Tài trợ của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài và tố tụng Tòa án trong tranh chấp thương mại

24/08/2022 22:11 | 2 năm trước

(LSVN) - Cơ chế “tài trợ của bên thứ ba” (third party funding/TPF) là một trong những cơ chế tài chính pháp lý nhận được sự quan tâm từ cộng đồng luật và trọng tài quốc tế. TPF được thiết kế nhằm cho phép một bên thứ ba - không phải bên liên quan trực tiếp trong vụ kiện (tại tòa án hoặc trọng tài) - tham gia cấp tài chính cho một bên nguyên đơn hoặc bị đơn vốn không có đủ nguồn lực theo đuổi vụ kiện của mình. Tuy nhiên, hiện chưa có một cách hiểu thống nhất về cơ chế TPF. Một số học giả xem TPF là một thương vụ đầu tư tài chính, cho vay thương mại, số khác xem TPF như một dạng hợp đồng bảo hiểm tài chính. Hiện nay, định nghĩa về TPF vẫn đang được nghiên cứu phát triển, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn. Bài viết phân tích, làm rõ những khái niệm và cung cấp một số thông tin liên quan đến TPF.

Sự hình thành cơ chế TPF song hành với quá trình toàn cầu hóa của thương mại quốc tế, theo đó trọng tài quốc tế trở thành cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư, thương mại chiếm ưu thế. Tính đến năm 2018, thị trường tài trợ cho tố tụng có giá trị được ước tính vào khoảng 50-100 tỷ USD, thị phần này thu hút sự quan tâm của các hãng luật quốc tế, quỹ phòng hộ, quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà tài phiệt, quỹ mở với phương châm chung “rủi ro càng lớn - lợi nhuận càng cao”. Theo thống kê trên hệ thống giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD’S ISDS Navigator), đến thời điểm tháng 4/2021, có 34 vụ tranh chấp đầu tư quốc tế (ISDS) (trong đó 26 vụ kiện đã hoàn thành và 08 vụ kiện chưa hoàn thành) mà bên nguyên đơn có nhận tài trợ TPF.

Khoản tài trợ sẽ được dùng để chi trả toàn bộ hoặc một phần các chi phí pháp lý phát sinh từ vụ kiện. Đổi lại, nhà tài trợ sẽ nhận được khoản bồi hoàn tính theo tỷ lệ phần trăm trên khoản tiền mà bên nhận tài trợ được hưởng theo phán quyết của tòa án hoặc trọng tài, hoặc theo sự dàn xếp hòa giải của các bên. Thực tế, các nhà tài trợ có thể nhận lại số tiền đã đầu tư tài trợ cộng thêm một khoản tiền (dao động từ 60% đến 500% trên tổng số tiền đã đầu tư) tính theo tỷ lệ phần trăm trên khoản tiền được tuyên theo phán quyết, còn bên nhận tài trợ sẽ không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào kể cả trong trường hợp kết quả chung thẩm bất lợi.

Mô hình TPF được nhìn nhận là phương tiện bổ trợ tư pháp điển hình trong các vụ tố tụng. Tranh chấp đầu tư thương mại quốc tế thu hút sự quan tâm của các nhà tài trợ vì sức hút từ giá trị của các vụ tranh chấp đó sẽ rất lớn, phán quyết mang tính chung thẩm và nhất là việc thi hành phán quyết trọng tài quốc tế được thừa nhận rộng rãi qua cơ chế công nhận và thi hành phán quyết của Công ước New York (1958).

Hướng tiếp cận của một số quốc gia, trung tâm trọng tài quốc tế đối với mô hình TPF

TPF vẫn còn là một cơ chế non trẻ, chưa được kiểm soát cũng như quản lý chặt chẽ dưới góc độ pháp luật. Một số nhà hoạch định chính sách ở Australia, Hồng Kông và Singapore đã thực hiện những bước tiếp cận ban đầu nhằm kiểm soát mô hình TPF.

Australia

Trước năm 2006, các nước theo hệ thống thông luật như Australia có quan điểm rằng, việc bên thứ ba tham gia chống lại, ủng hộ, hoặc hỗ trợ tài chính cho một bên đương sự trong quá trình tranh tụng với bên đương sự khác sẽ bị xem là trái pháp luật do ảnh hưởng của học thuyết “Maintenance and Champerty”(1). Tuy nhiên, sau này Tòa án tối cao của Australia đã ban hành các phán quyết cho phép tiến hành mô hình TPF. Các phán quyết này đã tạo cơ hội để các nhà tài trợ cấp tài chính cho bên đương sự không có khả năng thanh toán chi phí tố tụng.

Năm 2011, Chính phủ Australia ban hành một đạo luật hợp pháp hóa việc nhận tài trợ từ bên thứ ba. Nhà tài trợ phải tuân theo các điều khoản của Luật về Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia năm 2001 (Đạo luật ASIC), gồm các biện pháp bảo vệ chống lại các thỏa thuận không công bằng, hành vi gây nhầm lẫn... Các điều khoản này giúp khắc phục những thiếu sót hoặc yếu tố gây nhầm lẫn trong các thỏa thuận tài trợ tố tụng.

Tiêu chí cho nhà tài trợ: Nhà tài trợ cần đáp ứng một số yêu cầu như phải có giấy phép dịch vụ tài chính (Australian Financial Services License - AFSL) và mỗi thỏa thuận, kế hoạch tài trợ tố tụng đều phải được đăng ký như một thỏa thuận đầu tư chung trừ một vài trường hợp được miễn trừ đăng ký như tài trợ tố tụng trong vụ kiện phá sản, hoặc vụ kiện chỉ có một nguyên đơn tham gia. Việc ký kết hợp đồng cung cấp tài chính cho một bên trong vụ kiện sẽ là căn cứ phát sinh mối quan hệ giữa nhà tài trợ với bên nhận tài trợ.

Một điểm đáng chú ý là Australia không có bất kỳ điều luật hoặc quy định nào về giá trị nhận tài trợ. Do đó, tòa án sẽ quyết định liệu một hoặc một số điều khoản trong thỏa thuận TPF có trái các chính sách công hay không tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Nghĩa vụ tiết lộ: Pháp luật Australia không buộc tiết lộ danh tính của nhà tài trợ đối với thỏa thuận/kế hoạch đầu tư không được xem là thỏa thuận đầu tư chung. Tuy nhiên, đối với các thỏa thuận đầu tư còn lại thì nhà tài trợ phải thực hiện đăng ký, qua đó tiết lộ các thông tin các bên liên quan và nội dung thỏa thuận tài trợ.

Hồng Kông

Hồng Kông và Singapore tiên phong trong việc xây dựng mô hình TPF thông qua việc thiết kế các quy định về tài trợ từ bên thứ ba trong trọng tài quốc tế.

TPF vẫn là một vấn đề tương đối mới ở Hồng Kông. Đến năm 2017, khi Pháp lệnh số 6 về Trọng tài và Hòa giải (tài trợ của bên thứ ba) (sửa đổi) được thông qua (Pháp lệnh Trọng tài & Hòa giải) thì TPF trong tố tụng tòa án, tố tụng trọng tài, hòa giải và các quy trình tố tụng liên quan mới được hợp pháp hóa tại Hồng Kông. Pháp lệnh này đã tạo hành lang pháp lý chính thức cho các thỏa thuận tài trợ. Các quy định chi tiết cũng được quy định trong Quy tắc Quản lý trọng tài do Trung tâm Trọng tài quốc tế Hồng Kông (HKIAC) ban hành năm 2018, nhằm hướng dẫn rõ ràng hơn cho Hội đồng trọng tài, các bên tham gia tố tụng trọng tài và các nhà tài trợ.

