Quy định về Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam

24/12/2022 19:40 | 1 năm trước

(LSVN) - Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã quy định chi tiết, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thuộc Liên đoàn, trong đó đặc biệt quan trọng là Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam khóa III.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập từ tháng 5 năm 2009 trên cơ sở Quyết định số 76/QĐ - TTg ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc. Ngày 19/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 856/QĐ - TTg phê duyệt Điều Lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III (nhiệm kỳ 2021 - 2026) thông qua tại phiên họp ngày 26 tháng 12 năm 2021.

Điều lệ Liên đoàn đã có quy định chi tiết, cụ thể về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan thuộc Liên đoàn, trong đó đặc biệt quan trọng là Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Cụ thể Điều lệ quy định:

Điều 9. Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam

1. Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nhiệm vụ điều hành hoạt động thường xuyên của Liên đoàn giữa các kỳ họp của Ban Thường vụ Liên đoàn; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; quyết định và thực hiện quan hệ với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quan hệ hợp tác quốc tế.

2. Thường trực Liên đoàn gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch, trong đó Chủ tịch và từ 01 đến 02 Phó Chủ tịch làm việc chuyên trách, thường xuyên toàn thời gian hành chính ở Liên đoàn.

Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III nhiệm kỳ (2021 - 2026) đã trực tiếp bầu Tiến sỹ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh giữ chức danh Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam bằng hình thức bỏ phiếu kín. Chủ tịch Liên đoàn là Chủ tịch Hội đồng Luật sư toàn quốc.

Tại phiên họp thứ nhất của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III đã bầu 05 Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam gồm: Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Luật sư Nguyễn Hải Nam, Luật sư Phan Trung Hoài, Luật sư Lưu Tiến Dũng, Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh. Trong đó các Luật sư Phan Trung Hoài, Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh được Đại hội tín nhiệm bầu tái cử.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam được quy định tại khoản 3, Điều 10, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cụ thể gồm: Đại diện pháp nhân của Liên đoàn trước pháp luật; là chủ tài khoản của Liên đoàn; chịu trách nhiệm trước Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc, Hội đồng Luật sư toàn quốc về hoạt động của Liên đoàn; điều hành, phân công việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết và các quyết định của Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc, Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn và giám sát mọi hoạt động của Liên đoàn; chủ trì cuộc họp của Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn, Thường trực Liên đoàn; ký các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn sau khi đã được Hội đồng Luật sư toàn quốc hoặc Ban Thường vụ Liên đoàn thông qua; chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc làm việc dân chủ, tập thể, quyết định theo đa số khi thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Liên đoàn; nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Điều lệ.

Phó Chủ tịch Liên đoàn là Phó Chủ tịch Hội đồng Luật sư toàn quốc. Phó Chủ tịch Liên đoàn phụ trách các lĩnh vực công tác theo sự phân công của Ban Thường vụ Liên đoàn và phân công của Chủ tịch Liên đoàn; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch, Ban Thường vụ và Hội đồng Luật sư toàn quốc về các lĩnh vực công tác được giao.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Luật sư không cung cấp dịch vụ pháp lý khi khách hàng không tự nguyện