Tội 'Công nhiên chiếm đoạt tài sản' và 'Trộm cắp tài sản': Xác định tội danh từ lý luận đến thực tiễn áp dụng

07/10/2023 01:59 | 7 tháng trước

(LSVN) - Tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản" và "Trộm cắp tài sản", hai tội danh này đều nằm trong nhóm tội xâm phạm sở hữu và đều có mục đích là nhằm chiếm đoạt trái phép tài sản của người khác, tuy nhiên thủ đoạn để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản lại khác nhau. Với tội "Trộm cắp tài sản" phải có hành vi lén lút; tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản" không cần có hành vi lén lút.

Ảnh minh họa.

Để định tội danh chính xác ngoài mặt khách quan, chủ quan của tội phạm trong nhóm tội xâm phạm sở hữu, cần phải phân biệt được thời điểm hoàn thành tội phạm được quy định của mỗi tội danh. Ví dụ, thời điểm hoàn thành của tội "Trộm cắp tài sản" phải thỏa mãn dấu hiệu tội phạm là phải dịch chuyển tài sản thoát ra khỏi sự quản lý của chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp tài sản; tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản" hoàn thành khi tội phạm dịch chuyển tài sản một cách công khai trong khi người quản lý hợp pháp tài sản vẫn trong phạm vi quản lý của mình nhưng không có điều kiện để ngăn chặn hoặc lấy lại được tài sản... 

Về mặt lý luận

Tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản" (Điều 172, Bộ luật Hình sự)

Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản gồm có các đặc điểm sau:

- Hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội thực hiện khi chủ quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu về tài sản do hoàn cảnh khách quan mà không thể bảo vệ được tài sản của mình hoặc không ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội;

- Hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội thực hiện khi chủ quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu về tài sản do hoàn cảnh khách quan mà không thể bảo vệ được tài sản của mình hoặc không ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội;

- Người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai;

- Sau khi chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội có thể có thêm hành vi nhanh chóng tẩu thoát. Mặc dù hành vi này không bắt buộc phải có nhưng có thể xảy ra.

Do đặc điểm của tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản", nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là "chiếm đoạt", nhưng chiếm đoạt bằng hình thức công khai, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý hợp pháp tài sản hoặc lợi dụng hoàn cảnh khách quan khác như: thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh... Qua thực tiễn áp dụng pháp luật, chúng ta có thể thấy một số trường hợp công nhiên chiếm đoạt tài sản sau:

- Người phạm tội lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ;

- Người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khách quan như: thiên tai, hỏa hoạn, bị tai nạn, đang có chiến sự để chiếm đoạt tài sản. Những hoàn cảnh cụ thể này không do người có tài sản gây ra mà do hoàn cảnh khách quan làm cho họ lâm vào tình trạng không thể bảo vệ được tài sản của mình, nhìn thấy người phạm tội lấy tài sản mà không làm gì được.

Ví dụ 1: H. để hàng hóa bên này một con sông và đang chuyển hàng hóa qua bên kia sông theo từng chuyến. Khi H. vừa qua bên kia sông thì T. ở bên này sông thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của H. một cách công khai mà H không thể ngăn cản kịp, sau đó T. cũng nhanh chóng chuồn ngay kẻo sợ H. kịp vượt qua sông bắt giữ.

Ví dụ 2: D. đang trèo lên trên cao một cột điện để sửa điện thì G ở dưới chân cột điện thực hiện hành vi chiếm đoạt chiếc xe máy của D. một cách công khai, G vừa điều khiển xe của D chạy vừa vẫy tay chào D. mà D. không thể ngăn cản được, nhưng G. cũng nhanh chóng lên xe máy chuồn ngay vì nếu không D. sẽ kịp tụt xuống khỏi cột điện và bắt giữ G.

Ví dụ 3: P. là một thanh niên to khỏe và hay bắt nạt kẻ yếu, P. thấy C. là một thanh niên gầy yếu và nhút nhát nên ngang nhiên chiếm đoạt chiếc vé số đã trúng thưởng của C trị giá 10.000.000 đồng, P. không dùng vũ lực và cũng không đe dọa dùng vũ lực đối với C. nhưng C. vẫn không dám chóng đối mà chỉ đứng nhìn P. và sau đó đi báo Công an. 

Cả ba ví dụ trên đều phạm vào tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản", nhưng các hành vi phạm tội biểu hiện đều khác nhau.

Tội "Trộm cắp tài sản" (Điều 173, Bộ luật Hình sự)

Điều 173, Bộ luật Hình sự không miêu tả dấu hiệu của tội "Trộm cắp tài sản", nhưng qua thực tiễn áp dụng pháp luật thì trộm cắp tài sản được hiểu là hành vi lén lút, bí mật chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác hay người quản lý hợp pháp tài sản thành tài sản của mình.

