Tìm hiểu về tội 'Hủy hoại rừng'

10/09/2023 00:17 | 8 tháng trước

(LSVN) - Hủy hoại rừng là hành vi đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng làm cho rừng mất hoàn toàn giá trị hoặc giảm giá trị đáng kể.

Ảnh minh họa.

Tội "Hủy hoại rừng" được quy định tại Điều 243, Bộ luật Hình sự năm 2015. Trước đây, tội phạm này đã được quy định tại Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 1999. So với Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999, thì Điều 243, Bộ luật Hình sự năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung như sau:

- Điều 243, Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với người phạm tội cũng được cấu thành thành 04 khoản. Tuy nhiên, về các tình tiết phạm tội thì Điều 243, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định chi tiết hơn.

- Bãi bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 của điều luật, mà thay bằng các tình tiết: gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích; thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới
60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

- Đối với trường hợp rừng bị thiệt hại tính được bằng diện tích được quy định cụ thể như sau:

+ Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000m2 đến dưới
50.000m2;

+ Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000m2 đến dưới 10.000m2;

+ Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000m2 đến dưới 7.000m2;

+ Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000m2 đến dưới 3.000m2;

Trường hợp diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ và e, khoản 1 của điều luật thì người hoặc pháp nhân thương mại phải đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 243, Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về tội "Hủy hoại rừng", chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì mới cấu thành tội "Hủy hoại rừng".

- Bãi bỏ tình tiết “diện tích rừng rất lớn” và tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng” quy định tại điểm c và điểm đ, khoản 2, Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 1999, mà thay bằng các tình tiết:

+ Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 50.000m2 đến dưới 100.000m2;

+ Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000m2 đến dưới 50.000m2;

+ Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000m2 đến dưới 10.000m2;

+ Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000m2 đến dưới 5.000m2;

+ Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

+ Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

- Bãi bỏ các tình tiết: diện tích rừng đặc biệt lớn; rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm a, b và c khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999 mà thay bằng các tình tiết:

+ Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích 100.000m2 trở lên;

+ Rừng sản xuất có diện tích 50.000m2 trở lên;

+ Rừng phòng hộ có diện tích 10.000m2 trở lên;

+ Rừng đặc dụng có diện tích 5.000m2 trở lên;

+ Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

+ Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.

- Về hình phạt chính đối với người phạm tội, khoản 1, Điều 243, Bộ luật Hình sự năm 2015 tăng mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, so với từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng quy định tại khoản 1, Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 1999; tăng mức phạt tù thấp nhất lên 01 năm so với 06 tháng quy định tại khoản 1, Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 1999; giảm mức phạt tù so với khoản 2, Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 1999 từ 03 năm đến 10 năm xuống còn từ 03 năm đến 07 năm quy định tại khoản 2 của điều luật.

- Về hình phạt bổ sung, khoản 4 của điều luật tăng mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, thay vì từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng như quy định tại khoản 3, Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 1999.

- Đặc biệt, pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội "Hủy hoại rừng", được quy định tại khoản 5 của điều luật.

Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

a)  Đối với người phạm tội

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần những người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này. Còn người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải là chủ thể của tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12, Bộ luật Hình sự, thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này (không có Điều 243).

b) Đối với pháp nhân thương mại Ngoài người phạm tội (thể nhân), pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội phạm này với điều kiện:

Phải là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên, bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện: được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan; có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Dân sự năm 2015; có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm

Tội "Hủy hoại rừng" xâm phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và các sản phẩm của rừng. Đối tượng tác động của tội phạm này là rừng các loại, kể cả cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng; rừng sản xuất; rừng phòng hộ; rừng đặc dụng; lâm sản bị thiệt hại không tính được bằng diện tích; thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA đều là đối tượng tác động của tội "Hủy hoại rừng".

Với quy định như vậy, việc xác định đối tượng tác động của tội phạm này tránh được tình trạng có ý kiến khác nhau khi xác định hành vi phạm tội "Hủy hoại rừng" như quy định tại Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Về tên gọi của rừng, có thể có cách gọi khác nhau nhưng được chia thành 03 loại chính, đó là:

Rừng phòng hộ, được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm: rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển và rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.

Rừng đặc dụng, được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm: vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên gồm khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan gồm: khu rừng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học.

Rừng sản xuất, được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm: rừng sản xuất là rừng tự nhiên; rừng sản xuất là rừng trồng và rừng giống, gồm: rừng trồng và rừng tự nhiên.

Rừng là tài nguyên quý báu của đất nước, có khả năng tái tạo, là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, có giá trị to lớn đối với nền kinh tế quốc dân, gắn liền với đời sống của nhân dân và sự sống của dân tộc. Vì vậy, mọi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ rừng(1).

Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm

a)    Hành vi khách quan

Người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi khách quan của tội hủy hoại rừng được biểu hiện bằng hành động như: đốt, chặt phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác làm cho rừng mất hoàn toàn giá trị hoặc giảm giá trị đáng kể.

- Hành vi đốt rừng trái phép là hành vi dùng lửa hoặc hóa chất làm cho rừng bị cháy như: đốt rừng để lấy đất trồng cây, làm nương rẫy;

đốt rừng để săn bắt động vật, đốt rừng để lấy mật ong...

-  Hành vi phá rừng trái phép là hành vi chặt cây rừng, nhổ cây mới trồng nhưng chưa thành rừng như cây đước mới trồng ven biển, dùng chất nổ để khai thác lâm sản trong rừng…

-  Hành vi khác hủy hoại rừng trái phép là ngoài hành vi đốt hoặc phá rừng, người phạm tội có những hành vi như dùng chất độc, chất hóa học nhằm làm cho cây rừng bị chết…

Hành vi đốt, phá rừng hoặc hành vi khác hủy hoại rừng không chỉ đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, kể cả rừng đã được giao cho hộ dân để chăm bón. Ví dụ: Gia đình ông Vũ Văn A. được giao 05hecta rừng để chăm sóc, nhưng ông A. cho rằng các cây rừng được giao đã cằn cỗi nên đã tự ý chặt phá rồi trồng cây keo tai tượng trên diện tích đất rừng được giao, hành vi này của ông A. vẫn là hành vi hủy hoại rừng. Tuy nhiên, nếu ông A. đã xin xép cơ quan có thẩm quyền và được cơ quan có thẩm quyền cho phép chặt phá cây rừng để trồng cây khác có năng suất cao hơn thì hành vi chặt phá rừng của ông A. không phải là hành vi hủy hoại rừng.

Hành vi hủy hoại rừng chỉ cấu thành tội phạm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000m2 đến dưới 50.000m2;

- Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000m2 đến dưới 10.000m2;

- Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000m2 đến dưới 7.000m2;

- Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000m2 đến dưới 3.000m2;

- Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

- Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

Nếu diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định nêu trên, thì người hoặc pháp nhân thương mại phải đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 243, Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về tội hủy hoại rừng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì mới cấu thành tội "Hủy hoại rừng".

b) Hậu quả của tội phạm

Hậu quả của tội hủy hoại rừng vừa là dấu hiệu bắt buộc, vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc tùy thuộc vào quy định tại khoản 1 của điều luật.
Là dấu hiệu bắt buộc   nếu gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm.

Không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu hành vi phá hủy cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000m2 trở lên; rừng sản xuất có diện tích từ

5.000m2 trở lên; rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000m2 trở lên; rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 m2 trở lên; thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, là hành vi đã cấu thành tội phạm.

c) Các dấu hiệu khách quan khác của tội phạm

Ngoài hành vi khách quan và hậu quả của tội phạm thì nhà làm luật còn quy định: diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định từ điểm a đến điểm e khoản 1 của điều luật, thì phải đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều luật hoặc đã bị kết án về tội hủy hoại rừng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì hành vi mới cấu thành tội phạm.

Ngoài ra, khi xác định dấu hiệu khách quan của tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần đối chiếu với các quy định của Luật Bảo vệ rừng và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của các bộ ngành về bảo vệ rừng cũng như hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hoặc các án lệ về tội "Hủy hoại rừng".

Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm Người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi hủy hoại rừng là do cố ý, tức là người hoặc pháp nhân thương mại nhận rõ hành vi hủy hoại rừng bị cấm nhưng vẫn thực hiện, thấy trước hậu quả của hành vi hủy hoại rừng và mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi hủy hoại rừng có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi hủy hoại rừng chủ yếu vì động cơ vụ lợi. 

(1) Xem Chương IV Luật Lâm nghiệp quy định các nội dung về bảo vệ rừng, trong đó quy định trách nhiệm bảo vệ rừng

Ths. Luật sư ĐINH VĂN QUẾ

Nguyên Chánh Tòa án Hình sự, TAND Tối cao

Hoàn thiện quy định về định giá tài sản trong tố tụng hình sự