Một số vấn đề về tội ‘Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ’ tại Điều 260 Bộ luật Hình sự

04/11/2021 02:17 | 2 năm trước

(LSVN) - Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 ra đời thay thế cho BLHS năm 1999 nhằm đáp ứng tốt hơn hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta hiện nay. Những năm qua tình hình vi phạm, tội phạm trong quá trình tham gia giao thông đường bộ có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, trong đó tình trạng sử dụng rượu, bia, ma túy và các chất kích thích khác chiếm số lượng lớn và đã gây ra hậu quả rất lớn cho xã hội. BLHS, Luật Giao thông đường bộ. Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều quy định nhằm xử lý nghiêm đối với các hành vi sử dụng rượu, bia, các chất kích thích, ma túy,… tuy nhiên trong thực tiễn xử lý quy định về nồng độ cồn vẫn và một số vấn đề khác còn tồn tại nhiều cách xử lý khác nhau.

Ảnh minh họa.

Thứ nhất, về quy định tình tiết định khung nồng độ cồn theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu thể hiện qua ví dụ sau đây:

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án nội dung vụ án như sau: Khoảng 14 giờ 00 phút ngày 13/9/2020 Nguyễn Văn A. trú tại thôn 1, xã M.L., huyện H.N., tỉnh N.A. có đi liên hoan và tham gia uống rượu, sau đó điều khiển xe ô tô di chuyển trên tuyến Quốc lộ số 03 thuộc địa phận xã M.L., huyện H.N., tỉnh N.A. quá trình điều khiển do thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ và do đã sử dụng rượu trước đó nên đã đâm vào anh Trần Văn O. điều khiển xe máy chạy cùng chiều chở theo sau là anh Hồ Thanh Y., hậu quả làm anh Trần Văn O. tử vọng tại chỗ, anh Hồ Thanh Y. bị thương và được đưa đi cấp cứu, với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 8 %, xe mô tô do anh Trần Văn O. điều khiển bị thiệt hại số tiền 5.000.000 đồng.

Sau khi gây ra tai nạn các nạn nhân đã được đi cấp cứu trong khi chờ lực lượng chức năng đến giải quyết thì Nguyễn Văn A. rời khỏi hiện trường vào quán bên cạnh đường Quốc lộ 03 cách địa điểm xảy ra tai nạn khoảng 500m tại đây A. tiếp tục uống rượu, đến khoảng 14 giờ 20 phút cùng ngày khi Cảnh sát đến đã tiến hành bắt giữ A. và lấy máu để xét nghiệm nồng độ cồn. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là định lượng Ethanol (cồn) [Máu] 0,8 mg/dl và Nguyễn Văn A. bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS. Liên quan đến hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A. tồn tại nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Việc Nguyễn Văn A. bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS là hoàn toàn có cơ sở vì theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác”. Trong trường hợp trên Nguyễn Văn A. điều khiển xe ô tô có Định lượng Ethanol (cồn) [Máu] 0,8 mg/dl là vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tại hại của rượu, bia).

Quan điểm thứ hai: Chúng tôi đồng tình với quan điểm này, việc Nguyễn Văn A. bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS là không có căn cứ vì về nguyên tắc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS. Trong vụ án này, Nguyễn Văn A. điều khiển xe ô tô và kết quả xét nghiệm sau 2 lần uống trước và sau gây tai nạn, cho nên không thể xác định được nồng độ cồn của A. tại thời điểm gây ra tai nạn, cho nên, theo nguyên tắc suy đoán vô tội không thể áp dụng điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS để xử lý đối với A. mà cần xử lý A. về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS.

Thứ hai: Hiểu thế nào là tình tiết “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn”?. 

Đối với vấn đề “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm” lưu ý hai trường hợp:

Một là bỏ chạy do hoảng sợ, lo lắng nhưng sau đó đến cơ quan chức năng khai báo về hành vi thì không bị xử lý trách nhiệm hình sự với tình tiết “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm”.

Hai là bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, không đến cơ quan có thẩm quyền trình báo thì bị xử lý trách nhiệm hình sự với tình tiết “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm”.

