Vinamilk: Chủ động sáng tạo và đổi mới - Khẳng định vị thế dẫn đầu

25/01/2018 01:46 | 6 năm trước

LSVNO - Năm 2018, Vinamilk đánh dấu 42 năm thành lập và phát triển của công ty sữa lớn nhất Việt Nam Vinamilk với những dấu ấn đáng nhớ trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh cùng với các thương vụ m...

LSVNO - Năm 2018, Vinamilk đánh dấu 42 năm thành lập và phát triển của công ty sữa lớn nhất Việt Nam Vinamilk với những dấu ấn đáng nhớ trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh cùng với các thương vụ mua bán, sáp nhập được đánh giá cao về tầm chiến lược, các chương trình vì cộng đồng đã và đang đem lại những ly sữa ngọt ngào cho trẻ em trên khắp đất nước.

Sáng tạo để khẳng định vị thế thương hiệu

Được thành lập vào năm 1976, ban đầu chỉ có 3 nhà máy được tiếp quản lại, gồm: Nhà máy Thống Nhất, nhà máy Trường Thọ và nhà máy Dielac, đến nay, Vinamilk đã có 13 nhà máy trên khắp Việt Nam và 3 nhà máy tại Mỹ, New Zealand, Campuchia, 02 văn phòng tại Ba Lan và Thái Lan, 10 trang trại bò sữa quy mô công nghiệp, xây dựng nên một thương hiệu vững mạnh tại Việt Nam và đặt những dấu ấn đầu tiên trên thị trường thế giới. Năm 2017 vừa qua, Vinamilk đạt kế hoạch doanh thu 51.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.200 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn ngành sữa nước của Vinamilk vẫn tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường toàn quốc, với hơn 50% thị phần và sản phẩm sữa tươi Vinamilk 100%, đứng đầu về cả sản lượng lẫn doanh số bán ra trong phân khúc nhóm các nhãn hiệu sữa tươi từ năm 2015 đến nay (Nielsen 08/2017). Ngoài ra, Vinamilk còn nắm giữ hơn 80% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần trong ngành hàng sữa bột.

Trụ sở chính Công ty Vinamilk tại TP. HCM.

Vinamilk còn đầu tư xây dựng nhà máy sữa Angkor tại Campuchia (Vinamilk sở hữu 100%); nắm 22,8% cổ phần tại nhà máy sữa Miraka (New Zealand); sở hữu 100% cổ phần nhà máy Driftwood (Mỹ); đầu tư công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại của Vinamilk tại châu Âu. Toàn bộ quá trình sản xuất của nhà máy đều đạt chuẩn GMP và các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 17025, ISO 14000, tiêu chuẩn 22000 và tiêu chuẩn FSSC 22000, trong đó GMP là tiêu chuẩn bắt buộc đối với các nhà máy sản xuất dược phẩm và được khuyến khích áp dụng cho cả các công ty thực phẩm nói chung.

Với thành tích kinh doanh nổi trội của mình, trong năm 2017, Vinamilk đã vinh dự được tạp chí Forbes đưa vào danh sách 2.000 công ty niêm yết xuất sắc nhất thế giới (GLOBAL2000) và là công ty duy nhất trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống của châu Á, ghi tên vào TOP 10 danh sách ASIA 300 của tạp chí tài chính Nikkei Nhật Bản. Giá trị thương hiệu của Vinamilk được Forbes Việt Nam định giá hơn 1,7 tỷ đô la Mỹ.

Bên cạnh việc thể hiện xuất sắc với những con số tài chính, Vinamilk còn được biết đến như là “chiếc nôi” của những ý tưởng sáng tạo xuất sắc, bằng việc hàng năm tung ra rất nhiều dòng sản phẩm mới phục vụ cho người tiêu dùng và những đoạn phim quảng cáo với nội dung thú vị, đánh đúng tâm lý, cung cấp những thông tin hữu ích cho người tiêu dùng.

