Tranh tụng và Luật sư bào chữa trong các mô hình tố tụng hình sự

22/11/2023 05:40 | 5 tháng trước

(LSVN) - Tranh tụng trong tố tụng hình sự gắn với sự tồn tại của ba chức năng: Buộc tội, bào chữa và xét xử. Trong đó, chức năng bào chữa cần được bình đẳng và cân bằng với hai chức năng còn lại. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về cơ bản đã tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể thực hiện các hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm nhưng vẫn còn bộc lộ những điểm bất hợp lý. Thực tiễn cũng cho thấy việc tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm cũng chưa được bảo đảm theo đúng tinh thần của cải cách tư pháp, đặc biệt là hoạt động tranh tụng của người bào chữa là Luật sư.

Ảnh minh họa.

Xét xử sơ thẩm được nhiều người xem là giai đoạn "trung tâm" của tố tụng hình sự, khi các hoạt động tố tụng trước đó đều nhằm tạo cơ sở cho việc có thể đưa vụ án ra xét xử. Đây là giai đoạn Tòa án tiến hành giải quyết, xử lý vụ án bằng cách ra bản án hoặc các quyết định tố tụng cần thiết khác. Chỉ có Tòa án mới có quyền xét xử, tuyên một người là có tội và quyết định hình phạt đối với họ. Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã chỉ đạo: “Phán quyết của tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng, phải mở rộng tranh tụng, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.

Trên tinh thần chỉ đạo đó, Hiến pháp năm 2013 quy định “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (khoản 5 Điều 103). Điều đó một mặt cho thấy vai trò của xét xử trong đó có xét xử sơ thẩm và tranh tụng trong tố tụng hình sự, bảo đảm mục đích của tố tụng hình sự là bảo vệ công lý, quyền con người, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Mới đây, Nghị quyết số 27/ NQ-TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam trong giai đoạn mới cũng đã chỉ đạo: Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Tranh tụng trong tố tụng hình sự gắn với sự tồn tại của ba chức năng: Buộc tội, bào chữa và xét xử. Trong đó, chức năng bào chữa cần được bình đẳng và cân bằng với hai chức năng còn lại. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về cơ bản đã tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể thực hiện các hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm nhưng vẫn còn bộc lộ những điểm bất hợp lý. Thực tiễn cũng cho thấy việc tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm cũng chưa được bảo đảm theo đúng tinh thần của cải cách tư pháp, đặc biệt là hoạt động tranh tụng của người bào chữa là Luật sư.

Tranh tụng (tiếng Anh: adversary; tiếng Pháp: adversaire) có nghĩa là đối kháng, đương đầu. Thuật ngữ “tranh tụng” có từ thời Hy Lạp cổ đại được sử dụng trong nhận thức sự vật, hiện tượng. Platon cho rằng: “bằng cách nói chuyện (đối thoại) về một điều gì đó trong một thời gian dài, một vài dấu hiệu hoặc hiểu biết sẽ xuất hiện và cả hai bên sẽ cùng nhìn ra sự thật”. Tố tụng hình sự trước hết là hoạt động nhận thức bao gồm nhận thức sự thật của vụ án và nhận thức pháp luật, do đó, tranh tụng được sử dụng trong tố tụng hình sự như là một phương pháp xác định sự thật của vụ án dựa trên sự cọ xát, tranh luận, phản biện giữa các bên buộc tội và gỡ tội. Chính vì vậy, tranh tụng còn có tên gọi là “thủ tục hỏi đáp liên tục”. Có nhiều cách định nghĩa về thuật ngữ “tranh tụng”. Theo Từ điển Luật học(1), tranh tụng tại phiên tòa là hoạt động tố tụng được tiến hành tại phiên tòa bởi hai bên tham gia tố tụng, nhằm bảo vệ ý kiến, luận điểm của mỗi bên và bác bỏ ý kiến, luận điểm của bên kia dưới sự điều khiển, quyết định của chủ tọa phiên tòa với vai trò trung gian, trọng tài. Quan điểm khác lại cho rằng, tranh tụng là các bên phải được biết yêu cầu, chứng cứ, lý lẽ của bên kia, được đưa ra chứng cứ, yêu cầu và phản bác yêu cầu, chứng cứ, lý lẽ của đối phương trong đó vai trò xét xử vô tư khách quan của tòa án(2). Về mặt thuật ngữ có những cách diễn đạt khác nhau nhưng đều thống nhất ở một điểm: tranh tụng trong tố tụng là cơ chế nhằm tìm kiếm chân lý khách quan với sự tham gia của các bên buộc tội, gỡ tội thực hiện thông qua tranh luận, cọ xát các ý kiến, quan điểm khác nhau và tòa án đóng vai trò là chủ thể quyết định cuối cùng. Dưới góc độ khoa học pháp lý, tranh tụng được tiếp cận từ các phương diện: một trong những mô hình tố tụng hình sự, một nguyên tắc của tố tụng hình sự, một quyền của người bị buộc tội, một thủ tục tố tụng hình sự và là một hoạt động của bên buộc tội hoặc gỡ tội.

