Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự

08/01/2023 04:37 | 1 năm trước

(LSVN) - Tạm hoãn xuất cảnh (THXC) là một trong các biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015. Đây là chế định mới so với quy định của BLTTHS năm 2003, sau gần 07 năm áp dụng biện pháp này trên thực tế thì quy định này đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ làm rõ về những nội dung cơ bản của biện pháp THXC và kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện.

Ảnh minh họa.

1. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh

Thuật ngữ “tạm hoãn xuất cảnh” lần đầu tiên được đề cập trong văn bản pháp luật là tại Luật Nhập, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014. Theo đó THXC được hiểu là việc người có thẩm quyền của Việt Nam quyết định tạm dừng xuất cảnh có thời hạn đối với người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam [1]. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Nhập, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 thì THXC chỉ là một biện pháp mang tính chất hành chính và đối tượng áp dụng chỉ là người nước ngoài chứ không bao gồm công dân Việt Nam. Trên thực tiễn có một số trường hợp công dân Việt Nam đang bị tố giác, kiến nghị khởi tố nhưng lợi dụng “khe hở” của pháp luật để xuất cảnh ra nước ngoài nhằm trốn tránh sự trừng trị của pháp luật. Để đảm bảo tính thống nhất, tính pháp chế của xã hội chủ nghĩa nên BLTTHS năm 2015 đã bổ sung biện pháp THXC là một trong các biện pháp ngăn chặn trong hoạt động tố tụng hình sự.

Về đối tượng áp dụng, theo quy định tại khoản 1, Điều 124 BLTTHS năm 2015 biện pháp THXC có thể được áp dụng với hai loại nhóm người sau: 

Một là, nhóm những người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Hai là, bị can, bị cáo. Đây là những đối tượng đã bị khởi tố về hình sự nhưng được tại ngoại trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hoặc chờ thi hành án và họ đang có hành vi chuẩn bị xuất cảnh ra nước ngoài nhằm tránh việc xử lý hành vi phạm tội hoặc trốn tránh việc thi hành án. Theo quy định có thể hiểu bị can, bị cáo có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài phạm tội và có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn.

Về thẩm quyền quyết định THXC, theo quy định tại khoản 2, Điều 124 BLTTHS năm 2015 thẩm quyền ra quyết định THXC gồm những người được quy định tại khoản 1, Điều 113 BLTTHS năm 2015 và Thẩm phán chủ toạ phiên toà. Những người tại khoản 1, Điều 113 BLTTHS năm 2015 gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử. Đồng thời pháp luật còn quy định quyết định tạm hoãn xuất cảnh của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.

Về thời hạn áp dụng, theo quy định tại khoản 3, Điều 124 BLTTHS năm 2015 thời hạn THXC không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của BLTTHS. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.

2. Một số điểm hạn chế, bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Trên cơ sở nghiên cứu quy định BLTTHS năm 2015 và thực tiễn áp dụng biện pháp THXC trong thời gian qua cho thấy biện pháp này vẫn còn một số hạn chế, bất cập như sau:

Thứ nhất, quy định đối tượng áp dụng chưa thống nhất. 

Tại Điều 109 BLTTHS năm 2015 quy định đối tượng có thể bị áp dụng các biện pháp chỉ là người bị buộc tội. Đối chiếu với quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 4 BLTTHS năm 2015 xác định người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Còn tại Điều 124 BLTTHS năm 2015 thì đối tượng bị áp dụng biện pháp THXC còn có người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Như vậy, rõ ràng quy định tại Điều 109 và Điều 124 BLTTHS năm 2015 vẫn chưa đảm bảo tính thống nhất, logic, quy định của phần chung nhưng lại chưa bao hàm quy định cụ thể.

Vì vậy, để đảm bảo tính khoa học, thống nhất cần bổ sung cụm từ “người bị tố giác, người kiến nghị khởi tố” vào Điều 109, cụ thể như sau: “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh”.

Thứ hai, chưa quy định cụ thể, rõ ràng biện pháp THXC trong tố tụng hình sự. 

Là một biện pháp ngăn chặn được pháp luật tố tụng hình sự quy định mới nhưng đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào định nghĩa, hướng dẫn thống nhất về nhận thức và thực tiễn áp dụng. Có thể khẳng định thuật ngữ THXC đã xuất hiện từ năm 2014 trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 nhưng đây là một biện pháp hành chính và đối tượng bị áp dụng chỉ là người nước ngoài.

Đối với công dân Việt Nam được quy định tại Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và sử dụng thuật ngữ pháp lý là “chưa được xuất cảnh”. Nhưng THXC trong tố tụng hình sự là một biện pháp ngăn chặn, được pháp luật tố tụng hình sự quy định, việc hiện nay chưa có văn bản pháp lý định nghĩa như thế nào là biện pháp THXC trong tố tụng hình sự đó là một thiếu sót lớn. 

Bên cạnh đó, qua nghiên cứu thực tiễn tại một số địa phương tác giả nhận thấy biện pháp THXC thường được áp dụng với bị can, bị cáo là công dân Việt Nam nhiều hơn so với người nước ngoài. Qua khảo sát trung bình tại 04 tỉnh là Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu biện pháp THXC được áp dụng trong năm 2018 là 305 trường hợp, trung bình năm 2019 là 347 trường hợp [2]. Đối với người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo là công dân Việt Nam thì một số địa phương áp dụng cả biện pháp THXC và biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng lại chưa căn cứ tính chất, mức độ của hành vi phạm tội gây ra. Trường hợp bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng nhưng lại áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú và biện pháp THXC là không thật sự cần thiết. Và ngược lại nếu bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, được tại ngoại thì chỉ áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là chưa đảm bảo.

