Vướng mắc, bất cập về tội phạm mại dâm theo pháp luật hình sự Việt Nam

20/11/2023 23:17 | 5 tháng trước

(LSVN) - Hiện nay, tội phạm mại dâm ngày càng diễn biến phức tạp với các phương thức đa dạng và xảo quyệt, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người cũng như trật tự xã hội. Để đảm bảo trật tự công cộng, phòng ngừa các tội phạm cần kết hợp chặt chẽ, đồng bộ các biện pháp kinh tế, giáo dục, thuyết phục và cưỡng chế, trong đó biện pháp hình sự đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và áp dụng pháp luật, tác giả nhận thấy còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập.


Ảnh minh họa.

Vướng mắc, bất cập

Các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS) chưa thống nhất về hành vi giao cấu và hành vi quan hệ tình dục khác.

Tình huống: Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Q., kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ massage do bà T. làm chủ. Qua kiểm tra, phát hiện các nhân viên massage (cả nam và nữ, có nhân viên dưới 18 tuổi) đã dùng tay, chân, miệng để kích dục cho khách hàng, khách hàng trả tiền để thư giãn. Theo các khái niệm được quy định tại Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 thì: Mại dâm là hành vi mua, bán dâm; Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu; Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Như vậy, hành vi của bà Lê Thị T. chưa đủ yếu tố để cấu thành hành vi quy định tại các Điều 327, 328, 329 BLHS vì chưa có hành vi "giao cấu". Bà Lê Thị T. có bị xử lý hình sự hay không, hay chỉ dừng lại ở mức độ xử lý vi phạm hành chính.

Trong khi đó, BLHS quy định về các tội phạm tình dục, thì ngoài hành vi giao cấu, nhà làm luật còn coi các hành vi quan hệ tình dục khác cũng được xử lý như giao cấu để xử lý về các tội hiếp dâm (Điều 141, 142), Tội cưỡng dâm (Điều 143, 144), tội "Giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác" đối với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 145)... Tại khoản 1, 2 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (Nghị quyết số 06/2019) quy định: Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của BLHS là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của BLHS là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi: Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác; dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.

Đồng thời, hiện nay ngoài các hành vi mại dâm nữ, còn có mại dâm nam, đồng tính… các hành vi trên sẽ không chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 và BLHS cũng chưa có quy định xử lý hành vi này.

Một số hành vi có dấu hiệu tội phạm chưa được quy định trong Luật.

Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Phòng chống mại dâm 2003 thì hành vi người từ đủ 18 tuổi trở lên trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác để giao cấu với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi mới cấu thành tội mua dâm người dưới 18 tuổi. Khoản 1 Điều 329 BLHS 2015 quy định người nào từ đủ 18 tuổi trở lên mua dâm người từ đủ 13 đến dưới 18 tuổi thì mới cấu thành tội danh này.

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019 thì quan hệ tình dục "là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục xâm nhập bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác". Đồng thời khoản 3 Điều 3 Nghị quyết hướng dẫn "dâm ô là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hay gián tiếp vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục".

Như vậy, người từ đủ 18 tuổi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để thực hiện hành vi không giao cấu nhưng có tính chất như dâm ô đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thì có phạm tội hay không. Trong khi đó, các hành vi nêu trên thể hiện đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội, nếu không bị truy tố sẽ làm hạn chế hiệu quả đấu tranh chống mại dâm.

Ví dụ: A. (20 tuổi) quen biết B. (17 tuổi) qua mạng xã hội. A. hẹn B. vào nhà nghỉ, cho tiền B. để đóng học phí và yêu cầu B. cho A. sờ nắm ngực và mông. Vậy hành vi của A. có phạm tội không, phạm tội gì?

Khó khăn trong việc định tội danh

Thứ nhất, Điều 329 có quy định "… trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này…", nhưng trong các Điều 327, 328 BLHS lại không có quy định này trong cấu thành hành vi.

Thứ hai, Điều 328 BLHS quy định tội "Môi giới mại dâm" chỉ dừng lại ở việc quy định môi giới mại dâm cho người từ đủ 13 tuổi trở lên. Vậy hành vi môi giới mại dâm đối với người dưới 13 tuổi thì cấu thành tội phạm gì? Hiện nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này và vẫn còn tồn tại hai quan điểm trái chiều:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nên đề xuất hành vi môi giới mại dâm người dưới 13 tuổi vào cấu thành tăng nặng của điều luật. Bởi nó thể hiện tính nguy hiểm cao cho xã hội, xâm phạm đến đối tượng đang trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý bình thường của một con người.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Hiện nay, các hành vi giao cấu và quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi đều cấu thành "Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi" quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 BLHS. Cho nên, hành vi môi giới này phải cấu thành "Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi" với vai trò đồng phạm. 

Trường hợp người môi giới mại dâm biết rõ người mua, bán dâm bị bệnh truyền nhiễm khác với HIV, các bệnh này cũng là những căn bệnh nguy hiểm cao cho xã hội như: Lậu, Giang mai, Herpes sinh dục, Sùi mào gà, Viêm gan B… không thuộc trường hợp quy định tại Điều 149 BLHS thì có phạm tội hay không? Nếu có thì phạm tội gì? Trong khi đó, BLHS chỉ dừng lại ở quy định cho bệnh HIV.

Hiện nay, các đối tượng môi giới mại dâm lợi dụng Internet, mạng xã hội để lập ra các tài khoản, hội, nhóm kín có chứa thông tin người bán dâm để người mua dâm liên hệ, lựa chọn, hành vi này diễn ra tinh vi, rất khó phát hiện nhưng Luật vẫn chưa có quy định định khung tăng nặng nào cho hành vi trên.

Đề xuất, kiến nghị

Để áp dụng pháp luật một cách thống nhất và hiệu quả, tác giả đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:

- Một là, để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng BLHS, chúng ta cần hiểu: mua dâm là “hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”; bán dâm là “hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác”. Do đó, cần bổ sung hành vi quan hệ tình dục khác vào hành vi khách quan của tội phạm, nạn nhân của tội phạm có thể là người thuộc bất kỳ giới tính nào (nam, nữ, đồng tính, lưỡng tính hoặc chuyển giới)… Mở rộng hành vi khách quan (coi hành vi giao cấu và hành vi quan hệ tình dục khác là tương xứng) của các tội phạm này, thể hiện rõ hơn bản chất, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội;

- Hai là, bổ sung cụm từ "… trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này…" vào phần mô tả hành vi của các Điều 327, 328 BLHS để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, cụ thể:

Điều 327. Tội chứa mại dâm

1. Người nào cung cấp địa điểm, phương tiện để người khác trả hoặc nhận tiền thực hiện việc giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này, thì..."

Điều 328. Tội môi giới mại dâm

1. Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc trả tiền, lợi ích vật chất khác hoặc nhận tiền, lợi ích vật chất khác nhằm giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này thì...

- Ba là, thời gian tới, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về việc định tội danh trong các trường hợp chứa mại dâm, môi giới mại dâm người dưới 13 tuổi, hành vi có tính chất tình dục không giao cấu đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, để áp dụng thống nhất pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm;

- Bốn là, nên bổ sung quy định về việc lợi dụng Internet, mạng xã hội để phạm tội và hành vi cố ý làm lây lan bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho xã hội (không thuộc trường hợp quy định tại Điều 149 BLHS) vào trong cấu thành tăng nặng Điều 328 BLHS.

VÕ MINH TUẤN

Tòa án Quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Cần hoàn thiện quyền kháng cáo của người bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự