của Luật sư có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ trong bộ máy tư pháp mà còn trong đời sống tố tụng. Bên cạnh đó, việc giải quyết các vấn đề vừa đáp ứng yêu cầu của thị trường dịch vụ pháp lý hiện tại và tính tương thích với các quy định của pháp luật khác.
Theo kết quả tổng kết, các tổ chức hành nghề luật sư hiện nay tại Việt Nam đã có những đóng góp rất lớn cho ngân sách Nhà nước, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường dịch vụ pháp lý và nhu cầu của các chủ thể xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, Luật sư Trần Văn An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bắc Giang cho rằng, việc xây dựng Luật Luật sư tới đây cần thể chế hóa, làm rõ và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; quy định cụ thể, đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ thống nhất, đồng bộ tại các địa phương, tránh tình trạng có địa phương được giao nhiệm vụ, có địa phương không được giao nhiệm vụ, và có cơ chế đảm bảo phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Luật sư Trần Văn An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bắc Giang phát biểu tại Hội thảo.
Theo Luật sư An, thực tế, số lượng Luật sư trên toàn quốc tăng rất nhanh nhưng chưa có sự đồng đều và mất cân đối giữa các vùng miền. Pháp luật hiện chưa có các quy định ưu tiên, hỗ trợ đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa do nghề luật sư chưa phát triển. Cùng với nguyên tắc cung cầu của thị trường thị pháp lý, với tư cách là một nghề gắn với việc đảm bảo quyền con người, Luật Luật sư cần có quy định cụ thể để tạo điều kiện và điều tiết, phân bổ nguồn lực giúp nghề luật sư phát triển đồng đều, có điều kiện phát triển tại những khu vực khó khăn. Theo đó, cần xác định rõ Luật sư là một chức danh tư pháp hay Luật sư là một nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi, nghề luật sư, hoạt động Luật sư gắn liền với hoạt động tư pháp, gắn liền với quyền tư pháp, quyền công dân, quyền con người. Liên đoàn Luật sư Việt Nam được xác định là tổ chức được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; Luật sư có tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, bản lĩnh chính trị.
Đồng thời, tổ chức hành nghề luật sư hiện nay vận hành theo quy định của một doanh nghiệp; Luật sư hiện nay không phải là người tiến hành tố tụng mà là người tham gia tố tụng. Việc quản lý nghề luật sư và tổ chức hành nghề luật sư còn chồng chéo, chưa rõ ràng. Thực tế hiện nay là nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư đang được quản lý như một tổ chức bổ trợ tư pháp và một tổ chức doanh nghiệp; nhưng chế độ, quyền lợi lại như một doanh nghiệp, một nghề kinh doanh có điều kiện.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư phải xác định rõ Luật sư là một chức danh tư pháp, xác định và giao cho Luật sư thực hiện một số quyền tư pháp mà chỉ người tiến hành tố tụng hoặc Luật sư mới được thực hiện. Phân định, xác định rõ chỉ có Luật sư mới được cung cấp dịch vụ pháp lý có thu phí; xác lập rõ một số nhóm nhiệm vụ, hoạt động của cơ quan hành pháp bắt buộc phải sử dụng dịch vụ Luật sư, như: các hoạt động liên quan đến quốc kế dân sinh, quyền lợi ích cơ bản của công dân; việc xác lập một số giao dịch liên quan đến nhân thân, có yếu tố pháp lý phức tạp; việc thực hiện các dự án đầu tư công lớn…
Bên cạnh đó, việc quy định tổ chức hành nghề luật sư là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố để đảm bảo tính thống nhất trong tự quản hành nghề luật sư. Để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hoạt động hành nghề luật sư, Luật sư An cho rằng, trước hết cần nâng cao vai trò, trách nhiệm tự quản của nghề luật sư. Tự quản nghề luật sư cần tự quản của chính cá nhân Luật sư với suy nghĩ, hành động của mình, tự quản của cá nhân Luật sư với đồng nghiệp, tự quản của tổ chức hành nghề luật sư, tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư...
Bên cạnh đó, ý kiến đóng góp của các Luật sư đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư tại Hội thảo cũng mang đến các góc nhìn đa dạng từ thực tiễn hành nghề và hoạt động Luật sư tại Việt Nam hiện nay, như ý kiến của Luật sư Võ Văn Thế, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long; Luật sư Lưu Văn Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng-Kỷ luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long; Luật sư Nguyễn Mạnh An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thái Nguyên; Luật sư Lê Cao Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh; Luật sư Vương Sơn Hà, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh; Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh; Luật sư Hà Vinh Phúc, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ngãi,…
Luật sư Hà Vinh Phúc, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ngãi.
Luật sư Lê Cao Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh.
Chia sẻ về Luật Luật sư Nhật Bản, Luật sư Masanori Sukahara, Chuyên gia Dự án JIC cho biết: Luật Luật sư Nhật Bản ra đời năm 1893 và có nhiều điều khác nhau so với Luật Luật sư của các nước khác trên thế giới. Theo đó, Luật Luật sư Nhật Bản trải qua hai lần sửa đổi lớn vào năm 1933 và 1949.
Năm 1933, Luật Luật sư Nhật Bản mở rộng công việc Luật sư bên ngoài Tòa án; phụ nữ cũng có thể trở thành Luật sư; công nhận Luật sư nước ngoài; đăng ký làm Luật sư thông qua Đoàn Luật sư; Luật sư chịu sự giám sát và quản lý của Bộ Tư pháp…
Năm 1949, Luật Luật sư Nhật Bản sửa đổi về việc các đại biểu Quốc hội có tư cách Luật sư làm vai trò trung tâm trong việc soạn thảo luật và đệ trình lên Quốc hội. Bộ Tư pháp không đệ trình sự thảo luật sửa đổi lên Quốc hội; các quy định về sứ mệnh, trách nhiệm của Luật sư được đặt ra đầu tiên; Luật sư có quyền tự chủ cao việc giám sát được thực hiện bởi các Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư,…
Luật sư Masanori Sukahara, Chuyên gia Dự án JICA.
Ngoài ra, phí thành viên của Đoàn Luật sư Nhật Bản rất cao, bình quân 300 USD/tháng và cơ chế tự quản là 100%. Hiện nay, Nhật Bản là một trong ít quốc gia thực hiện quy chế này. Bên cạnh đó, điều kiện hành nghề luật sư ở Nhật Bản rất khắt khe và phải trải qua một kỳ thi rất nghiêm khắc và điều đó để đảm bảo chất lượng hành nghề của Luật sư.
Tổng kết Hội thảo, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng Hội thảo đã xem xét kỹ các vấn đề dưới mọi góc độ khác nhau. Từ đó, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị gửi Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng. Các ý kiến tại Hội thảo đã nêu cao trách nhiệm của Luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư; hoàn thiện mối quan hệ kết hợp giữa quản lý nhà nước với cơ chế tự quản. Ngoài ra, các Luật sư cũng đã đề cập đến việc hành nghề của Luật sư nước ngoài tại Việt Nam; nhiều ý kiến đã nêu cụ thể, chi tiết, minh bạch các chế định đã được quy định trong Luật Luật sư hiện nay.
PV