Thứ ba: Đối với tội giao thông và một số tội danh khác cần có các điều kiện hành nghề thì khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại Điều 41 BLHS về cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì hiệu quả xử lý không cao, chưa nghiêm minh vì vậy kiến nghị bổ sung hình phạt “Tước giấy văn bằng chứng chỉ” tại Điều 41 của BLHS áp dụng đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì sẽ phù hợp hơn, còn đối với quy định tại khoản 5 Điều 260 BLHS kiến nghị hình phạt bổ sung “Tước giấy phép lái xe’ là hoàn toàn phù hợp.

TRẦN VĂN HÙNG

TÒA ÁN QUÂN SỰ KHU VỰC QUÂN KHU 4

Trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành

Tội phạm về việc cùng nhau đánh bạc theo quy định tại Bộ luật Gia Long

(LSVN) - Đối với quan chức mà đánh bạc thì sẽ bị tăng bậc tội, phạt 90 trượng đôi với quan chức phạm tội. Còn như trong khi tiệc tùng có đánh bài để vui chơi thì không bắt tội.

Ảnh minh họa.

Theo Điều 343 của Luật Gia Long: “Phàm kẻ nào đánh bạc ăn tiền thì đều bị xử phạt 80 trượng; những tiền của, đồ vật bắt được tại sòng bạc ấy đều đem sung công. Người đứng ra mở nhà chứa bạc ấy (tuy không dự vào hạng người đánh bạc) cũng bị xử cùng một tội y như là người đánh bạc, chỗ nhà đánh bạc ẩy bị đem sung công. Nhưng phải có người nào phát hiện tổ cáo và bắt được việc đánh bạc ngay tại trận, có tiền bạc đầy đủ thì mới được phép bắt tội. Nếu quan chức mà phạm tội đánh bạc thì bị xử gia nặng thêm 1 bậc. Nhưng nếu chỉ là việc ăn uống cùng nhau và đánh bài đề vui chơi thì không bắt tội".

Trong phần Giải thích, nhà làm luật đã nói rõ, quen nghề đánh bạc ắt là hại bỏ phế nghề nghiệp, làm tiêu hao về tiền của, khác gì là bọn vô công rồi nghề, con người hư nát, cho nên đặc biệt phải đặt ra điều luật này.

Phàm đánh bạc ăn tiền thì đều bị phạt 80 trượng, và cùng đánh bạc thì không chia ra thủ tòng. Lấy hết tất cả số tiền bạc đang bày ra ở hiện trường của sòng bạc đem cho vào kho của nhà nước.

Kẻ đứng ra mở sòng bạc tại nhà mình để cho bọn đánh bạc tụ tập đến sát phạt, thì dù y không ngối cùng đánh bạc với đám tụ tập đó thì cũng bị phạt 80 trượng và sòng bạc đem nhập vào tài sản của nhà nước.

Nếu chỉ nghe người tố giác về sòng bạc và không bắt được việc đánh bạc ngay tại trận thì không đủ bằng chứng để xử phạt, vì nếu làm như thế thì sẽ rơi vào bẫy của những kẻ vu oan giá họa nhằm hãm hại người khác.

Còn đối với quan chức mà đánh bạc thì làm sao nêu gương và răn trị người khác được? Cho nên phải tăng bậc tội, phạt 90 trượng đôi với quan chức phạm tội. Còn như trong khi tiệc tùng có đánh bài để vui chơi thì không bắt tội.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về tội “Đánh bạc” tại Điều 321 Bộ luật Hình sự, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên; sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự cũng quy định độc lập tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc”, theo đó, người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

- Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

- Sử dụng địa điểm thuộc quyền Sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

- Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;

- Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

CẨM NGỌC

Pháp luật triều Nguyễn quy định về chế tài của điều kiện kết hôn

Từ năm 2022, điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày một lần

(LSVN) – Từ 02/01/2022, theo quy định mới, cứ 10 ngày sẽ điều chỉnh giá xăng dầu một lần.

Từ năm 2022, điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày một lần.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, thời gian điều hành giá xăng dầu là vào các ngày mùng 01, 11 và 21 hàng tháng. Như vậy, theo quy định mới, cứ 10 ngày sẽ điều chỉnh giá xăng dầu một lần.

Hiện hành, theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP thì thời gian giữa 02 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.

Nghị định số 95/2021/NĐ-CP cũng nêu rõ, trong trường hợp kỳ điều hành giá xăng dầu rơi vào các thời gian ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ thì:

+ Trường hợp trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định thì thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc kế tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ.