Từ đó cho thấy rằng, hiện nay biện pháp THXC trong tố tụng hình sự chưa có văn bản pháp lý định nghĩa, chưa có hướng dẫn thống nhất về nhận thức và áp dụng dẫn đến tình trạng một số nơi áp dụng tràn lan, tuỳ tiện và không cần thiết. Do đó, với quy định này kiến nghị cần ban hành văn bản pháp lý hướng dẫn, giải thích cụ thể, rõ ràng nội hàm cũng như các quy định áp dụng của biện pháp THXC.

Thứ ba, Điều 124 BLTTHS năm 2015 chưa quy định thời hạn áp dụng, gia hạn biện pháp THXC.

Tại khoản 3, Điều 124 BLTTHS năm 2015 chỉ quy định thời hạn áp dụng biện pháp THXC không quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của BLTTHS nhưng lại không quy định cụ thể thời hạn áp dụng cũng như gia hạn như thế nào.

Đối với thời hạn điều tra, truy tố, xét xử hiện nay pháp luật tố tụng hình sự đã quy định cơ bản cụ thể nên việc áp dụng trên thực tế dễ dàng và thống nhất. Tuy nhiên thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm lại chưa cụ thể, từ đó dẫn đến nhận thức áp dụng biện pháp THXC chưa rõ ràng. Thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm từ 20 ngày đến tối đa là 04 tháng (có gia hạn), sau khi hết thời hạn nêu trên, Cơ quan điều tra buộc phải ra một trong 03 quyết định sau: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Vấn đề phát sinh đối với trường hợp cơ quan điều tra ra Quyết định định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì biện pháp THXC có tiếp tục còn hiệu lực hay đương nhiên mất hiệu lực. Căn cứ quy định tại Điều 148 BLTTHS năm 2015 trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm do đã trưng cầu giám định, định giá tài sản hoặc tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục mà chưa có kết quả thì được tiếp tục tiến hành cho đến khi có kết quả. Theo quy định nêu trên có hai cách hiểu như sau:

Cách hiểu thứ nhất, biện pháp THXC có thể tiếp tục được kéo dài như các biện pháp khác được quy định tại khoản 3, Điều 148. Theo quy định các hoạt động tố tụng bao gồm trưng cầu giám định, định giá tài sản hoặc tương trợ tư pháp được thực hiện trong giai đoạn kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm nhưng chưa có kết quả thì tiếp tục được thực hiện. Có thể xem đây là trường hợp đặc biệt kéo dài thời hạn kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm. Chính vì vậy, việc áp dụng biện pháp THXC có thể được tiếp tục kéo dài nhằm tránh trường hợp khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm thì người bị tố giác, kiến nghị khởi tố xuất cảnh để bỏ trốn dẫn đến việc sau khi phục hồi thì cơ quan điều tra không thể tiến hành triệu tập làm việc được.

Cách hiểu thứ hai, biện pháp THXC đương nhiên mất hiệu lực khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm. BLTTHS năm 2015 đã quy định thời hạn cụ thể cho các hoạt động tố tụng và hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm cũng vậy, nên buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh chấp hành, không có trường hợp kéo dài thêm. Đồng thời trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng nên không được áp dụng các hoạt động tố tụng khác ngoài các trường hợp được nêu tại khoản 3, Điều 148 BLTTHS năm 2015.

Như vậy, vẫn chưa có sự thống nhất về nhận thức của chủ thể tiến hành tố tụng trong việc áp dụng biện pháp THXC. Bên cạnh đó, biện pháp THXC hiện nay không có quy định việc gia hạn như các biện pháp ngăn chặn khác như biện pháp tạm giữ, tạm giam,… Nên trên thực tế thời hạn áp dụng biện pháp THXC song song với thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử (không tính gia hạn). Trường hợp gia hạn thì sẽ ban hành Quyết định THXC mới chứ không thể gia hạn thời hạn áp dụng như các biện pháp ngăn chặn khác.

Do đó, với quy định này đề xuất cần phải ban hành văn bản quy định cụ thể đối trường hợp gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp THXC cũng như hướng dẫn áp dụng THXC trong trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Nói tóm lại, việc một chế định mới được quy định và đưa vào áp dụng trên thực tiễn thì không thể tránh được những thiếu sót nhất định và biện pháp THXC là một minh chứng điển hình. Để quy định của pháp luật đồng bộ, thống nhất từ quy định chung đến quy định cụ thể cũng như thống nhất từ nhận thức đến áp dụng của chủ thể có thẩm quyền thì yêu cầu, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải thường xuyên, liên tục rà soát, thông qua đó đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật nói chung, của pháp luật tố tụng hình sự nói riêng và đặc biệt là đối với biện pháp THXC là rất cần thiết. Trên đây một số quan điểm của tác giả trao đổi một số vấn đề về biện pháp THXC được quy định trong BLTTHS năm 2015.

[1] Khoản 7, Điều 3, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (Luật số 47/2014/QH13, ngày 16/6/2014).

[2] https://tuoitre.vn/gop-y-bit-lo-hong-ma-bi-can-bi-cao-co-the-loi-dung-tron-ra-nuoc-ngoai-20201003191840837.htm (truy cập ngày 02/12/2022).

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Luật số 101/2015/QH13, ngày 27/11/2015).

2. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (Luật số 47/2014/QH13, ngày 16/6/2014).

4. Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

3. Trang web https://tuoitre.vn/gop-y-bit-lo-hong-ma-bi-can-bi-cao-co-the-loi-dung-tron-ra-nuoc-ngoai-20201003191840837.htm (truy cập ngày 02/12/2022).

LÊ HOÀNG ANH

Trường Đại học Trà Vinh

Công an TP. Hà Nội cảnh báo tội phạm trộm đột nhập nhà dân dịp cuối năm