Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam

26/12/2022 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Luật Luật sư và được cụ thể hóa trong Điều lệ.

Ảnh minh họa.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư và các Luật sư Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; có chức năng đại diện, tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các Luật sư, Đoàn Luật sư thành viên; đồng thời có trách nhiệm quan trọng trong việc xây dựng và duy trì các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Luật sư, bảo đảm tính độc lập và chất lượng dịch vụ pháp lý của nghề Luật sư, thực hiện chế độ tự quản Luật sư theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (trích lời nói đầu Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành theo Quyết định 856/QĐ - TTg ngày 19/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Luật Luật sư và được cụ thể hóa trong Điều lệ. Liên đoàn Luật sư Việt Nam có 18 nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 65 của Luật Luật sư gồm:

1. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Đoàn luật sư, các Luật sư trong phạm vi cả nước.

2. Giám sát Luật sư, Đoàn Luật sư trong việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề Luật sư.

3. Ban hành và giám sát việc tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam không được trái với Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

4. Tổ chức đào tạo nghề Luật sư; xây dựng chương trình và hướng dẫn các Đoàn Luật sư thực hiện bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản trị, điều hành tổ chức hành nghề Luật sư.

5. Tổ chức kiểm tra và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra tập sự hành nghề Luật sư theo quy định của luật này và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

6. Tổng kết, trao đổi kinh nghiệm hành nghề Luật sư trong cả nước; tổ chức bình chọn, vinh danh Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư có uy tín, có nhiều cống hiến trong hoạt động nghề nghiệp.

7. Quy định mẫu trang phục Luật sư tham gia phiên tòa, mẫu giấy đề nghị gia nhập Đoàn Luật sư; mẫu Thẻ Luật sư, việc cấp, đổi, thu hồi Thẻ Luật sư; hướng dẫn việc thực hiện rà soát, đánh giá hàng năm chất lượng đội ngũ Luật sư.

8. Quy định việc miễn, giảm thù lao, việc giải quyết tranh chấp liên quan đến thù lao, chi phí của Luật sư.

9. Quy định khung phí tập sự hành nghề Luật sư, khung phí gia nhập Đoàn Luật sư, phí thành viên.

10. Hướng dẫn và giám sát thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của Luật sư.

11. Cho ý kiến về đề án tổ chức đại hội, phương án xây dựng nhân sự Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư; chỉ đạo đại hội của Đoàn Luật sư.

12. Đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi nghị quyết, quyết định, quy định của Đoàn Luật sư trái với Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi nghị quyết, quyết định, quy định của Đoàn Luật sư trái với quy định của pháp luật.

13. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

14. Tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, kiến nghị của Luật sư.

15. Tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

16. Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về Luật sư.

17. Phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị và báo cáo cơ quan có thẩm quyền về đề án tổ chức đại hội, phương án nhân sự bầu các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

18. Báo cáo Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động của Luật sư trong phạm vi toàn quốc và tổ chức, hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, kết quả đại hội của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu; gửi Bộ Tư pháp nghị quyết, quyết định, quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Luật Luật sư giao Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Điều 4, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng việc nhắc các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 65 của Luật Luật sư đã xác định Liên đoàn Luật sư Việt Nam có các nhóm nhiệm vụ quyền hạn:

- Đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp của các Đoàn Luật sư, Luật sư thành viên trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn.

- Đại diện và bảo vệ quyền hành nghề, lợi ích hợp pháp của các Luật sư, Đoàn Luật sư là thành viên của Liên đoàn ở trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

- Thực hiện hợp tác quốc tế và hướng dẫn, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ Liên đoàn đối với hoạt động hợp tác quốc tế của các Đoàn Luật sư, Luật sư thành viên.

- Quản lý, sử dụng tài sản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam theo quy định của pháp luật và Điều lệ Liên đoàn.

- Báo cáo quyết toán tài chính về việc tiếp nhận, sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách, nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài gửi Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu.

Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Luật sư không cung cấp dịch vụ pháp lý khi khách hàng không tự nguyện