Tiếp cận từ phương diện mô hình tố tụng hình sự

Tố tụng hình sự là một quá trình phát hiện, xử lý tội phạm và người phạm tội. Quá trình này có sự tham gia của các chủ thể khác nhau với những chức năng nhiệm vụ, mục đích khác nhau, với các mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhằm đạt được mục đích của tố tụng hình sự. Quá trình tố tụng hình sự được thực hiện dựa trên trình tự thủ tục gọi là thủ tục tố tụng hình sự. Như vậy, tố tụng hình sự bao giờ cũng có những yếu tố cốt lõi của nó, bao gồm: mục đích của tố tụng hình sự, nguyên tắc tố tụng hình sự, các chức năng, địa vị pháp lý của các chủ thể, phương thức thực hiện các hoạt động tố tụng, trình tự các bước thực hiện các hoạt động tố tụng. Các yếu tố này luôn quan hệ biện chứng với nhau: mục đích của tố tụng sẽ quyết định các nguyên tắc của tố tụng, các nguyên tắc của tố tụng đòi hỏi hệ thống quyền, nghĩa vụ của các chủ thể, quyết định phương thức thực hiện các hoạt động tố tụng... Hiện nay trên thế giới, tranh tụng được thừa nhận là một mô hình tố tụng với đầy đủ các yếu tố trên bên cạnh mô hình tố tụng thẩm vấn và mô hình tố tụng pha trộn. Mô hình tố tụng tranh tụng có các đặc trưng sau đây:

(1) Hướng đến mục tiêu xác định sự thật của vụ án. Tuy nhiên, cách thức xác định sự thật của vụ án là tạo ra sự công bằng bình đẳng giữa bên buộc tội và gỡ tội trong quá trình tìm kiếm sự thật của vụ án. Công bằng và bình đẳng thể hiện việc tạo cơ hội, điều kiện ngang nhau trong tìm kiếm chứng cứ buộc tội và gỡ tội, bình đằng về chứng cứ, theo đó chứng cứ của bên buộc tội và bên gỡ tội đều được xem xét có giá trị ngang nhau. Trong quá trình tố tụng, bên buộc tội và gỡ tội bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