Tuy TPF đã được hợp pháp hóa và có thể áp dụng cho tố tụng trọng tài, vẫn còn tồn tại các quan ngại rằng các bên có thể lạm dụng TPF khi thực hiện các thủ tục tố tụng tại tòa án với một số lý do như: (i) không có khuôn khổ pháp lý hoặc bộ quy tắc hành nghề cho việc tài trợ của bên thứ ba đối với tố tụng thông thường tại tòa án. Tòa án cũng không có thẩm quyền ban hành bất kỳ bộ quy tắc hành nghề liên quan nào; (ii) các biện pháp bảo vệ theo luật định quan trọng đối với TPF trong tố tụng trọng tài đã được áp dụng để hạn chế trường hợp bên tài trợ lạm dụng bên nhận tài trợ, nhưng những biện pháp bảo vệ không cần thiết phải được thực hiện bởi tòa án. Cơ quan chuyên môn, tòa án cũng không có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến điều kiện hoạt động của nhà tài trợ, việc thực hiện các thỏa thuận tài trợ và giám sát các hoạt động tài trợ để ngăn chặn việc lạm dụng trên; và (iii) các tòa án Hồng Kông không có khuôn khổ pháp lý khả thi để xem xét và thẩm định các điều khoản tài trợ của bên thứ ba trong các vụ tố tụng tại tòa.

Tiêu chí cho nhà tài trợ: Theo Pháp lệnh sửa đổi, nhà tài trợ được định nghĩa là (i) một bên trong thỏa thuận tài trợ nhằm tài trợ cho bên đương sự tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài; và (ii) không nhận được bất kỳ lợi ích nào khác từ quá trình tố tụng ngoài các lợi ích trong thỏa thuận tài trợ. Ngoài ra, nhà tài trợ còn phải đáp ứng một số quy định tại thỏa thuận tài trợ, chẳng hạn, nhà tài trợ phải đáp ứng mức vốn tối thiểu, đồng thời phải bảo đảm rằng trước khi ký kết, bên nhận tài trợ biết mình có quyền thuê tư vấn pháp lý để hiểu rõ thỏa thuận tài trợ. Nếu bên nhận tài trợ xác nhận bằng văn bản họ đã nhận được tư vấn pháp lý trước khi ký kết thỏa thuận tài trợ, yêu cầu này được xem đã được đáp ứng.

Nghĩa vụ minh bạch: Pháp lệnh Trọng tài & Hòa giải cũng yêu cầu các bên phải gửi văn bản cho cơ quan trọng tài nhằm thông báo thỏa thuận tài trợ đã được ký kết (thể hiện rõ tên của nhà tài trợ) hoặc thông báo việc chấm dứt thỏa thuận tài trợ (kèm thời điểm chấm dứt thỏa thuận). Thông báo này phải được gửi vào ngày bắt đầu tố tụng trọng tài (nếu thỏa thuận tài trợ được ký trước ngày đó) hoặc 15 ngày kể từ khi thỏa thuận tài trợ được ký kết (nếu thỏa thuận tài trợ được ký sau ngày bắt đầu tố tụng trọng tài). Như vậy, các bên không có nghĩa vụ tiết lộ chi tiết nội dung thỏa thuận tài trợ trừ trường hợp các điều khoản của thỏa thuận tài trợ yêu cầu, hay có quyết định của cơ quan trọng tài hoặc theo quy định khác của pháp luật.

Singapore

Kể từ năm 2017, Singapore đã hợp pháp hóa cơ chế TPF thông qua Đạo luật Dân sự (The Civil Law Act), quy định này cho phép một bên nhận tài trợ TPF trong tố tụng trọng tài, hòa giải và tố tụng tại tòa án. Quyết định quan trọng này giúp Singapore củng cố vị trí trung tâm giải quyết tranh chấp quốc tế hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điển hình, Quy tắc Trọng tài đầu tư 2017 của Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) cho phép Hội đồng trọng tài có quyền ban hành quyết định tiết lộ sự tồn tại của thỏa thuận tài trợ mà một trong các bên của tố tụng trọng tài đã ký kết, tiết lộ thông tin của nhà tài trợ liên quan và lợi ích của nhà tài trợ từ kết quả vụ kiện trọng tài.

Ngày 31/3/2017, SIAC đã ban hành Quy chế hành nghề về Quy tắc ứng xử của Trọng tài (Practice Note on Arbitrator Conduct in Cases Involving External Funding) áp dụng cho những vụ kiện liên quan đến việc nhận tài trợ từ các bên thứ ba. Quy chế này bao gồm các hướng dẫn về tiêu chuẩn hành nghề và quy tắc ứng xử cho các trọng tài viên liên quan đến các vấn đề về độc lập và công bằng, tiết lộ và chi phí.

Theo Bộ Tư pháp Singapore, từ năm 2021, TPF sẽ được mở rộng sử dụng trong tố tụng trọng tài trong nước cũng như sử dụng trong một số thủ tục tố tụng nhất định tại Tòa án Thương mại quốc tế Singapore (SICC). Kể từ ngày 28/6/2021, Singapore sẽ mở rộng việc nhận tài trợ TPF trong các lĩnh vực mới như: tố tụng trọng tài trong nước, thủ tục tố tụng tại tòa án phát sinh từ hoặc liên quan đến tố tụng trọng tài trong nước, các vụ việc được SICC thụ lý và các kháng cáo đối với vụ việc đó, và thủ tục hòa giải liên quan đến các thủ tục nêu trên. Các luật sư Singapore và luật sư nước ngoài làm việc tại Singapore được phép giới thiệu, kết nối nhà tài trợ cho khách hàng của mình với điều kiện việc giới thiệu không trực tiếp mang lại cho họ bất kỳ lợi ích tài chính nào cho bản thân luật sư.

Tiêu chí để trở thành nhà tài trợ: Để được phép tham gia vào các hợp đồng TPF, nhà tài trợ phải đáp ứng được các tiêu chí: (i) phải thực hiện hoạt động kinh doanh (ở Singapore hoặc nơi khác), (ii) không phải là một trong các bên của vụ tranh chấp; và (iii) có cổ phần đã thanh toán hoặc “tài sản được quản lý” không dưới 5 triệu đô la Singapore hoặc giá trị tương đương.

Nghĩa vụ tiết lộ: Tương tự như Hồng Kông, Luật Luật sư 2015 (Quy tắc ứng xử nghề) (Legal Profession 2015 (Professional Conduct)) cũng yêu cầu các bên phải tiết lộ sự tồn tại của thỏa thuận TPF. Các luật sư cũng có nghĩa vụ phải tiết lộ cho tòa án hoặc hội đồng trọng tài và các bên tham gia tố tụng về sự tồn tại của bất kỳ thỏa thuận tài trợ nào cũng như danh tính và địa chỉ của nhà tài trợ. Việc tiết lộ phải được thực hiện vào ngày bắt đầu thủ tục giải quyết tranh chấp (nếu thỏa thuận tài trợ được ký kết trước ngày đó) hoặc sớm nhất có thể kể từ khi thỏa thuận tài trợ được ký kết (nếu thỏa thuận tài trợ được ký sau ngày bắt đầu thủ tục giải quyết tranh chấp).

Quy tắc ICC (2021) của Tòa án Trọng tài quốc tế (ICC)

Quy tắc Tố tụng bổ sung, sửa đổi của ICC (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) bổ sung các quy định mới với nỗ lực duy trì cơ chế trọng tài minh bạch thông qua việc bảo đảm sự độc lập và công bằng của Hội đồng trọng tài. Điển hình như quy định về tiết lộ những thỏa thuận TPF cho Tổng thư ký của ICC, Hội đồng trọng tài và các bên liên quan khác. Điều 11.7 của Quy tắc ICC 2021 quy định:

“Nhằm hỗ trợ các trọng tài viên (sẽ được chỉ định hoặc đã được chỉ định) trong việc tuân thủ nhiệm vụ của trọng tài viên đó tại Điều 11.2 và Điều 11.3, mỗi bên phải nhanh chóng thông báo Ban thư ký, Hội đồng trọng tài và các bên còn lại, sự tồn tại và danh tính của bất kỳ bên không liên quan nào đã xác lập một thỏa thuận về việc hỗ trợ tài chính cho các yêu cầu khởi kiện hoặc các yêu cầu tự bảo vệ và theo thỏa thuận đó, bên không liên quan đó có lợi ích kinh tế liên quan đến kết quả của tố tụng trọng tài”.

Việc thông báo về TPF là yêu cầu bắt buộc trong tố tụng trọng tài ICC, yêu cầu này bảo đảm nguyên tắc độc lập, khách quan của trọng tài viên (tại Điều 11.2 của Quy tắc ICC) và nguyên tắc thông báo khi phát hiện sự không độc lập khách quan (tại Điều 11.3 của Quy tắc ICC) của trọng tài viên được chỉ định.