+ Trường hợp trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

Nếu giá các mặt hàng xăng dầu biến động bất thường, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh.

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng trên 10% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc giá biến động ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp điều hành trên cơ sở báo cáo của Bộ Công Thương.

Ngoài thay đổi thời gian điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, nghị định còn thay cách tính giá cơ sở (mức giá để nhà điều hành làm căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ trong nước).

Theo quy định mới, công thức tính giá cơ sở sẽ gồm cả tỷ trọng nguồn sản xuất trong nước (từ các nhà máy hoá dầu) và nguồn nhập khẩu. Như vậy, giá cơ sở sẽ phụ thuộc vào giá và tỷ lệ nguồn sản xuất trong nước, nhập khẩu.

Trong đó, giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định trên cơ sở yếu tố đầu vào gồm: giá thế giới, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, mức trích lập Quỹ bình ổn giá, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận kinh doanh định mức, thuế, phí (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng...) và bổ sung quy định về cách tính thuế thu nhập theo bình quân gia quyền.

Còn giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định trên cơ sở giá xăng dầu thế giới cùng Premium (khoản chênh lệch so với giá thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng), chi phí định mức tối đa đưa về cảng, thuế tiêu thụ đặc biệt cùng các chi phí thuế, phí khác.

Riêng xăng sinh học (E5, E10...) được tính thêm tỷ lệ % theo thể tích xăng không chì, tỷ lệ % theo thể tích của ethanol được nhập khẩu và mua từ nguồn trong nước theo tỷ lệ nhất định.

Nghị định 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 02/01/2022.

PHƯƠNG HOA

Những quy định mới về điều kiện kêu gọi từ thiện của cá nhân

Phó Giám đốc bắt cóc, hiếp dâm bé gái 15 tuổi đối diện với hình phạt nào?

(LSVN) -

Ngày 04/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Lê Anh Tuấn (SN 1981, ngụ tỉnh Quảng Bình), Phó Giám đốc một công ty khoáng sản, vật liệu xây dựng tại Bình Thuận và Trương Đình Vinh (SN 1989, trú tại khu phố 8, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong).

Cả hai bị can này liên quan đến vụ bắt giữ người trái pháp luật và hiếp dâm người dưới 16 tuổi xảy ra vào ngày 31/10, tại huyện Tuy Phong. Trong đó, Tuấn là người chủ mưu, thực hiện hành vi hiếp dâm và Vinh là đồng phạm.

Thông tin ban đầu, T. (sinh năm 2006), nhân viên quán karaoke tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, có đơn tố cáo gửi cơ quan công an về việc mình bị bắt cóc, hiếp dâm.

Theo đơn, lúc 17h ngày 31/10, tại quán karaoke trên có một nhóm người tổ chức ăn nhậu và hát. Khi hát, một người trong nhóm trên đặt vấn đề “đi qua đêm”, nhưng T. không đồng ý. Nhóm này sau đó khống chế, đưa T. lên ôtô đến khách sạn Hưng Thịnh tại khu phố 5, thị trấn Liên Hương. Tại đây, một người trong nhóm đã hiếp dâm bé gái 15 tuổi. Kết quả giám định pháp y xác định nạn nhân có dấu hiệu bị xâm hại.

Vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp với Công an huyện Tuy Phong xác định ngoài Tuấn, Vinh còn có Nguyễn Văn Hùng (41 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An) và Nguyễn Văn Chiến (26 tuổi, ngụ tỉnh Hà Tĩnh) và một người tên Sơn (chưa rõ lai lịch) có hành vi bắt cóc T. đến khách sạn.

Cảnh sát xác định người khống chế, hiếp dâm T. là Lê Anh Tuấn.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng hành vi của nhóm đối tượng này rất manh động, táo tợn, nguy hiểm cho xã hội, liền một lúc xâm phạm tới nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ là tự do thân thể, tự do cư trú, danh dự nhân phẩm và sức khoẻ của công dân mà nghiêm trọng hơn là xâm phạm tới sức khoẻ và nhân phẩm của trẻ em. Bởi vậy nhóm đối tượng này sẽ bị xử lý về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo các quy định của Bộ luật Hình sự.

