/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Những điểm mới về quy định xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải của Bộ luật Lao động năm 2019

Những điểm mới về quy định xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải của Bộ luật Lao động năm 2019

23/12/2023 08:32 |

(LSVN) - Từ những năm đầu hòa bình lập lại Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt văn bản pháp luật về lao động. Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, Kỳ họp thứ 5 thông qua Bộ luật Lao động, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995, trên cơ sở kế thừa và phát triển pháp luật lao động của nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đây là Bộ luật Lao động hoàn chỉnh đầu tiên của nước ta, để thể chế hoá quan điểm, đường lối đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể hoá Hiến pháp năm 1992 về các quyền cơ bản của con người trong lĩnh vực lao động, sử dụng và quản lý lao động.

Ảnh minh họa.

Đặt vấn đề

Từ năm 1994 đến nay, chúng ta đã có Bộ luật Lao động năm 2012 và gần đây nhất là Bộ luật Lao động năm 2019. Bộ luật Lao động năm 2019 ra đời là một hệ quả tất yếu để giải quyết những vấn đề trong bối cảnh, Bộ luật Lao động năm 2012 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế trong việc giải quyết các quan hệ lao động, trong điều kiện thị trường lao động Việt Nam phát triển một cách mạnh mẽ và nhanh chóng do tác động của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

Bộ luật Lao động năm 2019 đã được sửa đổi cơ bản, toàn diện nhằm: Góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết cơ bản các vướng mắc còn tồn tại của Bộ luật Lao động năm 2012; Bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của Người sử dụng lao động và người lao động; Bảo đảm được sự hài hòa quyền lợi của Người sử dụng lao động và người lao động phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay để xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định, tiến bộ và hài hòa; Đáp ứng được việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, Đặc biệt phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Để giúp các doanh nghiệp có thể vận dụng được đầy đủ và chính xác các quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 về việc xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải tác giả xin trình bày quan điểm cá nhân như sau:

Quy định xử lý kỷ luật lao động

Kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 đã được thể hiện một cách rộng hơn so với quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. Căn cứ Điều 117, Bộ luật Lao động năm 2019 thì “Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định”. Như vậy, xét một cách tổng quan thì Bộ luật Lao động năm 2019 đã có những quy định mang tính chặt chẽ và rõ ràng hơn đồng thời khuyến khích được người lao động tham gia vào các tổ chức đại điện của người lao động tại cơ sở để quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được bảo vệ một cách tốt nhất.

Các hình thức xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Điều 124 của Bộ luật Lao động năm 2019, thì có 04 hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm: Khiển trách, Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 (sáu) tháng, Cách chức và Sa thải. so với các hình thức xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 thì hình thức kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 (sáu) tháng và hình thức cách chức được tách ra thành hai hình thức xử lý kỷ luật độc lập.

Quy trình xử lý kỷ luật lao động, nhìn một cách tổng quan, pháp luật lao động hiện hành đã có những quy định, hướng dẫn khá rõ ràng và chi tiết về quy trình và nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động, căn cứ  Điều 70, Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, cụ thể như sau:

1. Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động tiến hành lập biên bản vi phạm và thông báo đến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên, người đại diện theo pháp luật của người lao động chưa đủ 15 tuổi; hoặc trong trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra tiến hành thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của người lao động.

 2. Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động chuẩn bị họp xử lý kỷ luật lao động như sau: (a) Ít nhất 05 (năm) ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, họ tên người bị xử lý kỷ luật lao động, hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật lao động đến các thành phần phải tham dự họp bao gồm tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật lao động là thành viên, luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động  để bào chữa (nếu có) người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 15 tuổi (“những người tham dự”) và bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp; và (b) Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, những người tham dự phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. Trường hợp một trong những người tham dự không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp.

3. Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động như sau: người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo thời gian, địa điểm đã thông báo trước đó. Trường hợp một trong “những người tham dự” không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động. Nội dung cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của những người tham dự, trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.

 4. Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động ban hành quyết định xử lý kỷ luật và gửi đến những người tham dự.

Những điểm cần lưu ý khi xử lý kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.Thứ nhất, một trong những điểm đáng chú ý của Bộ luật Lao động 2019 liên quan đến việc xử lý kỷ luật lao động không thể không nhắc đến đó là ngoài những quy định được thể hiện trong nội quy lao động thì các hành vi được thỏa thuận trong Hợp đồng lao động cũng có thể làm căn cứ để xử lý kỷ luật lao động, căn cứ khoản 3, Điều 127, Bộ luật Lao động năm 2019. Đây là điểm mới so với Bộ luật Lao động năm 2012, theo Bộ luật Lao động năm 2012 việc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động là hành vi bị cấm.

Thứ hai, trước đây, Bộ luật Lao động năm 2012 yêu cầu khi kỷ luật lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện công đoàn cơ sở, trường hợp doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì phải có Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp tham gia phiên họp xử lý kỷ luật lao động (điểm b, khoản 2, Điều 123, Bộ luật Lao động năm 2012). Nguyên tắc này được áp dụng trong cả trường hợp người lao động không là đoàn viên Công đoàn. Theo Bộ luật Lao động hiện hành, đã quy định việc xử lý kỷ luật lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện công đoàn cơ sở mà người lao động bị xử lý kỷ luật đang là thành viên. Với quy định này, có thể hiểu, trường hợp người lao động không phải là thành viên của tổ chức đại diện công đoàn cơ sở nào tại doanh nghiệp, thì phiên họp kỷ luật lao động không cần có sự tham gia của tổ chức đại diện công đoàn cơ sở. Đây được xem là một trong những điểm tiến bộ lớn của Bộ luật Lao động năm 2019, giúp giảm bớt trình tự thủ tục  khi tiến hành kỷ luật lao động đồng thời khuyến khích người lao động tham gia các tổ chức đại diện người lao động cơ sở để khi có vấn đề về xử lý kỷ luật thì được bảo vệ quyền lợi một cách tốt hơn.

Thứ ba, Theo điểm i, khoản 2, Điều 69, Nghị định 145/2020/NĐ-CP,  đã quy định, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động bao gồm người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động quy định tại Điều 18.3 của Bộ luật Lao động 2019 hoặc người được quy định cụ thể trong nội quy lao động. Như vậy, với quy định như trên đã mở rộng phạm vi người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động, thêm các đối tượng được quy định cụ thể trong nội quy lao động để doanh nghiệp có thể thuận tiện hơn khi thực hiện.

Những điểm mới về quy định xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải

Căn cứ Điều 125, Bộ luật Lao động năm 2019 người lao động có một trong những hành vi sau đây sẽ bị xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải: trộm cắp,  tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động, bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật và tự ý bỏ việc 05 (năm) ngày cộng dồn trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày hoặc 20 (hai mươi) ngày cộng dồn trong thời hạn 365 (ba trăm sáu mươi lăm) ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng. “Lý do chính đáng” được hiểu là các trường hợp bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động của người sử dụng lao động. Như vậy, những trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải vẫn tiếp tục quy định theo hướng kế thừa các hành vi bị xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải của Bộ luật Lao động năm 2012.

Một trong những điểm mới của hình thức xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải trong số các hành vi nêu trên, có thể kể tới đó là “quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động” đây là hành vi được bổ sung sẽ bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải theo Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc không phải là vấn đề mới, mặc dù vậy chỉ đến những năm gần đây, hành vi này mới được các quốc gia đặc biệt quan tâm. Bộ luật Lao động năm 2019 lần đầu tiên đã luật hóa và chính thức đưa ra chế tài kỷ luật sa thải đối với người có hành vi quấy tình dục tại nơi làm việc trong quan hệ lao động.

Theo khoản 9, Điều 3, Bộ luật Lao động năm 2019 thì “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động”.

Hành vi quấy rối tình dục đã được quy định theo hướng mô tả, liệt kê rõ ràng hơn, tại khoản 2, Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP  cụ thể, quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm: Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục, Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục và Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể, trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử. Người sử dụng lao động nên cụ thể hóa các hành vi này trong nội quy lao động để làm căn cứ quản lý và xử lý tại doanh nghiệp.

Khái niệm nơi làm việc để xác định phạm vi xảy ra hành vi quấy rối tình dục cũng được định nghĩa tương đối rộng và bao quát tại khoản 3, Điều 84, Nghị định 145/2020/NĐ-CP: "Bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định” thông qua đó, mở rộng phạm vi Điều chỉnh của pháp luật lao động đối với các hành vi quấy rối tình dục. Ngoài những điểm mới trong khái niệm về quấy rối tình dục, trình tự, thủ tục về xử lý quấy rối tình dục, việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả cũng bắt buộc phải quy định trong nội quy lao động. Bên cạnh đó, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, và tổ chức đại diện người lao động cơ sở về phòng, chống quấy rối tình dục cũng được quy định cụ thể hơn tại điểm d, khoản 2, Điều 69 và Điều 85 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Tài liệu tham khảo

1.Bộ luật Lao động năm 2019 số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019;

2. Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Thạc sĩ, Luật sư VŨ DUY NAM

Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh trong tố tụng hình sự

Nguyễn Hoàng Lâm