Việc thông báo về TPF chỉ giới hạn ở “có hay không có sự tồn tại của TPF” và danh tính của nhà tài trợ TPF. Như vậy, các nội dung về tài chính, quyền và nghĩa vụ của các bên tại thỏa thuận TPF là các nội dung không buộc phải thông báo đến Hội đồng trọng tài và Ban thư ký của ICC. Quy định này bảo đảm tính cân bằng giữa việc tôn trọng sự tồn tại của TPF và sự ảnh hưởng của TPF tới tố tụng trọng tài, cũng như bảo đảm tính bảo mật đối với các vấn đề thương mại giữa các bên trong TPF.

Tiếp cận của Việt Nam đối với mô hình TPF

TPF trong hệ thống tố tụng tại tòa án (kinh tế, dân sự) Việt Nam

Tại Việt Nam, cơ chế TPF chưa được ghi nhận tại bất kỳ văn bản pháp luật nào. Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (Bộ luật TTDS), đương sự trong vụ án dân sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự được hiểu là người không tham gia với tư cách nguyên hay bị đơn trong vụ kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Những người liên quan có thể được tham gia tố tụng với tư cách là một bên đương sự, có quyền và nghĩa vụ tố tụng, có thể có yêu cầu độc lập đối với yêu cầu của nguyên đơn hoặc bị đơn trong vụ việc.

Xét về bản chất của cơ chế TPF (đơn thuần như tài trợ cho việc tố tụng kèm theo thỏa thuận về khoản lợi nhuận phân chia theo kết quả phân xử vụ kiện), có thể nhận thấy nhà tài trợ không phải người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng như đối tượng điều chỉnh của Bộ luật TTDS. Pháp luật tố tụng dân sự ghi nhận quyền tự do quyết định và tự định đoạt của đương sự về việc khởi kiện. Việc nguyên đơn nhận tài trợ từ một bên thứ ba để có được hậu thuẫn về tài chính, có điều kiện thuận lợi hơn để theo đuổi vụ kiện nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình có thể được xem là thỏa thuận dân sự giữa nhà tài trợ và bên nhận tài trợ. Thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ quyền tự do định đoạt, quyết định việc khởi kiện của bên nhận tài trợ.

Mặc dù pháp luật không có quy định cụ thể nhằm hạn chế một số hiện tượng có thể bị xem là hành vi tiêu cực gây ảnh hưởng hoạt động tư pháp, xét xử như “xui nguyên giục bị” phát sinh kiện tụng, khiếu nại kéo dài... Tuy nhiên, Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (ban hành ngày 13/12/2019) yêu cầu luật sư có nghĩa vụ khuyến nghị khách hàng tránh  việc khiếu nại, tố cáo trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội. Như vậy, nghĩa vụ khuyến nghị nói trên áp dụng cho đối tượng cụ thể là luật sư, áp dụng trong trường hợp luật sư nhận thấy việc khiếu nại tố cáo là trái pháp luật. Do đó, có thể hiểu rằng nghĩa vụ này không ảnh hưởng đến quyền định đoạt tuyệt đối của đương sự, không ngăn cản hay hạn chế việc một bên thứ ba tài cấp tài chính cho đương sự.

Tuy nhiên, Bộ luật TTDS yêu cầu mọi cam kết, thỏa thuận giữa các bên phải tuân thủ điều kiện không vi phạm điều cấm của luật, cũng như không trái đạo đức xã hội. Do đó, việc triển khai mô hình TPF tại Việt Nam có rủi ro nhất định. Cụ thể, việc nhận hỗ trợ tài chính từ một bên thứ ba để tiến hành khởi kiện, cũng như việc cấp tài chính cho đương sự để kiện chống lại một bên khác có thể bị xem là “trái đạo đức xã hội” do có yếu tố trục lợi hoặc bị xem là có mục đích hạ bệ, cạnh tranh không lành mạnh bên còn lại trong vụ tranh chấp. Việc nhận tài chính để theo đuổi vụ kiện cũng có thể được nhìn nhận như tác nhân thúc đẩy chính, tác động đáng kể đến ý chí, động cơ của đương sự, nhằm mục đích gây xáo trộn an ninh, trật tự xã hội. Do đó, cơ chế TPF có khả năng khó được thừa nhận chính thức, vì có thể gây hiệu ứng tiêu cực về mặt xã hội, đe dọa trật tự công cộng, đạo đức xã hội như đã đề cập.