Theo thông tin, hình ảnh qua trích xuất camera an ninh thể hiện khi nạn nhân vùng vẫy bỏ chạy thì đối tượng tên Vinh đuổi theo kẹp cổ nạn nhân đưa lên xe để chở đến khách sạn để hiếp dâm. Hành vi này trước tiên thoả mãn dấu hiệu của tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự. Với hành vi bắt giữ người trái pháp luật có tổ chức, đối với người dưới 18 tuổi thì đối tượng vi phạm sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm tù.

Theo quy định của pháp luật thì bắt, giữ người trái pháp luật là hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với quy định của pháp luật. Hành vi này thể hiện qua việc lôi kéo, ép buộc khiến nạn nhân phải ở yên một chỗ hoặc di chuyển đến địa điểm khác mà không được tự do đi lại, tự do thân thể, tự do cưu trú. Hành vi này xâm phạm đến quyền được bảo vệ  về thân thể, tự do đi lại, tự do cư trú của công dân. Đây là hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, gây hoang mang, lo lắng cho xã hội

Đối với hành vi hiếp dâm, giao cấu trái ý muốn với nạn nhân, đây là hành vi này xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và sức khoẻ của nạn nhân. Hành vi dùng vũ lực giao cấu trái ý muốn với người dưới 16 tuổi thì đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hiếp dâm” theo Điều 142 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt là phạt tù từ 07 năm tới 15 năm. Nếu làm nạn nhân có thai hoặc gây tổn thương cơ thể cho nạn nhân từ 31% thì mức hình phạt từ 12 đến 20 năm tù.

Luật sư Cường cho rằng hành vi có tính chất côn đồ, xâm phạm đến nhiều khách thể mà luật hình sự bảo vệ, đặc biệt là xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm của trẻ em vì vậy cần phải xử lý nhóm đối trượng với mức hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

HỒNG HẠNH

Khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế

Kê khai bổ sung hồ sơ đảng viên khi kết hôn, sinh con như thế nào?

(LSVN) - Theo quy định hiện hành, đảng viên khi kết hôn, sinh con thì khai bổ sung hồ sơ đảng viên như thế nào?

Ảnh minh họa.

Theo điểm c khoản 8.1 Điều 8 Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2021, việc bổ sung hồ sơ đảng viên hằng năm được quy định rõ định kỳ hằng năm và khi đảng viên chuyển sinh hoạt chính thức, đảng viên phải ghi bổ sung những thay đổi về: Trình độ (lý luận chính trị, học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, vi tính...), đơn vị, chức vụ công tác, nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật, hoàn cảnh gia đình (cha, mẹ, vợ, chồng, các con...) để tổ chức đảng bổ sung vào hồ sơ đảng viên và đóng dấu của cấp ủy vào chỗ đã bổ sung.

Chi ủy, chi bộ hướng dẫn, thu nhận, kiểm tra, xác nhận phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên, viết bổ sung những thay đổi vào danh sách đảng viên của chi bộ và chuyển phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên lên đảng ủy cơ sở (nếu là chi bộ cơ sở thì chi ủy xác nhận vào mục của cấp ủy cơ sở).

Cấp ủy cơ sở ghi bổ sung vào lý lịch đảng viên và danh sách đảng viên của đảng bộ, chuyển phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên lên cấp ủy cấp trên trực tiếp.

Cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng bổ sung vào phiếu đảng viên, lý lịch đảng viên, danh sách đảng viên và cơ sở dữ liệu đảng viên; lưu giữ phiếu bổ sung cùng với hồ sơ đảng viên, nếu cấp ủy cơ sở quản lý hồ sơ đảng viên thì chuyển phiếu cho cấp ủy cơ sở.

Tại Phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên (Mẫu 3- HSĐV) hằng năm đã yêu cầu khai bổ sung những nội dung có thay đổi. Trong đó, phần gia đình đã quy định khai những thay đổi cụ thể về cha, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng); vợ hoặc chồng (họ và tên, kết hôn, ly hôn, từ trần, chức vụ, công việc mới).

Như vậy, với hướng dẫn trên khi đảng viên kết hôn hoặc sinh con thì sẽ tiến hành bổ sung hồ sơ đảng viên.

NHƯ AN

Chức danh nào được phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam?

Từ khoá : LSVN