Những đóng góp của Luật sư cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền tại Việt Nam

08/10/2022 14:49 | 1 năm trước

(LSVN) - Nhà nước pháp quyền được tổ chức và hoạt động trên cơ sở của pháp luật, tất cả mọi người từ lãnh đạo Nhà nước đến dân chúng đều phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật, phục tùng pháp luật. Trong Nhà nước pháp quyền, Nhân dân là người làm chủ, pháp luật chống lại sự chuyên quyền, độc đoán của giai cấp thống trị, bảo vệ quyền con người.

Ảnh minh họa.

Khái niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII ngày 29/11/1991. Tại Điều 2, Hiến pháp 2013 khẳng định: "Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước Pháp quyền xã hội của nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân".

Sau khi Hiến pháp có hiệu lực, toàn bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật được chỉnh lý, kiện toàn trên tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước được đặt trong sự điều chỉnh của pháp luật, bảo vệ tính toàn vẹn của pháp luật, hạn chế việc giao quyền cho các văn bản quy phạm dưới luật.

Cùng với sự thay đổi cơ bản trong tư duy lập pháp, các cơ quan hành pháp ở Trung ương cũng tích cực ban hành các văn bản dưới luật theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng thực hiện được các quyền làm chủ của mình. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện trên thực tế tại cơ sở lại tồn tại quá nhiều bất cập, dẫn tới luật chưa thực sự đi vào đời sống của người dân.

Sự xuất hiện của đội ngũ Luật sư đóng vai trò rất lớn trong công cuộc xây dựng Nhà nước Pháp quyền tại Việt Nam. Vai trò của Luật sư được thể hiện trên các khía cạnh lập pháp, hành pháp và cả tư pháp.

Trong lĩnh vực lập pháp: Đội ngũ Luật sư giúp đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật khi được Đoàn đại biểu quốc hội xin ý kiến trước khi Quốc hội họp thông qua. Trong quá trình hoạt động, trường hợp nhận thấy pháp luật có nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật sư sẽ gửi các văn bản kiến nghị đến chính các cơ quan ban hành văn bản quy phạm có khiếm khuyết để họ tự sửa chữa sai lầm. Hoặc kiến nghị lên Quốc hội, UBTV Quốc hội để bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản pháp luật trái luật, hiến pháp. Song song với đó, Luật sư cũng kiến nghị định hướng xây dựng các quy phạm pháp luật hoàn thiện, tiến bộ. Sau khi pháp luật được ban hành, thông qua hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho Nhân dân, Luật sư giúp phổ biến pháp luật để Nhân dân nắm được và tuân theo.

Đối với hoạt động hành pháp: Bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, Luật sư tư vấn pháp lý cho Nhân dân nắm được các quy định của pháp luật, giúp người dân định hướng đúng đắn hành vi trong khuôn khổ cho phép của pháp luật. Thông qua việc cung cấp dịch vụ pháp lý, Luật sư giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nhân dân. Bên cạnh đó, Luật sư cũng là chủ thể có đủ năng lực buộc các cơ quan hành pháp phải tuân thủ các quy định của pháp luật thông qua con đường khiếu nại, tố cáo, khởi kiện vụ án hành chính, góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn. Bên cạnh hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý có phí, Đoàn Luật sư cũng triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý miễn phí cho Nhân dân ngay tại trụ sở làm việc của các cơ quan Nhà nước. Thông qua đó, Luật sư giúp giảm thiểu việc khiếu nại, khiếu kiện không đúng quy định của pháp luật của người dân.

Trong lĩnh vực tư pháp: Sự tham gia của Luật sư giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng có thêm một bên tham vấn trong các hoạt động tư pháp, hạn chế các sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Đồng thời, Luật sư cũng là lực lượng đối trọng với Viện Kiểm sát, giúp cân bằng vị thế giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, khiến vụ án được xét xử một cách toàn diện, khách quan và chính xác hơn. Luật sư cũng vai trò như là một bên giúp kiểm soát sự lạm quyền của các cơ quan tư pháp, hạn chế oan sai trong tố tụng hình sự.

Tại Việt Nam hiện nay, có rất nhiều các tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi cho Nhân dân, nhưng các cơ quan này vẫn chưa thể hiện hết vai trò của mình.

Trên tinh thần xây dựng một Nhà nước lấy Nhân dân làm gốc, pháp luật Việt Nam trao cho người dân rất nhiều quyền lực. Và Luật sư với vai trò của mình là người hỗ trợ pháp lý cho người dân thực hiện được các quyền làm chủ của mình. Luật sư là đội ngũ trí thức trẻ có đủ trí tuệ, được đào tạo bài bản, được rèn luyện qua quá trình hành nghề, có đủ năng lực để đảm đương vai trò bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho Nhân dân.

Luật sư hỗ trợ lập pháp, giám sát hành pháp và cân bằng tư pháp. Luật sư là nghề nghiệp gắn chặt với lợi ích của quần chúng Nhân dân và là nghề nghiệp có tính cạnh tranh cao. Do đó, Luật sư hội tụ đủ năng lực và điều kiện để trở thành lực lượng tương trợ Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, hạn chế sự lạm quyền của cơ quan Nhà nước, góp phần bảo vệ quyền con người, hiện thực hoá mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN THỊ KIỀU TRANG

Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Niềm tin công lý

'Vén rèm' những hi sinh của người Luật sư