/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Năm Rắn – Mạn bàn về hình tượng Rắn

Năm Rắn – Mạn bàn về hình tượng Rắn

30/01/2025 07:51 |25 ngày trước

(LSVN) - Hình tượng rắn trong tâm thức người Việt chứa đựng ý nghĩa phong phú và đa chiều, phản ánh sự giao thoa giữa tín ngưỡng bản địa, tôn giáo và văn hoá dân gian.

Là biểu tượng của sức mạnh và sự huyền bí, rắn xuất hiện trong các truyền thuyết như vị thần bảo hộ, mang lại nước và mùa màng bội thu, gắn bó chặt chẽ với đời sống nông nghiệp. Trong Phật giáo, hình ảnh rắn được thần Naga che chở Đức Phật thể hiện sự bảo vệ và giác ngộ, được đưa vào kiến trúc chùa chiền qua các hoa văn trang trí rồng rắn. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, rắn đại diện cho Thoải phủ (miền nước) đảm bảo sự cân bằng giữa các yếu tố tự nhiên. Tuy nhiên, rắn cũng gắn liền với sự nguy hiểm, là biểu tượng của hiểm hoạ trong các câu chuyện dân gian, cổ tích và điềm báo tâm linh trong những giấc mơ mang ý nghĩa điềm lành hoặc dữ. Bên cạnh đó, hình tượng rắn còn xuất hiện phong phú trong nghệ thuật ngôn từ như “rắn mất đầu” để nhắc về sự quan trọng của nhà lãnh đạo. Các góc nhìn trên đưa ra đôi điều tản mạn khắc hoạ rắn như một biểu tượng phức tạp nhưng giàu giá trị, góp phần thể hiện thế giới quan hài hoà giữa thiên nhiên và siêu nhiên, giữa thiện và ác trong tâm thức con người Việt Nam. 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ biểu tượng của Phật giáo

Hình tượng rắn trong Phật giáo mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, thể hiện cả việc bảo vệ linh thiêng và những bài học triết lý quan trọng về con đường tu tập và giác ngộ. Trong Phật giáo có hình tượng Naga – sinh vật thần thoại có nguồn gốc từ Ấn độ giáo, được du nhập vào Phật giáo và trở thành một trong những vị thần hộ pháp quan trọng. Naga là biểu tưởng nổi bật đại diện cho quyền lực, sự bảo vệ và lòng trung thành thường được miêu tả là rắn thần có nhiều đầu, sống dưới nước, sở hữu sức mạnh thiên nhiên và trí tuệ phi thường. Theo truyền thuyết, rắn Naga từng bảo vệ Đức Phật Thích ca trong nhiều hoàn cảnh, khi Đức Phật ngồi thiền dưới cội bồ đề, Naga Mucalinda đã hoá thân thành một con rắn khổng lồ, dùng thân quấn quanh ngài và mở rộng chiếc mào để che mưa. Naga cũng từng giữ gìn những kinh điển Phật giáo khi chưa được loài người khám phá, đó là những hành động biểu trưng cho lòng trung thành và vai trò bảo hộ của các thế lực siêu nhiên trong hành trình giác ngộ.

Rắn trong Phật giáo còn tượng trưng cho sự biến đổi và tiến hoá, phản ánh con đường tu tập từ phàm tục đến giác ngộ, đặc tính lột xác của rắn được hiểu như biểu tượng của sự đổi mới và tái sinh trong tâm thức, giống như việc buông bỏ vô minh để đạt được trí tuệ. Sự uốn lượn mềm mại của rắn còn biểu thị cho sự uyển chuyển, linh hoạt trong tư duy, một phẩm chất cần thiết để vượt qua chấp ngã và hướng tới chân lý.

Trong một số kinh điển Phật giáo, rắn cũng được dùng để biểu tượng hoá xung đột giữa các khía cạnh thiện và ác trong con người, ví như rắn độc thường tượng trưng cho lòng tham, sân hận và si mê là ba độc hại dẫn đến khổ đau. Tuy nhiên Phật giáo nhấn mạnh khả năng chuyển hoá các độc tố này, một khi được tu tập và chế ngự thì “nọc độc” của rắn có thể trở thành “thuốc chữa” giống như cách tu sĩ chế ngự lòng tham để biến thành lòng từ bi.

Có thể nói trong Phật giáo rắn là biểu tượng giàu ý nghĩa, vừa đại diện cho sự bảo vệ, trí tuệ và tái sinh, vừa nhấn mạnh bài học về chuyển hoá nội tâm và vượt qua những điều tiêu cực. Sự hiện diện của rắn trong kinh điển, nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo không chỉ mang giá trị tôn giáo mà còn gợi lên triết lý nhân sinh sâu sắc, thể hiện khát vọng hoà hợp và sự giác ngộ của con người.

Đến hình tượng trong văn hoá dân gian

Rắn trong tín ngưỡng dân gian

Trong tín ngưỡng dân gian, hình tượng rắn có một vị trí đặc biệt, gắn liền với thế giới quan, niềm tin và đời sống tâm linh từ bao đời nay, rắn được tôn sùng như một vị thần linh thiêng, biểu tượng của sự phồn thực, tái sinh và sức mạnh siêu nhiên.  

Rắn trong tín ngưỡng thờ Mẫu và các thần linh bản địa thì hình tượng rắn thường đại diện cho yếu tố nước (miền Thoải phủ) với ước vọng cầu mong sông nước hiền hoà mùa màng tươi tốt, bội thu. Đây cũng là biểu tượng cho sự tái sinh và luân hồi bởi đặc tính lột xác của loài này được xem là hiện thân của sự đổi mới, một chu kỳ không ngừng của sự sống, trở thành biểu trưng cho vòng tuần hoàn bất tận của tạo hóa, khơi gợi niềm tin vào sự trường tồn và khả năng hồi sinh mãnh liệt. Đây là lý do tại sao nhiều nơi, người dân tin rằng rắn có mối liên hệ mật thiết với con người và thế giới bên kia.

Tục thờ rắn phổ biến nhất của người Việt là ở đồng bằng Bắc bộ. Có thể tìm thấy các đền thờ thần rắn dọc theo sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống… và qua các di tích, lễ hội như: Thần tích và hội làng Linh Đàm thờ vị thủy thần Bảo Ninh. Đây vốn là thần Rồng, hóa thành người học trò để học đạo. Trong lúc trời hạn hán, thiên đình ngưng việc làm mưa, vâng lời thầy, thần đã làm mưa chống hạn và bị thiên đình phạt, nhân dân nhớ ơn nên phụng thờ. Một lễ hội khác có liên quan đến tín ngưỡng thờ rắn là Hội làng Thủ Lệ. Theo thần tích và truyền thuyết nơi đây thì Linh Lang Đại Vương vốn là một rắn thần. Sau khi lập công giúp nước, ngài hoá thành giao long trườn xuống Hồ Tây. Hay Hội làng Nhật Tân (thờ Uy Linh Đại Vương, vốn là anh cả của bảy anh em rắn thần, sau đó đầu thai làm hoàng tử Uy Đô Linh Lang) cũng thể hiện những dấu vết của tín ngưỡng thờ rắn. Ngoài ra, có thể kể đến một số lễ hội khác như Hội làng Yên Nội ở Từ Liêm, Hà Nội thờ Thổ Lệnh Bạch Hạc Tam Giang; Hội làng và truyền thuyết Thánh Tam Giang ở Bắc Ninh…