(2) Có sự phân định rành mạch giữa ba chức năng của tố tụng hình sự là: buộc tội, gỡ tội và xét xử, thể hiện ở việc ba chức năng này giao cho ba chủ thể thực hiện: chức năng buộc tội thuộc về cơ quan công tố và người bị hại; chức năng gỡ tội thuộc về người bị buộc tội và người bào chữa; chức năng xét xử thuộc về tòa án. Nội dung của ba chức năng này được phân định rõ ràng. Chức năng buộc tội là tìm kiếm chứng cứ để buộc tội và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc bên buộc tội. Chức năng gỡ tội có nhiệm vụ đi tìm kiếm chứng cứ để chứng minh không phạm tội, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong quá trình tố tụng, bên gỡ tội bình đẳng với bên buộc tội, được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chức năng gỡ tội. Chức năng xét xử thuộc về tòa án. Để thực hiện chức năng này, vai trò của tòa án khá thụ động trong chứng minh thể hiện ở việc tòa án nghe các bên tranh tụng để đưa ra phán quyết chấp nhận hay bác bỏ ý kiến của các bên và chứng minh cho việc chấp nhận hay bác bỏ đó. Thẩm phán trong mô hình tố tụng hình sự tranh tụng được ví như trọng tài, người nắm giữ các luật lệ và bảo đảm cho cuộc đấu giữa hai bên được diễn ra một cách công bằng, đúng luật(3). Với đặc trưng như vậy, trong mô hình tố tụng tranh tụng, các hoạt động tố tụng chủ yếu được diễn ra tại phiên tòa hình sự và được pháp luật điều chỉnh chặt chẽ, trong khi đó, các hoạt động điều tra lại khá mờ nhạt.

(3) Quy trình chứng cứ trong mô hình tố tụng tranh tụng khá phức tạp và có những đặc trưng như: bình đẳng giữa chứng cứ của bên buộc tội và gỡ tội, giữa chứng cứ trong hồ sơ và chứng cứ ngoài hồ sơ. Tất cả các chứng cứ mà bên buộc tội và gỡ tội đưa ra phải được kiểm tra, đánh giá tại phiên tòa và được tòa án công nhận sau khi tranh tụng về tính hợp lý của nó. Thẩm phán chỉ dựa trên chứng cứ đưa ra tại phiên tòa và không có quyền biết đến các chứng cứ đó trước khi phiên tòa diễn ra. Mỗi bên có quyền đặt câu hỏi trực tiếp cho bên kia cũng như cho nhân chứng và giám định viên, thậm chí có quyền ngắt bên kia để phản bác. Khi ra phiên tòa xét xử, các chứng cứ trong hồ sơ chưa có giá trị chứng minh, chỉ có những chứng cứ được trình bày và thẩm tra tại phiên tòa dưới hình thức bằng lời nói mới được sử dụng làm chứng cứ để xác định sự thật của vụ án.

Tồn tại lâu đời ở phần lớn các quốc gia trong lịch sử, tố tụng tranh tụng đã chứng minh ưu điểm của nó. Như bảo đảm công bằng, bình đẳng trong tố tụng hình sự, qua đó bảo vệ được quyền con người trong tố tụng hình sự bởi lẽ mô hình này tuân thủ triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội với các nội dung như một người luôn được coi là vô tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án; trách nhiệm chứng minh thuộc bên buộc tội, mọi nghi ngờ giải thích có lợi cho người bị buộc tội… Với ưu thế như vậy, tố tụng tranh tụng hạn chế được oan, sai trong tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, với vai trò tham gia tích cực của bên bào chữa, gỡ tội, bảo đảm cho tố tụng tranh tụng phương thức tốt nhất thông qua tranh luận, cọ xát, phản biện giữa các quan điểm buộc tội và gỡ tội để tìm ra sự thật của vụ án. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, tố tụng tranh tụng cũng cho thấy những hạn chế của nó. Mô hình này được biết đến với ưu điểm bảo vệ quyền con người nhưng lại có nguy cơ bỏ lọt tội phạm hay còn gọi là khả năng kiểm soát tội phạm thấp. Bên buộc tội và bên gỡ tội chú trọng vào chức năng của mình mà không tập trung tìm ra sự thật của vụ án bằng việc chỉ thu thập và sử dụng các chứng cứ có lợi cho mình. Ngoài ra, do các hoạt động tố tụng chỉ tập trung tại phiên tòa nên tầm quan trọng của phiên tòa hình sự rất lớn nên chi phí thời gian cho phiên tòa là rất tốn kém, gấp nhiều lần so với phiên tòa trong mô hình thẩm vấn.

Tiếp cận như là một nguyên tắc của tố tụng hình sự

Nguyên tắc của tố tụng hình sự là tư tưởng, quan điểm có tính xuyên suốt và mang tính chỉ đạo, định hướng với toàn bộ quá trình tố tụng hình sự. Với tư cách là sự kết tinh những giá trị mọi mặt của tố tụng hình sự, các nội dung của nguyên tắc của tố tụng hình sự phải thể hiện xuyên suốt trước hết trong các quy phạm pháp luật hình sự, tức chi phối hoạt động xây dựng pháp luật hình sự. Các quy phạm pháp luật hình sự phải thể hiện nội dung của các nguyên tắc không xa rời, không vi phạm. Không chỉ vậy, các nguyên tắc tố tụng hình sự còn xuyên suốt và chi phối việc áp dụng nó trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tính chi phối và định hướng của nguyên tắc xác định sự thật của vụ án thể hiện ở việc nội dung của nguyên tắc này đòi hỏi phải được thể hiện trước hết ở mục đích của tố tụng hình sự. Tính chi phối và định hướng của nguyên tắc này còn thể hiện trong các quy định của tố tụng hình sự như địa vị pháp lý của các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng, chứng minh, chứng cứ, các thủ tục, các hoạt động tố tụng trong các giai đoạn tố tụng cụ thể nhằm bảo đảm xác định được sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ. Với ý nghĩa là nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, nguyên tắc tranh tụng có các đòi hỏi (nội dung) sau đây:

Thứ nhất, đòi hỏi có sự phân công rành mạch giữa các chức năng của tố tụng hình sự là chức năng buộc tội, chức năng gỡ tội và chức năng xét xét xử. Tương ứng với các chức năng đó là các chủ thể tham gia vào tranh tụng trong tố tụng hình sự là: bên buộc tội thực hiện chức năng buộc tội là điều tra viên, những người tiến hành tố tụng khác, kiểm sát viên; bên gỡ tội bào gồm người bị buộc tội (người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo), người bào chữa; tòa án là bên xét xử. Trong đó bên gỡ tội và buộc tội bình đẳng với nhau (có quyền ngang nhau) trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng và đưa ra yêu cầu đối với bên kia. Nghĩa vụ chứng minh thuộc bên buộc tội, bên bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải đưa ra chứng cứ chứng minh mình vô tội. Tòa án đóng vai trò trọng tài bảo đảm cho sự bình đẳng trong tranh tụng

Thứ hai, tranh tụng là một nguyên tắc xuyên suốt quá trình tố tụng hình sự bắt đầu từ khi có sự buộc tội của bên buộc tội (khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, khi tạm giữ người, khi khởi tố bị can và chấm dứt khi bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án). Tinh thần này đúng với bản chất của tranh tụng: khi nào có buộc tội khi đó xuất hiện tranh tụng và tranh tụng không chỉ diễn ra tại phiên tòa và chỉ tại tòa mới có tranh tụng. Nói cách khác, tranh tụng tại tòa chỉ là một khâu của quá trình tranh tụng trong tố tụng hình sự (khâu cuối cùng và quan trọng nhất).

Thứ ba, để bảo đảm cho tranh tụng được thực hiện, nguyên tắc tranh tụng đòi hỏi tính hợp pháp và đầy đủ của hệ thống chứng cứ, tài liệu của bên buộc tội. Phải có mặt đầy đủ của các bên tranh tụng, đặc biệt là sự có mặt của người bào chữa trừ trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Để bảo đảm cho tranh tụng và tranh tụng khi xét xử, vai trò của tòa án là hết sức quan trọng. Tòa án phải có trách nhiệm bảo đảm cho các bên tranh tụng bình đẳng tại phiên tòa, thể hiển ở chỗ: mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Nguyên tắc tranh tụng khẳng định: bản án, quyết định của tòa án phải dựa trên kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và tranh tụng tại phiên tòa.