Trên thực tế, hành vi này làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý hợp pháp tài sản không thể thực hiện được các quyền năng (gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt hay quản lý) đối với tài sản của họ hoặc được giao quản lý, đồng thời những quyền này lại thuộc về người phạm tội và người này có thể thực hiện được các quyền này một cách trái pháp luật. Đặc trưng của hành vi chiếm đoạt được thực hiện (hành động) một cách lén lút, bí mật. Việc lén lút, bí mật là nhằm để che giấu hành vi phạm tội để chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản không biết việc chiếm đoạt đó.

Thực tiễn xét xử

Thực tiễn xét xử cho thấy hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, có trường hợp rất dễ bị nhầm lẫn với các tội "Trộm cắp tài sản" hoặc "Chiếm giữ trái phép tài sản", nhưng lại chiếm đoạt sau khi đã thực hiện hành vi phạm tội khác. Đây cũng là loại hành vi mà nhiều người lầm tưởng đó là hành vi cướp tài sản vì nó được thực hiện sau khi đã thực hiện hành vi dùng vũ lực.

Tính chất công khai trắng trợn tuy không phải là hành vi khách quan, nhưng lại là một đặc điểm cơ bản, đặc trưng đối với tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản". Đây là dấu hiệu chủ yếu để phân biệt tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản" với tội "Trộm cắp tài sản", nếu chiếm đoạt tài sản một cách lén lút mà người quản lý tài sản không biết thì là hành vi trộm cắp. Công nhiên chiếm đoạt tài sản trước hết là công nhiên với chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản, sau đó là công nhiên với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, đối với người xung quanh, người phạm tội có thể có những thủ đoạn gian dối, lén lút để tiếp cận tài sản, nhưng khi chiếm đoạt, người phạm tội vẫn công khai, trắng trợn.

Thực tiễn cần trao đổi

Qua một số vụ án cụ thể, tác giả có một số quan điểm cần trao đổi như sau:

Vụ thứ nhất: Khoảng 12 giờ ngày 27/5/2020, bị cáo K.M.L. đi bộ 01 mình về hướng xã O, huyện R., tỉnh Bình Dương để chơi. Khi đi ngang quán B. thuộc ấp H., xã O., huyện R., tỉnh BD. do ông T.Q.B. làm chủ thì nhìn thấy 01 xe mô tô biển số 61H1 – 296.12 của ông B. đang dựng trước nhà, có sẵn chìa khóa trên ổ khóa, không có người trông coi nên nảy sinh ý định lấy trộm xe mô tô trên để làm phương tiện đi lại. Với ý định đó, bị cáo quan sát xung quanh thấy bà P.T.H.T. đang nằm ngủ ở võng nên đi lại gần xe mô tô, dắt xe từ trong sân ra ngoài đường rồi khởi động máy bỏ chạy theo đường ĐT749B hướng đi huyện G., tỉnh BP. Lúc này, bà P.T.H.T. phát hiện và truy hô thì ông T.M.P. đuổi theo nhưng không kịp. Cùng ngày, ông T.Q.B. trình báo Công an xã O. Sau khi lấy được xe mô tô, bị cáo điều khiển xe mô tô đi huyện G., tỉnh BP. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, bị cáo chạy xe mô tô trên về nhà tại ấp K., xã E., huyện R.f cất giấu và đi ngủ. Đến khoảng 10 giờ ngày 28/5/2020, bị cáo bị Công an xã O. mời về trụ sở làm việc.

Vụ án trên, bị cáo K.M.L. đã có ý định chiếm đoạt chiếc xe mô tô của ông B. Tuy chiếc xe được dựng trong sân trước nhà, trên xe có chìa khóa. Có thể hiểu, chiếc xe được để tự nhiên gần sát đường ĐT749B (là nơi công cộng nhiều người đi lại), nhưng lúc này không có ai trông coi. Bị cáo L. đã lợi dụng việc này việc này mà dắt chiếc xe bỏ chạy. Việc bà T. nằm ngủ trên võng gần đó phát hiện, truy hô và đuổi theo nhưng không kịp, không làm ảnh hưởng đến hậu quả của sự việc. Hành vi chiếm đoạt chiếc xe mô tô của bị cáo L. đã hoàn thành kể từ thời điểm dắt chiếc xe ra khỏi sân nhà ông B. Hành vi của bị cáo L. đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”.

Vụ thứ 2: Khoảng 15 giờ 30 phút, ngày 31/3/2020, bị hại L.V.S. điều khiển xe mô tô nhãn hiệu YS đến quán cà phê “Nhiệt Đới” thuộc ấp Q., xã E., huyện R., tỉnh BD. do ông Đ.T.A. làm chủ. Đến nơi, ông S. dừng xe mô tô cách chòi lá khoảng 05 mét, rút chìa khóa xe và đi vào chòi lá ngồi võng để uống nước cùng với ông A. Khoảng 16 giờ, bị cáo K.M.L. đi bộ đến quán cà phê và nhờ ông A. chở về nhà. Bị cáo thấy ông A. và ông S. đang ngồi võng trong chòi lá nên đi vào và nhờ ông A. chở về nhà. Ông A. nói ông S. chở bị cáo về dùm thì ông S. đồng ý. Ông S. đi ra và cắm chìa khóa vào ổ khóa xe mô tô thì bị cáo tìm lý do nói với ông S. vào uống nước rồi về và kêu ông A. bán cho bị cáo 01 chai nước ngọt. Ông A. vào quầy nước lấy cho bị cáo 01 chai nước ngọt. Thấy vậy, ông S. đi vào chòi lá ngồi ở võng và không rút chìa khóa xe. Bị cáo, ông S. và ông A. ngồi chung 01 chòi lá. Khoảng 02 phút sau, bị cáo đi vệ sinh. Khi quay lại chòi lá, bị cáo thấy chìa khóa cắm sẵn trên xe. Bị cáo nhìn vào chòi lá thấy ông S. và ông A. đang ngồi sử dụng điện thoại nên nảy sinh ý định chiếm đoạt xe mô tô để sử dụng làm phương tiện đi lại. Với ý định đó, bị cáo ngồi lên xe mô tô. Lúc này, ông S. nhìn thấy bị cáo ngồi lên xe mô tô nên nghĩ bị cáo chở ông S. về nhà bị cáo. Cùng lúc này, bị cáo dùng chân phải đạp nổ máy và điều khiển xe mô tô bỏ chạy vòng cổng sau quán cà phê. Ông S. và ông A. la lên và không kịp đuổi theo. Bị cáo điều khiển xe mô tô về hướng huyện G., tỉnh BP. Sau đó, ông S. đến Cơ quan Công an trình báo sự việc. Sáng ngày hôm sau, bị cáo điều khiển xe mô tô về nhà thì bị Công an xã E., huyện R. mời đến làm việc.

Qua nội dung vụ án, hành vi của bị cáo K.M.L lợi dụng việc ông A. nhờ ông S. chở bị cáo về nhà. Lợi dụng chiếc xe được dựng trước chòi lá, ông S. và ông A. đang ngồi và trực tiếp nhìn thấy chiếc xe (đang quản lý chiếc xe), bị cáo đã ngồi lên xe,lúc này ông A. và ông S. đều nhìn thấy nhưng nghĩ bị cáo chuẩn bị chở ông S. về, nên không nói gì. Cả hai chỉ phản ứng khi S. đã nổ máy xe và bỏ chạy. Hành vi của bị cáo đã phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Vụ án thứ 3: Ngày 18/4/ 2020, N.V.H. và T.T.K. cùng đi trên chuyến tàu từ TP. Hồ Chí Minh về TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Hai người ngồi cùng hàng ghế, nói chuyện thân mật. Khi tàu dừng, K. nhờ H. trông hành lý giúp mình để đi mua thuốc. Sau khi K. xuống tàu, H. đã chiếm đoạt hành lý của K. và bỏ trốn, hành lý của K bao gồm 01 chiếc điện thoại trị giá 15 triệu đồng và một số quần, áo cá nhân.

Có quan điểm xác định H. phạm tội gì có quan điểm cho rằng H. phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 172, Bộ luật Hình sự nhưng có quan điểm cho rằng H phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 173.

Tác giả nhận thấy, hành vi của bị cáo H. đã phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175, Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, K. đã nhờ H. trông giữ tài sản nhưng khi  xuống tàu, H. đã lấy tài sản nhận trông hộ và bỏ trốn. Như vậy, lúc này theo tác giả tài sản của K. đang do H. quản lý vì vậy việc chiếm đoạt tài sản của H. có sau khi nhận được tài sản của K.

Như vậy, với những tình huống cụ thể của một số vụ án chúng ta mới có được một nhận định đúng đắn khi quyết định tội danh của hành vi đó. Hai tội danh "Công nhiên chiếm đoạt tài sản" và "Trộm cắp tài sản", theo bản thân tác giả không khó để xác định, chỉ cần chúng ta xác định đúng việc người phạm tội dùng thủ đoạn gì để chiếm đoạt tài sản thì đó chính là tội danh mà người phạm tội đã thực hiện. Tuy nhiên, theo tác giả trong một số vụ án cụ thể việc xác định chính xác tội danh của hành vi chiếm đoạt tài sản cũng có nhiều quan điểm khác nhau.

Trên đây là một số quan điểm của tác giả. Mong được sự đóng góp, tranh luận của các bạn đọc.

NGUYỄN HỒNG PHONG - HOÀNG THÙY LINH

Toà án Quân sự quân khu 7

Bình luận chuyên sâu các quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)