Tục thờ rắn với tư cách là thủy thần không chỉ phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ mà còn có ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ. Những cư dân đầu tiên vào khai phá vùng đất Nam bộ phải đối đầu với rất nhiều khó khăn. Nhân dân ở đây vẫn còn lưu truyền câu ca dao : muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh, cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy. Cùng với những con vật như hổ, cá sấu….thì rắn cũng là đối tượng mà con người phải dè chừng, đối phó và chinh phục. Có lẽ vì thế mà ở đồng bằng sông Cửu Long ngày nay vẫn lưu truyền nhiều giai thoại về rắn. Người ta sợ rắn, muốn cầu thân với rắn và thờ rắn. Tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, Bến Tre có một ngôi đình gọi là Đình Rắn, tại đây vẫn lưu truyền về đôi rắn thần khổng lồ, hiền lành. Người dân Rạch Giá, Kiên Giang vẫn kể về đôi rắn thần ở đền Vĩnh Hòa bằng một niềm tin và thái độ tôn kính. Họ cho rằng, đôi rắn thần này từ biển vào, nó không những không làm hại ai mà còn giúp nhân dân khi hoạn nạn. Trong tâm thức của người dân Rạch Giá, khi đôi rắn thần xuất hiện cũng là lúc Ngài báo cho bà con trúng mùa. Hay trong truyền thuyết về Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười cũng nói đến đạo binh rắn giúp vị anh hùng đánh giặc Pháp…Tất nhiên, do xuất hiện trong một điều kiện địa hình tự nhiên khác và lịch sử muộn hơn nên hình tượng rắn ở đây không còn bộ mặt oai vệ, quyền năng của một vị thần nước như ở đồng bắc Bắc bộ. Tính chất thiêng vẫn còn song tính chất thủy thần, thủy quái đã nhạt đi rất nhiều…

Rắn là biểu tượng của sức mạnh và sự huyền bí: trong tín ngưỡng dân gian, rắn thường được xem là loài vật linh thiêng, có khả năng kết nối giữa thế giới con người và thế giới siêu nhiên. Ở nhiều vùng, người dân thờ thần rắn, coi rắn là biểu tượng của sự bảo vệ và quyền năng bởi có quan điểm cho rằng rắn được cho rằng mang đến sự bình yên, bảo hộ cho làng xóm và mùa màng, hoặc có quan điểm cho rằng rắn là hoá thân của các vị thần linh hoặc tổ tiên, được thờ cúng để cầu mong sự an lành và phồn thịnh. Vì vậy các miếu thờ thần rắn hoặc những câu chuyện về thần rắn bảo vệ làng rất phổ biến.

Rắn trong văn học nghệ thuật

Rắn không chỉ hiện diện trong thế giới tâm linh mà còn len lỏi vào văn học nghệ thuật, mang theo muôn vàn sắc thái ý nghĩa. Khi thì là hiện thân của cái ác, sự cám dỗ, xảo quyệt như con rắn trong Kinh Thánh, lúc lại hóa thân thành biểu tượng của trí tuệ, quyền lực và sự khôn ngoan như hình tượng rắn Naga trong Phật giáo. Rắn uốn lượn trong những áng văn chương bất hủ, ẩn mình trong các tác phẩm hội họa, điêu khắc dân gian, khơi gợi những tầng ý nghĩa sâu xa, phản ánh những quan niệm đa dạng về thế giới và con người. Rắn xuất hiện trong nhiều truyền thuyết, thần thoại Việt Nam, thường gắn với các vị thần, nhân vật anh hùng, như truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ kể rằng Lạc Long Quân là con trai của thần Long Nữ, mang hình dạng nửa người nửa rắn. Hay trong truyện Thạch Sanh, nhân vật chính đã chiến đấu với trăn tinh để cứu công chúa và bảo vệ đất nước. Những câu chuyện này góp phần xây dựng hình ảnh rắn vừa linh thiêng, vừa gần gũi trong tâm thức người Việt.

Ý nghĩa của năm Rắn trong quan niệm người Việt

Năm Rắn, một mảnh ghép độc đáo trong vòng tuần hoàn 12 con giáp, mang đến những gam màu văn hóa đặc sắc và khơi gợi những suy tư thú vị về thời gian và vận mệnh. Theo quan niệm phương Đông, mỗi con giáp đều gắn liền với những đặc điểm tính cách và vận số riêng. Người tuổi Tỵ, sinh ra trong năm con rắn, thường được miêu tả là những người thông minh, khéo léo, có tài ăn nói, nhưng cũng ẩn chứa nét bí ẩn, khó lường. Như lời cổ nhân từng nói: "Rắn bò quanh núi, khó đoán được hướng", người tuổi Tỵ với bản tính linh hoạt, uyển chuyển, luôn ẩn chứa những điều bất ngờ. Năm Rắn cũng là thời điểm đánh dấu sự thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ. Giống như loài rắn lột da để trưởng thành, năm Tỵ mang đến cơ hội để con người rũ bỏ những điều cũ kỹ, hướng tới sự phát triển và hoàn thiện bản thân. Đây là lúc để nhìn lại những gì đã qua, rút ra bài học kinh nghiệm và vạch ra những mục tiêu mới cho tương lai. Hơn nữa, năm Rắn còn là dịp để cộng đồng cùng nhau tham gia vào các sự kiện văn hóa, lễ hội đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc. Từ những nghi lễ truyền thống cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đến những hoạt động nghệ thuật sôi nổi, tất cả đều góp phần tạo nên không khí náo nhiệt, tươi vui, chào đón một năm mới an khang, thịnh vượng. Có thể nói, năm Rắn mang ý nghĩa biểu tượng đặc biệt, thể hiện sự kết nối giữa thiên nhiên, con người và văn hoá truyền thống.

