Luật sư giành giật, lôi kéo khách hàng là vi phạm nghiêm trọng đạo đức hành nghề Luật sư

27/12/2022 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chế định Luật sư đang từng bước phát triển và ngày càng khẳng định vị thế, tầm quan trọng của lĩnh vực Luật sư trong đời sống xã hội. Chính vì thế, Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư đang không ngừng tăng lên về số lượng lẫn chất lượng. Đến nay, cả nước đã có khoảng hơn 17.000 Luật sư. Cách ứng xử giữa các Luật sư trong quan hệ hành nghề Luật sư là một yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi lẽ các hành vi đó thể hiện tính chuyên nghiệp, tính chất lượng về dịch vụ pháp lý cũng như sự đảm bảo an toàn về mặt pháp lý cho khách hàng.

Ảnh minh họa.

Cùng với sự phát triển nghề Luật sư, việc cạnh tranh giữa các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư là không thể tránh khỏi, đặc biệt là các hành vi không cạnh tranh không lành mạnh nhằm mục đích giành giật, lôi kéo khách hàng.

Mục 21.5 Quy tắc 21 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp, trong đó có hành vi “Thực hiện các hành vi nhằm mục đích giành giật khách hàng”

Theo Mục 21.5 Quy tắc 21 nêu trên, các hành vi nhằm mục đích giành giật khách hàng bao gồm 08 hành vi như sau:

- So sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền hoạt động hành nghề của Luật sư hoặc tổ chức hành nghề Luật sư này với Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư khác;

- Xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo Luật sư đồng nghiệp;

- Trực tiếp hoặc sử dụng các nhân viên của mình hoặc người khác làm người lôi kéo, dụ dỗ khách hàng, trước trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, cơ quan nhà nước và các tổ chức khác.

- Áp đặt hoặc cố tình chi phối làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong hành nghề của đồng nghiệp có quan hệ phụ thuộc với Luật sư như quan hệ thầy - trò, cấp trên - cấp dưới, huyết thống, thân thuộc.

- Có hành vi tạo thành phe, nhóm giữa các Luật sư để cô lập đồng nghiệp trong quá trình hành nghề.

- Thực hiện việc liên kết, liên danh, thành lập nhóm Luật sư hoạt động trái với quy định của pháp luật về Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư.

Một khi khách hàng có nhu cầu tìm đến Luật sư để bảo vệ quyền lợi pháp lý, nghĩa là khách hàng đang gặp khó khăn hoặc rơi vào các tình huống tranh chấp. Tuy nhiên, vì các mục đích chủ quan của riêng Luật sư, không ưu tiên giải quyết quyền lợi khách hàng lên hàng đầu, Luật sư đã dùng các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh để nhằm mục đích giành giật, lôi kéo khách hàng như so sánh năng lực nghề nghiệp của mình hoặc tổ chức hành nghề của mình với các Luật sư khác, tổ chức hành nghề khác; xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình,… Điều này đã vô tình cản trở khách hàng tiếp cận với các dịch vụ pháp lý để giải quyết nhu cầu của họ một cách tốt nhất, gây thiệt hại cho khách hàng; ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của đồng nghiệp; vi phạm nghiêm trọng quy tắc hành nghề của Luật sư. 

Việc sử dụng các thủ đoạn không lành mạnh để lôi kéo khách hàng là một trong các hành vi vi phạm nghiêm trọng, các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư hành nghề uy tín cần phải lên án và kiên quyết không thực hiện các thủ đoạn này. Bởi lẽ, hành vi này có thể ban đầu chỉ do một hoặc một số cá nhân, tổ chức hành nghề Luật sư thực hiện. Tuy nhiên, nếu không có cách xử lý nghiêm, hành vi này dễ dàng tạo hiệu ứng lan rộng, ảnh hưởng xấu trong hoạt động hành nghề Luật sư (như hành vi liên kết cùng nhau dùng thủ đoạn “tạo thành phe, nhóm giữa các Luật sư để cô lập đồng nghiệp trong quá trình hành nghề”); đồng thời vi phạm các chuẩn mực đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư với đồng nghiệp, gây mất đoàn kết nội bộ; ảnh hưởng uy tín nghề Luật sư nói chung; thiếu trung thực, khách quan khi hành nghề. Về khía cạnh khách hàng, các thủ đoạn không lành mạnh này vô tình can thiệp, tác động trực tiếp đến việc thực hiện quyền lựa chọn Luật sư của khách hàng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của khách hàng.

Thời gian qua, không thể phủ nhận rằng đội ngũ Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư tại Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về số lượng, trình độ, kỹ năng hành nghề và tính hội nhập quốc tế. Đa số các Luật sư đều có tư tưởng, lập trường chính trị vững vàng, chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhưng vẫn tồn tại một số Luật sư có những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp Luật sư, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động hành nghề Luật sư. Do vậy, các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư cần tuân thủ nghiêm Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam để chung tay xây dựng môi trường hành nghề Luật sư uy tín, chất lượng, tạo dựng niềm tin trong xã hội nói riêng và lĩnh vực pháp lý nói chung./.

THANH THỊNH

Luật sư không cung cấp dịch vụ pháp lý khi khách hàng không tự nguyện