Tìm hiểu nguyên tắc bỏ phiếu theo quy định của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân

14/05/2021 07:33 | 3 năm trước

(LSVN) - Bầu cử Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 – 2026 là ngày hội lớn của đất nước, là quyền và nghĩa vụ của mỗi cử tri sáng suốt lựa chọn những đại biểu đủ đức, đủ tài đại diện cho nhân dân cả nước vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Để đảm bảo cho việc bầu cử diễn ra Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã có quy định về nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu cụ thể.

Cụ thể, mỗi cử tri khi đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

Thứ nhất, mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân. Đây là nguyên tắc căn bản mỗi cử tri khi đi bầu cử được phát hai phiếu một phiếu bầu cử quốc hội và một phiếu bầu cử Hội đồng nhân dân.

Lưu ý cần đọc kỹ các thông tin trên phiếu bầu cử nếu chưa hiểu hoặc có sự nhầm lẫn thì cần đề nghị cán bộ hoặc người phụ trách khu vực bỏ phiếu giải thích.

Thứ hai, cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định tại nguyên tắc thứ ba và thứ tư; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri. 

Mỗi cử tri được phát thẻ cử tri, khi đi bầu cử cần mang theo thẻ và xuất trình cho người có thẩm quyền tại khu vực bầu cử. đồng thời, bầu cử là quyền của cử trì và về nguyên tắc cử tri không được ủy quyền hoặc để người khác bầu thay mình trừ các trường hợp khác được quy định.

Thứ ba, cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Đây là trường hợp được nhờ người khác bầu cử.

Thứ tư, trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. 

Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đây cũng là trường hợp được nhờ người khác bầu cử.

Nguyên tắc thứ ba và thứ tư là các trường hợp mà cử tri gặp khó khăn trong quá trình bầu cử và để đảm bảo tối đa quyền cử tri thì được nhờ người khác bầu cử thay tuy nhiên việc bầu cử thay này phải phụ thuộc vào ý chí của chính cử tri.

Thứ năm, khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử. Đây là nguyên tắc quan trọng nhằm đảm bảo tính bí mật của phiếu bầu mà các cử tri cần lưu ý.

Thứ sáu, nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.

Khi có yêu cầu đổi phiếu bầu cử tri cần liên hệ với tổ bầu cử để được nhận phiếu bầu cử khác và phải trả lại cho tổ bầu cử phiếu hỏng.

Thứ bảy, khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri. Nguyên tắc này nhằm xác nhận việc cử tri đã tham gia bầu cử tránh việc một cử tri bỏ phiếu nhiều lần, đảm bảo đúng nguyên tắc bầu cử.

Thứ tám, mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.

Trước khi vào bỏ phiếu cử tri cần đọc kỹ các nội dung về nội quy phòng bỏ phiếu và nếu nội dung không hiểu có thể yêu cầu thành viên phụ trách khu vực bỏ phiếu giải thích.

Để góp phần vào thành công của công tác bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân bên cạnh các nguyên tắc này thì các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể cho các cử tri để họ hiểu và nắm vững các quy định, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước./.

TRẦN VĂN HÙNG

THẨM PHÁN TÒA ÁN QUÂN SỰ KHU VỰC QUÂN KHU 4

Không khai báo y tế làm lây lan dịch bệnh cho nhiều người bệnh nhân 3092 ở Thường Tín có bị khởi tố hình sự?