Căn cứ pháp lý
Điều 297 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS) quy định về hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm. Theo đó, Tòa án phải hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp sau (theo hình thức liệt kê):
- Phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa (khoản 2 Điều 52 BLTTHS);
- Phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa (khoản 2 Điều 53 BLTTHS);
- Không có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán dự khuyết để thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều 288 BLTTHS thì phải hoãn phiên tòa (khoản 3 Điều 288 BLTTHS);
- Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có kiểm sát viên dự khuyết thay thế (khoản 2 Điều 289 BLTTHS);
- Bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan (khoản 1 Điều 290 BLTTHS);
- Người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa (Điều 291 BLTTHS);
- Bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy từng trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử (khoản 1 Điều 293 BLTTHS);
- Người giám định, người định giá tài sản vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử (khoản 2 Điều 294 BLTTHS);
- Người phiên dịch, người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa (khoản 2 Điều 295 BLTTHS);
- Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa. Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại. Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.
Thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa thuộc về Hội đồng xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký quyết định hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, BLTTHS còn quy định trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa.
Một số bất cập trong việc áp dụng quy định của pháp luật về hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm
Thứ nhất, có những trường hợp Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa phù hợp tình hình thực tế, song pháp luật chưa có quy định. Pháp luật quy định thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa thuộc về Hội đồng xét xử, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký quyết định và Chánh án Tòa án trường hợp Thẩm phán chủ tọa vắng mặt hoặc bị thay đổi. Như vậy, thời điểm ban hành quyết định hoãn phiên tòa diễn ra tại phiên tòa (sau khi mở phiên tòa), không có điều luật nào quy định Tòa án hoãn phiên tòa trước khi mở phiên tòa. Sau khi mở phiên tòa Hội đồng xét xử xem xét lý do (có thuộc các căn cứ hoãn phiên tòa hay không), hỏi những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa và xét thấy không thể tiếp tục xét xử nữa nên ra quyết định hoãn phiên tòa (phù hợp quy định xét xử tập thể, mọi vấn đề phát sinh do Hội đồng xét xử thảo luận, quyết định).
Trường hợp thứ nhất: Thẩm quyền ra quyết định do tập thể Hội đồng xét xử (phải mở phiên tòa, Hội đồng tiến hành nghị án trước khi ra quyết định hoãn), Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa đại diện cho Hội đồng xét xử ký quyết định.
Trường hợp thứ hai: Thẩm quyền do Chánh án Tòa án ra quyết định khi Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa bị thay đổi hoặc vắng mặt. Bắt buộc mở phiên tòa, một trong hai Hội thẩm sẽ điều hành phiên tòa, nghị án đề xuất Chánh án ra quyết định hoãn phiên tòa.
Trong thực tiễn áp dụng pháp luật, trường hợp sau khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, ấn định ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa thì phát sinh căn cứ hoãn phiên tòa như trường hợp Chánh án ra quyết định hoãn phiên tòa nhưng không dựa vào một trong các căn cứ do luật định hoặc rơi vào trường hợp Chủ tọa phiên tòa vắng mặt; bị thay đổi, nhưng được đánh giá là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn (do thiên tai bão lụt, dịch bệnh bùng phát; theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền về phòng chống dịch, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh,…).
Ngược lại, trường hợp tương tự nếu Chánh án không ra quyết định hoãn phiên tòa mà vẫn tiến hành xét xử thì bị coi là ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể có liên quan hoặc vi phạm quy định pháp luật.
Ví dụ: Trong vụ án Phan Anh T. và đồng phạm, Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, ấn định ngày xét xử là 27/10/2024 tại thành phố ĐN. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bão số 3 sức gió cấp 12 đổ bộ thành phố ĐN gây thiệt hại nặng nên Tòa án không thể tổ chức xét xử được. Trường hợp này, thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa thuộc về Chánh án hay Hội đồng xét xử?
Ý kiến thứ nhất cho rằng, thiên tai bão đổ bộ vào đất liền theo quy định hiện hành thì không thuộc trường hợp căn cứ để hoãn phiên tòa (khoản 1 Điều 297 BLTTHS). Do vậy, thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa thuộc về Hội đồng xét xử, Thẩm phán - Chủ tọa phiên thay mặt ký quyết định hoãn phiên tòa. Theo quy định thì đến ngày xét xử Tòa án phải mở phiên tòa, Hội đồng xét xử tiến hành nghị án ra quyết định hoãn, nhưng do thiệt hại bão số 3 gây ra nên Tòa án không thể tổ chức xét xử được (điều kiện khách quan), cho nên Tòa án sẽ hoàn thiện các thủ tục hồ sơ và thông báo cho các đương sự biết.
Ý kiến thứ hai cũng là ý kiến của tác giả, trong trường hợp này, thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa thuộc về Chánh án Tòa án. Bởi vì, quyền hạn Chánh án là trực tiếp tổ chức việc xét xử vụ án hình sự (điểm a khoản 1 Điều 44 BLTTHS). Về nguyên tắc, việc hoãn phiên tòa (Điều 297 BLTTHS) phải được Hội đồng xét xử thảo luận, quyết định tại phòng nghị án, bắt buộc phải mở phiên tòa. Tuy nhiên, nếu tổ chức mở phiên tòa thì sẽ không tổ chức được, gây lãng phí tốn kém, ảnh hưởng không tốt dư luận xã hội… Khi đó, Chánh án ra quyết định hoãn phiên tòa và ghi rõ lý do trong quyết định (xét thấy Tòa án không thể tổ chức phiên tòa do địa điểm xét xử nằm trong bị ảnh hưởng của bão số 3).
Thực tế trong xét xử có thể gặp tình huống dịch bệnh bùng phát (như đại dịch Covid-19, cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội) hoặc trường hợp trước ngày xét xử Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa bị ốm, bị tai nạn không thể tham gia phiên tòa được…
Thứ hai, vụ án có quyết định đưa ra xét xử và ấn định ngày xét xử, trong thời gian chuẩn bị mở phiên tòa, bị cáo hoặc người tham gia tố tụng thông báo trước là sẽ không đến tham dự phiên tòa và có đơn yêu cầu đến Tòa án xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe hoặc sự kiện bất khả kháng mà ngày mở phiên tòa chắc chắn sẽ không tham gia được.
Theo quy định pháp luật hiện hành thì việc vắng mặt của bị cáo, bị hại, người đại diện, người bào chữa… là căn cứ để hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa không thể ra quyết định hoãn phiên tòa ngay được vì pháp luật không quy định. Trong trường hợp này, mặc dù biết trước phiên tòa sẽ phải hoãn nhưng Hội đồng xét xử vẫn phải đợi đến ngày mở phiên tòa, tiến hành nghị án mới được ra quyết định. Điều này gây lãng phí chi phí thời gian, chi phí tố tụng, khó khăn đối với những người tham gia phiên tòa ở xa, điều kiện đi lại khó khăn…
Ví dụ: H. có hành vi cố ý gây thương tích, Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, ngày xét xử là 20/10/2024. Ngày 18/10/2024, bị hại M. mổ ruột thừa phải nhập viện nên không thể tham gia phiên tòa, ngày 19/10/2021, bị hại (M. thuộc trường hợp phải có mặt tại phiên tòa, không thể vắng được) có đơn xin hoãn phiên tòa gửi đến Tòa án. Trong trường hợp này còn có những ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, mặc dù bị hại M. hoặc người tham gia tố tụng khác có đơn xin hoãn phiên tòa, nhưng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, việc ra quyết định hoãn phiên tòa phải được Hội đồng xét xử thảo luận, thông qua tại phòng nghị án. Do vậy, Tòa án vẫn phải mở phiên tòa, sau đó ra quyết định hoãn theo đúng quy định tại Điều 297 BLTTHS.
Ý kiến thứ hai cũng là ý kiến của tác giả, trong trường hợp này, sau khi nhận đơn xin hoãn phiên tòa của bị hại M hoặc người tham gia tố tụng khác, về nguyên tắc phải xác minh yêu cầu của bị hại (hoặc đương sự) có lý do chính đáng, đúng quy định hay không. Theo tác giả, Tòa án cần xác minh yêu cầu, thông tin chính xác đúng quy định pháp luật, kèm theo chứng cứ chứng minh là đến ngày mở phiên tòa, bị hại (hoặc đương sự yêu cầu) không thể tham gia được thì Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa đề nghị Chánh án ra quyết định hoãn phiên tòa và thông báo cho hoặc đương sự biết. Như vậy sẽ tránh được việc mở phiên tòa mà biết rằng chắc chắn bị hoãn, giảm chi phí tố tụng, đi lại của các đương sự. Nếu quá trình xác minh thông tin yêu cầu của bị hại (hoặc đương sự) không có căn cứ để Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa trả lời cho bị hại hoặc đương sự biết theo Điều 279 BLTTHS thì phiên tòa vẫn được mở theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, trường hợp vụ án do Chánh án Tòa án quân sự khu vực là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết, ra quyết định xét xử, ấn định ngày xét xử, nhưng vì lý do nào đó (có thể do điều trị bệnh, điều động luân chuyển công tác…), Chánh án không thể tham gia xét xử được. Trường hợp này ai là người ra quyết định hoãn phiên tòa (Chánh án Tòa án cấp quân khu hay Phó Chánh án Tòa án cấp khu vực)?
Quan điểm tác giả trong trường hợp này thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa thuộc về Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu. Bởi lẽ, theo quy định pháp luật, thẩm quyền ra quyết định thuộc về Chánh án, trường hợp Chánh án cấp khu vực không thể tham gia xét xử được thì thẩm quyền ra quyết định do Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp cấp quân khu thực hiện. Điều này phù hợp với quy định tại Điều 53 BLTTHS: “Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì do Chánh án Tòa án trên một cấp quyết định”. Trong trường hợp này, Phó Chánh án Tòa án cấp khu vực không có thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa.
Thứ tư, BLTTHS quy định thời hạn bị cáo nhận cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử là: Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra cáo trạng, Viện kiểm sát phải giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can (Điều 240); quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho bị cáo hoặc người đại diện của họ; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa... (Điều 286).
Trong thực tế, nhiều trường hợp bị cáo không nhận được cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc nhận được nhưng không đảm bảo thời hạn luật định và khi bị cáo yêu cầu hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền của mình thì BLTTHS chưa quy định cụ thể. Trong khi đó, Điều 201 BLTTHS năm 2003 quy định: “Trong trường hợp bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng theo quy định tại khoản 2 Điều 49 và quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 182 của Bộ luật này và nếu bị cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa”.
Một số đề xuất, kiến nghị
Một là, bổ sung căn cứ hoãn phiên tòa, thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa của Chánh án trong một số trường hợp đặc biệt (do thiên tai, đại dịch, theo quy định của pháp luật). Tác giả kiến nghị sửa đổi quy định tại Điều 297 BLTTHS năm 2015 như sau:
“1. Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp:
e) Do phát sinh điều kiện khách quan không thể mở phiên tòa để đảm bảo an toàn, .
4. Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi hoặc trong một số trường hợp thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa. Quyết định hoãn phiên tòa có thể trước ngày mở phiên tòa...”.
Hai là, cần ghi nhận thêm trường hợp hoãn phiên tòa khi bị cáo hoặc các đương sự có yêu cầu hoãn phiên tòa trước ngày mở phiên tòa để bảo đảm quyền của bị cáo và đương sự, giúp việc giải quyết vụ án toàn diện và khách quan.
Ba là, bổ sung Điều 286 BLTTHS năm 2015 nội dung: “Bị can/bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định của Bộ luật này và bị cáo yêu cầu hoãn phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa”.
HUỲNH NGỌC DIỆN, NGUYỄN THÀNH HƯNG
Tòa án Quân sự Khu vực 2 Quân khu 5