Mua bán sáp nhập (M&A) để hoàn thiện chuỗi cung ứng cho sản xuất

Nếu trong các năm trước, Vinamilk đẩy mạnh đầu tư, tìm kiếm các cơ hội mở rộng tại nước ngoài như thương vụ mua lại nhà máy sữa Driftwood tại Mỹ, đầu tư vào nhà máy Miraka tại New Zealand, xây dựng nhà máy sữa Angkormilk tại Campuchia thì năm 2017, ngành sữa Việt Nam lại tiếp tục được chứng kiến những sự đầu tư quyết đoán của Vinamilk vào ngành đường và dừa trong nước.

“Từ mấy chục năm nay, Vinamilk đã muốn tham gia vào ngành đường. Giống như nguồn nguyên liệu sữa tươi của bà con chăn nuôi bò sữa, đường cũng là nguyên liệu đầu vào có số lượng lớn của Vinamilk”, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, lý giải cho việc quyết định mua lại 65% cổ phần của Công ty Cổ phần đường Khánh Hòa nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng của mình, chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.

Đây không chỉ được xem là cái bắt tay đầy tính chiến lược giữa hai doanh nghiệp lâu đời trong ngành thực phẩm Việt Nam, mà với sự đầu tư và kinh nghiệm quản trị tiên tiến của Vinamilk, sự hợp tác này còn mang lại hướng đi mới cho ngành mía đường Việt Nam, từng bước giúp cho người nông dân trồng mía nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập vào sân chơi khu vực và toàn cầu.

 Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Nhà máy Sữa Việt Nam của Vinamilk – một trong những siêu nhà máy hiện đại nhất thế giới.

Tiếp tục dẫn đầu xu hướng organic trong ngành sữa

Sau khi ra mắt dòng sữa tươi Vinamilk organic cao cấp vào cuối năm 2016 và được đông đảo người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao, vào tháng 03/2017, Vinamilk đã khánh thành trang trại bò sữa hữu cơ tại Đà Lạt, đây cũng là trang trại bò sữa hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu do tổ chức Control Union (Hà Lan) khảo sát và chứng nhận. Trang trại có tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, với quy mô đàn ban đầu hơn 500 con và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Gần đây nhất, Vinamilk đã tung ra sản phẩm sữa chua Organic cao cấp ít đường, được lên men tự nhiên từ chủng men Bulgaricus nổi tiếng và sản xuất từ nguồn sữa tươi organic “3 không”: Không biến đổi gen; không sử dụng hormone tăng trưởng; không dư lượng kháng sinh. Tuy mới ra đời nhưng “em út” của gia đình sữa chua Vinamilk đã thu được tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng khi sản phẩm luôn bị “cháy hàng” tại các điểm bán.

Luôn luôn đột phá và nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, Vinamilk đã vượt qua các vòng kiểm tra chất lượng gắt gao, vinh dự là thương hiệu quốc gia được lựa chọn để cung cấp các sản phẩm sữa, sữa chua và đồ uống, phục vụ cho Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam (bao gồm chương trình Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra tại Đà Nẵng và các sự kiện bên lề diễn ra từ tháng 05/2017, tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hạ Long, Huế, Cần Thơ, Vinh và Hội An).

Trang trại organic tại Lâm Đồng, Đà Lạt – Trang trại Organic tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam

Vinamilk hiện có hệ thống 10 trang trại trải dài khắp Việt Nam, đạt tiêu chuẩn Global GAP với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, Mỹ và New Zealand. Tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty (bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết) lên tới hơn 120.000 con, với sản lượng khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Dự kiến tổng đàn bò sẽ được nâng lên khoảng 200.000 con vào năm 2020.

Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 8 tỷ sản phẩm của Vinamilk được sản xuất bởi 13 nhà máy trải dài khắp Việt Nam, trong đó có hai siêu nhà máy sữa bột và sữa nước tại Bình Dương, được trang bị công nghệ tiên tiến nhất thế giới với hệ thống thiết bị khép kín và tự động hóa hoàn toàn từ khâu chế biến đến thành phẩm và đóng gói, bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xuất khẩu tới 43 quốc gia và vùng lãnh thổ

Từ năm 1997 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đã đạt khoảng 2 tỷ USD (tương đương khoảng 45.520 tỷ đồng). Hiện, Vinamilk đã được xuất khẩu đi 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia yêu cầu rất cao về chất lượng trong sản phẩm dinh dưỡng như Nhật, Canada, Mỹ, Úc, Thái Lan…

Bên cạnh những sản phẩm xuất khẩu chính như sữa bột trẻ em và sữa đặc sang các thị trường truyền thống, những năm gần đây, Vinamilk dần chuyển xuất khẩu các mặt hàng khác như sữa tươi, sữa chua ăn, sữa chua uống, các sản phẩm nước trái cây, nhằm hướng tới đa dạng hóa sản phẩm Vinamilk trên thị trường quốc tế, phù hợp với các nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Gần đây nhất, Vinamilk đã chính thức ra mắt tại thị trường Thái Lan, Myanmar và Bangladesh. Hiện nay, ngoài khu vực Châu Á, Vinamilk vẫn tiếp tục củng cố sự hiện diện và tập trung hơn nữa tại các thị trường quốc tế mới, đặc biệt là khu vực Châu Phi, bằng việc đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu thị trường để phù hợp văn hóa địa phương, tung các sản phẩm thế mạnh (sữa bột, bột dinh dưỡng…), mở rộng hệ thống phân phối và tăng độ nhận biết thương hiệu.

Bền bỉ với các hoạt động vì cộng đồng

Trong 42 năm phát triển của mình, bên cạnh việc tập trung kinh doanh, sản xuất, Vinamilk luôn đặt tâm huyết vào các hoạt động phát triển cộng đồng, đóng góp cho xã hội.

Chương trình “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam” được thành lập từ năm 2008, dưới sự chủ trì của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam (trực thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), đồng hành bởi Vinamilk là một chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chương trình đã trao tận tay các em có hoàn cảnh khó khăn những ly sữa bổ dưỡng, nhằm góp phần giúp các em có được cơ hội phát triển toàn diện hơn về thể chất và trí tuệ.

Vinamilk và Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam trao sữa cho trẻ em tỉnh Hưng Yên

Bên cạnh chương trình “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam”, Vinamilk còn là đơn vị tiên phong và thường xuyên triển khai các chương trình “Sữa học đường” tại các tỉnh: Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Khánh Hoà, Đà Nẵng…

Quỹ 1 triệu cây xanh dành cho Việt Nam cũng được ra đời với mục đích trồng thêm nhiều cây xanh cho các tỉnh, thành phố, cải thiện môi trường sống cho người dân Việt Nam. Trong vòng 5 năm, tính từ năm 2012 đến nay, chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam đã tổ chức trồng cây tại hơn 20 tỉnh thành trên toàn quốc, với tổng số gần 480.722 cây xanh các loại, có giá trị gần 7 tỷ đồng.

 

Vinamilk và Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam tổ chức trồng cây tại tỉnh Cao Bằng.

Đặc biệt, hơn 10 năm nay, Vinamilk còn ủng hộ cho Quỹ Bảo trợ bệnh nhân nghèo gần 5 tỷ đồng để thực hiện các ca mổ tim bẩm sinh cho trẻ em. Năm 2017, Vinamilk còn ủng hộ người dân vùng lũ lụt miền Trung và miền Bắc 3,4 tỷ đồng; phụng dưỡng nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Nam, Bến Tre… Đồng thời, Vinamilk còn thành lập các trung tâm tư vấn dinh dưỡng sức khỏe trên cả nước, khám và cung cấp sữa miễn phí hàng năm cho hàng ngàn lượt trẻ em, học sinh tiểu học và đối tượng suy dinh dưỡng…

Có thể nói, với những thành quả trên đã đạt được trong năm 2017, cùng với những chương trình đầy ý nghĩa nhân văn với cộng đồng, đang giúp Vinamilk từng bước đi vững chắc, duy trì vị thế của công ty sữa số 1 tại Việt Nam. Trong năm 2018, với sự sáng tạo và sức lao động bền bỉ, tin rằng Vinamilk sẽ tỏa sáng hơn nữa trên bản đồ ngành sữa thế giới.

PV