Năm của sự may mắn và tài lộc, trong văn hoá của các vùng miền khác nhau, rắn được coi là biểu tượng của sự phồn thực, tái sinh và gắn liền với các vị thần bảo hộ mùa màng. Ở Việt Nam, có nhiều nơi thờ cúng thần rắn với mong muốn cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Người dân ở Nam Bộ thờ thần rắn hổ mây, tin rằng thần sẽ bảo vệ mùa màng, che chở cho con người. "Thần rắn hổ mây được thờ cúng ở nhiều nơi, nhất là ở vùng đồng bằng Nam Bộ, với niềm tin rằng thần sẽ bảo vệ mùa màng, che chở cho con người" (2). Người xưa tin rằng, nếu rắn bò vào nhà là điềm báo gia đinh sắp có tin vui, tài lộc (3).

Năm của sự khôn ngoan và bản lĩnh, Rắn là loài vật mềm dẻo, uyển chuyển, mang trong mình vẻ đẹp bí ẩn và sức mạnh tiềm tàng, từ lâu đã được coi là biểu tượng của trí tuệ và sự khôn ngoan. Khả năng thích nghi tuyệt vời của rắn, từ những cánh rừng rậm rạp đến những sa mạc khô cằn, cho thấy sự linh hoạt, khôn khéo trong cách tồn tại và phát triển. Rắn biết cách ẩn mình, quan sát và chờ đợi thời cơ, tượng trưng cho sự nhạy bén, tính toán kỹ lưỡng trước mỗi quyết định. Người tuổi Tỵ, sinh năm Rắn, thường được gắn với những phẩm chất như thông minh, sắc sảo, có tầm nhìn xa trông rộng. Năm Rắn khuyến khích con người không ngừng học hỏi, trau dồi tri thức, mở mang hiểu biết để thích ứng với những thay đổi của cuộc sống và đạt được thành công.

Không chỉ là biểu tượng của trí tuệ, rắn còn là hiện thân của bản lĩnh kiên cường, vượt lên mọi nghịch cảnh. Hình ảnh rắn lột da, thay đổi lớp áo cũ kỹ để tiếp tục hành trình sống, là minh chứng cho sức mạnh nội tại, khả năng vượt qua khó khăn, thử thách để trưởng thành. Năm Rắn mang đến cho con người động lực để đối mặt với những biến cố trong cuộc sống, rèn luyện sự tự tin, quyết đoán và kiên trì theo đuổi mục tiêu. Nó nhắc nhở chúng ta rằng, giống như loài rắn, con người cần phải không ngừng nỗ lực, vượt qua giới hạn của bản thân để chinh phục những đỉnh cao mới bởi "Rắn là con vật tinh khôn, biết ẩn mình, biết chờ đợi thời cơ" (3). Năm Rắn nhắc nhở con người cần phải trau dồi trí tuệ, rèn luyện sự nhạy bén, bản lĩnh để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Năm của sự thay đổi và tái sinh, Năm Rắn với hình ảnh loài rắn lột da để trưởng thành, mang đến thông điệp mạnh mẽ về sự thay đổi và phát triển. Giống như con rắn từ bỏ lớp da cũ kỹ để khoác lên mình tấm áo mới, con người cũng cần dám thay đổi, dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Năm Rắn là thời điểm để nhìn nhận lại những gì đã qua, nhận ra những thiếu sót, khuyết điểm và tìm cách khắc phục. Đây cũng là lúc để vạch ra những mục tiêu mới, những hướng đi mới cho tương lai. Đôi khi, sự thay đổi có thể mang đến những lo lắng, bất an, nhưng nó cũng chính là cơ hội để chúng ta phát triển, hoàn thiện bản thân và vươn tới những điều tốt đẹp hơn "Rắn lột da tượng trưng cho sự tuần hoàn của vũ trụ, sự sống và cái chết luân phiên" (7). Năm Rắn vì thế mang đến cho con người niềm tin vào sự đổi mới, khả năng vượt qua nghịch cảnh, vươn tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Năm của sự gắn kết cộng đồng, Năm Rắn là dịp để người Việt sum vầy, cùng nhau tham gia các lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống "Vào năm Rắn, nhiều lễ hội rước rắn, thờ rắn được tổ chức ở các làng quê, thu hút đông đảo người dân tham gia" (4). Những hoạt động này góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, cùng nhau hướng đến một năm mới an lành, hạnh phúc.

Hình tượng rắn, với vẻ đẹp huyền bí và sức mạnh tiềm ẩn, đã len lỏi vào đời sống văn hóa tinh thần của người Việt từ thuở xa xưa, để lại những dấu ấn đậm nét và đa dạng. Rắn vừa là biểu tượng linh thiêng trong tín ngưỡng dân gian, vừa mang nhiều ý nghĩa biểu trưng phong phú trong văn học, nghệ thuật và đời sống thường nhật. Trong tín ngưỡng, rắn được tôn sùng như một vị thần linh, gắn liền với sự phồn thực, tái sinh và sức mạnh siêu nhiên. Hình ảnh rắn lột da, vòng tuần hoàn 12 con giáp với năm Tỵ, đều khơi gợi những liên tưởng về sự thay đổi, cơ hội để con người "lột xác", hướng đến sự phát triển và hoàn thiện bản thân. Rắn cũng là biểu tượng của trí tuệ, sự khôn ngoan, nhắc nhở con người trau dồi kiến thức, rèn luyện bản lĩnh để vượt qua những thử thách trong cuộc sống.

Tuy nhiên, hình tượng rắn cũng mang những ý nghĩa đối lập. Bên cạnh sự linh thiêng, rắn cũng được gắn với sự nguy hiểm, xảo quyệt, thể hiện qua những câu chuyện dân gian, thành ngữ, tục ngữ. Sự đối lập này phản ánh cái nhìn đa chiều, phong phú của người Việt về thế giới tự nhiên. Năm Rắn, trong quan niệm của người Việt, là năm của sự may mắn, tài lộc, cơ hội để con người thay đổi và vươn lên. Đây cũng là dịp để cộng đồng sum vầy, tham gia các hoạt động văn hóa, gắn kết tình cảm và cùng nhau hướng đến một năm mới an lành, hạnh phúc. Tóm lại, hình tượng con rắn với những ý nghĩa biểu tượng đa dạng đã góp phần làm nên bức tranh văn hóa đặc sắc của người Việt. Nó không chỉ phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa con người và thiên nhiên mà còn thể hiện những quan niệm sâu sắc về cuộc sống, về con người và những khát vọng vươn tới sự hoàn thiện.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Lâm Biền (2018), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Hồng Đức.

2. Vũ Ngọc Khánh (2001), Tín ngưỡng dân gian Việt Nam, NXB Văn hoá dân tộc,.

GS.TS Cao Ngọc Lân, NCS Cao Vũ Minh (2013), Tìm hiểu Văn hóa tâm linh người Việt, Nxb Lao động.

3. Vũ Văn Lân (2015), Văn hoá dân gian về 12 con giáp, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, NXB Khoa học xã hội.

4. Thạch Phương, Lê Trung Vũ (1995), 60 Lễ hội truyền thống Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.

5. Bùi Thiết (1993), Từ điển Hội Lễ Việt Nam, Nxb Văn hoá.

6. Trần Quốc Vượng (2018), Theo dòng lịch sử, Nxb Hồng Đức

7. Trần Quốc Vượng (2010), Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

TS LÝ THỊ NGỌC DUNG
Giảng viên Khoa Di sản văn hoá, Trường Đại học Văn

Các tin khác