Bối cảnh thực thi cam kết quốc tế

Trong bối cảnh hệ thống pháp luật nội địa của Việt Nam chưa có cơ chế pháp lý cho mô hình TPF, tại một số hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên có ghi nhận một số nội dung liên quan đến TPF. Điển hình là Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - châu Âu (EVIPA) - hiệp định thương mại đầu tư đa phương được ký kết nhằm bảo vệ các nhà đầu tư của các nước thuộc Liên minh châu Âu và các khoản đầu tư của họ trên lãnh thổ Việt Nam và ngược lại. Ngoài cam kết về các nguyên tắc cơ bản như nhà đầu tư và các khoản đầu tư phải được đối xử công bằng và bình đẳng, EVIPA cũng quy định các thủ tục giải quyết tranh chấp và giới thiệu về mô hình TPF:

“Điều 3.37 - Tài trợ từ bên thứ ba

1. Đối với tài trợ từ bên thứ ba, bên tranh chấp nhận tài trợ phải thông báo đến bên tranh chấp còn lại và hội đồng cấp sơ thẩm hoặc chủ tịch cấp sơ thẩm, nếu hội đồng cấp sơ thẩm không được thành lập, về sự hiện hữu và bản chất của thỏa thuận tài trợ, tên và địa chỉ của bên thứ ba tài trợ. 

2. Thông báo này phải được gửi cùng lúc với việc nộp đơn khiếu kiện, hoặc khi thỏa thuận tài trợ được ký kết hoặc sự kêu gọi quyên góp hoặc viện trợ không hoàn lại được thực hiện nếu thỏa thuận được ký kết hoặc quyên góp, viện trợ đó được thực hiện sau khi đệ trình khiếu kiện.

3. Khi áp dụng Điều 3.48 (Biện pháp bảo đảm chi phí), cấp sơ thẩm phải xem xét xem có tài trợ từ bên thứ ba không. Khi quyết định chi phí tố tụng căn cứ khoản 4 Điều 3.53 (Phán quyết sơ bộ), cấp sơ thẩm phải xem xét xem các yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có được đáp ứng không”.

Tuy nhiên, EVIPA chỉ đưa ra các điều khoản quy định:

- Nghĩa vụ tiết lộ: về sự tồn tại của TPF trong một vụ việc bất kỳ. Cụ thể, bên nhận tài trợ sẽ có nghĩa vụ gửi thông báo cho chánh án hoặc hội đồng xét xử kèm theo các thông tin xác nhận sự tồn tại của thỏa thuận tài trợ (Chương 3, mục B, tiểu mục 3, Điều 3.37.1, EVIPA).

- Nội dung cần tiết lộ: (i) xác nhận sự tồn tại và bản chất của thỏa thuận tài trợ; và (ii) tên và địa chỉ của nhà tài trợ.

- Thời điểm gửi thông báo: thông báo phải được gửi kèm yêu cầu khởi kiện (nếu yêu cầu khởi kiện chưa được gửi đi tại thời điểm ký kết thỏa thuận tài trợ), hoặc gửi ngay sau khi thỏa thuận được ký (nếu yêu cầu khởi kiện đã được gửi đi trước đó).

Đối với CPTPP, mặc dù không được quy định rõ ràng, tuy nhiên Hiệp định này cho phép các bên thỏa thuận về quy tắc và trung tâm trọng tài nên quy định về TPF có thể sẽ được điều chỉnh căn cứ vào thỏa thuận của các bên.

Ưu điểm: Nhìn chung, việc áp dụng mô hình TPF theo EVIPA có thể đáp ứng được một số nhu cầu thực tế của các bên liên quan như:

- Cung cấp hỗ trợ về chi phí pháp lý, nhất là trong trường hợp thủ tục tố tụng kéo dài. Nếu bên khởi kiện không có đủ nguồn lực tài chính để theo đuổi vụ kiện đến khi đạt được kết quả chung thẩm, việc nhận các khoản tài trợ TPF có thể là lựa chọn duy nhất mà họ có.

- Đánh giá đối với khả năng của bên nhận tài trợ: vì các nhà tài trợ quan tâm đến mối tương quan giữa khoản tiền ứng trước cho các chi phí tố tụng, chi phí pháp lý so với khoản tiền có thể được hưởng theo phán quyết, cho nên thông thường các nhà tài trợ sẽ tiến hành đánh giá khả năng thắng kiện của các bên. Quá trình phân tích này thường mất nhiều thời gian vì các nhà tài trợ sẽ tự mình phân tích hoặc thuê các hãng luật tiến hành phân tích vụ việc, phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tài trợ của họ. Trong một số trường hợp, những phân tích và đánh giá này sẽ được nhà tài trợ chủ động tiết lộ cho bên nhận tài trợ như một thành ý trong việc tài trợ. Bên nhận tài trợ có thể sẽ không cần trả phí nhưng vẫn nhận được những thông tin quan trọng, có giá trị và đáng tin cậy này. 

Hạn chế: Các quy định điều chỉnh vấn đề liên quan đến TPF ở Việt Nam chưa được xây dựng đầy đủ và vẫn còn những hạn chế nhất định như:

- Việc thiếu các điều khoản cụ thể quy định và điều chỉnh các vấn đề xoay quanh TPF khiến các bên - gồm nhà tài trợ, bên nhận tài trợ và bên đối lập của họ trong quá trình tố tụng phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp và tốn kém thời gian để xác lập thỏa thuận.

- Do chưa có quy định cụ thể, bên cần nhận tài trợ có thể sẽ phải tự thực hiện thẩm định đối với nhà tài trợ của mình (chẳng hạn đánh giá việc liệu nhà tài trợ có đủ năng lực tài chính để cấp tài chính cho việc theo đuổi vụ kiện) và thương lượng thỏa thuận tài trợ với sự cẩn trọng (vì thỏa thuận tài trợ có thể là cơ sở pháp lý duy nhất điều chỉnh mối quan hệ trong mô hình TPF).

- Các bên có thể vừa tham gia vào quá trình xử lý tranh chấp, vừa tốn thêm các gánh nặng phát sinh từ nhu cầu tìm kiếm tài trợ, thẩm định năng lực nhà tài trợ, thương thảo với các bên liên quan cũng như các chi phí phát sinh trong quá trình chuẩn bị, thực hiện thỏa thuận tài trợ.

Mô hình TPF ở Việt Nam

Chi phí pháp lý cho các vụ kiện, tranh tụng kéo dài gây trở ngại cho doanh nghiệp trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp pháp lý hữu hiệu khi phát sinh tranh chấp. Việc thiếu các quy định cụ thể về cơ chế TPF sẽ gây trở ngại lớn trong việc áp dụng mô hình này vào thực tế, tăng gánh nặng tài chính cho các đương sự. Để bắt kịp xu hướng quốc tế cũng như đáp ứng nhu cầu của các bên tham gia tranh chấp, việc xây dựng hoàn thiện các quy định liên quan đến TPF trong khoảng thời gian sắp tới là điều rất cần thiết. Việt Nam cần nghiên cứu hoàn thiện quy định để triển khai mô hình TPF tại Việt Nam theo các cách tiếp cận như:

Thứ nhất, cần bổ sung các quy định về nghĩa vụ cụ thể của luật sư (chẳng hạn, luật sư có được kết nối nhà tài trợ cho thân chủ của mình hoặc luật sư có được tiết lộ thông tin của nhà tài trợ hay không) vì luật sư có mối liên hệ chặt chẽ với khách hàng và bên nhận tài trợ.

Thứ hai, quy định về điều kiện đối với nhà tài trợ và bên nhận tài trợ. Mô hình TPF tại Hiệp định EVIPA chỉ quy định nghĩa vụ của các bên khi tồn tại việc nhận tài trợ của bên thứ ba nhưng lại chưa đặt ra các tiêu chuẩn đối với các bên để thực hiện việc tài trợ hoặc nhận tài trợ (ví dụ, luật Singapore quy định các tiêu chí để một bên trở thành nhà tài trợ trong đó có điều kiện về mức vốn pháp định), các tiêu chuẩn này cần được cụ thể hóa tương tự các tiêu chuẩn để thành lập công ty (gồm các điều kiện cụ thể, ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ…). Việc đưa ra các tiêu chuẩn này có thể giúp các bên tránh khỏi một số rủi ro, đặc biệt là giúp bên nhận tài trợ an tâm hơn về khả năng hỗ trợ của nhà tài trợ này cũng như tránh được rủi ro ký kết thỏa thuận với nhà tài trợ không có năng lực thực hiện TPF.

Thứ ba, quy định về cơ quan giám sát TPF: đề xuất này xuất phát từ thực tế là mô hình TPF tại nhiều quốc gia chưa có quy định về cơ quan giám sát. Việc quy định một cơ quan hay phòng ban có chức năng giám sát chuyên biệt có thể giúp Nhà nước quản lý mô hình TPF tốt hơn, đồng thời cơ quan này cũng có thể cung cấp thông tin hỗ trợ hoặc kết nối các bên có nhu cầu cung cấp và nhận tài trợ.

Thứ tư, cần thiết nội luật hóa một số cam kết quốc tế của Việt Nam theo các hiệp định bảo hộ đầu tư liên quan cơ chế TPF, mà cụ thể là bổ sung, sửa đổi một số đạo luật như Luật Luật sư, Bộ luật TTDS, Luật Trọng tài thương mại và quy tắc tố tụng của các trung tâm trọng tài thương mại như VIAC (chẳng hạn theo hướng tiếp cận của Quy tắc ICC 2021, Điều 11.7). Theo đó, cần bổ sung quy định yêu cầu các bên có nghĩa vụ công bố sự tồn tại của thỏa thuận TPF, đồng thời tiết lộ danh tính của các bên tham gia thỏa thuận TPF, nâng cao tính minh bạch của thỏa thuận này. Luật cũng cần mở rộng thẩm quyền của hội đồng trọng tài, theo đó có các biện pháp ngăn chặn xung đột lợi ích có thể phát sinh từ việc một bên thứ ba tham gia vào vụ việc tranh chấp, cụ thể là sự tham gia của bên tài trợ thông qua việc cấp chi phí tố tụng.

(1) Học thuyết “Maintenance and Champerty” là học thuyết phổ biến tại các nước theo thông luật, trong đó: Maintenance là việc một bên không liên quan tiếp tay, chống lại, ủng hộ hay khuyến khích một bên trong một vụ kiện; Champerty là sự hỗ trợ tài chính bởi một bên không liên quan đến vụ kiện, nhằm giúp nguyên đơn thực hiện tố tụng, và nếu thắng kiện, nguyên đơn sẽ trả cho họ một phần tiền thu được từ vụ kiện.

Tài liệu tham khảo:

1. S. SEIDEL, “Third Party Capital Funding Of International Arbitration Claims: An Awakening And A Future”, Financier Worldwide July 2012.

2. W. Park, C. Rogers, Third-Party Funding in International Arbitration: The ICCA Queen-Mary Task Force, “The Pennsylvania State University The Dickinson School Of Law, Legal Studies Research Paper” 2014, No. 42, [online] http://ssrn.com/ abstract=2507461.

3.HCMP 2728/2017; [2020] HKCFI 493 https://www.doj.gov.hk/en/notable_judgments/pdf/HCMP_2728_2017e.pdf.

4. Steinitz, 2019.

5.https://monitormag.ca/articles/third-party-funding-of-investor-state-disputes-at-what-cost#:~:text=Third%2Dparty%20funding%20is%20a,in%20favour%20of%20the%20investor.

6.https://www.ashurst.com/en/news-and-insights/legal-updates/quickguide---third-party-funding-in-international-arbitration/.

Tiến sĩ CHÂU HUY QUANG

Luật sư điều hành Công ty Luật Rajah & Tann LCT

Thành viên Tòa án trọng tài ICC Việt Nam; Trọng tài viên VIAC

Bàn về người đại diện của cá nhân trong tố tụng hình sự