Tiếp cận từ phương diện là thủ tục tố tụng hình sự

Nói đến thủ tục tố tụng nói chung và thủ tục tranh tụng nói riêng là nói đến các bước thực hiện, chủ thể thực hiện, các hoạt động cụ thể và cách thức thực hiện các hoạt động tranh tụng. Tranh tụng có các bước bao gồm: chuẩn bị cho tranh tụng, chủ thể tranh tụng, nội dung tranh tụng và trình tự thực hiện các hoạt động tranh tụng.

Tranh tụng còn được tiếp cận phổ biến với tư cách là một hoạt động tố tụng. “Hoạt động” là “tiến hành những việc làm có quan hệ với nhau chặt chẽ nhằm một mục đích nhất định trong đời sống xã hội”. Như vậy, nói đến hoạt động, trong đó có hoạt động tranh tụng là nói đến những hành vi, việc làm bằng các thao tác cụ thể có mục đích nhất định. Với ý nghĩa như vậy, hoạt động tranh tụng là những việc làm cụ thể của bên buộc tội và bên gỡ tội đưa ra, bảo vệ ý kiến, luận điểm của mỗi bên và bác bỏ ý kiến, luận điểm của bên kia dưới sự điều khiển và quyết định của tòa án.

Luật sư bào chữa trong các mô hình tố tụng

Trên thế giới hiện nay tồn tại ba mô hình tố tụng cơ bản là tố tụng tranh tụng, tố tụng thẩm vấn và tố tụng pha trộn. Hoạt động tranh tụng nói chung và hoạt động tranh tụng của luật sư bào chữa tại phiên tòa được thực hiện như thế nào phụ thuộc vào nó được đặt trong mô hình tố tụng nào.

Mô hình tố tụng thẩm vấn có đặc trưng là chuyển giao nhiệm vụ xác định sự thật của vụ án từ cá nhân sang nhà nước. Từ đó dẫn đến vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, đặc biệt là thẩm phán là rất lớn. Thẩm phán từ vai trò của người trọng tài công minh trở thành người thẩm tra chủ yếu. Đặc trưng tiếp theo của tố tụng thẩm vấn đó chính là tính bí mật của các hoạt động điều tra và bằng văn bản chứ không công khai. Ngoài tư cách độc lập, tòa án vẫn có nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội nói chung. Do đó, cho dù đã có bên buộc tội và gỡ tội, tòa án vẫn có trách nhiệm, nghĩa vụ xác định sự thật khách quan của vụ án. Theo đó, tòa án sẽ phải điều tra, làm rõ những tình tiết của vụ án trước khi đưa ra phán quyết, những giá trị chứng minh của bên công tố hay đương sự đều có giá trị tham khảo. Mô hình tố tụng thẩm vấn không quá chú trọng tới việc phân định rành mạch các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự và xác định địa vị pháp lý của các chủ thể rành mạch theo các chức năng cơ bản này. Với mục tiêu tìm đến chân lý khách quan, xác định sự thật tuyệt đối, mô hình tố tụng thẩm vấn đã huy động tất cả các cơ quan tố tụng chuyên nghiệp của nhà nước tham gia vào quá trình đi tìm sự thật tuyệt đối. Do đó, từ góc độ tổ chức thực hiện các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự, trong mô hình này, cùng một chủ thể nhưng được giao thực hiện đồng thời hai chức năng tố tụng.

Đặc biệt, sự tham gia của luật sư bào chữa không mang tính bắt buộc trong mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn. Trong quá trình tố tụng, luật sư có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải trình bày chứng cứ như trong mô hình tranh tụng. Vai trò của luật sư được xem như là “bổ sung” cho công cuộc đi tìm sự thật của tòa án và để bảo đảm rằng các hoạt động tố tụng đã diễn ra đúng luật, các quyền và lợi ích hợp pháp của nghi can không bị xâm phạm.

