Quy định và áp dụng các biện pháp tư pháp trong pháp luật hình sự Việt Nam thể hiện phương châm đúng đắn trong việc thực hiện chính sách hình sự của nhà nước ta là mọi hành vi phạm tội đều được xử lý công minh; tất cả các biện pháp tác động hình sự đối với người có hành vi phạm tội và phòng ngừa tội phạm. Áp dụng đúng đắn các biện pháp tư pháp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của sự tác động hình sự đối với tội phạm.
Theo quy định tại Điều 46, 47, 48 và 49 BLHS năm 2015, thì các biện pháp tư pháp bao gồm tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi và bắt buộc chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử thì chỉ có các biện pháp tư pháp là tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sữa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; bắt buộc chữa bệnh thường được áp dụng. Việc áp dụng các biện pháp tư pháp này do pháp luật quy định khá rõ ràng, cụ thể nên ít gặp khó khăn, vướng mắc.
Khoản 1 Điều 48 BLHS năm 2015 quy định: “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường hiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”
Tòa án chỉ buộc người phạm tội phải trả lại tài sản đã bị chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, khi tài sản đó còn đúng giá trị khi người phạm tội chiếm đoạt, nếu tài sản đó đã bị hư hỏng thì buộc người phạm tội phải sửa chữa hoặc bồi thường cho chủ sở hữu hoặc người quản ý hợp pháp. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử có trường hợp, tài sản do người phạm tội chiếm đoạt nhưng lại bán một cách trái phép cho người khác và người mua không biết tài sản đó là tài sản bị chiếm đoạt. Sau khi mua, người mua đã cải tạo sửa chữa làm tăng giá trị của tài sản đó, thì tòa án vẫn buộc người chiếm hữu bất hợp pháp (người mua nhầm phải của gian) phải trả lại tài sản bị chiếm đoạt cho chủ sở, người quản lý hợp pháp khi yêu cầu. Vấn đề đặt ra, chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp có phải trả lại chi phí để tăng thêm giá trị tài sản hay không.
Quan điểm 1: Chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp phải trả lại chi phí làm tăng thêm giá trị tài sản vì đây là thực hiện công việc không có ủy quyền.
Quan điểm 2: Chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp không phải trả lại chi phí làm tăng thêm giá trị tài sản. Tác giả cho rằng quan điểm này phù hợp. Mặc dù việc này làm tăng thêm giá trị của tài sản, tuy nhiên lại không phù hợp với ý chí và nguyện vọng của chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp và là một hành vi vi phạm pháp luật.
Các thiệt hại về vật chất là những thiệt hại có thể tính bằng tiền, nếu thiệt hại nào không thể tính ra bằng tiền được thì không phải là thiệt hại về vật chất mà có thể là thiệt hại về tinh thần như danh dự, nhân phẩm, uy tín. Riêng đối với thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, không phải là những thiệt hại về vật chất, vì giết chết một người không thể làm cho người đó sống lại được hoặc chặt gãy một cánh tay thì không thể làm cho cánh tay đó lành lại như trước được, nhưng do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người nên dẫn đến những thiệt hại vật chất khác như tiền mai táng, tiền chạy chữa vết thương, các khoản thu nhập do bị xâm phạm nên bị mất, các khoản chi phí cho việc mai táng chạy chữa..., những khoản tiền này buộc người phạm tội phải bồi thường cho người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại.
Trong trường hợp người phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, việc bồi thường về vật chất đối thiệt hại về tinh thần rất khó xác định. Ví dụ: Một người hiếp dâm thì bồi thường vật chất bao nhiêu là thỏa đáng thiệt hại về tinh thần đối với người bị hiếp dâm có tùy thuộc vào độ tuổi, hoàn cảnh gia đình của người bị hại hay không? Việc quy định buộc người phạm tội phải bồi thường vật chất những thiệt hại về tinh thần là một quy định mới có từ khi ban hành Bộ luật Dân sự. Cho đến nay, chưa có hướng dẫn nào của các cơ quan có thẩm quyền về bồi thường thiệt hại tinh thần do hành vi phạm tội gây ra, nên thực tiễn xét xử mỗi tòa án áp dụng khác nhau, có tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về tinh thần 03 triệu đồng, có tòa án buộc bồi thường 05 triệu đông, cá biệt có tòa án buộc bồi thường 10 triệu đồng. Vậy căn cứ vào đâu chúng ta đưa ra được một mức bồi thường được cho là phù hợp.
Theo tác giả, để đưa ra mức bồi thường về tinh thần phù hợp, chúng ta phải căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, qua kết quả xét xử để chúng ta đánh giá mức độ tổn thất về tinh thần của bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Ví dụ, gia đình chỉ có 01 người con bị tai nạn giao thông bị chết thì mức độ tổn thất của họ sẽ cao hơn so với gia đình có nhiều người con, do đó thì mức bồi thường tinh thần sẽ hoàn toàn khác nhau.
Khoản 2 Điều 48 BLHS năm 2015 quy định: “Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại”
Trong số các biện pháp tư pháp thì biện pháp tư pháp buộc công khai xin lỗi ít được áp dụng, điều này vô hình chung làm giảm hiệu lực của quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vậy biện pháp này ít được áp dụng xuất phát từ nguyên nhân gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 48 BLHS năm 2015, thì trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại. Như vậy, việc xin lỗi của người phạm tội trong trường hợp này là phải công khai trước sự chứng kiến của mọi người xung quanh. Về phạm vi áp dụng của quy định này, theo quy định tại khoản 2 Điều 48 được giới hạn bởi những tội phạm mà có thể gây thiệt hại về tinh thần cho người bị hại. Vậy những tội phạm nào có thể gây thiệt hại về mặt tinh thần cho người bị hại? Có quan điểm cho rằng, đó là những tội gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.
Tác giả cho rằng, quan điểm trên có phần đúng. Tuy nhiên, cũng cần mở rộng thêm, ngoài những tội phạm được liệt kê trên thì tùy từng trường hợp, trong một số tội phạm khác, mặc dù người phạm tội không gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì người bị hại cũng có sự tổn thất về tinh thần và vẫn có thể buộc người phạm tội phải xin lỗi người bị hại, đó là trường hợp phạm tội cướp tài sản, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản,... mà không gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm nhưng rõ ràng trong những trường hợp như vậy, người bị hại cũng sẽ bị tổn hại về mặt tinh thần (như có biểu hiện lo lắng, sợ sệt, hoảng loạn, ...) thì trong những trường hợp như vậy có thể buộc người phạm tội phải công khai xin lỗi người bị hại được hay không? Về vấn đề này, tôi cho rằng vẫn có thể buộc người phạm tội phải công khai xin lỗi người bị hại với lý do là họ bị tổn hại về mặt tinh thần.
Về thủ tục xin lỗi người bị hại, luật chưa quy định việc xin lỗi người bị hại sẽ được thực hiện như thế nào? Xin lỗi tại địa phương, tại phiên tòa hay trên phương tiện thông tin đại chúng và có cần ra một quyết định hay là không, việc xin lỗi đó là do sự tự nguyện của người phạm tội hay là cưỡng chế bắt buộc phải thực hiện? Bất cập việc xin lỗi đó có cần sự đồng ý của người bị hại không,... Đó chính là sự bất cập của pháp luật hình sự dẫn đến việc “buộc công khai xin lỗi người bị hại” thường ít được áp dụng trong thực tiễn xét xử. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, trước tiên, để việc xin lỗi người bị hại được thực hiện trên thực tế có tính khả thi cao, thì nên buộc người phạm tội xin lỗi người bị hại ngay tại phiên tòa trước sự chứng kiến của Hội đồng xét xử, những người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa và việc xin lỗi này nhất thiết phải được ghi nhận trong biên bản phiên tòa và trong một vài trường hợp nên được đăng tin trên phương tiện truyền thông hoặc niêm yết thông tin tại xã, phường thị trấn nơi người bị hại đang cư trú.
Tuy nhiên, đối với người bị hại được xin lỗi có cần phải có điều kiện cụ thể không, độ tuổi ra sao. Mặc dù điều luật không quy định về độ tuổi để người phạm tội xin lỗi, nhưng theo bản thân tôi, người bị hại ở đây tùy từng trường hợp phải là những người đạt độ tuổi cơ bản biết, cảm nhận điều xin lỗi từ người khác và phải là người không mắc bệnh mất khả năng nhận thức. Như vậy, nếu việc xin lỗi của người phạm tội được tiến hành đối với người bị hại còn rất nhỏ, người mất khả năng nhận thức thì ý nghĩa và giá trị của văn hóa xin lỗi sẽ không có tác dụng trên thực tế.
Một vấn đề đặt ra, trong trường hợp mà người bị hại chết, theo quy định tại khoản 5 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ xuất hiện người đại diện hợp pháp của những người này để tham gia tố tụng, vậy thì Tòa án có buộc người phạm tội phải xin lỗi người đại diện hợp pháp của người bị hại được không? Theo tôi, bản thân Điều 48 BLHS chỉ quy định về việc người phạm tội xin lỗi người bị hại chứ không quy định việc xin lỗi đại diện hợp pháp của người bị hại. Hơn nữa, người phạm tội đã có hành vi nguy hiểm xâm hại trực tiếp đến người bị hại chứ không phải đến người đại diện hợp pháp của họ, mặc dù khi người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có các quyền của người bị hại nhưng nếu để người phạm tội xin lỗi người đại diện hợp pháp của người bị hại trong trường hợp này sẽ không có ý nghĩa. Có chăng chỉ là lời xin lỗi, ăn năn hối lỗi của người phạm tội đến gia đình người bị hại vì những tổn hại mà họ đã gây ra và không cần thiết phải quy định trong luật.
Từ những điều đã phân tích như trên, để tăng cường việc áp dụng pháp luật và thực thi pháp luật thực sự có hiệu quả phù hợp đời sống thực tiễn, Tòa án cấp trên cần tăng cường giám đốc kiểm tra các Tòa án cấp dưới có thực hiện việc này hay không trong những trường hợp mà luật quy định phải xin lỗi người bị hại. Chỉ có như vậy thì văn hóa xin lỗi nói chung, văn hóa phiên tòa nói riêng mới được thực hiện triệt để trong công tác xét xử của Tòa án. Về lâu dài, kiến nghị cơ quan tư pháp có thẩm quyền cần có sự hướng dẫn cụ thể về vấn đề này quy định của pháp luật được thực hiện trên thực tế cao hơn, dễ dàng hơn.
TRẦN HUY PHỤC
Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7