Tang vật của vụ án.
Thu thập, mua bán thông tin về tài khoản ngân hàng lừa đảo gần 1.000 tỉ đồng
Liên quan đến vụ việc ngày 18/12 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Bình đã phá thành công chuyên án về đường dây thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng. Bước đầu xác định 15 đối tượng có liên quan và tổng số tiền giao dịch trong các tài khoản ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 1.000 tỉ đồng.
Bước đầu xác định Nguyễn Cao Hoàng (sinh năm 1993, trú tại quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã thuê Hoàng Trung Thương (sinh năm 1995, trú tại phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới) kêu gọi người khác mở các tài khoản ngân hàng từ năm 2019 đến nay. Mỗi số tài khoản Thương nhận được từ Hoàng 400.000 đồng.
Sau khi nhận được thông tin cá nhân của người đăng ký mở tài khoản thì Thương và Hoàng tự tạo ví Momo, ZaloPay để hưởng các gói quà ưu đãi (sử dụng để thanh toán tiền điện, nước, internet…) trị giá 700.000 đồng/tài khoản. Sau khi hưởng lợi, Hoàng bán tài khoản Momo cho các đối tượng hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản với giá 50.000 đồng/tài khoản.
Đối với tài khoản mua từ Nguyễn Tiến Đức (sinh năm 2000, trú tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Hà Đăng Tiến (sinh năm 2002, trú tại xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) thì Hoàng tổng hợp thông tin gửi cho Nguyễn Công Nam (sinh năm1995, trú tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) tạo CMND giả để liên kết ngân hàng, định danh ví Momo.
Sau đó, các đối tượng bán tài khoản cho các đối tượng hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản để thu lợi với giá 250.000 – 350.000 đồng/tài khoản. Tổng số tiền giao dịch trong các tài khoản ngân hàng được các đối tượng thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép nhằm mục đích đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 1.000 tỉ đồng.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, đây là hoạt động tội phạm với phương thức và thủ đoạn mới trong bối cảnh hoạt động tội phạm công nghệ cao đang gia tăng và phát triển nhanh chóng trên không gian mạng.
Hiện nay, có rất nhiều hình thức thu nhập bất chính, chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao, trong đó phổ biến nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hoạt động đánh bạc trái phép trên mạng internet. Để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì các đối tượng cần rất nhiều tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội để làm công cụ, phương tiện cho hoạt động lừa đảo, ẩn danh người khác để thực hiện giao dịch cũng như để nhận tiền. Hoạt động lừa đảo phát triển mạnh trên không gian mạng những năm gần đây đã làm phát sinh một nhu cầu trung gian là tìm kiếm các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội của cá nhân để bán cho các nhóm đối tượng lừa đảo này. Đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh loại tội phạm mới này.
Ngoài ra, hoạt động tổ chức đánh bạc trái phép trên mạng internet là hoạt động bất hợp pháp nhưng có thể có khoản thu lợi bất chính nhanh hơn bất cứ hoạt động phi pháp nào, kể cả là buôn bán trái phép chất ma túy. Bởi vậy các đối tượng vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, liên tục tổ chức các đường dây đánh bạc trái phép qua mạng internet với số tiền thu lợi bất chính hàng ngàn tỉ đồng. Để thực hiện các hoạt động tổ chức đánh bạc qua mạng internet thì các đối tượng cũng cần nhiều Tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, các phương tiện trung gian thanh toán. Đây là cơ hội, thời cơ cho các đối tượng mua bán tài khoản, mua bán thông tin cá nhân để tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng tổ chức đánh bạc trái phép.
Bởi vậy, trong quá trình điều tra, trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy các đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của các nạn nhân hoặc thu thập trái phép thông tin cá nhân để bán cho các đối tượng lừa đảo thì các đối tượng này cũng sẽ được xác định là đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự với vai trò giúp sức.
Ngoài ra, trường hợp các đối tượng thu thập trái phép thông tin tài khoản, thông tin cá nhân của người khác để bán cho các đối tượng tổ chức đánh bạc trái phép thì hành vi này cũng được xác định là đồng phạm giúp sức, sẽ cùng bị xử lý về tội “Tổ chức đánh bạc trái phép” với vai trò đồng phạm theo Điều 322 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Luật sư Cường phân tích rõ, khoản 22 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng”. Do đó, “tài khoản ngân hàng” là một dạng tài sản của ngân hàng cung cấp cho khách hàng để thực hiện các giao dịch tiền tệ như: chuyển tiền, nhận tiền, rút tiền, gửi tiết kiệm, thanh toán,…
Hành vi mua bán những thông tin về tài khoản ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất mức độ, tuỳ thuộc vào hậu quả xảy ra mà người mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể với hành vi được xác định là chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.
Điều 291. Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng 1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản; b) Có tổ chức; c) Có tính chất chuyên nghiệp; d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên; b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Với hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng với số lượng tài khoản từ 200 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng trong vụ án này sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại khoản 3, Điều 291 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đây là hoạt động tội phạm mới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh an toàn mạng. Bởi vậy việc cơ quan điều tra phát hiện, triệt phá các đường dây tội phạm như thế này là rất cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn mạng, đồng thời làm cơ sở để phát hiện ra các đường dây tổ chức đánh bạc trái phép, các đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản để xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua sự việc này thì cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân biết được về việc bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ tài khoản ngân hàng để tránh trường hợp trở thành những bị hại trong những vụ việc lừa đảo, hoặc vô tình tiếp tay cho các hoạt động tội phạm. Trường hợp các cá nhân biết rõ việc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của mình hoặc cung cấp thông tin nhân thân của mình cho các nhóm đối tượng lừa đảo mà vẫn thực hiện hành vi thì còn có thể bị xử lý hình sự về tội danh đó với vai trò giúp sức. Việc làm lộ lọt, bán thông tin cá nhân của mình không những có thể biến mình trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo mà còn có thể trở thành tội phạm khi tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng lừa đảo.
Ngoài ra, Luật sư cũng kiến nghị cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm sát hoạt động mở tài khoản của ngân hàng, các tổ chức tín dụng và hoạt động trung gian thanh toán. Trong trường hợp phát hiện ra việc mở tài khoản ngân hàng trái phép, có dấu hiệu mua bán thông tin tài khoản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải gánh trách nhiệm đối với các tổ chức tín dụng, cần phải có cơ chế kiểm tra giám sát và quy trách nhiệm đối với tổ chức cá nhân có liên quan đến hành vi giúp sức cho các đối tượng mở tài khoản ngân hàng trái phép hoặc mua bán, chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng. Cần phải thực hiện đồng thời phải đầy đủ các giải pháp từ cơ chế chính sách, pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao trách nhiệm ý thức của các tổ chức, cá nhân có liên quan thì mới quản lý tốt được vấn đề này, thực hiện tốt giải pháp phòng ngừa, hạn chế các hoạt động tội phạm công nghệ cao có thể xảy ra.
DUY ANH
Trách nhiệm Bộ KH&CN trong việc công bố thông tin không chính xác về kit test Covid-19