Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về đồng phạm trong vụ án hình sự

18/08/2022 17:41 | 2 năm trước

(LSVN) - Theo quy định tại khoản 1, Điều 17, Bộ luật Hình sự 2015, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Về mặt khách quan, đồng phạm là phải có từ hai người trở lên tham gia cùng một tội phạm; nếu thiếu yếu tố này thì không có đồng phạm, nếu chỉ có một người phạm tội thì không thể là đồng phạm. Về mặt chủ quan, những người đồng phạm thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Trong quá trình áp dụng quy định của pháp luật về đồng phạm vào thực tiễn, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc.

Ảnh minh họa.

Thứ nhất, định nghĩa pháp lý về vai trò của người thực hành trong đồng phạm, khoản 3, Điều 17, Bộ luật Hình sự quy định: “Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm” là chưa bao quát đầy đủ các dạng hành vi của người thực hành. Bởi cụm từ “trực tiếp thực hiện tội phạm” có thể hiểu được là tự mình thực hiện tội phạm, không qua hành vi của người khác. Tuy nhiên, về lý luận và thực tiễn áp dụng xác định thêm hành vi khác nữa của người thực hành là sử dụng người khác như một công cụ phạm tội mà người bị lợi dụng không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ 1: B. và C. có mâu thuẫn với A., B. và C. có ý định giết A. nên đã đưa khẩu súng cho D. (12 tuổi) nói là súng đồ chơi bảo D. bắn A., sau khi bị D. bắn A. chết. Trong trường hợp này D. không có lỗi đối với cái chết của A. do D. chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, còn B. và C. đã thông qua hành vi của D. để giết chết A., do đó chỉ B. và C. là đồng phạm giết A. với vai trò là người thực hành.

Ví dụ 2: T. và H. có ý định giết K. từ trước, một lần K. bị ốm, T. và H. lấy cớ đến nhà thăm bệnh. Nhân lúc vợ K. xuống bếp, T. và H. đã bỏ thuốc độc vào ly nước cam mà vợ K. chuẩn bị sẵn. Do không biết gì về hành động của T. và H. nên vợ K. đưa cốc nước cam cho K. uống, do thuốc độc nên K. đã chết. Trong trường hợp này vợ K. không có lỗi đối với cái chết của chồng, còn T. và H. đã thông qua hành vi của vợ K. để giết chết K. Do đó, chỉ T. và H. là đồng phạm giết người với vai trò là người thực hành.

Các trường hợp nêu trên, người bị lợi dụng không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc chưa đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, bị người khác lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Từ đó, kiến nghị sửa đổi định nghĩa pháp lý về người thực hành trong đồng phạm theo quy định của Điều 17, Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

“Người thực hành là một người trực tiếp thực hiện tội phạm hoặc trực tiếp tham gia cùng với người khác thực hiện tội phạm hoặc lợi dụng người khác thực hiện tội phạm mà người bị lợi dụng không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”.

Thứ hai, việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong đồng phạm. Theo quy định tại Điều 16, Bộ luật Hình sự 2015, người tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm sẽ được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm.

Tuy nhiên, trong đồng phạm với sự tham gia thực hiện tội phạm của hai người trở lên thì có khi có một người tự ý nửa chừng chấm dứt, tội phạm không kết thúc ngay lập tức mà nó vẫn còn có thể được tiếp tục thực hiện và hậu quả của tội phạm vẫn có khả năng xảy ra trên thực tế.

Do đó, để được miễn trách nhiệm hình sự khi tự ý nửa chừng chấm dứt trong đồng phạm đòi hỏi người phạm tội phải có thêm các hành vi tích cực ngăn chặn tội phạm. Nhưng nếu người đó đã tích cực ngăn chặn nhưng tội phạm vẫn được thực hiện thì cũng nên được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Những nội dung này đến nay vẫn chưa được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự hiện hành.

Bên cạnh đó, theo tinh thần hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vấn đề này tại Nghị quyết 01-HĐTP/NQ ngày 19/4/1989 cũng chưa thật sự toàn diện và còn tồn tại nhiều thiếu sót. Một lý do khác là Nghị quyết số 01-HĐTP/NQ cũng đã được ban hành từ rất lâu trong khi tội phạm được thực hiện thủ đoạn ngày một tinh vi, thủ đoạn hơn. Do đó, để giải quyết triệt để trách nhiệm hình sự trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong đồng phạm thì Bộ luật Hình sự cần thiết phải có quy định cụ thể về nội dung này. 

Vì vậy, đề xuất cần bổ sung quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự với trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong đồng phạm, cụ thể như sau:

Điều…: Trách nhiệm hình sự đối với trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong đồng phạm.

1. Người đồng phạm được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm nếu họ tự nguyện chấm dứt hành vi phạm tội khi tội phạm ở giai đoạn chuẩn bị hoặc phạm tội chưa đạt, tuy không có gì ngăn cản.

2. Người đồng phạm được nêu ở khoản 1 có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người đó có các hành động tích cực ngăn chặn tội phạm. Những hành động tích cực tuy không ngăn chặn được tội phạm nhưng vẫn có thể được xem xét để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

PHẠM XUÂN SƠN

Cán bộ, Tòa án Quân sự Khu vực - Quân khu 1

Hoàn thiện quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự