Pháp luật về giải quyết ly hôn: Thực tiễn áp dụng và những vấn đề đặt ra

21/05/2022 16:42 | 1 năm trước

(LSVN) - Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và khoa học công nghệ, sự thay đổi của lối sống hiện đại dẫn đến số các vụ ly hôn ngày càng tăng. Điều đó đặt ra nhiều yêu cầu đối với quản lý nhà nước từ hoàn thiện pháp luật đến việc đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả giải quyết vụ việc ly hôn, qua đó bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các bên liên quan, góp phần ổn định trật tự xã hội.

Ảnh minh họa. 

Quy định của pháp luật về giải quyết ly hôn hiện nay

Có thể nói các quy định của pháp luật về giải quyết ly hôn hiện nay khá đầy đủ từ Hiến pháp năm 2013, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, trong đó tập trung vào những nội dung chính sau đây:

(1) Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định chủ thể có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn là vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng và mở rộng hơn so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 với việc bổ sung người có quyền yêu cầu ly hôn là cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

(2) Căn cứ giải quyết ly hôn: (i) Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án giải quyết việc ly hôn; (ii) Ly hôn theo yêu cầu của một bên khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được; trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì tòa án giải quyết cho ly hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

(3) Trình tự, thủ tục giải quyết ly hôn: Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi ly hôn không bắt buộc phải hòa giải ở cơ sở mà chỉ khuyến khích các bên thực hiện hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Sau khi nộp đơn xin ly hôn tại tòa án, tòa án bắt buộc phải tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình và thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

(4) Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn là tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự. Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ giải quyết ly hôn được xác định như sau: (i) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 Bộ luật Tố tụng dân sự; (ii) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 Bộ luật Tố tụng dân sự; (iii) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

(5) Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn; nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn, nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn, thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

(6) Việc giải quyết tài sản của vợ chồng, quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn, chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình, chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn, chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh, quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn.

(7) Quy định về giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài: (i) Luật áp dụng để giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài là các quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của luật trong nước thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó hoặc trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng; trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam; việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó. (ii) Thẩm quyền giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài tại tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam giải quyết việc ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

(8) Việc công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của tòa án nước ngoài có yêu cầu thi hành tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về giải quyết ly hôn hiện nay và những vấn đề đặt ra

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và khoa học công nghệ, sự thay đổi của lối sống hiện đại dẫn đến số các vụ ly hôn ngày càng tăng (1), nhiều vụ ly hôn phức tạp, số tài sản phải giải quyết lớn, thời gian giải quyết kéo dài, số vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài cũng ngày càng tăng. Việc hòa giải ở cơ sở và hòa giải tại tòa án tiếp tục phát huy hiệu quả, số việc hòa giải thành trong giải quyết các vụ án ly hôn cũng tăng, giúp cho các cặp vợ chồng vẫn còn tình cảm với nhau có thể đoàn tụ, rút đơn và tòa án ra quyết định đình chỉ xét xử vụ án (2), tránh tốn kém, lãng phí cho gia đình và xã hội.

Nhìn chung, thực tiễn thời gian qua cho thấy việc áp dụng các quy định của pháp luật về giải quyết ly hôn cơ bản theo đúng trình tự, thủ tục, đúng quy định, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các bên liên quan. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về giải quyết ly hôn cũng đặt ra một số vấn đề:

Thứ nhất, chưa có hướng dẫn cụ thể về xác định tình trạng hôn nhân trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được. Trước đây, việc xác định được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn một số nội dung Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, nhưng hiện nay văn bản này đã hết hiệu lực và chưa có văn bản thay thế.

Thứ hai, thực tế hiện nay nhiều cặp vợ chồng ly thân, nhiều trường hợp bỏ mặc con cái không chăm sóc hoặc sống cùng người tình dẫn đến con bị hành hạ, bạo lực, có trường hợp trả thù người tình gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, chưa có quy định về ly thân và trách nhiệm của vợ, chồng trong thời gian ly thân nên việc bảo vệ quyền lợi của con và các bên liên quan còn khó khăn, bất cập. 

Thứ ba, việc giải quyết ly hôn thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự nên việc giải quyết thực hiện trên cơ sở chứng cứ do các bên đương sự cung cấp. Thực tế cho thấy đối với các vụ án lớn, phức tạp và trường hợp đương sự không hợp tác dẫn đến việc thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém và mất nhiều thời gian giải quyết.

Thứ tư, việc bảo vệ con sau khi bố mẹ ly hôn trong thời gian qua khiến dư luận rất bức xúc, nhiều trường hợp con cái bị bố hoặc mẹ và người tình bạo hành.

Thứ năm, thực trạng ngày càng nhiều vụ ly hôn với nhiều vụ khó, phức tạp đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hôn nhân, gia đình và đòi hỏi các cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ luật sư, tư vấn pháp luật phải nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng để giải quyết các vụ ly hôn.

Một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả giải quyết ly hôn

Hoàn thiện pháp luật về giải quyết ly hôn, cụ thể là bổ sung quy định hướng dẫn về xác định tình trạng hôn nhân trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được; các quy định về ly thân, bảo vệ con cái sau khi ly hôn (như nghĩa vụ định kỳ báo cáo việc chăm sóc con tại chính quyền nơi cư trú hoặc tại tòa…); nghiên cứu các điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài về giải quyết ly hôn để hoàn thiện pháp luật Việt Nam, đặc biệt là các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài. Nâng cao hiệu quả giải quyết ly hôn thông qua việc nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở đối với các vụ ly hôn với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, vai trò của gia đình trong phát triển kinh tế - xã hội và việc giữ gìn hạnh phúc gia đình; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ hòa giải ở cơ sở; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong công tác hòa giải ở cơ sở. Thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng của cán bộ tòa án trong giải quyết các vụ án ly hôn, đặc biệt là kỹ năng hòa giải tại tòa án nhằm tăng tỷ lệ hòa giải thành; tòa án nhân dân các cấp cần tổ chức sơ kết, tổng kết thực tiễn công tác giải quyết các vụ án ly hôn, nhất là các vụ án khó, phức tạp để kịp thời chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra các giải pháp để giải quyết các vụ án ly hôn theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nâng lực, kỹ năng của đội ngũ luật sư, tư vấn pháp luật để tham gia giải quyết các vụ ly hôn hiệu quả, nhất là các vụ lớn, phức tạp, có yếu tố nước ngoài.

=======

(1) Theo thống kê thụ lý và giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình sơ thẩm năm 2012-2017 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh năm 2014 là 779 vụ án ly hôn, năm 2015 là 808 vụ án ly hôn, năm 2016 là 938 vụ án ly hôn, năm 2017 là 913 vụ án ly hôn.

(2) Theo thống kê thụ lý và giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình sơ thẩm năm 2012-2017 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh: năm 2014 đình chỉ 175/779 vụ = 22,47%; năm 2015 đình chỉ 223/808 vụ = 27,6%; năm 2016 đình chỉ 244/856 vụ = 28,5%; năm 2017 đình chỉ 266/913 vụ = 29,13%.

Thạc sĩ BÙI THỊ HÒA

Học viện Tư pháp

Thực trạng tranh chấp về nuôi con và cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn