Tại sao Luật sư phải nộp phí thành viên?

23/12/2022 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố là tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ, hỗ trợ nghề Luật sư phát triển, đảm bảo nguồn kinh phí để hoạt động, xây dựng vì Luật sư, vì những lợi ích và của chính giới Luật sư nên cần nguồn kinh phí để hoạt động; do là tổ chức tự quản nghề Luật sư nguồn thu chủ yếu do sự đóng góp của giới Luật sư.

Ảnh minh họa.

Ngày 19/07/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 856/QĐ-TTg phê duyệt Điều Lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Điều 29 của Điều lệ quy định về quyền, nghĩa vụ của Luật sư, trong đó tại điểm k, khoản 2 quy định Luật sư có nghĩa vụ nộp phí thành viên đầy đủ và đúng hạn.

Căn cứ Điều Lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, triển khai Nghị quyết 05/NQ – HĐLSTQ ngày 28/12/2022 của Hội đồng Luật sư toàn quốc, ngày 14/11/2022, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành Thông báo số 05/TB-LĐLSVN thông báo việc thực hiện thu phí thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Theo đó kể từ ngày 01/01/2023 việc thu phí thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam do Liên đoàn trực tiếp thu. Trước đây phí Liên đoàn và phí Đoàn Luật sư được các Đoàn Luật sư thu chung sau trích chuyển về Liên đoàn. 

Hiện nay, tại Điều 2 Nghị quyết 05/NQ-HĐLSTQ quy định rõ Luật sư phải đóng phí thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và phí thành viên của Đoàn Luật sư theo quy định của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Cụ thể:

- Mức phí thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là 100.000 đồng/người/tháng;

- Mức phí thành viên của Đoàn Luật sư là 150.000 đồng/người/tháng.

Như vậy, theo quy định hiện nay mức phí này là cố định và thống nhất trong toàn quốc không giao cho các Đoàn quyền quy định các mức khác nhau nữa. 

Việc thu và nộp phí thành viên Đoàn Luật sư đã được thực hiện từ khi có Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Đây là quyền và nghĩa vụ của thành viên, quy định này có tính chất phổ quát chung với các tổ chức mang tính chất đoàn, hội. Với Luật sư, việc đóng phí thành viên tại các nước trên thế giới là bắt buộc, cách thức tính phí có khác nhau nhưng về cơ quản cao hơn nhiều lần so mức Việt Nam hiện đang áp dụng. Mặc dù vậy, trên thực tế khi triển khai việc thu, nộp phí thành viên của Luật sư, nhiều Luật đã đặt ra câu hỏi: Tại sao tôi phải nộp phí thành viên? Vậy cùng bàn lời giải đáp cho câu hỏi này.

Thứ nhất, phải khẳng định ngay rằng việc thu và nộp phí thành viên là nghĩa vụ bắt buộc của Luật sư thành viên. Đây không phải khoản nghĩa vụ tài chính mang tính chất tùy nghi của Luật sư. Theo pháp luật, Luật sư bắt buộc phải tham gia và được một Đoàn Luật sư và sau đó là Liên đoàn Luật sư Việt Nam công nhận, kết nạp mới có tư cách Luật sư thành viên. Đây là tổ chức bắt buộc một người phải tham gia, phải chấp hành các Văn kiện của tổ chức trong đó có quy định về phí thành viên thì người đó mới có tư cách Luật sư để hành nghề. Do vậy, phí Luật sư trong trường hợp này được hiểu như một loại phí ghi danh và để duy trì chức danh Luật sư cho cá nhân Luật sư. Nếu không có phí, Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư không tồn tại, từ đó cũng sẽ không có cá nhân Luật sư. 

Thứ hai, phí Luật sư mặc dù không phải là một trong các loại thuế, phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí nhưng đây là quy định có tính chất pháp quy. Điều Lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã quy định cụ thể về nghĩa vụ nộp phí thành viên của Luật sư, tại điểm K, khoản 2, Điều 29. Quyền, nghĩa vụ của Luật sư quy định nghĩa vụ của Luật sư là nộp phí thành viên đầy đủ và đúng hạn.

Thứ ba, thu và nộp phí thành viên quyết định sự tồn tại của nghề Luật sư. Quản lý hành nghề Luật sư thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước và tự quản của tổ chức xã hội. Luật sư chịu trách nhiệm về tài chính với nhà nước thông qua các quy định về thuế, phí. Luật sư thực hiện nghĩa vụ về tài chính với Liên đoàn và Đoàn Luật sư thông qua phí thành viên. Liên đoàn, Đoàn Luật sư sử dụng phí của thành viên để duy trì, tổ chức hoạt động trong đó có hoạt động hành chính. Nếu không thể duy trì trước các hoạt động hành chính tối thiểu, Đoàn Luật sư và Liên đoàn không thể tồn tại và khi đó sẽ không có Luật sư và nghề Luật sư.

Thứ tư, thu và sử dụng phí thành viên thể hiện nguyên tắc độc lập của nghề Luật sư. Quy tắc 2 Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định: “Luật sư phải độc lập”. Độc lập của nghề Luật sư chính là sự tự quản của nghề Luật sư. Muốn tự quản, độc lập nghề nghiệp, giới Luật sư cần phải độc lập về cơ cấu tổ chức, độc lập về quản lý điều hành, độc lập về thể chế qua việc tự ban hành các văn bản để quản lý điều hành hoạt động của giới Luật sư. Trên thực tế tính tự quản của nghề Luật sư tại Việt Nam hiện nay cũng đã ở mức tương đối cao và đang tiếp tục được khẳng định, tạo lập phù hợp với thế giới và đặc thù lịch sử, truyền thống dân tộc Việt Nam. Hiện nay về cơ bản chi phí hoạt động của Liên đoàn và các Đoàn Luật sư do tự chủ trên cơ sở đóng góp của Luật sư.

Thứ năm, thu và sử dụng phí thành viên góp phần phát triển nghề Luật sư nói chung và hoạt động của cá nhân Luật sư nói riêng. Cùng việc sử dụng phí thành viên để duy trì các hoạt động hành chính, Liên đoàn và Đoàn Luật sư sẽ tổ chức các hoạt động về chuyên môn, nghiệp vụ, các hoạt động tôn vinh, quảng bá nghề Luật sư, thể hiện trách nhiệm xã hội của Luật sư với xã hội và với chính các cá nhân Luật sư. Đây có thể hiểu như một loại công việc đại diện, ủy thác của giới Luật sư với tổ chức của mình. Thông qua các hoạt động đó, vai trò, vị thế, uy tín của nghề Luật sư được khẳng định và nâng cao, từ đó thúc đẩy nghề Luật sư phát triển. Khi nghề Luật sư phát triển sẽ thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp của mỗi cá nhân Luật sư.

Tóm lại, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố là tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ, hỗ trợ nghề Luật sư phát triển, đảm bảo nguồn kinh phí để hoạt động, xây dựng vì Luật sư, vì những lợi ích và của chính giới Luật sư nên cần nguồn kinh phí để hoạt động; do là tổ chức tự quản nghề Luật sư nguồn thu chủ yếu do sự đóng góp của giới Luật sư. Với tư cách là chủ thể được tổ chức đại diện, bảo vệ, phục vụ nên Luật sư có nghĩa vụ phải đóng phí để duy trì hoạt động có hiệu quả của tổ chức. Mọi chính sách của Liên đoàn, Đoàn Luật sư  đều xây dựng dành cho toàn thể giới Luật sư, nên khi Luật sư đóng phí sẽ được hưởng những quyền lợi từ chính khoản đóng góp của mình. Liên đoàn, các Đoàn sử dụng khoản thu như một công cụ để điều tiết, định hướng và phát triển nghề Luật sư trong toàn quốc, qua đó góp phần đảm bảo cho sự công bằng giữa Luật sư tại các vùng miền, lĩnh vực, khu vực khác nhau qua đó góp phần đảm bảo quyền lợi ích của người dân.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Luật sư không cung cấp dịch vụ pháp lý khi khách hàng không tự nguyện

Từ khoá : lsvn.vn LSVN luật sư