Như vậy, tố tụng hình sự thẩm vấn được coi là tạo ưu thế cho việc thực hiện chức năng buộc tội nhiều hơn. Về lý thuyết, chức năng xét xử phải được tiến hành độc lập, tuy nhiên, phương pháp tố tụng sử dụng tại phiên tòa cũng là phương pháp điều tra (thẩm vấn, xét hỏi), vì vậy, hoạt động của thẩm phán cũng không khác nhiều lắm so với hoạt động buộc tội.

Mô hình tố tụng tranh tụng lại dựa trên quan điểm cho rằng, tố tụng là một cuộc tranh đấu tại tòa án giữa một bên là nhà nước (thông qua đại diện) và một bên là công dân bị nghi thực hiện tội phạm; đã là cuộc tranh đấu thì hai bên đều được sử dụng các quyền và nghĩa vụ pháp lý như nhau trong việc thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ, phân tích và đưa ra các kết luận đối với những việc cụ thể. Ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình tố tụng đòi hỏi phải rất chính xác và tố tụng có vai trò đặc biệt quan trọng đến mức nhiều người cho rằng, tố tụng tranh tụng là hệ thống coi trọng luật tố tụng hơn luật nội dung.

Tố tụng tranh tụng cũng không buộc các bên phải khách quan, công khai trong quá trình thu thập chứng cứ. Họ có thể tiến hành theo nhiều cách để đạt được mục đích buộc tội hay gỡ tội, miễn sao khi tranh tụng trước tòa, bên buộc tội phải đưa ra các chứng cứ nhằm chứng minh tính có lỗi của hành vi phạm tội và xác định rõ nguyên nhân, hậu quả của tội phạm phải được nằm trong mối quan hệ nhân quả. Hành vi có lỗi đó đã vi phạm pháp luật và gây ra hậu quả nhất định cho người bị hại. Còn bên gỡ tội, họ phải chứng minh được hành vi đó không có lỗi, không vi phạm luật hoặc chưa tới mức phải chịu trách nhiệm hình sự hay có căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong quá trình xét xử, tòa án (cụ thể là thẩm phán chủ tọa phiên tòa) đóng vai trò là người “trọng tài lạnh lùng”, quan sát các bên tranh tụng và cùng với kết luận của bồi thẩm đoàn sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng là bên nào chiến thắng.

Mô hình tố tụng pha trộn thể hiện sự giao thoa giữ mô hình thẩm vấn và mô hình tranh tụng: thẩm phán không có vai trò điều tra vụ án, việc này giao cho cơ quan điều tra và công tố thực hiện, thẩm phán có vai trò thụ động tại phiên tòa. Các quyền của người bị buộc tội được bảo đảm như: quyền được thông tin, quyền chỉ phải chịu sự giam giữ sau khi có phê chuẩn của tòa án, quyền im lặng, quyền được suy đoán vô tội cho đến khi chính thức bị kết tội bằng bản án của tòa án.

Như trên đã nói, mỗi mô hình tố tụng có những ưu điểm và hạn chế của nó. Tuy nhiên, tranh tụng xuất hiện ở tất cả các mô hình và để tranh tụng thật sự hiệu quả thì dù áp dụng mô hình nào cũng cần bảo đảm các điều kiện: thừa nhận sự tồn tại của ba chức năng cơ bản trong tố tụng hình sự là buộc tội, bào chữa và xét xử; bảo đảm sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bào chữa, tòa án độc lập được trả về đúng vị trí là cơ quan xét xử; bảo đảm vai trò của bên bào chữa trong đó có các luật sư trong tố tụng hình sự; bản án, quyết định phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

(1) Từ điển luật học, Nxb Từ điển bách khoa & Nxb Tư pháp, 2006.

(2) Philip Reichel, Tư pháp hình sự so sánh, Viện Khoa học pháp lý, 1999, tr.84.

(3) Nguyễn Thị Thủy, Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam và vấn đề áp dụng tố tụng tranh tụng, Luận án tiến sỹ Luật học, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), (2014), tr.47.

Luật sư VĂN HỢI

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk

Giám đốc Công ty Luật Đại An

Quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam hiện nay