/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Tội gây ô nhiễm môi trường

Tội gây ô nhiễm môi trường

28/03/2022 15:04 |

(LSVN) - Tội gây ô nhiễm môi trường là tội phạm đã được quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 1999 với tên “tội gây ô nhiễm không khí” và được đổi tên thành “tội gây ô nhiễm môi trường” theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 37/2009/QH12.

  Ảnh minh họa. 

Trước đó thì hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng chỉ quy định một tội danh về môi trường, đó là tội “vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 195 Bộ luật Hình sự 1985). Trong quá trình thi hành Bộ luật Hình sự 1985, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung và quy định một chương (Chương XVII) gồm 10 điều (từ Điều 182 đến Điều 191) tương ứng với 10 tội danh về môi trường, trong đó có 9 tội danh mới và một tội tách từ tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng quy định tại Điều 181 để cấu tạo thành tội “hủy hoại rừng” và coi hành vi hủy hoại rừng là hành vi phạm tội về môi trường. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 6 ngày 21/12/1999, Quốc hội lại quy định các hành vi gây ô nhiễm môi trường thành một tội và quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 1999.

Kế thừa Bộ luật Hình sự 1999, Bộ luật Hình sự 2015 cũng chỉ quy định hành vi gây ô nhiễm môi trường trong một điều luật tại Điều 235. So với Điều 182 Bộ luật Hình sự 1999, thì Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 có những sửa đổi, bổ sung sau:

- Đối với người phạm tội, Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 cấu tạo thành 04 khoản, thay vì chỉ có 03 khoản như Điều 182 Bộ luật Hình sự 1999;

- Bãi bỏ tình tiết “ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng” là dấu hiệu định tội quy định tại khoản 1 Điều 182 Bộ luật Hình sự 1999 mà thay bằng các tình tiết quy định từ điểm a đến điểm h khoản 1 Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015;

- Bãi bỏ tình tiết “làm ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 182 Bộ luật Hình sự 1999, thay bằng các tình tiết quy định từ điểm a đến điểm đ khoản 2 Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015;

- Riêng tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác” quy định tại khoản 1 Điều 182 Bộ luật Hình sự 1999 không còn là dấu hiệu định tội mà được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt tại điểm e khoản 2 Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp, nhà làm luật bãi bỏ từ “khác”, mà chỉ quy định “gây hậu quả nghiêm trọng”;

- Tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 182 Bộ luật Hình sự 1999 được quy định tại điểm e khoản 3 Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 và cũng được bãi bỏ từ “khác”;

- Về hình phạt, Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 được cấu tạo thành 3 khoản, ngoài khoản 4 quy định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội, thay vì chỉ có 2 khoản quy định về hình phạt chính và khoản 3 quy định hình phạt bổ sung như Điều 182 Bộ luật Hình sự 1999. Khoản 1 Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 chỉ quy định hình phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, thay vì từ 06 tháng đến 05 năm như khoản 1 Điều 182 Bộ luật Hình sự 1999; khoản 2 Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung hình phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, còn hình phạt tù cũng chỉ quy định từ 01 năm đến 05 năm, thay vì từ 03 năm đến 10 năm như khoản 2 Điều 182 Bộ luật Hình sự 1999; riêng khoản 3 Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 được coi là quy định mới, ngoài việc bổ sung hình phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng, hình phạt tù cũng chỉ quy định từ 03 năm đến 07 năm.

Như vậy, ngoài hình phạt tiền, hình phạt tù quy định ở các khoản tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 đều nhẹ hơn Điều 182 Bộ luật Hình sự 1999.

- Đặc biệt, Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 còn bổ sung pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội phạm này và được quy định tại khoản 5 của điều luật.

Quan điểm của nhà làm luật đối với các tội phạm về môi trường chủ yếu là mở rộng áp dụng hình phạt tiền, cũng chính vì vậy mà không chỉ ở khoản 1, khoản 2 mà ngay cả khoản 3 Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015, nhà làm luật cũng quy định hình phạt tiền. Đây là quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự 2015, không chỉ đối với tội gây ô nhiễm môi trường mà còn đối với các tội phạm khác, nhất là đối với các tội phạm về kinh tế, môi trường.

Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015, gây ô nhiễm môi trường là hành vi làm cho các tính chất vật lý, hóa học, sinh học của môi trường bị thay đổi gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và các sinh vật khác. Hay nói cách khác, gây ô nhiễm môi trường là hành vi thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm hoặc phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật cho phép gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và các sinh vật khác. Có thể còn có nhiều định nghĩa khác nhau tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu nhưng nói một cách ngắn gọn, gây ô nhiễm môi trường là hành vi làm cho môi trường tự nhiên bị bẩn.

Các dấu hiệu cơ bản của tội phạm

Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

a) Đối với người phạm tội

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, người từ 16 tuổi trở lên không mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, đều là chủ thể của tội phạm này.

Tuy nhiên, người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này trong bất cứ trường hợp nào, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự (không có Điều 235).

b) Đối với pháp nhân thương mại  

Ngoài người phạm tội, chủ thể của tội gây ô nhiễm môi trường còn có cả pháp nhân thương mại.

Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm: doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện: được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan; có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Dân sự 2015; có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Theo quy định tại khoản 1 của điều luật thì đối với các hành vi quy định tại các điểm b, d, e và g khoản 1 của điều luật mà người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì mới cấu thành tội phạm.

Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm

Tội gây ô nhiễm môi trường là tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, cụ thể là sự trong sạch của không khí, nguồn nước, đất trong môi trường sống của con người và thiên nhiên.

Đối tượng tác động của tội phạm này là không khí, nguồn nước, đất, là những yếu tố không thể thiếu được trong sự tồn tại và phát triển của con người và thiên nhiên bị ô nhiễm.

Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm

Do đặc điểm của đối tượng tác động của tội phạm gồm nhiều lại khác nhau nên hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng khác nhau tùy thuộc vào từng đối tượng.

Gây ô nhiễm không khí là hành vi thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép.

Hành vi thải vào không khí các loại khói, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác quá tiêu chuẩn cho phép chủ yếu là của những người có trách nhiệm trong các nhà máy, xí nghiệp, các phương tiện giao thông cơ giới, xử lý rác thải.

Hành vi thải vào không khí các loại bụi quá tiêu chuẩn cho phép chủ yếu là do những người có trách nhiệm khi thi công các công trình xây dựng, khai thác, trong việc vận chuyển vật liệu xây dựng.

Hành vi thải vào không khí các chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác là do người có trách nhiệm trong việc sản xuất, chế biến, thí nghiệm trong lĩnh vực hóa sinh đã không có biện pháp xử lý nên đã thải vào không khí các chất độc hại như các loại khí SO2, NO2, CO, chì... quá tiêu chuẩn cho phép.

Các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác được phép thải vào không khí phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định như: tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh, tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ.

Phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép là hành vi làm thay đổi chất lượng, số lượng của thành phần không khí gây ảnh hưởng xấu cho đời sống của người và thiên nhiên bằng cách phát bức xạ, phóng xạ. 

Bức xạ gồm bức xạ ion và không ion hóa mà khi tác dụng lên cơ thể sống với liều lượng vượt quá giới hạn cho phép có thể gây tổn thương và nguy hiểm cho cơ thể như tia Rơnghen, tia X, bức xạ laze, sóng âm, hạ âm và siêu âm; chất phóng xạ là chất ở thể rắn, lỏng hoặc khí có hoạt độ phóng xạ riêng lớn hơn 7 kilo Beccơren trên kg (70kBq/kg (1).

Gây ô nhiễm nguồn nước là hành vi thải vào nguồn nước dầu mỡ, hóa chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác. Nguồn nước không phân biệt nước biển, sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch… kể các các nguồn nước ngầm dưới lòng đất.

Nếu đổ các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại xuống nguồn nước thì không cần phải xác định tiêu chuẩn cho phép, vì không có quy định nào cho phép đưa các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại xuống nguồn nước. Tuy nhiên, nếu các chất thải này gây nên dịch bệnh thì mới coi là hành vi phạm tội.

Riêng đối với các yếu tố độc hại khác, nếu các yếu tố độc hại đó là các chất hữu cơ thì không cần xác định tiêu chuẩn cho phép vì nó được coi như tương tự các chất thải, xác động vật, thực vật, còn nếu các yếu tố độc hại lại là chất vô cơ thì được coi như tương tự như các loại dầu mỡ, hóa chất độc hại, chất phóng xạ thì phải xác định tiêu chuẩn cho phép. Trong trường hợp này nếu cần thì phải trưng cầu giám định.

Gây ô nhiễm đất là hành vi chôn vùi hoặc thải vào đất các chất độc hại quá tiêu chuẩn cho phép.

Các chất độc hại bị chôn vùi hoặc thải vào đất là các chất khi chưa bị chôn vùi hoặc thải vào đất đã được xác định là chất độc hại chứ không phải sau khi chôn vùi hoặc thải vào đất các chất đó bị phân hủy thành các chất độc hại.

Các chất độc hại mà người phạm tội chôn vùi hoặc thải vào đất là các chất hữu cơ hoặc vô cơ được cơ quan có thẩm quyền xác định là chất độc hại như các chất hóa học có chứa độc tố, các chất phóng xạ, các loại thuốc bảo vệ thực vật, các động vật, thực vật bị nhiễm độc chưa được cơ quan y tế có thẩm quyền xử lý hoặc chôn cất không theo quy định của cơ quan vệ sinh dịch tễ…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hàng năm nước ta tiêu thụ 10.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp… Quả thực, chưa bao giờ vấn đề môi trường lại trở thành điểm nóng như hiện tại. Đặc biệt, gần 300 khu công nghiệp của cả nước đang “tẩm ướp” vào môi trường 550.000 m3 nước thải mỗi ngày. Trong 615 cụm công nghiệp chỉ có 5% có hệ thống xử lý nước thải, hơn 500 cơ sở có công nghệ sản xuất lạc hậu. Trong khi đó, số vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự rất khiêm tốn.

Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm

Hầu hết các chuyên gia và các bài viết về tội gây ô nhiễm môi trường đều cho rằng, lỗi của người phạm tội là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người phạm tội cũng thực hiện tội phạm này cũng do lỗi cố ý, mà chỉ đối với các trường hợp đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội gây ô nhiễm môi trường, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Ví dụ: Khi thực hiện hành vi thải vào môi trường các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; phát bức xạ, phóng xạ, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là do cố ý nhưng không mong muốn cho hậu quả xảy ra; tuy nhiên, sau khi đã bị xử phạt hành chính, họ vẫn cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền nên tội phạm này phải được coi là do cố ý. Còn đối với trường hợp người phạm tội cố ý về hành vi nhưng không mong muốn cho hậu quả xảy ra, thì người phạm tội thực hiện tội phạm là do lỗi vô ý (vô ý vì quá tự tin).

Cho dù người phạm tội thực hiện hành vi do lỗi cố ý hay do lỗi vô ý thì cũng chỉ có ý nghĩa xem xét tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội chứ không làm thay đổi tội danh mà người phạm tội thực hiện là tội gây ô nhiễm môi trường.                         

=========

(1) Từ điển giải thích thuật ngữ luật học, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr 142,143.

         ThS.LS ĐINH VĂN QUẾ

Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tách Luật GTĐB 2008 thành hai luật chuyên biệt: Nên hay không?

Lê Minh Hoàng